Additional Info
Cư Sĩ Bạch Cư Dị Ở Hàng Châu
Pháp tự đời thứ ba của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp Tự của Thiền Sư Như Mãn Chùa Phật Quang Lạc Kinh
Cư sĩ Bạch Cư Dị, thứ sử Hàng Châu đời Đường, tự Lạc Thiên, tham vấn lâu dài Phật Quang mà được tâm pháp, lại thêm thiên bẩm đại thừa kim cang bảo giới. Khoản niên hiệu Nguyên Hòa, cư sĩ đến pháp đường chùa Hưng Thiện Kinh Triệu nêu hỏi bốn lần.
Năm thứ mười lăm đời Nguyên Hòa làm châu mục Hàng châu, đến tham phỏng hòa thượng Điểu Khòa (Nhiều sách chép là Ô Khòa hay Ô Sào), có kệ tụng hỏi đáp. Từng biên thư đến pháp sư Tế, lấy đại tuệ vô thượng của Phật mà diễn xuất giáo lý. Há có căn cơ cao thấp mà ứng bịnh chẳng đồng, tương phản với thuyết một vị bình đẳng ru. Viện dẫn kinh Duy-ma và các kinh Kim Cang tam-muội sáu loại, mở ra hai nghĩa mà vấn nạn Tế. Lại lấy năm uẩn và mười hai nhân duyên, nói danh sắc trước sau không phân loại, lập lý mà trừng bỏ. Lại tìm sâu, kiếm ẩn, thông u, động vi, nhưng chưa thấy pháp sư Tế đối đáp lại. Về sau cũng hiếm có người đáp thay. Sau lại nhận đề mục Bát tiệm của thiền sư Ngưng ở Đông Đô, mỗi đề mục quảng diễn một chữ rộng ra thành một bài kệ, giải thích chỉ thú của Ngưng từ cạn tới sâu, như xâu ngọc vậy.
Phàm trải qua các nơi trấn nhậm đều tìm phỏng Tổ, Đạo, học vô thường sư. Sau làm tân khách, phân ty Đông đô, trút hết bổng lộc của mình, sửa sang chùa Hương Sơn ở Long Môn. Chùa sửa xong tự viết bài ký. Phàm viết văn, động quan giáo hóa, chưa từng không tán thưởng Phật thừa, thấy ở tập sách này. Những giai đoạn làm quan trải qua của cư sĩ, sử sách đều còn ghi chép vậy.
Bài đọc thêm: Tiểu sử ngắn gọn Bạch Cư Dị (772 - 846)
Ông là thi nhân đời Đường, tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, biệt hiệu Túy Ngâm tiên sinh, người Thiểm Tây, xuất thân Nho gia. Ông đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ mười bốn (798), làm Hàn Lâm học sĩ năm Nguyên Hòa thứ hai. Năm thứ chín làm Thái Tử Tả Tán Thiện Đại Phu. Do sáng tác hai thi phẩm Thưởng Hoa và Tân Tỉnh Thi miêu tả người đời sống xa hoa cùng thói nịnh nọt mà bị biếm làm Tư Mã Giang Châu. Sau lại thuyên chuyển làm Tư môn viên ngoại lang. Trong khoản niên hiệu Hội Xương làm thượng thư bộ hình. Sau khi qua đời được truy phong Thượng Thư Hữu Bộc Xạ.
Trước tác của ông để lại gồm có Bạch Thị Văn Tập 75 quyển, Bạch Thị Lục Thiếp Sự loại 30 quyển.
Họ Bạch trung niên qui Phật, thân gần các cao tăng, tùng thọ tịnh giới, tập Thiền pháp. Phong cách phụng Phật kiền thành cùng tư tưởng Phật giáo của ông thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông để lại.
Căn cứ vào bài Túy Ngâm Tiên Sinh mộ chí minh do ông tự soạn cuối đời, thì chí hạnh một đời của ông đại khái là: Bên ngoài lấy hạnh của Nho để tu thân, bên trong lấy Phật giáo để trị tâm, xung quanh lấy nước non, trăng gió, ngâm vịnh, đàn rượu để thỏa chí.
Ông từng có lời khen ngợi Phật như sau:
“Mười phương thế giới, trên trời đất, ta nay đều biết hết, đều chẳng bằng Phật, đường đường cao cả, thầy cả Trời người, cho nên ta lạy chân, tán thán qui y”.
Năm Thái Hòa thứ sáu (832) ông trùng tu chùa Hương Sơn ở Lạc Dương, lại cùng Thiền sư Như Mãn ở chùa Phật Quang kết xả hương hỏa để tu Phật, phát nguyện vãng sanh Tây Phương, không trễ nhác, để lo trọn cuối đời. Năm Hội Xương thứ sáu, ông qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.
|