Additional Info
Hòa thượng Chơn Tá–Ðạo Hóa–Tôn Bảo
眞 佐 道 化 尊 保 (1895–1974): Chùa Vu Lan
Hòa thượng lâm thế vào giờ Dần ngày 19 tháng 9 năm Ất Mùi (1895) tại làng Hương Quế, tổng Hương Phú, quận Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Phạm Nhữ Ngôn pháp danh Ấn Niệm và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trà. Hòa thượng được song thân đặt tên là Phạm Nhữ Hựu, theo gia phả thì Ngài thuộc dòng dõi của danh tướng Phạm Ngũ Lão thời Trần.
Sinh ra trong một gia đình có nề nếp Nho phong, lại thừa hưởng đức tính hiền hòa của phụ mẫu nên Ngài phúc hậu khác người.Vốn có căn duyên nhiều đời với cửa Phật nên từ thuở thiếu thời Ngài đã được song thân thuận cho xuất gia tu đạo.
Năm Nhâm Dần (1902), niên hiệu Thành Thái thứ 13, Ngài được Tăng Cang Từ Trí nhận làm đệ tử và nhập chúng tu học tại chùa Linh Ứng-Núi Ngũ Hành, tỉnh Quảng Nam. Lúc bấy giờ Hòa Thượng vừa lên 8 tuổi.
Bước chân vào chốn Thiền môn, Ngài cẫn mẫn trong việc công phu bái sám, chấp lao phục dịch, vận thủy ban sài. Với bản tính thuần hậu, khiêm nhường, nhẫn nhục nên Ngài được Hòa thượng Từ Trí thế độ khi vừa tròn 20 tuổi và cho thọ Sa Di giới vào năm Giáp Dần (1914) với pháp danh Chơn Tá, tự Đạo Hóa, nối pháp đời 40 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh.
Sau khi thọ Sa Di giới, Ngài tinh cần học luật, sớm hôm hầu Thầy, tùng chúng trong mọi công việc thiền môn. Vì lẽ đó, Ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ giới Cụ túc vào năm Bính Thìn (1916), năm nầy Ngài vừa tròn 22 tuổi.
Sau khi thọ Cụ túc, nhận thấy năng lực của Ngài nên chư sơn đã cung cử Ngài giữ chức vụ Tăng Mục tại chùa Tam Thai, núi Ngũ Hành Sơn.
Năm Tân Dậu (1921), Hòa thượng Bổn sư viên tịch nên Ngài cầu pháp với Hòa thượng Phước Trí và được Hòa thượng ban cho đạo hiệu Tôn Bảo.

Hòa thượng Tôn Bảo
Năm Giáp Tý (1924), Ngài được chư sơn cung cử chức vụ trụ trì chùa Vu Lan tại làng Hòa Thuận-Hòa Vang-Đà Nẵng sau khi Hòa thượng trụ trì Thích Hưng Long viên tịch. Từ đây, cuộc đời của Ngài gắn bó với ngôi chùa Vu Lan trong suốt hành trình 50 năm hoằng dương chánh pháp.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được cung thỉnh làm Đệ Tứ dẫn thỉnh sư tại Đại giới đàn chùa Từ Vân-Đà Nẵng do Hòa thượng Phước Trí làm Đàn đầu.
Vào các năm Đinh Mão và Mậu Thìn (1927-1928), với cương vị trụ trì chùa Vu Lan, Ngài đứng ra vận động xây dựng Tăng đường cũng như Tam Quan của chùa tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài được chư sơn cung thỉnh vào chức vụ Phó Trị Sự chư sơn tỉnh Quảng Nam kiêm Kiểm Tăng huyện Hòa Vang.
Năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại thứ 9, Ngài đứng ra xin triều đình ban sắc tứ cho chùa Vu Lan.
Năm Ất Hợi (1935), Ngài được cung thỉnh làm Đệ Ngũ Tôn Chứng tại giới đàn chùa Tịnh Quang-Quảng Trị.
Năm Ất Dậu (1945), Ngài là Hội trưởng Hội Phật học Đà Nẵng. Cũng trong thời gian này, Ngài đã chứng minh cho Đà Thành Phật Học Hội và bảo trợ trực tiếp cho Ban Biên Tập tạp chí Tam Bảo đặt tòa soạn tại chùa Vu Lan.
Khi Pháp tái chiếm Việt Nam và chiến tranh Pháp-Việt diễn ra, Ngài và Tăng chúng phải di tản khỏi chùa, mãi đến năm Đinh Hợi (1947) mới hồi cư. Từ đó, Ngài bắt tay vào việc trùng tu ngôi Tam Bảo đang bị xuống cấp sau một thời gian hoang phế. Đồng thời, Ngài chú nguyện đúc một Đại hồng chung, hiện vẫn cón lưu giữ tại chùa.
Từ năm Bính Thân đến năm Đinh Dậu (1956-1957), Ngài làm Trị sự Sơn môn Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng và chứng minh Đạo sư cho Giáo Hội Đà Nẵng.
Sau khi Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng được thành lập, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Trị Sự trưởng và Chứng minh Đạo sư Giáo Hội Đà Nẵng.
Năm Quý Mão (1963), Ngài là vị lãnh đạo tinh thần tối cao cho Tăng tín đồ thị xã Đà Nẵng trong công cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo cũng như chống chính sách độc tài gia đình trị của vương triều họ Ngô.
Năm Bính Ngọ (1966), lúc bấy giờ Ngài đã 71 tuổi nhưng Ngài vẫn sáng suốt, dõng mãnh lãnh đạo Tăng Ni Phật tử Đà Nẵng đấu tranh chống hiến chương Vũng Tàu, đòi tự do dân chủ, thiết lập chính quyền dân sự, đòi quốc hội lập hiến.
Năm Đinh Mùi (1967), Ngài được suy cử vào Hội Đồng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cũng trong năm này, ngôi chánh điện chùa Vu Lan được đại trùng tu. Để tán dương công đức to lớn này, Ban Đại Diện GHPGVNTN Đà Nẵng đã phụng cúng tấm hoành với 4 chữ “Chánh Biến Tri Hải” và Ban Đại Diện GHPGVNTN Quảng Nam cũng phụng cúng 4 chữ “Thiệu Long Tam Bảo”. Nhị vị Thượng tọa Thích Hương Sơn (Trụ trì chùa Linh Ứng) và Thích Trí Giác (Trụ trì chùa Tam Thai) cũng phụng cúng 2 câu đối với nội dung như sau:
“Tam Thai Linh Ứng Khai Thác Tố Công Thành Từ Trí Phước Quả Viên Bồi Vạn Cổ Trường Lưu La Hán Địa.
Trà Lãnh Vu Lan Trùng Doanh Cao Cảnh Ngưỡng Tín Tri Hưng Long Tôn Bảo Thiên Thu Vĩnh Trĩ Thích Ca Thiên”
Năm Kỷ Dậu (1969), ngôi nhà tăng chùa Vu Lan được Ngài sửa đổi theo lối kiến trúc mới. Đồng thời Ngài mua thêm đất để mở rộng già lam có nơi cho Tăng chúng tu học.
Năm Canh Tuất (1970), Ngài được cung thỉnh làm Đệ Nhất Tôn Chứng tại Đại giới đàn Vĩnh Gia do Đại lão Hòa thượng Giác Nhiên làm đàn đầu.
Vào các năm Giáp Dần, Quý Mão, Ất Tỵ, Đinh Mùi (1962, 1963, 1965, 1967), Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền giới Sa Di tổ chức tại chùa Long Tuyền-Quảng Nam.
Năm Tân Hợi (1971), GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam và Ban Giám Đốc Phật Học Viện Quảng Nam cung thỉnh Ngài làm Chứng minh đại đạo sư cho Học viện.
Năm Giáp Dần (1974), Ngài được cung thỉnh làm Đàn dầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Long Tuyền do Giáo Hội và Phật Học Viện Quảng nam tổ chức.
Trong suốt hành trình 60 năm hóa đạo, Ngài đã hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng “Thượng cầu hạ hóa”. Ngoài việc truyền giới, tiếp Tăng độ chúng duy trì mạng mạch của Tổ đức, Ngài còn chú trọng đến việc giáo dục thanh thiếu niên Phật tử. Vì thế, Ngài đã hoan hỷ đảm nhận làm Cố vấn Giáo Hội phường Hòa Thuận, Cố vấn giáo hạnh GĐPT Hòa Thuận, Cố vấn giáo hạnh chi đoàn thanh niên Phật tử Thiện Huệ. (tất cả đều đặt trụ sở tại chùa Vu Lan).
Vào ngày 27 tháng 10 năm Giáp Dần (10.12.1974) vào lúc 11 giờ 45 phút, Ngài đã xả báo an tường hưởng thọ 80 thế tuế với 60 mùa kiết hạ an cư. Nhục thân của Ngài được an trí trong bảo tháp tại khuôn viên chùa Vu Lan.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam Đà Nẵng, Ngài là một trong những bậc thiền Tăng mô phạm, làm điểm tựa cho Tăng chúng tu học. Trong lòng quần chúng Phật tử Đà Nẵng, Ngài là vị thầy lãnh đạo tinh thần luôn được mọi người kính mến về tài năng và phẩm hạnh. Đạo nghiệp của Ngài mãi tỏa sáng nới mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
|