HT Không Tín Kế Châu

Personal Information

Danh Tánh
HT Không Tín Kế Châu - Ðời Thứ 41 Tông Lâm Tế
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Hòa Thượng Không Tín Kế Châu (1922 - 1996)
Chùa Thập Tháp - Bình Định

Hòa thượng Kế Châu, Pháp danh Không Tín, Pháp tự Giải Thâm. Ngài họ Nguyễn, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình nho phong y học và thấm nhuần Phật giáo. Song thân Ngài là Phật tử thuần thành. Anh là Hòa thượng Trí Diệu, học hạnh kiêm tồn, trụ trì và tịch tại chùa Phước Long, Tây Sơn, Bình Định.
Ngài tư chất thông minh, nội ngoại điển đều am hiểu, y học và võ thuật đều có học qua. Ngài sớm hiểu được đạo qua kinh diển, nhận chân được lẽ vô thường của cuộc đời, và phát ý chí xuất trần vững mạnh.
Năm 14 tuổi (1936), được phép song đường, ngài xin thế phát xuất gia với Quốc sư Phước Huệ tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, được Quốc sư ban Pháp danh là Không Tín.
Hòa thượng Kế Châu bấy giờ là thị giả cho Hòa thượng Quốc sư Phước Huệ, nên thường hay theo Ngài đi nghe giảng khắp nơi. Đặc biệt là từ khoảng 1932 đến năm 1940, Hòa thượng thường hay dự học Phật pháp ở Đại học đường Tây Thiên - Huế do Hòa thượng Quốc sư giảng. Trong lớp này còn có quý Hòa thượng Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Nguyện, Mật Hiển….
Hòa thượng vốn sẵn tính thông minh nên khi nghe Quốc sư lên lớp giảng những bộ kinh đại thừa, Ngài liền liễu ngộ ngay. Ngoài ra, Ngài còn nghiên cứu thêm những bộ kinh của Nho giáo như Tứ Thư, Ngũ Kinh, thi văn, điển cổ của văn học Trung Quốc. Ngài còn là nhà thơ, nhà thư pháp. Chữ của Ngài rất đẹp và Ngài còn là người rành về chữ chân, thảo, lệ, triện của các thời đại cổ Trung Hoa, ít người theo kịp.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài được phép đăng đàn thọ Đại giới tại giới đàn chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu truyền giới. Ở giới đàn này, Ngài là Vĩ Sa-di.
Năm Quý Mùi (1943), sau khi thọ giới, Ngài được Hòa thượng Bổn sư là Quốc sư Phước Huệ truyền pháp phái Sơn môn, Ngài đắc pháp với pháp tự Giải Thâm, hiệu là Kế Châu.
Năm Đinh Hợi (1947), với khả năng xuất chúng, Ngài được mời vào Giảng sư đoàn của Phật học đường Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định.
Năm Canh Dần (1950), Ngài được cung thỉnh trụ trì chùa Bảo Sơn, xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ, tại đây, Ngài kiết thất tu hành, hóa độ đông đảo quần chúng, và vận động tái thiết ngôi chùa trở nên trang nghiêm tú lệ hơn xưa.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài được Chư tôn đức cử làm Giám đốc Phật học đường thuộc Giáo hội Tăng già Bình Định.
Cùng thời gian này, Ngài khai sơn chùa Bảo châu, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, sau đó Ngài giao lại cho đệ tử trụ trì.
Năm Quý Mão (1963), Ngài tham gia phong trào chống chính sách kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm và được mời vào Ban lãnh đạo Phật giáo Bình Định.
Năm Ất Tỵ (1965), khi Hòa thượng Thích Huệ Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp - pháp huynh của Ngài viên tịch, Chư tôn đức trong Sơn môn đã suy cử Ngài kế thừa trụ trì Tổ đình. Từ đấy, Ngài bắt đầu ra sức chỉnh trang mọi mặt, đưa Tổ đình trở thành một chốn thiền môn sinh hoạt có quy củ nghiêm tịnh.
Cùng trong năm này, Ngài được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm suy cử làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Định. Và từ đây đến cuối đời, Ngài là vị lãnh đạo đứng đầu của Phật giáo Bình Định, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà chuyên tâm tu học.
Năm Đinh Mùi (1967), Tổ đình Thập Tháp Di Đà dưới sự hướng dẫn của Ngài mỗi lúc càng thêm khởi sắc. Vì thế Ngài bắt tay xây dựng lại khu Đông đường làm nơi tiếp khách thập phương về chiêm bái Tổ đình và làm nơi Giảng dạy cho Tăng chúng khắp nơi quy tụ về học tập.
Năm Mậu Thân (1968), để kế vãng khai lai, tục Phật huệ mạng, Ngài tổ chức khai Đại giới đàn tại chùa Long Khánh, thành phố Quy Nhơn, mà Ngài được thỉnh làm Chánh Chủ đàn trong giới đàn này.
Năm Kỷ Dậu (1969), Ngài đứng ra trùng tu khu vườn tháp Tổ, theo thời gian và do chiến tranh đã dần bị hư hoại. Sau đó, Ngài cho xây dựng tường rào bao bọc toàn bộ khuôn viên Tổ đình cho thêm phần khang trang nghiêm tịnh.
Năm Canh Tuất (1970), Ngài thành lập Phật học viện Phước Huệ chuyên khoa Trung đẳng Phật học tại Tổ đình Thập Tháp, do Ngài làm Giám viện. Tăng chúng các nơi trong và ngoài tỉnh tựu về tu học hơn 100 vị. Ban Giáo thọ gồm chư vị : Hòa thượng Giác Tánh, Tâm Hồn, Giác ngộ, Bửu Quang, chư Thượng tọa : Đồng Từ; Tâm Hiện. Trường hoạt động cho đến năm 1975 thì giải tán.
Năm Nhâm Tuất (1982), sau khi Phật giáo cả nước thống nhất về một mối, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được toàn thể Tăng Ni, Phật tử suy cử vào chức Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình.
Năm Đinh Mão (1987), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, Ngài được Đại hội suy cử làm ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Kỷ Tỵ (1989), Ngài cùng chư tôn đức tỉnh nhà tổ chức Đại giới đàn Nguyên Thiều tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Ngài được cung thỉnh làm Đàn chủ giới đàn này.
Năm Giáp Tuất (1994), Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn.
Trong suốt quảng đời hành đạo, Ngài đã có công khai sơn những ngôi chùa : Thừa Ân ở Pleiku, Viên Thông ở Tây Sơn - Bình Định; Bảo Hoa ở An Nhơn - Bình Định; Bảo Lâm, Bảo Quang, Bảo Giác ở Long Khánh - Đồng Nai.
Ngoài việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài. Ngài còn là một thi nhân, một văn sĩ được nhiều người mến mộ. Thi pháp, liễn đối của Ngài hiện diện khắp nơi tại các tự viện trong và ngoài tỉnh. Các văn nhân, thi sĩ nổi danh đều tìm đến luận bàn văn chương thi phú với Ngài.
Ngài còn để lại cho đời những tác phẩm:
1.Bách Thành Yên Thủy của Phật Quốc Thiền sư (dịch và tác thơ),
2. Thập Mục Ngưu Đồ Tụng (dịch và tác thơ),
3. Long Bích Thi Tập I và II,
4. Kim Cang Nghĩa Mạch (dịch),
5. Kim Cang Trực Sớ (dịch),
6. Di Đà Giảng Thoại (dịch).
Năm Ất Hợi (1995), Ngài mở cuộc đại trùng tu Tổ đình Thập Tháp. Công việc đang tiến hành dở dang thì Ngài sau một cơn bệnh nhẹ, đã thu thần thị tịch vào ngày mùng 5 tháng Chạp năm Ất Hợi, nhằm ngày 24 tháng 1 năm 1996, trụ thế 75 năm, với 55 Hạ lạp.

---o0o---
Tưởng niệm

Hòa thượng Huyền Quang có tặng Hòa thượng Kế Châu một bài như sau :
十塔髺珠和尚恵存
元韶遠裔正當君
奕葉相承氣象春
圓頂藏珠真法器
方袍帯碧寔家珍
松關昔日招時士
寳刹今朝轉法輪
福慧傳燈光祖印
叢林面目是其人
元韶監院玄光親紀
Thập Tháp Kế Châu Hòa thượng huệ tồn
Nguyên Thiều viễn duệ chính đương quân,
Dịch diệp tương thừa khí tượng xuân.
Viên đỉnh tàng châu chân pháp khí,
Phương bào đới bích thật gia trân.
Tùng quan tích nhật chiêu thời sĩ,
Báo sát kim triêu chuyển pháp luân.
Phước Huệ truyền đăng quang tổ ấn,
Tòng lâm diện mục thị kỳ nhân.
Nguyên Thiều Giám viện Huyền Quang thân kỷ

Nguyên Hồng dịch :
Kính tặng Hòa thượng Kế Châu chùa Thập Tháp
Nguyên Thiều hậu duệ chính ngài đây,
Dịch diệp tương thừa khí tượng thay.
Ngọc báu giữ gìn trên búi tóc,
Vàng kim bọc lấy áo vuông này.
Thiền môn ngày trước thôi không khép,
Bảo sát giờ đây bánh pháp quay.
Phước Huệ đèn thiền ai tỏ rạng,
Tòng lâm diện mục đó là thầy.
Giám viện Nguyên Thiều, Huyền Quang thân ghi

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.