Additional Info
Thiền Sư Tế Nhơn Hữu Bùi (? - 1753)
Chùa Báo Quốc - Huế

Hàm Long thảo am do Tổ Giác Phong húy Pháp Hàm, đời thứ 31 thuộc Thiền phái Tào Động khai sơn. Tổ Liễu Quán đã hành điệu, học với Tổ Giác Phong trong 10 năm tại đây. Tổ Giác Phong viên tịch vào năm 1714. Mãi đến 33 năm sau, mới được chúa Nguyễn Phúc Khóat (1738-1765) cho trùng tu lần thứ nhất và ban biển hiệu “Sắc tứ Báo Quốc Tự”, chúa ký là “Từ Tế Đạo Nhân ngự đề” vào năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747). Chùa lạc thành, chúa Nguyễn Phúc Khóat đã cung thỉnh Tổ Tế Nhơn Hữu Bùi từ Tổ đình Thuyền Tôn ra làm Trú trì. Tổ họ Bùi; không rõ nguyên quán và các niên đại sinh, xuất gia; thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36, nhưng lại là đệ nhị Tổ của Pháp phái Tử Dung - Liễu Quán khởi sự phát triển là vào năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) khi Tổ Tế Nhơn Hữu Bùi đã phú Pháp cho đệ tử là Đại sư Đại Triệt với bài kệ:
法 付 本 繼 宗
諸 相 總 是 空
法 法 亦 非 法
萬 法 在 其 中
Phiên âm:
Pháp phú bổn kế tông,
Chư tướng tổng thị không,
Pháp Pháp diệc phi Pháp,
Vạn Pháp tại kỳ trung.
Tạm dịch:
Trao pháp vốn nối tông
Các tướng thảy đều không
Các pháp và phi pháp
Muôn pháp ở bên trong.
Ngoài ra Tổ còn nhiều vị đệ tử khác như Đại sư Đại Trí hiệu Quảng Thông; Đại sư Đại Quang hiệu Huệ Chiếu, Đại sư Đại Nguyệt hiệu Linh Chiếu.
Tổ Tế Nhơn viên tịch năm Quý Dậu, Cảnh Hưng thứ 14 (1753) vào ngày 11 tháng chạp; thụy là Viên Giác. Vào năm 1917, J.A. Laborde đến nghiên cứu để viết về chùa Báo Quốc, còn thấy tại sân chùa hiện nay có 19 ngôi tháp, mà ngôi tháp Tổ Tế Nhơn lại rất uy nghiêm. Tháp có 6 tầng, cao đến 4m 70. J.A. Laborde không chép lại câu văn bia tháp bằng chữ Hán , mà chỉ nói là tháp của Hòa thượng Bùi Công húy Viên Giác, Ngài đã lo việc trùng hưng chùa Báo Quốc. Nhưng L. Cadière đã có chép câu văn ở bia tháp Ngài như sau: “Cảnh Hưng thập tứ, tuế thứ Quý Dậu lục nguyệt cát đán lập. - Sắc tứ trùng hưng Báo Quốc Tự Phỉ công, thụy Viên Giác Lão Hòa thượng chi tháp. - Tự Pháp môn nhân cập trĩ đồ đồng tự”. J.A. Laborde cho biết Tự phổ chùa Báo Quốc viết tên ngài là Hữu Phỉ. L. Cadière ngờ rằng người ta ghi và đọc sai từ đầu; ông cho rằng Ngài chính là Hữu Bùi và Bùi Công mới hợp lý. Bởi trong chữ Hán, hai chữ Phi và Bùi viết gần tương tự, cho nên người ta có thể đọc và ghi lầm ! Giới thuyết của L. Cadière có thể chấp nhận được. Vì chính ngài Hữu Bùi được xem là vị Tổ đã trùng hưng chùa Báo Quốc mà chúa Nguyễn Phúc Khóat là người ngoại hộ; bởi đó mà tháp Ngài mới được xây cao lớn và uy nghiêm nhất trong số 19 tháp ở vườn chùa Báo Quốc xưa. J.A. Laborde chỉ nói tháp được xây dựng bởi chư Tăng và môn đệ của Tổ, vào năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753) .
Đại sư Đại Trí Quảng Thông cũng có tháp ở Báo Quốc. Tháp ngài Đại Trí cao khoảng 2m, trên nền tháp hình bát giác, cạnh đo được 0m.45. Văn bia tháp khắc: “Lâm Tế chánh tông, tam thập thất đại, thượng Quảng hạ Thông húy Đại Trí lão công Hòa thượng chi tháp”. Nhưng ông Laborde đọc sai “Đại Trí” ra "Thái Chí" hiệu Quảng Thông, Lâm Tế đời thứ 37.
Pháp phái của Tổ Tế Nhơn Hữu Bùi về sau truyền vào Phú Yên, có lẽ từ đời thứ 37 do Đại sư Đại Nguyệt Linh Chiếu hoằng giáo, và phát triển rực rỡ. Đến đời thứ 39, Ngài Tánh Thông Giác Ngộ - thuộc đời vua Minh Mạng - là một Đại sư nổi danh, chỉ ăn cây lá, mặc áo vỏ cây; Ngài được vua Minh Mạng, và vua Thiệu Trị triệu về Huế để giảng Pháp; đến đời thứ 40 lại có Ngài Hải Lâm Bảo Kế trở lại trú trì chùa Từ Lâm, nơi Tổ Liễu Quán đã thọ Tỳ-kheo giới ngày xưa; long vị của Ngài còn tại chùa Từ Lâm hiện nay. Các Pháp lữ của Ngài Hải Lâm Bảo Kế mở địa vực hoằng hóa Thiền Lâm Tế Tử Dung-Liễu Quán ra rất rộng trong các tỉnh miền Nam, kể từ Phú Yên vô tới Phan Rang, Phan Rí, Đồng Nai, Bà Rịa, Biên Hòa. Vừa khai sơn, vừa trùng tu, các Đại sư trong Pháp phái đã xây dựng hàng chục ngôi chùa ở các tỉnh trên, làm cho Thiền Lâm Tế Tử Dung - Liễu Quán long thịnh ở miền Nam.
|