Additional Info
Cư Sĩ Thanh Phước Điềm Tịnh (1836 - 1899)
Pháp danh : Thanh Phước
Cư sĩ tên thật là Trần Viết Thọ, quán xã Thâm Triều tổng Bích La huyện Thuận Xương phủ Triệu Phong - Quảng Trị. Sinh năm Minh Mạng thứ 17, Bính Thân (1836). Ông vốn là một nhà Nho khoa bảng, có tự là Sơn Phủ, hiệu là Điềm Tịnh Cư sĩ. Ông thi đậu Phó bảng vào năm Tự Đức thứ 24, Tân Mùi (1871), ông đã xuất chinh, trải qua các chức Tri Huyện, Tri Phủ.
Năm Tự Đức thứ 30 (1877), ông làm Chủ sự Bộ Lại, sung Cơ Mật Viện Hành tẩu. Tính tình cương trực, ít làm phiền nhiễu người xung quanh. Sau đó mắc bịnh xin nghỉ, rồi vì việc nước đa đoan, ông không ra nữa.
Năm Đồng Khánh nguyên niên (1885), ông được tái bổ Thị giảng học sĩ, lãnh Án Sát sứ tỉnh Quảng Nam, kiêm lãnh chức Đốc Học tỉnh ấy. Ông lấy hai chữ "tiết tháo" làm nghĩa thứ nhất để dạy người, học giả đều tôn làm thầy.
Năm Thành Thái thứ 5, Quý Tỵ (1893), ông được 59 tuổi, lấy cớ tuổi già xin về hưu trí. Tỉnh thần không cho, ông bèn treo ấn từ quan.
Năm Thành Thái thứ 7, Ất Mùi (1895), ông lên chùa Từ Hiếu xin quy y đầu Phật với Hòa thượng Cương Kỷ. Hòa thượng ban cho ông Pháp danh là Thanh Phước, tự là Chu Toàn, từ đó ông không nói đến việc thế gian nữa. Hằng ngày, ông về chùa Diệu Đế, cùng với Ngài Tăng Cang Tâm Truyền Đại sư đàm đạo Phật lý rất là tâm đắc. Lúc này Điềm Tịnh Cư sĩ đã cùng với Hòa thượng Tăng Cang chùa Diệu Đế soạn quyển Báo Quốc sự lục, cùng các trước tác khác và đặt tên sách là Hàm Long sơn chí ; lúc ấy làm được 2 cuốn.
Năm Thành Thái thứ 9, Đinh Dậu (1897), ông trở về Quảng Trị đổi chỗ ở làm am gọi là Am Cổ Tiên. Trong am thờ phụng cả Tam giáo, hai bên tả hữu thờ tiên tổ; hàng ngày ngồi tu luyện, chuyên trì chú Đại Bi và niệm chuỗi mỗi ngày hơn mấy chục chuỗi, ăn các thứ hoa quả để độ nhật, không ăn cơm gạo. Sau lại dựng thêm một cái lều nhỏ ở cạnh am. Một hôm, không bệnh tật gì, ông gọi người nhà lại bảo: "Xuất gia quy y Phật là để hiểu cuộc sinh tử, ta nay đã thuộc về đức Phật, đợi ngày tốt, ta tự thiêu hóa thân ta để cúng dường chư Phật, nhớ lấy lời ta". Mọi người khóc lóc, nhưng ông không động tâm. Đêm hôm sau, vào đúng nửa đêm, ông châm lửa đốt căn lều nhỏ ông đang ở phía đông am Cổ Tiên. Tay cầm hương, tay cầm cuốn kinh Phật, miệng luôn luôn tụng kinh, ông ngồi theo kiểu Liên hoa tọa ở giữa đống than hồng và lửa cháy. Lửa bén lên tay áo, lan lên tới mũ. Vẫn chấp tay tĩnh tọa trong lửa. Về sau, người ta xem cuốn Gia phả thấy ông đã ghi trong đó: "Thành Thái năm thứ 11, Kỷ Hợi (1899), tháng 2, ngày mồng 10, giờ Tý ta tự hóa thân tại phía Đông am này. Bật Hương và Lã Phẩm ... thu hài cốt ta đem táng ở sinh phần thật là tốt đẹp". Đến ngày 13, tin vào đến Kinh đô, Chư sơn tự Tăng cho là cư sĩ đã vãng sanh đến bậc Thượng phẩm thượng sanh. Đến ngày 22 đích thân ngài Tăng Cang Tâm Truyền, ngài Tôn chứng và đại sư Huệ Minh cùng với Tăng Ni có vài chục vị đích thân ra đến Quảng Trị, mở đại trai đàn tụng Kinh sám nguyện chẩn tế, phóng sanh đăng đầy đủ nghi lễ một tuần.
Ngài Tăng Cang chùa Diệu Đế (Tâm Truyền) đã nói: “Theo tôi được thấy, đây là trường hợp khó có, là việc khó làm chuyển chuyện khóc thành chuyện cười, trừ tai ương thành an lành như tâm nguyện của ông trong bài kệ:
我 家 素 儒 業
半 世 始 入 禪
悟 道 尋 真 趣
忘 機 要 解 詮
心 香 千 里 遠
口 禍 一 身 纏
憂 患 如 常 日
清 虛 自 在 天
堂 中 師 十 聖
座 上 祖 三 賢
法 法 原 來 妙
本 菴 號 古 先
Phiên âm:
Ngã gia tố Nho nghiệp,
Bán thế dĩ nhập thiền.
Ngộ đạo tầm chơn thú,
Vong cơ yếu giải thuyên.
Tâm hương thiên lý viễn,
Khẩu hoạ nhất thân triền.
Ưu hoạn như thường nhật,
Thanh hư tự tại thiên.
Đường trung sư thập thánh;
Tồ thượng tổ tam hiền.
Pháp pháp nguyên lai diệu,
Bổn am hiệu Cổ Tiên.
Tạm dịch:
Nhà tôi vốn Nho nghiệp,
Nửa đời nhập cửa thiền.
Ngộ đạo tìm chơn lý,
Mong được giải thốt riêng.
Hương tâm xa trăm dặm,
Thân khẩu buộc não phiền
Tai hoạ bao ngày tháng,
Trời Tự tại xuất triền.
Trong nhà thầy cùng thánh
Trên tồ toạ Thánh hiền.
Pháp pháp vốn vi diệu,
Am này gọi Cổ Tiên.
Các vị đại thần trong Đế kinh như Cúc Khê Trương Quang Đán, Hà Đình Nguyễn Thuật, Long Cương Cao Xuân Dục và Thai Xuyên Hoàng Cao Khải... đều có đi điếu viếng và làm thơ văn - Thai Xuyên lấy chuyện của ông ra đề cho sĩ tử làm phú.
Ngoài các sách nói trên, Điềm Tịnh Cư sĩ còn soạn sách Thiền Môn Tùng Thuyết 2 tập, Cổ Tiên Am Nghĩa Chú 1 quyển.
Khi qua đời ông hưởng thọ 64 tuổi, mộ phần của ông được tán như một bửu châu của một vị cư sĩ ở gần am Cổ Tiên tỉnh Quảng Trị.
|