Additional Info
Hòa thượng Như Ðiền - Giải Trà - Huệ Chấn
如 田 解 茶 慧 振 (1886 - 1955): Chùa Hưng Long

Hòa thượng Huệ Chấn
Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Trà, sinh ngày 22 tháng 2 năm Bính Tuất (1886) tại xã Ngân Hà, tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn (nay là thôn 1 xã Ðiện Nam, Ðiện Bàn). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thuận pháp danh Ấn Nghi và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thông pháp danh Chơn Liên.
Vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn (1904), tại ngôi Quốc tự Tam Thai, Ngài được Hòa thượng Chơn Ðỉnh–Phước Thông thế phát nhận làm đệ tử, ban cho pháp danh Như Ðiền, tự Giải Trà.
Sau 2 năm tu học, sự cần mẫn tinh tấn của Ngài khiến cho Bổn sư rất hài lòng. Vào ngày 19 tháng 4 năm Bính Ngọ (1906), Ngài được thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Sắc tứ Từ Quang tỉnh Phú Yên do tổ Chơn Tâm–Pháp Tạng làm Hòa thượng Ðàn đầu truyền giới.
Sau khi thọ Cụ túc giới về, Ngài càng tinh cần tu niệm nên được Bổn sư truyền trao Pháp quyển vào ngày mồng 9 tháng 4 năm Canh Tuất (1910) với đạo hiệu Huệ Chấn, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Cũng trong thời gian này, Ngài về tại quê nhà khai sơn chùa Phương Thảo. Vào những năm đầu thế kỷ XX, tại các tỉnh miền Trung nhất là Quảng Nam hưởng ứng phong trào Duy Tân rất mạnh. Sau khi phong trào này thất bại, giặc Pháp khủng bố đàn áp những người có liên can đến các nhà yêu nước Trần Cao Vân, Thái Phiên v.v... Ðặc biệt, giới Tăng sĩ Quảng Nam liên lụy rất nhiều bởi vì chí sĩ Trần Cao Vân có một thời ở chùa Cổ Lâm, Ðại Lộc, kết hợp cùng một số chư Tăng ở đây hoạt động phong trào yêu nước chống Pháp. Chính vì thế, trong giai đoạn này một số lượng lớn chư Tăng Quảng Nam phiêu bạt vào vùng đất mới phương Nam. Hòa thượng đã cùng với các pháp lữ Thích Ðạo Thanh, Thích Ðương Nhật v.v... vào Nam hành đạo. Ban đầu, các Ngài ngụ tại chùa Văn Thánh tại Thị Nghè, về sau lại tùy duyên hóa đạo. Hòa thượng Ðạo Thanh khai sơn chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận; Hòa thượng Ðương Nhật khai sơn chùa Khánh Lâm, Hóc Môn; còn Hòa thượng Huệ Chấn được Hội Di Ðà tín nhiệm cung thỉnh về trú trì chùa Sắc tứ Quốc Ân và chùa Hưng Long, quận 10.
Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được sơn môn Quảng Nam cung thỉnh làm Chánh thư ký giới đàn Từ Vân, một trong những giới đàn lịch sử của Phật giáo Quảng Nam.
Năm Kỷ Mão (1939), Ngài tổ chức Ðại trai đàn chẩn tế để cầu nguyện cho các chiến sĩ trận vong sớm được siêu thoát. Với những công đức như vậy, Ngài được Bộ lễ Nam triều sắc phong Tăng cang.
Năm Canh Thìn (1940), Ngài khai mở trường Hương tại chùa Hưng Long, Sài–gòn để sách tấn chư Tăng tu học. Sau khi trường Hương kết thúc, Ngài tiếp tục mở Ðại giới đàn, cung thỉnh Hòa thượng Thích Phước Nhàn, trú trì chùa Linh Sơn Diên Thọ tỉnh Bình Thuận làm Ðàn đầu Hòa thượng.
Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Mão (25/2/1951), Hội Phật học Nam Việt được thành lập tại chùa Khánh Hưng, Hòa thượng được cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh đạo sư của Hội.
Nhận thấy chùa Sắc tứ Quốc Ân và Hưng Long đã có phần xuống cấp nên Hòa thượng phát nguyện trùng tu. Sau một thời gian ngắn, công việc đã được hoàn tất và lễ lạc thành chùa Sắc tứ Quốc Ân, Hưng Long, Hưng Hiển và Kỷ niệm Ðài đã được long trọng tổ chức vào các ngày mồng 6, 7, 8 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1954).
Vào ngày mồng 2 tháng 10 năm Ất Mùi (1955), Hòa thượng thị tịch tại chùa Hưng Long, thọ thế 70 tuổi. Tháp mộ của Ngài được lập tại chùa Khánh Lâm, Hóc Môn, Sài–gòn.
Những năm đầu của thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Huệ Chấn là một trong những vị tiền bối của Phật giáo Quảng Nam đi tiên phong vào hành đạo tại Sài–gòn, Gia Ðịnh. Là một người tu sĩ được đào tạo căn bản tại ngôi Tổ đình Tam Thai nên Hòa thượng sớm trở thành một trong những vị Tăng uy tín của Phật giáo Gia Ðịnh thời bấy giờ. Vì thế, trong các trường Hương, trường Kỳ cũng như các giới đàn đều cung thỉnh Ngài vào các chức vị quan trọng. Với đức độ và uy tín của mình, Ngài đã kiến tạo chùa Hưng Long thành một ngôi phạm vũ trang nghiêm và cũng là Tổ đình của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại miền nam Việt Nam.
|