Additional Info
Thiền Sư Qui Dương Vô Liễu
Pháp tự đời thứ hai của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất
Thiền sư Vô Liễu núi Qui Dương Tuyền Châu, họ Thẫm, người Hoằng Đường Hồ Công huyện Bồ Điền. Năm Sư lên bảy, cha dẫn vào viện Bạch Trọng (thấy như ở nhà mình, nhân đó bỏ ái theo thầy. Năm 18 tuổi, xuống tóc thọ giới cụ túc ở chùa Linh Nham, liễu đạt Tổ thừa, liền trở về bổn viện. Phía bắc viện, cây bụi chằng chịt không có đường lộ. Ngày kia sư chống gậy vạch lùm bụi mà đi, gặp con rùa to, mắt có sáu con ngươi, nhưng chỉ một thoáng sau là biến mất. Sư bèn cất am trên ngọn núi đó, nhân đó mà có hiệu là Hòa thượng Qui Dương.
Ngày kia, có hổ đuổi con nai chạy vào am của sư. Sư lấy gậy ngăn hổ, giữ được mạng con nai.
Khi sắp thị hóa sư có bài kệ:
Bát thập niên lai biện tây đông
Như kim bất yếu bạch đầu ông
Phi trường, phi đoản, phi đại tiểu
Hoàn dữ chư nhân tánh tương đồng
Vô lai, vô khứ, kiêm vô trụ
Liễu khước bổn lai tự tánh không.
Tạm dịch:
Tám chục năm qua biện tây đông
Như nay chẳng thiết bạch đầu ông
Không dài, không ngắn, không lớn nhỏ
Cùng với mọi người tánh tương đồng
Không tới, không đi, cũng không trụ
Hiểu rõ xưa nay tự tánh không.
Đọc kệ xong, lặng im mà qua đời, chôn ở chính đường. Hai mươi năm sau bị lũ suối trên núi lấp chìm. Môn nhân phá tháp thấy toàn thân nổi trên nước. Mân Vương nghe việc, sai sứ khiêng về phủ đình cúng dường, bỗng mùi hôi thúi nồng nặc lan xa. Vương đốt hương vái: Sẽ đem về chỗ cũ ở Qui Dương lập tháp. Lời vái vừa xong, mùi thơm ngào ngạt xông lên, cả thành chiêm lễ. Bổn đạo tâu được thụy Chân Tịch Đại Sư, tháp hiệu Linh Giác. Sau đệ tử là Tuệ Trung gặp nạn sa thải Phật giáo, qua đời trong hình thái tục lữ, chôn ở phía đông cách tháp hai trăm bộ, gọi là Đông tháp. Ngày nay hai chân thân ở Qui Dương, dân chúng nương cậy như sự cảm hóa để lại của Tăng già. Tuệ Trung đắc pháp với Hòa thượng Thảo Am, như chương ấy tường thuật.
|