Additional Info
Thiền Sư Chương Khước - Tông Tuyên - Giác Tánh
彰 卻 宗 宣 覺 性 (1830 - 1908): Chùa Thiên Ấn

Tổ sư Giác Tánh
Hòa thượng thế danh Lê La Xa (tên trong phú ý là La Văn Xa), sinh năm Canh Dần (1830), niên hiệu Minh Mạng thứ 11 tại làng Sung Tích, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở ấu thơ Ngài rất khó nuôi nên song thân cho làm con nuôi của Hòa thượng Bảo Ấn, được Hòa thượng đổi sang họ Trịnh nên còn có tên là Trịnh Quang Việt.
Lớn lên Ngài theo nghiệp bút nghiên và lập gia đình để báo hiếu song thân. Tuy nhiên đường quan lộ không thích hợp nên Ngài đã xin tổ Toàn Chiếu–Bảo Ấn xuất gia. Ngài được Bổn sư ban cho pháp danh Chương Khước, tự Tông Tuyên, hiệu Giác Tánh, nối pháp đời thứ 38 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh. Là người đệ tử xuất sắc của tổ Bảo Ấn nên Ngài được kế thừa trú trì Tổ đình Thiên Ấn vào năm 1866 sau khi Tổ viên tịch.
Từ khi kế thừa trú trì Tổ đình, Ngài ra sức tiếp Tăng độ chúng, chăm lo cho đời sống của chúng Tăng. Ngài chủ trương nông thiền theo tông chỉ tổ Bách Trượng: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, vì thế sự tu học của Tăng chúng ổn định và môn đồ theo về tu học ngày càng đông.
Vào ngày 13 tháng 4 Nhâm Ngọ (1882), Ngài khai Ðại giới đàn tại chùa Thiên Ấn để truyền giới cho chư Tăng tu học. Là một bậc phạm hạnh nơi chốn tòng lâm nên Tăng chúng khắp nơi kính ngưỡng. Không những người mà quỷ thần đôi lúc còn phải nể trọng uy đức của Ngài. Chuyện kể rằng có một buổi khuya Tăng chúng dậy đi công phu. Ðến chừng đi kinh hành thì thấy một bà bận toàn quần áo trắng, mang nón thúng quay tơ đứng trước cửa chánh điện. Tăng chúng hoảng sợ vào phương trượng báo Ngài. Ngài lên chánh điện gặp người đàn bà đó và nói: “Nếu bà có đến nghe kinh thì xin chớ hiện hình, vì Tăng chúng họ kinh sợ”. Ngài nói xong thì người đàn bà đó biến mất.
Lại có một đêm khi Ngài đang ngồi thiền có một vị xưng là thần cây đến xin được quy y nương náu cửa chùa vì 6 ngày sau sẽ chết. Ngài làm lễ quy y, ghi trong giới điệp là “Lãnh sơn mộc cộng chi thần, pháp danh Ấn Chứng”.
Tương truyền trước phương trượng Tổ đình Thiên Ấn có cái hồ bán nguyệt trong đó có trồng sen nhưng lâu năm không thấy trổ bông. Một hôm, trong hồ mọc hai cái bông nhưng một cái trổ và một cái không, nên chúng vào phương trượng thưa. Ngài dạy rằng: “Thế là bữa nay Thầy được vãng sanh, vì hoa khai kiến Phật! Còn bông nữa của ai đó chắc chưa được đồng sanh Cực lạc quốc! Thôi, các ông hộ niệm cho Thầy” . Nói xong, Ngài an nhiên thị tịch vào giờ Ngọ ngày mồng 1 tháng 3 năm Mậu Thân (1908), hưởng thọ 79 tuổi, với 42 năm phụng sự Tổ nghiệp.
Hòa thượng Giác Tánh là một Cao tăng nổi bậc của Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi nửa cuối thể kỷ 19. Bằng hạnh nguyện của mình, Ngài độ chúng tăng và phú pháp chữ “Hoằng” có đến gần cả trăm vị. Ngài được sơn môn Quảng Ngãi cung xưng danh hiệu Ðệ tứ Tổ sư.
|