Additional Info
Thiền Sư Đại Bảo Kim Cang
Tổ Đình Linh Sơn
Tổ Đại Bửu, còn được gọi là Kim Cang đại lão Tổ sư. Ngài nối dòng Lâm Tế đời thứ 37, thuộc thế hệ thứ 3 thiền phái Liễu Quán. Theo Bi ký và Lược sử Tổ đình Linh Sơn: Tổ nguyên quán Quảng Nam băng ngàn vào Hiền Lương hoằng pháp. Năm Cảnh Hưng thứ 22, tức năm 1761 Dương Lịch mới lập Chùa đúc chuông, gây cơ sở vững chắc. Tổ ĐẠI BẢO, Pháp hiệu KIM CƯƠNG, đắc đạo dưới gốc cây đại thụ (cây kén), nối truyền mối đạo của đức Thế Tôn, đại phá ma quân; Tổ là bậc Thánh Tăng đã dựng lên ngôi đạo tràng này để phụng sự Tam Bảo, làm chốn hoằng Pháp độ sinh, và cũng để trấn áp yêu khí từ biển Đông… Tổ là cao đồ của thiền sư Tế Nhân Hữu Bùi đương thời trú trì chùa Báo Quốc (Huế) và viên tịch vào ngày 11 tháng Chạp năm Quý Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753), thụy là Viên Giác. Nhà sử học Nguyễn Đình Chúc trong cuốn Lịch Sử Chùa Chư Tôn Phú Yên Trong và Ngoài tỉnh thì cho rằng ngài là đệ tử của thiền sư Tế Căn Từ Chiếu khai sơn chùa Kim Cang và chùa Hồ Sơn (Phú Yên); theo tư liệu kỷ yếu 300 chùa Hội Phước Nha Trang thì Tổ Đại Bửu là đệ tử của Tổ Tế Hiển Bửu Dương, vị tổ khai sang tổ đình Thiên Bửu Thượng, nhưng tất cả chưa đưa ra được sử liệu đối chiếu.
Ban sơ, Tổ dựng một thảo am nhỏ, hằng ngày thiền định dưới gốc cây đại thụ (cây Kén). Trong tác phẩm xứ Trầm Hương nhà văn Quách Tấn cho rằng: “Lúc ngài Đại Bửu đến tu thì cây kén đã là một đại thọ. Khi phá rừng dựng chùa, các đệ tử giữ cây kén lại làm kỷ niệm. Truyền rằng: Khi hòa thượng ngồi tu dưới gốc cây, thì một con hổ đến sanh nở bên cạnh một cách tự nhiên. Hòa thượng cũng ngồi tu một cách tự nhiên”.
Sự kiện Tổ ngồi tu dưới cội đại thụ (cây Kén) mà hổ vẫn sinh con một cách tự nhiên, nhà văn cho rằng sự việc hi hữu này cũng là việc thường tình, không chỉ nhà tu hành làm được mà một người bình thường chỉ cần am hiểu về động vật cũng có thể làm được như thế: “ Bác sĩ Yersin, khi đi tìm Đà Lạt, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ. Bác sĩ đứng yên. Hồi lâu rắn bỏ chạy. Người ta ngờ rằng Bác sỹ có thuật thôi miên. Nhưng bác sĩ cho biết : Thú dữ cắn người, trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không có ý làm hại chúng, thì chúng có cần hại mình làm chi. Trường hợp của ngài Đại Bửu cũng thế, từ thiện căn lực của ngài tỏa ra khi thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình”.
Thật quả như vậy, năng lượng từ bi, bình đẳng của ngài như một làn gió mát làm cho không những con người mà cả những loài động vật đến gần cũng đều cảm thấy được năng lượng sự bình an.
Về niên đại tổ sư Đại Bửu vào Hiền Lương hoằng pháp rất nhiều mốc nhưng dấu mốc đáng lưu tâm nhất là từ sau năm 1747 khi bổn sư của ngài là thiền sư Tế Nhơn Hữu Bùi được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cung thỉnh rời Thiền Tôn về Báo Quốc trú trì. Hoặc mốc từ 1753, mốc bổn sư ngài viên tịch và phú chúc cho ngài Tế Ân Lưu Quang trú trì.
Sau thời gian dài tĩnh tu, được sự mến mộ cũng như thỉnh cầu của đông đảo quần chúng xa gần, ngài cảm thấy nhân duyên xoay chuyển bánh xe pháp đã đến, liền mở đất lập chùa lấy tên là Sa Long. Để thuận tiện cho việc tu tập trong tự môn cũng như làm phương tiện tiếp tăng độ chúng về sau, năm Cảnh Hưng thứ 22 (năm 1761) thời hậu Lê, nhờ sự hảo tâm hỷ cúng của thiện cùng tín nam nữ Phật tử, chùa đã chú tạo một quả hồng chung (đến nay vẫn còn và được thiết trí trang nghiêm tại Tăng đường) cùng một số kinh tượng pháp khí khác.
Hóa duyên đã mãn, ngày Mồng một tháng Giêng năm Ất Dậu (1765), Tổ an nhiên thiền định xả bỏ báo thân “nhẹ gót quy Tây”. Bảo tháp của Tổ được tồn tại với thời gian trên 250 năm bên bờ sông Hiền Lương, cách khuôn viên chùa hiện nay hơn 300m về hướng Đông.
Trước sự phong hóa của thời gian, ngôi cổ tháp của tổ khai sơn ngày một xuống cấp, hư hại nghiêm trọng và đã nằm lẫn trong vườn nhà dân. Ngày mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (01/02/2012), tứ chúng Tổ đình Linh Sơn trang nghiêm tổ chức lễ cung nghinh xá-lợi của Tổ từ nơi tháp cổ về nhập bảo tháp trong vườn Bảo tháp chư tổ sư tại tổ đình. Tuy đã viên tịch gần 300 năm nhưng hy hữu thay xá-lợi cốt kim thân của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Đây quả thật là một điều quý báu vô cùng đối với hậu thế và nhất là đối với các thế hệ kế thừa “tổ ấn” của Tổ đình Linh Sơn.
---o0o---
Quả hồng chung của chùa Sa Long (hay chùa Linh Sơn) ở thôn Hiền Lương, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Sa Long do Thiền sư Đại Bửu, pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ sư, khai sơn vào năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761). Đến triều Tự Đức 21 (1867), chùa Sa Long bị phát hỏa, sau khi xây cất lại, chùa lại đổi tên là chùa Linh Sơn.
Một hôm, có một bà lão đi mò ốc bất ngờ thấy chuông lớn tại cửa sông Hiền Lương. Bà sợ quá liền tri hô lên. Cửa sông Hiền Lương nằm giữa hai thôn Hiền Lương và Tân Đức nên dân ở hai thôn đó tranh nhau hồng chung đó. Việc thơa kiện đến cửa quan, quan xử làng nào có chùa thì chuông về làng ấy. Như thế là hồng chung trở về chùa Linh Phong thuộc thôn Hiền Lương.
Trên hồng chung có ghi rõ năm chú tạo là: “Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt”, tức tháng 8 năm Tân Tỵ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (1761), tức năm Thiền sư Đại Bửu khai sơn chùa Sa Long. Quả là “châu về hợp phố”.
Quả chuông tìm lại được chỉ thuộc loại tiểu hồng chung. Chùa Linh Phong còn một đại hồng chung nữa, không biết còn vùi lắp nơi nào hay đã bị tịch thu đúc tiền, đúc súng đạn.
Quách Tấn viết trong sách Xứ trầm hương (tr. 263-264) như sau: “Nguyên Thời nhà Nguyễn cùng nhàTây Sơn tranh hùng, các chuông chùa đều bị tịch thu để đúc súng đạn. Đem chuông đúc súng đạn thật chẳng khác bắt các vị tu hành tòng chinh. Để cho chuông khỏi “phạm giới sát sinh”, nhiều chùa ở Khánh Hòa đem giấu nơi vực sâu hố thẳm. Nhưng đến khi yên giặc giã, thì phần nhiều không còn, bởi lớp bị kẻ gian phi lấy trộm, lớp bị nước lụt cuốn trôi đi”(...).
Quả chuông tìm lại được đó là quả chuông thuộc hạng tiểu hồng chung, chùa còn một đại hồng chung không biết còn vùi lấp nơi đâu hay đã hóa kiếp.
Những đêm trời trong gió lặng, người quanh vùng (thôn Hiền Lương) thỉnh thoảng nghe tiếng chuông ngân nơi hồ sen trước chùa, nhiều người tin chắc rằng quả đại hồng chung còn ẩn náu trong hồ, và sẽ trở về với chùa một ngày nào đó”.
Đại hồng chung ở chùa Thanh Lương, thôn Nhỉ Sự, xã Ninh Thân, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa: Để tránh nạn dùng chuông đúc súng, chùa Thanh Lương cũng như phần nhiều chùa khác, đem đại hồng chung giấu nơi Bàu Bơi (xã Ninh Thân), nhưng rồi tìm không thấy.
Sau người làng đi câu cá, thình lình thấy một đại hồng chung tự nhiên nổi lên chìm xuống ở Bàu Bơi. Người dân địa phương lặn xuống xem thì thấy đại hồng chung úp sấp trên cát. Xúm nhau kéo lên, kéo hết hơi hết sức vẫn không di chuyển chút nào. Sau đó dân làng thắp hương cầu nguyện, thì chuông được kéo lên nhẹ nhàng và khiêng về chùa một cách dễ dàng.
Trên đại hồng chung có ghi rõ ngày chú tạo là ngày Phật Đản, tức mùng 8 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ tám (1747). Hòa thượng chứng minh chú tạo là Thiền sư Tế Hiển, chùa Thiên Bửu.
|