HT Tâm Hương Mật Hiển

Personal Information

Danh Tánh
HT Tâm Hương Mật Hiển - Ðời Thứ 43 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 9 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Hòa Thượng Tâm Hương Mật Hiển (1907 - 1992)
Chùa Trúc Lâm

Đại lão Hòa thượng Mật Hiển, pháp danh Tâm Hương, thế danh Nguyễn Duy Quảng, đời thứ 43 dòng thiền Lâm Tế.
Ngài sinh ngày 04-02-1907 (tức năm Đinh Mùi) tại làng Dạ Lê Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình thuần tín Phật giáo. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Duy Bút, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tang.
Hòa thượng vốn có túc duyên, nên Phật chủng sớm nẩy mầm. Năm lên 7 Ngài đã rời mái ấm gia đình, được song thân cho phép bỏ vọng tầm chơn, xuất gia học đạo với Hòa thượng Giác Tiên, Tổ khai sơn chùa Trúc Lâm - Huế. Trong suốt 7 năm hầu thầy học đạo khi còn là chú tiểu, Ngài đã có đạo phong cốt cách, tâm chí chân trực là bản chất của Ngài, bởi vậy nên đạo lý “Như thật” sớm thấm nhuần trong nếp sống của Ngài.
Năm 1921, lúc Ngài 14 tuổi, trước sự mến mộ của vị Hoàng cả (tức vua Khải Định) và được Hòa thượng Bổn sư cho phép nên Ngài được theo học cùng lớp với các vương tôn cung tử tại nội phủ Hoàng Gia, được sống trong cảnh cao sang, Ngài vẫn không tham đắm. Ngược lại, càng làm cho Ngài thêm thiết tha với nếp sống an bần lục đạo của chốn thiền môn nhàn tịnh, sau một năm Ngài đã khẩn khoản xin trở về chùa.
Năm 1922 chốn không môn chuyên tâm học đạo, đèn tuệ đã mở bày, cõi tâm đã rỗng lặng, Ngài đã được Bổn sư trao truyền Sa-di thập giới.
Năm 1927 Trường Phật học tại chùa Thập Tháp Bình Định khai giảng, do Tổ Phước Huệ vị Cao Tăng lúc bấy giờ làm Giáo thọ, Ngài cùng chư pháp lữ ở Huế vào đây tham học, trong khóa này Ngài rất tâm đắc về Mật giáo.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học Trung Việt thành lập, Tổ Phước Huệ được cung thỉnh ra Huế làm Giáo thọ cho Đại học Phật giáo tại Phật học đường Tây Thiên do Ngài Giác Nhiên làm Giám đốc. Tham học lớp này Ngài là một học Tăng được Ngài Giáo thọ chiếu cố ngợi khen.
Năm 1935 Ngài là Thủ Sa-di tại Giới đàn chùa Phúc Lâm tỉnh Bình Định do Tổ Phước Huệ làm Đàn đầu. Sau thời gian thọ Đại giới, Ngài đã được Bổn sư phú pháp qua bài kệ:
心 香 世 界 熏
隨 處 結 祥 雲
付 汝 心 香 性
渠 今 正 是 君。
Phiên âm:
Tâm hương thế giới huân
Tùy xứ kết tường vân
Phú nhữ tâm hương tánh,
Cừ kim chánh thị quán.
Tạm dịch:
Tâm hương pháp giới xông
Chốn chốn kết Tường vân
Cho tâm hương rộng tỏa
Đích thị chính là ông.
Năm 1937, Ngài đã được đức Từ Cung mời về An Định giảng dạy Phật học cho những vị trong Hoàng tộc mến mộ Phật pháp.
Năm 1938 Ngài đảm trách Trú trì chùa Trúc Lâm thay cho Sư huynh Mật Tín già bệnh.
Năm sau đó (1939), Sơn môn và Bộ Lễ cung cử Ngài chức vụ Trú trì Thánh Duyên Quốc Tự tại núi Thúy Vân, thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
Năm 1940-1941, Ngài đã chuyên trì Mật giáo, và đã có nhiều thành quả, góp phần không nhỏ vào việc độ sanh của Ngài.
Đầu năm 1947 sau khi Hòa thượng Phúc Hậu, Trú trì Tổ đình Báo Quốc viên tịch, Giáo hội Tăng Già Thừa Thiên đã thành lập Ban Quản trị chùa gồm ba vị là Hòa thượng Châu Lâm, Hòa thượng Trí Thủ và Ngài, trong đó Hòa thượng Trí Thủ trực tiếp trông coi.
Trên bước đường hoằng dương Chánh pháp, năm 1949 Ngài đã vào Sa Đéc, suốt hai năm Ngài tận tụy ân cần trao truyền Phật Pháp căn bản cho Tăng Ni tỉnh đó.
Những trọng nhiệm Giáo hội giao phó, Ngài đã lần lượt đảm trách:
Năm 1953, làm Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già Trung Việt,
Năm 1956 dự Đại lễ Phật đản tại Đông Hoài, trong dịp này Ngài đã chiêm bái các Thánh tích tại Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao (Lào) và Cao Mên (Campuchia).
Năm 1958, Ngài cùng với các ngài Thiện Hoa, Thiện Minh, Tâm Châu, đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới tại Nhật Bản.
Thời kỳ Pháp nạn 1963, Ngài là Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản năm ấy, và chính tại ngày lễ này đã khởi động phong trào chống chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Năm 1964, Ngài tham dự đoàn Đại biểu Phật giáo Thừa Thiên Huế vào dự Đại hội Thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.
Năm 1965, Ngài làm Đệ tứ Tôn chứng Đại giới đàn Vạn Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu - Huế.
Năm 1976, Ngài là Giáo sư cho lớp Chuyên khoa Phật học 1 Liễu Quán do ngài Thích Mật Nguyện tổ chức tại chùa Linh Quang, Huế.
Năm 1968 Ngài được Viện Tăng thống GHPGVNTN suy cử lên ngôi Hòa thượng cùng lúc với Ngài Trí Thủ và Thiện Hòa. Năm này Ngài làm Đệ ngũ Tôn chứng tại Giới đàn Hải Đức, Nha Trang. Trước sự phát triển của các Phật học viện, Ngài cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Thiện Hòa thành lập Ban bảo trợ các Phật học viện, nhằm đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Ngài luôn quan niệm: Tăng đoàn là giềng mối của Giáo hội và nhiệm vụ chăm lo Tăng sự là việc chính yếu của đời mình.
Năm 1972, sau khi pháp đệ của Ngài là Hòa thượng Mật Nguyện viên tịch, Ngài kiêm giữ chức Trú trì chùa Linh Quang, một cơ sở trọng yếu của Giáo hội.
Năm 1973 Ngài được mời vào Hội đồng Giáo phẩm Viện Tăng Thống GHPGVNTN.
Sau ngày đất nước thống nhất, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên đã mời Hòa thượng tham gia vào Mặt trận và Hội đồng Nhân dân. Vì sự nghiệp đoàn kết, Ngài đã làm đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh, Phó Chủ tịch UB MTTQ VN Tỉnh và Ủy viên MTTQ VN.
Tại Tổ đình Báo Quốc, các giới đàn lần lượt được tổ chức và Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ, Yết ma và Đàn đầu Hòa thượng.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, trong Đại hội Phật giáo kỳ I đã suy cử Ngài lên ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng Minh TW GHPGVN.
Năm 1984, những biến cố dồn dập cho GHPGVN, Hòa thượng Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự TW GHPGVN thị tịch, và kế tiếp là Hòa thượng Thanh Trí, Trưởng Ban Trị sự GHPG Tỉnh Bình Trị Thiên cũng viên tịch, Ngài đã phải đảm trách nhiệm vụ Trưởng Ban Trị sự.
Năm 1990, trong Đại hội Đại biểu kỳ I của Tỉnh GHPG Thừa Thiên Huế, Ngài đã được đại hội cung thỉnh làm Trưởng Ban Trị sự kiêm Ủy viên Tăng sự.
Trong cuộc đời tu tập, Ngài đã khéo dung nhiếp Thuyền Tông, Tịnh độ và Mật giáo thành một pháp môn tổng hợp ẩn mật hành trì. Trên cương vị lãnh đạo, Ngài đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với mọi Phật sự.
Ngài đã sống đơn giản bình dị, tâm chí thì cương trực, hành động thì hết lòng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Bởi vậy trên bước đường Hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không từ nan bất cứ một nhiệm vụ nào do Tăng đoàn hay Giáo hội giao phó.
Đầu năm 1992 Ngài như có linh cảm về sự ra đi của mình, nên trong ngày húy nhật của thân sinh, Ngài đã về quê viếng mộ phần Tổ Tiên để thăm lại lần cuối cùng những nấm mồ quý kính.
Cũng trong dịp Tết Nhâm Thân này, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni trong Ban Trị sự đến chùa Trúc Lâm đảnh lễ và chúc thọ Ngài. Khác hơn mọi năm trước, năm nay, Ngài đã dạy chúng Tăng trong chùa lạy đáp lễ Ban Trị sự, rồi Ngài ân cần khuyên bảo với giọng nghiêm mà buồn, như là lời di huấn tối hậu:
“Tôi cám ơn quý Thầy, trong năm qua, quý Thầy đã cùng tôi lo việc Giáo hội, tuy có nhiều cực nhọc, song cũng có nhiều kết quả tốt. Tôi thiết tha mong mỏi quý Thầy, hãy thương mến, hòa hợp với nhau chung lo phần Phật sự. Thấy thành công quý Thầy đừng kiêu hãnh, thấy khó khăn đừng nản lòng. Hãy lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy khó khăn làm sự tác thành, có như vậy quý Thầy mới thành tựu đạo nghiệp chí thượng ngõ hầu báo đáp thâm ân Phật Tổ và không bội phản hạnh nguyện nhập thế xuất trần của mình.”
Sau đó, Ngài lần lượt thăm viếng các bậc Tôn túc trong Giáo hội, chiêm bái các Tổ đình, khuyến dạy và nhắc nhủ chư Tăng Ni và đồ chúng tinh cần tu học, phục vụ Chánh pháp lợi lạc quần sanh. Hơn một tháng thị bệnh và tịnh dưỡng, Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 21 giờ 40 ngày Rằm tháng Tư năm Nhâm Thân tại Tổ đình Trúc Lâm Huế, giữa tiếng tụng kinh niệm Phật của Hòa thượng Thích Thiện Siêu và đông đủ chư Tăng Ni trong Ban Trị sự cùng môn đồ.
Ngài đã trụ thế 85 năm và gần 80 năm tu tập, phụng sự Đạo pháp.

---o0o---
1.ĐIẾU VĂN
(của Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Thừa Thiên Huế đọc trong dịp cung nghinh Kim quan Cố Đại lão Hòa thượng Thích Mật Hiển nhập bảo tháp ngày 22-04-Nhâm Thân, nhằm ngày 24.05.1992)

Chúng con thiết nghĩ, đèn tuệ còn soi, ngờ đâu phút chốc đuốc từ chuyển hướng, mây lành còn phủ, ai ngờ giây lát gió tạt về Tây.
Than ôi, biển cố dập dồn, đá gục đầu khóc, đất gầm sấm dậy. Nước sông Hương bàng hoàng ngừng chảy, mây núi Ngự sờ sững quên bay. Ngoài đồng nội cỏ đồng khô tấc bóng, chốn kinh đô trăng lặng giữa đêm rằm.
Giờ đây, trước phút giây ngàn năm vĩnh biệt, cõi Diêm Phù vắng bóng bậc Cao Tăng, Ban Trị sự chúng con bàng hoàng xúc động, trước Linh đài, xin bày tỏ lòng thành, ngưỡng mong Giác linh Đức Đại lão Hòa thượng tọa tiền chứng giám.
… Vẫn biết rằng Giác tánh trạm nhiên, chân như thường tại siêu việt có không, chẳng hề sinh diệt. Vì bản nguyện, Ngài đã mượn huyễn thân, vận khởi thuyền từ vớt kẻ trầm luân, nên khi đến đã tùy duyên hóa độ, thì lúc đi chẳng ngại ái triền.
Tuy nhiên, nếu chưa phải là bậc Lậu tận A-la-hán, thì khi đức Thích Tôn ở song lâm thị tịch, Tôn giả A Nan đã bàng hoàng rơi lệ, may có ngài A Nậu Lâu Đà đưa tay Giác tĩnh. Tại động Thứu sơn Tổ Ca Diếp kết tập Pháp tràng, Ngài Khánh Hỷ trùng tuyên lời ngọc, hàng Thanh Văn lòng dạ bùi ngùi, thần lực phi thân, trú giữa hư không suy tư cảm niệm: Sức vô thường nhanh như ánh chớp, mới ngày nào Từ Dung rạng rỡ mà bây giờ phải ngậm ngùi nói lên lời “Ngã văn như thị”. Huống thay, nhân tâm mạc trắc, thánh quả xa vời, Phật pháp nhiễu nhương, rừng tòng thưa dần những bậc đống lương long trượng. Thuyền Giáo hội gởi nương ai lèo lái, cõi Tăng nhân ai chỉ dẫn lối về, thật ngậm ngùi tấc dạ; nhớ lại năm xưa, khi còn đồng tử, nơi hương đãng Dạ Lê, trong dòng họ Nguyễn, Ngài rũ áo trắng, sớm khốc truy y, chùa Trúc Lâm đại Thánh, sớm hôm đèn sách học đạo, định tuệ thấm nhuần, tâm quang hé sáng, được Tổ Giác Tiên trao truyền pháp yếu. Nơi Di Đà Thập Tháp đã một phen tham vấn, được Tổ Phước Huệ khơi mở lý thiền, truyền trao Phật pháp. Đại học đường Tây Thiên tháng ngày lui tới, nấu sử sôi kinh, được Ngài Giác Nhiên nuôi tâm luyện chí. Hội An Nam Phật học, lời pháp tuyên dương, Phật học đường Phước Lâm, Ngài đứng đầu giới tử.
Đạo lực đến đây, bi trí có đủ, nên trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, Ngài đã không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào dù quan trọng hay thứ yếu do Tăng đoàn đề cử, Giáo hội giao phó.
Bởi vậy, từ Trú trì Thánh Duyên Quốc Tự, đến giảng sư, Giáo sư các Phật học đường; từ Trị sự Trưởng Tăng già Trung Việt, đến tham dự hội nghị Hòa bình Thế giới tại Nhật Bổn; từ bậc Tôn chứng Đại giới đàn Vạn Hạnh, đến Đàn đầu Hòa thượng Hộ Quốc; từ Đặc ủy Tăng sự Thừa Thiên đến ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng Minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Dù ở chức vụ nào, Ngài cũng thi hành một cách nghiêm túc, đĩnh đạc. Và dù ở chức vụ nào, Ngài vẫn thấy Tăng đoàn là then chốt trong sự nghiệp duy trì mạng mạch Phật pháp. Ngài dạy: “Phật pháp hưng thịnh không phải ở chùa to tháp lớn, bổn đạo đông nhiều, mà chính ở nơi Tăng đoàn hòa hợp.”
Thế nên, dù tuổi già sức yếu, Ngài vẫn luôn luôn nắm giữ Tăng đoàn, tháng hai kỳ tại chùa Linh Quang cùng chúng Tăng thực hành Bố Tát. Hằng năm hạ về, khuyến chúng an cư, trau dồi giới hạnh đến khi Hạ mãn, Ngài cùng chúng Tăng tác Pháp “Tùy ý” trưởng dưỡng pháp mầu. Tại văn phòng Giáo hội ngày ngày chăm lo Phật sự, có lúc thị uy la rầy quở trách có khi từ ái, an ủi vỗ về, miễn mong sao đàn hậu học sách tấn tu hành, chuyên tâm giới đạo, đúng hướng Tôn phong, hầu chấn hưng Phật pháp, xua đuổi quân tà, cũng có lúc nghe tiếng gọi quê hương Ngài đã phụng sự trong tinh thần “vô thủ, vô xả”.
Quả thật Ngài là bậc “Hạo khí trấn thiền lâm, quảy non sông đầu trượng, thủ xả chỉ tùy duyên, thị phi tâm chẳng bận”.
… Khi Đức Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch, Ngài làm Trưởng Ban tổ chức Tang lễ, chỉ đạo khéo léo, nên Tăng sự đã được viên thành. Lại trong dịp Đại lễ Phật Đản năm nay, mặc dù thân thể của Ngài đã khiếm an nhiều, nhưng Ngài đem hết hơi thở cuối cùng của mình để chăm lo đại lễ. Khi thấy Tăng Ni Phật tử lo lắng, sợ Ngài ra đi trước Phật đản, nên Ngài dạy: “Quí vị cứ yên tâm lo cúng dường Đại lễ cho được thành tựu. Tôi sẽ cố gắng qua Đại lễ mới từ biệt quí vị.”
Ôi, lời dạy cao quý của một bậc suốt đời quên mình cho đại cuộc. Chúng con hằng khắc cốt ghi tâm, treo cao gương sáng.
… Bấy lâu, chúng con thường tưởng Ngài vẫn còn trú thế cho Tăng Ni Phật tử nương nhờ, cho Ban Trị sự chúng con sớm hôm tham vấn chỉ đạo, nào có ngờ Tượng Vương nhẹ nhàng quay gót, chốn Tòng Lâm vắng bóng Từ dung. Nay, chúng con đã mất đi một bậc Thầy quí kính, một bậc Lãnh đạo ân cần, cùng lao cộng khổ. Giáo hội mất đi một bậc đống lương thạch trụ, dân tộc mất đi một bậc đạo đời kiêm lợi.
Ôi, ngậm ngùi thương tiếc, một phút giây gói trọn thiên thu. Xin Ngài rũ lòng từ, hỷ xả cho chúng con trong thời gian thừa hành Phật sự có nhiều khuyết điểm khiến Ngài không vui.
… Trước khi Ngài đi xa vạn dặm, báo thân Ngài yên nghỉ ngàn năm, cho chúng con đốt nén tâm hương dâng lên với tất cả lòng thành khẩn nguyện: Chúng con sẽ noi gương tự độ hóa tha, cùng lao cộng khổ của Ngài để tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, cho đạo từ sáng soi muôn thuở, cho hương lành ngát cõi Nhân Thiên. Ngưỡng vọng Giác Linh Đại lão Hòa thượng thùy từ chứng giám.

---o0o---
2.CẢM NIỆM

(của Ban Lễ tang do Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Phó Ban Lễ tang kiêm Trưởng ban Tổ chức Tang lễ đọc trong buổi cung nghinh Kim quan Cố Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhập bảo tháp ngày 22.04.Nhâm Thân - 24.05.1992)

Kính bạch Giác linh Đại lão Hòa thượng,
Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch cách đây không mấy tuần lễ, lòng dạ bùi ngùi của Tăng Ni Phật tử chưa nguôi. Nay Ngài tiếp tục đăng trình để lại cho chúng tôi, Môn đồ hiếu quyến và hàng Tăng Ni Phật tử biết bao ngậm ngùi thương tiếc.
Vẫn biết, đến và đi, ẩn và hiện của bậc xuất trần Thượng sĩ, như cánh nhạn lướt gió giữa trời không, chẳng có gì lưu ảnh.
Tuy nhiên, ẩn hiện tùy cơ, đến đi tùy cảm, gần 80 năm tu tập và hoằng truyền Chánh pháp, khi thì hiện tướng Thanh văn, an trú tịch tịnh; lúc thì hành Bồ-tát đạo, nhiếp phục ma quân; khi thì im lặng Tư duy bất động, lúc thì rung trượng Giác tĩnh nhân quần, chấn thiên kinh địa.
Ngài nay đã rủ áo lâm hành, Giáo hội, Môn đồ hiếu quyến, Tăng Ni Phật tử không sao tránh khỏi sự bùi ngùi xúc động trước sự mất mát lớn lao này.
… Nay Ngài đã đi xa và xa lắm, nhưng hình ảnh, đạo phong cốt cách của Ngài vẫn còn đó, hạnh nguyện độ sanh Ngài vẫn còn đây, chùa Trúc Lâm Đại Thánh tháng ngày chuyên tâm luyện đạo, cõi Tây Thiên lãnh hội ý mầu.
Rồi Bình Định, Sa Đéc, những chặng đường tham vấn, vân du. Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội… đã rảo bước theo từng thời gian gõ nhịp. Và những dấu chân còn in rõ, từ Lào quốc đến Thái Lan, từ Miến Điện đến Đông Hoài, Nhật Bản… bao tháng ngày vân du, chiêm bái, hoằng hóa của bậc Cao Tăng, suốt đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc.
Công đức đóng góp và xây dựng Giáo hội, lãnh đạo Tăng đoàn, trấn giữ thiền môn, vạch hướng tâm linh cho hàng Phật tử, thể hiện tình làng xóm, nghĩa quê hương dân tộc của Ngài, quả thật không thể nghĩ bàn.
… Làm sao chúng tôi quên được trong những tháng ngày đồng lao cộng khổ để chăm lo Phật sự, Đạo phong của Hòa thượng thì trác việt, nếp sống bình dị, nói năng thì khẳng quyết hùng hồn “Đã thầy tu thì đừng sợ chết, nếu sợ chết thì đừng làm thầy tu…”. Chính lời nói ấy của Hòa thượng cũng làm cho Tăng Ni Phật tử chúng tôi kiên trì trong lý tưởng, vững chắc trong hành động, phục vụ đạo pháp và dân tộc, đem lại lợi ích cho lồi người và tất cả chúng sanh.
Nay Hòa thượng xả bỏ báo thân là một sự mất mát lớn cho Giáo hội, Môn đồ và toàn thể Tăng tín đồ trên mọi miền đất nước. Dân tộc mất đi một người con đạo hạnh luôn đem giáo lý từ bi bình đẳng xây dựng tình đoàn kết và an lạc tồn dân. Thay mặt Giáo hội và Ban Lễ tang, trước Giác linh Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, chúng tôi nguyện có thể làm bất cứ điều gì mà chúng tôi có thể làm được để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc đúng như hạnh nguyện của Ngài.
Giờ đây, tiếng kêu Sư tử lối rừng thiền, vắng vẻ bên tai nét bước tượng vương nơi cửa pháp, mơ màng trước mắt. Trong phút giây mà khoảnh khắc thành thiên thu này, chúng tôi thành kính bái biệt tiễn đưa Giác linh Đại lão Hòa thượng nhẹ bước liên đài.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.