TS Viên Văn Chuyết Công

Personal Information

Danh Tánh
TS Viên Văn Chuyết Công - Ðời Thứ 31 Tông Lâm Tế - Khai Tổ Dòng Lâm Tế Đàng Ngoài
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590 - 1644)

Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết thường được gọi là Hòa thượng Chuyết công, tên tục là Lý Thiên Tộ, sanh năm 1590 tại Tiệm Sơn, quận Thanh Chương, tỉnh Phúc Kiến, nước Trung Hoa. Thiền sư Viên Văn còn có pháp hiệu là Hải Trừng, thuộc phái thiền Lâm Tế đời 31.
Thân Mẫu thiền sư Chuyết Chuyết nằm chiêm bao thấy một hoa sen mọc lên từ rún, rồi có thai, đến ba năm mới sinh ra sư.
Thuở nhỏ Thiền sư Viên Văn rất thông minh và đĩnh ngộ, theo học Nho giáo, thông hiểu cả Tứ Thư và Ngũ Kinh.
Lớn lên theo tu học với trưởng lão Tiệm Sơn. Khi sư Chuyết Chuyết mới đến tham vấn, Trưởng lão hỏi:
“Ngươi tạo nghiệp gì ?” Sư thưa: “Giúp Vua cứu dân, Trưởng lão bảo: “Lành thay! Đây là chí xung thiên, nhưng hãy còn ham danh lợi, lão sẽ cố gắng xem”.
Sau một thời gian chuyên cần tu học, Thiền sư Chuyết Chuyết quán xét rõ cuộc đời là vô thường và khổ não. Từ khi ngộ được đạo lý đó, sư Chuyết chuyết không còn màng đến danh lợi, tiền tài và chí tâm tu hành.
Sau đó, thiền sư Chuyết Chuyết đến tham yết Hòa thượng Đà Đà ở Nam Sơn. Hòa thượng Đà Đà là một danh tăng, thường được Vua Minh Thế Tông dời vào cung điện để tham vấn Phật pháp và bàn luận về việc triều chánh và quân quốc trọng yếu. Vua rất kính phục nên phong cho Hào thượng Đà Đà danh hiệu là Đại sư Khuông Quốc (Đại sư giúp nước).
Hòa nhận thấy Thiền sư Chuyết Chuyết thông minh và đạo đức phẩm hạnh cao nên rất thương mến và thường bảo với đồ chúng rằng “Ngày sau, ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này. Y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng”, Hòa thượng mang hết yếu chỉ thiền học của mình chỉ dạy và giúp cho Thiền sư Chuyết Chuyết đạt được tâm tông của thiền.
Sau khi được truyền tâm ấn, thiền sư Chuyết Chuyết vân du trong nước (Trung Hoa) để hoằng dương Phật pháp, Phật tử và Học giả đương thời đều kính trọng và quí mến, danh tiếng thiền sư Chuyết Chuyết khắp chốn thiền lâm Trung Quốc.
Năm 1630, khi nước Trung Hoa xảy ra cuộc nổi loạn của Lý Tự Thành và sau đó nhà Thanh đánh bại nhà Minh xâm chiếm Trung Quốc, thiền sư Chuyết Chuyết – Viên Văn và một số đệ tử (trong đó có Trường Tử tài đức là Minh Hành – Tại Tại) lên thuyền bỏ nước, đến hoằng hóa ở vùng Đồng Nai vì thời đó có một số đông dân Trung Hoa cũng đã đến đó khai khẩn đất đai làm ăn chung với người Việt. Người Việt đã đến vùng đất Đồng Nai từ lâu.
Người Trung Hoa đã rời bỏ nước vì cuộc xâm lăng của nhà Thanh, qua đất Đồng Nai làm ăn sinh sống. Có thể thiền sư Chuyết chuyết và các đệ tử đã đến Đồng Nai hoằng hóa nhưng hiện chúng ta chưa biết thiền sư Chuyết Chuyết hoằng hóa ở chùa nào ở Đồng Nai và trong thời gian bao lâu ? Có thể nói thiền sư Chuyết Chuyết là một vị sư hoằng hóa sớm nhứt ở Đồng Nai.
Tiếp theo đó, thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử đến Bình Định và Thuận Hóa, nhưng hiện chưa biết ngụ ở chùa nào ? Ở đâu ? Có thể trong thời gian hoằng hóa ở Đàng Trong, thiền sư Chuyết Chuyết chịu ảnh hưởng của phái thiền Trúc Lâm.
Sau đó, thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử lại ra Đàng Ngoài. Khi hoằng hóa ở Đàng Ngoài được biết rõ ràng hơn:
Trước tiên, thiền sư Chuyết Chuyết dừng chân ở chùa Thiên Trượng thuộc trấn Nghệ An và chùa Trạch Lâm thuộc trấn Thanh Hóa hoằng hóa một thời gian (hiện ở chùa Thạch Lâm còn tượng chân dung thiền sư Minh Hành – Tại Tại bằng đồng rất mỹ thuật).
Năm 1633, thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử ra đến Đông Đô (kinh thành Thăng Long), có mang theo nhiều kinh sách, pháp tượng và pháp khí. Thiền sư Chuyết Chuyết ngụ tại chùa Khàn Sơn để hoằng dương Phật pháp, Phật tử đến tham học và quy y thọ giới rất đông, gồm cả người Việt và người Trung Hoa. Hoàng tộc Vua Lê, Chúa Trịnh, các quan tướng triều đình ... cùng theo thọ giáo rất đông.
Sau một thời gian hoằng hóa ở chùa Khán Sơn, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử rời Đông Đô, đến hoằng hóa ở chùa Phật Tích hay chùa Vạn Phúc, trên núi Phật Tích thuộc trấn Kinh Bắc cách Đông đô 26 km về hướng Đông Bắc. Trong thời gian Hòa thượng Chuyết Công hoằng hóa ở chùa Phật Tích (Vạn Phúc), Chúa Trịnh Tráng, Vua Lê Thần Tông, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ Vua Lê Thần Tông) và một số Vương phi, cung tần của Vua Lê Chúa Trịnh xin thọ giáo qui y, Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657) kính trọng Hòa thượng Chuyết Công như bậc thầy. Chúa Trịnh Tráng nhờ Hòa thượng cho người về Trung Hoa thỉnh kinh sách, pháp tượng và pháp khí qua Đàng Ngoài. Hòa thượng Chuyết Công phái đệ tử là thiền sư Minh Hành – Tại Tại qua Trung Hoa thỉnh kinh về được tàng trữ ở chùa Phật Tích, một số kinh sách được khắc bằng gỗ và in lại để phổ biến ở Đàng Ngoài. Việc khắc bản in và bảng gỗ được thực hiện và tàng trữ ở chùa Phật Tích.
Vào thời đó, các Vua Chúa ở Đàng Trong và cả Đàng Ngoài rất thường lập các trai đàn để cúng các chiến sĩ trận vong và cúng vong hồn nghĩa sĩ chết trên bộ hay dưới nước. Các trai đàn này áp dụng nghi thức hành lễ trong sách Thủy Lục Chư Khoa.
Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ Vua Lê Thần Tông) là con của Chúa Trịnh Tráng, cùng con là Công Chúa Lê Thị Ngọc Duyên (cháu ngoại của Chúa Trịnh Tráng), đều xuất gia tại chùa Phật Tích. Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc được ban pháp danh là Pháp Tánh, công Chúa pháp danh là Diệu Tuệ. Năm 1643, Ni sư Pháp Tánh xin với cha cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc (sau gọi là chùa Bút Tháp hay Nhạn Tháp).
Sau khi chùa Ninh Phúc trùng tu xong, Hòa thượng Chuyết Công được thỉnh qua trụ trì chùa này, thiền sư Minh Hành – Tại Tại trụ trì chùa Phật Tích.
Hòa thượng Chuyết Công trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến ngày viên tịch.
Ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644). Hòa thượng Viên Văn – Chuyết Chuyết cho gọi đồ chúng lại, truyền bài kệ:
“Sấu trúc trường tùng trích thủy hương,
Lưu phong sở nguyệt đô vi lương,
Bất tri thùy trụ Nguyên Tây tự,
Mỗi nhựt chung thanh tống tịch dương”
(Trúc gầy thông vút, nước thơm rơi,
Gió thoảng trăng non lành lạnh mát,
Chẳng biết ai trụ Nguyên Tây tự,
Mỗi ngày chuông nổi tiễn hoàng hôn).
Ngâm bài kệ xong, Hòa thượng bảo đồ chúng: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải là đệ tử của ta”
Rồi Hòa thượng Chuyết Chuyết ngồi yên thị tịch, thọ 55 tuổi, mùi hương lạ lan đầy chùa trong cả tháng mới tan.
Sau khi Hòa thượng Viên Văn – Chuyết Chuyết viên tịch, Vua Lê Chân Tông ban thụy hiệu là: “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức thiền sư”.
Thiền sư Minh Hành – Tại Tại và đồ chúng lập tháp Báo Nghiêm ở chùa Vạn Phúc (hay chùa Phật Tích) để an trí nhục thân Hòa thượng Chuyết Công và tháp vọng ở chùa Bút Tháp.

Bí ẩn Bút Tháp(Kỳ 1): Kỳ quan tháp đá Báo Nghiêm ảnh 1
Tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp hình bát giác có 5 từng, cao 13 mét xây bằng 15 tảng đá xanh lớn nhỏ khác nhau, chồng lên nhau mà không hề có mạch vôi vữa (hay hóa chất giống xi măng). Các tảng đá được mài bóng và chạm trổ giống ngọn bút, nên dân địa phương gọi là “Tháp Bút” hay “Bút Tháp”, chùa Ninh Phúc cũng được dân gọi là “Chùa Bút Tháp”. Tương truyền rằng: Sau khi tháp Báo Nghiêm xây xong, có một đàn chim nhạn không biết từ đâu bay đến, đậu ở tháp nên chùa Bút tháp còn được gọi là “chùa Nhạn Tháp”. Chân tháp rộng 3,68 mét (phía trong tháp trống rỗng từ dưới lên đỉnh). Từng dưới có cánh cửa bằng đá, đóng mở dễ dàng, Thiền sư Minh Hành – Tại Tại nhờ cư sĩ Thanh Nguyên (người Trung Hoa) viết bài văn khắc vào bia, gọi là: “Hiển thoại am Báo Nghiêm tháp bi minh” để kể về hành trạng của Hòa thượng Chuyết Công, bia được dựng vào năm 1643.
Bài văn bia này cho biết: Hòa thượng Chuyết Công có khí tượng lạ lùng và có tài cảm hóa người, được Vua Lê tôn là thầy, các bực đại thần trong triều Vua Lê Chúa Trịnh đều kính phục. Trong bia có đoạn viết: “Tôi học Phật, lánh sang nước Nam, có dịp được hội đàm với Hòa thượng Chuyết Công ở chùa Khán Sơn ở Kinh đô Thăng Long, lúc mới gặp, ta có thể nghĩ rằng Hòa thượng là người khùng, nhưng lâu ngày, tôi mới thấy ngài là một người thông minh và phóng khoáng, trong tâm không còn vướng mắc điều gì cả. Ngài lại có tài biện luận, bỡn cợt cả với các bực công khanh, đức độ trung hậu, kính già yêu trẻ, coi các bực thiền giả như bạn thân, khinh tiền như cỏ rác ..”.
Hòa thượng Chuyết Công có rất nhiều đệ tử đắc pháp, nhưng xuất sắc nhứt là hai thiền sư Minh Hành – Tại Tại và Minh Lương – Nguyệt An (người Việt). Các vị này có vai trò quan trọng trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Ngoài.

---o0o---

MẤY VẤN ĐỀ VỀ QUÊ HƯƠNG CHUYẾT CHUYẾT THIỀN SƯ

PHẠM VĂN TUẤN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Các thư tịch ghi chép về Thiền sư Chuyết Chuyết đến nay còn rất nhiều, tuy nhiên để chúng ta tìm hiểu rõ về thiền sư trong giai đoạn chưa về hưng sùng tông Lâm tế ở miền Bắc Việt đầu thế kỉ XVII thì vẫn còn rất ít. Trong khuôn khổ bài Thông báo Hán Nôm học, chúng tôi bước đầu giới thiệu sơ lược về quê hương thân thế Thiền sư Chuyết Chuyết và chùa Nam Sơn, nơi lần đầu tiên thiền sư xuất gia học đạo khi tuổi còn nhỏ.

Về quê hương Chuyết Chuyết

Tổ sư xuất thế thực lục 祖師出世實錄trong Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục 拙拙禪師語錄là văn bản do chính Thiền sư Minh Hành biên tập: 祖師諱圓炆號拙拙閩甸清漳海澄漸山人Tổ sư húy Viên Văn, hiệu Chuyết Chuyết, Mân Điện, Thanh Chương Hải Trừng Tiệm Sơn nhân… Tổ sư húy là Viên Văn, hiệu là Chuyết Chuyết, là người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, Mân Điện(1). Ghi chép này cũng thống nhất với văn bia Hiến thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh 獻瑞庵報嚴塔碑銘, dựng tại chùa Bút Tháp bởi Minh Hành và người soạn nội dung là Âu Dương Vựng Đăng 歐陽彙登 hiệu là Thể Chân 體真biên viết: 公清漳海澄郡công Thanh Chương Hải Trừng quận - Ông là người quận Hải Trừng, (phủ) Thanh Chương(2). Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền tự bi kí 萬福大禪寺碑cũng cho biết: “乃閩漳海澄人也nãi Mân Chương Hải Trừng nhân dã - là người đất Hải Trừng, Mân Chương(3). Kế đăng lục 繼燈祿của Như Sơn 如山cũng ghi tương tự Tổ sư xuất thế thực lục. Trong khi, Chuyết Chuyết cúng tổ khoa 拙拙供祖科, được biên soạn bởi Tính Quảng Thích Điều Điều 性廣釋條條 viết về quê quán của Chuyết Chuyết: Đại Minh quốc lí, Phúc Kiến Chương Châu, thác sinh Lý thị chi gia hương 大明國裡福建漳州托生李氏之家鄉 - Thác sinh vào gia đình họ Lý ở Chương Châu - Phúc Kiến ở nước Đại Minh(4). Chuyết Chuyết Cúng tổ khoa 拙拙供祖科có lẽ là tài liệu đầu tiên ghi chép tên địa danh Chương Châu Phúc Kiến mà sau này trong Thiền Uyển truyền đăng lục 禪苑傳燈錄của Phúc Điền Hòa thượng 福田和尚tổng hợp lại thành: Chuyết công Viên Văn Hòa thượng Đại Minh quốc, Phúc Kiến tỉnh Chương Châu phủ Hải Trừng huyện Tiệm Sơn nhân - 拙公圓炆和尚大明國福建省漳州府海澄縣漸山人 - Chuyết công Viên Văn hòa thượng là người Tiệm Sơn huyện Hải Trừng phủ Chương Châu tỉnh Phúc Kiến(5).

Có thể nói, các ghi chép cơ bản thống nhất về quê hương ông là đất Tiệm Sơn huyện Hải Trừng phủ Thanh Chương - Mân Điện. Về các địa danh này, chúng tôi lược giới thiệu như sau:

Tiệm Sơn 漸山: ngày nay là thôn Tiệm Sơn漸山村thị trấn Đông Tứ東泗鎮huyện Long Hải 龍海縣tỉnh Phúc Kiến 福建省.

Hải Trừng 海澄: Thị trấn Hải Trừng tên cổ gọi là Nguyệt Cảng月港, do có hình vòng cung như mặt trăng nên gọi là Nguyệt cảng, đây là một trong những thương cảng lớn của Phúc Kiến. Huyện Hải Trừng được thiết lập năm 1567 thời Minh và thuộc phủ Chương Châu. Từ năm 1960 đến nay, hai huyện Long Khê龍雞縣và huyện Hải Trừng 海澄hợp nhất thành huyện thị Long Hải龍海縣. Từ năm 1993 đến nay là thành phố Long Hải (cấp huyện) nằm ngay bên dòng sông Cửu Long Giang.

Thanh Chương 清漳: một cách gọi khác của Chương Châu. Chương Châu được thành lập năm 686. Chương Châu địa thế ở phía nam tỉnh Phúc Kiến, gần Quảng Đông, giáp biển. Đầu thời Tống đắp thành Chương Châu, cửa phía đông gọi là Thanh Chương. Đó cũng là một lí do Thanh Chương được gọi cho Chương Châu.

Mân điện 閩甸: chỉ vùng Mân. Nguyên từ Điện甸, theo các chú thích trong thư tịch Trung Quốc cho từ Mân Điện, thì chữ Điện dựa trên nghĩa là bãi ngoài. Thời Ngũ đại, Phúc Kiến được gọi là Mân quốc. Thực chất vùng Mân bao gồm một số huyện của Triết Giang, Quảng Đông… Nhưng, trọn vùng Mân thì toàn tỉnh Phúc Kiến nên mặc nhiên gọi Mân là chỉ tỉnh Phúc Kiến.

Gia đình và tuổi trẻ của Chuyết Chuyết

Chuyết Chuyết họ Lý 李姓, sinh ra ở Tiệm Sơn. Theo những giới thiệu các tư liệu văn hóa Phúc Kiến, Chương Châu thì đến nay thôn Tiệm Sơn vẫn đa phần là họ Lý.

Gia đình thiền sư: Tổ sư xuất thế thực lục 祖師出世實錄là tài liệu ghi chép đầy đủ nhất về gia tộc Chuyết Chuyết: Ông nội của Chuyết Chuyết tên húy là Kiểu喬; bố Chuyết Chuyết tên là Nhược Lâm 若琳; Mẹ họ Thái 蔡. Về sau, Kế đăng lục繼燈錄của Như Sơn cũng như Chuyết Chuyết cúng tổ khoa 拙拙供祖科đã ghi lại mẹ Chuyết Chuyết họ Thái. Chuyết Chuyết cúng tổ khoa拙拙供祖科đặc biệt bổ sung thêm tư liệu mà trong phần Tổ sư xuất thế thực lục 祖師出世實錄 còn thiếu về các thành viên gia đình Chuyết Chuyết: Thúc phụ Lý công Nhược Quỳnh, Lý công Nhược Viên, thẩm mẫu Thẩm thị, nhị thư thụy Từ Túc 叔父李公若瓊。李公若瑗。嬸母沉氏。二姐謚慈肅- người chú là Lý Nhược Quỳnh, Lý Nhược Viên, người thím là Thẩm thị, chị thứ 2 tên thụy là Từ Túc. Đây là thông tin mà toàn bộ các thư tịch khác liên quan đến Chuyết Chuyết như Vạn phúc Đại thiền tự bi 萬福大禪寺碑, Hiến thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh獻瑞庵報嚴塔碑銘…v.v… không hề đề cập. Và cũng không rõ, khi biên soạn Chuyết Chuyết cúng tổ khoa 拙拙供祖科thì Tính Quảng dựa vào tài liệu nào.

Danh tự Thiền sư: Câu chuyện sinh ra của sư cũng đầy huyền hoặc bởi dựa trên giấc mộng sen vàng mà có mang thai. Tổ sư xuất thế thực lục 祖師出世實錄ghi: Mẫu Thái thị, mộng tễ dũng kim liên nhi thần sư, tam chu tuế nãi sinh, danh viết Tân Liên - 母蔡氏夢臍涌金蓮而娠師三周歲乃生名曰新蓮 - người mẹ họ Thái mộng thấy hoa sen vàng nở trên rốn mà có mang sư, sau 3 năm tròn thì sinh, mới đặt tên là Tân Liên. Các tài liệu về sau như Kế đăng lục 繼燈錄 của Như Sơn, Thiền uyển truyền đăng lục 禪苑傳燈錄 của Phúc Điền khi biên soạn đều đưa ra chuyện giấc mộng sen vàng, Thiền uyển truyền đăng lục 禪苑傳燈錄 thậm chí còn nhấn mạnh khi cho rằng khi thiền sư sinh ra thì hương báu thơm nồng, mấy ngày mới hết(6). Tuy nhiên ngoài Tổ sư xuất thế thực lục thì không tài liệu nào ghi tên tục thế Tân Liên của Thiền sư Chuyết Chuyết.

Về tên gọi Chuyết Công 拙公, cách gọi này xuất hiện đầu tiên trong bia Hiến thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh 獻瑞庵報嚴塔碑銘, sau đó là Kiến tính thành Phật 見性成佛 của Chân Nguyên, Kế đăng lục 繼燈錄 của Như Sơn, và Thiền Uyển truyền đăng lục 禪苑傳燈錄 của Phúc Điền. Chuyết công có thể là tên gọi thân mật và tôn kính của tăng, chúng đối với Chuyết Chuyết.

Về pháp danh Viên Văn, Tổ sư xuất thế thực lục gọi là tên “húy”. Đây là cách nói tên húy, pháp danh của người tu trong tự viện Phật giáo. Viên Văn là tên khi Chuyết Chuyết thụ giới Tỳ khưu tại chùa Nam Sơn với Thiền sư Đà Đà. Tổ sư xuất thế thực lục ghi rằng sau khi thiền sư sang chùa Nam Sơn một thời gian mới thụ giới Tỳ khưu với 250 giới. Điều này nhận thấy, khi thụ giới rồi Chuyết Chuyết nhận pháp danh là Viên Văn, pháp hiệu là Chuyết Chuyết. Cách đặt tên danh - hiệu này gắn liền với truyền thống bài kệ truyền thừa của Trí Bản Đột Không: 智慧清淨道德圓明真如性海寂照普通 - Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chân như tính hải, Tịch chiếu phổ thông(7) với chùa Nam Sơn đời thứ 33 dòng Lâm Tế chính tông pháp danh là Đức Quán, pháp hiệu là Đà Đà truyền xuống đời thứ 34 pháp danh là Viên Văn, pháp hiệu là Chuyết Chuyết. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, Chuyết Chuyết không phải đệ tử thượng thủ của Đà Đà Hòa thượng, bởi nếu là đệ tử đầu đàn, truyền đăng tục diệm thì chắc chắn Đà Đà không để cho Chuyết Chuyết du hóa tứ phương như vậy. Đồng thời, những thông tin về Đà Đà hòa thượng cũng không được khơi mở và ghi chép nhiều khiến chúng ta biết rất ít ngoài những dòng viết chung chung trong Kế đăng lục của Như Sơn.

Tuổi trẻ với quê hương: Tổ sư xuất thế thực lục là tài liệu ghi chép cụ thể nhất giai đoạn tuổi trẻ của Chuyết Chuyết mà các tài liệu Hán Nôm Phật học khác hoặc là chép lại hoặc là bỏ qua giai đoạn này khi biên chép về cuộc đời thiền sư. Khi Tân Liên được 5 tuổi thì mẹ mất; 7 tuổi thì cha mất, ông nội mới giao cho người thím nuôi dưỡng. Từ nhỏ, Tân Liên đã thông minh mẫn tiệp, thông hiểu kinh sử, ông thường đến chùa Tiệm Sơn làm nơi yên tĩnh để học tập. Và trong một lần ở chùa, Tân Liên đã được Tiệm Sơn Trưởng lão khai mở tâm pháp và quy y cửa Phật. Được một thời gian, thì sang chùa Nam Sơn tu tập. Năm 15 tuổi Chuyết Chuyết nhập đạo làm tăng. Đến năm vạn Lịch thứ 35 (1607) khi ngài 17 tuổi thì thụ giới Tỳ Khưu. Sau đó, Chuyết Chuyết du hóa các phương, hoằng pháp độ nhân. Đặc biệt, Chuyết Chuyết đã sang Cao Miên hoằng hóa 16 năm, rồi ngài trở về quê nhà gặp lại người thím họ Thẩm. Khoảng năm 1623, ngài lại sang Thuận Hóa, Quảng Nam thuộc miền Trung nước Đại Việt (Việt Nam) truyền pháp. Lần đi này, ngài đã gặp Minh Hành và bắt đầu cho chuyến hành trình ra Bắc và hoằng pháp ở Bắc Đại Việt cho đến khi viên tịch

Giản giới về chùa Nam Sơn

Chùa Nam Sơn nơi Chuyết Chuyết tu tập và thụ giới Tỳ khưu không được ghi nhiều trong các thư tịch Phật giáo Việt Nam. Và chúng tôi từng bước tìm trong các thư tịch của Trung Quốc nói chung và Phúc Kiến nói riêng cũng như các website về Phật giáo và bước đầu biết được về ngôi chùa này. Dưới đây chúng tôi tiến hành giới thiệu sơ lược về chùa Nam Sơn.

Nam Sơn là một trong 142 ngôi chùa trọng điểm của Trung Quốc ngày nay. Hiện nay chùa tọa lạc ở chân núi Đan Hà, trước chùa là dòng sông Cửu Long giang thuộc khu thành phố Chương Châu tỉnh Phúc Kiến. Chùa là một trong 8 danh thắng lớn của Chương Châu. Chùa được dựng khoảng thời Đường (năm 736), ban đầu là Báo Cù viện, là dinh thự của họ Trần, sau đổi thành chùa, hợp thành tên Báo Cù Sùng Phúc tự. Đến thời Minh, chùa đổi tên thành Nam Sơn. Chương Châu phủ chí漳州府志· quyển 12, phần Tự quán 寺觀 biên soạn thời Minh Vạn Lịch ghi chép: Nam sơn Báo Cù Sùng Phúc tự, tại ngoại vực nam sương, sơ danh Diên Phúc thiền tự. Tống Càn Đức lục niên Thứ sử Trần Văn Hạo trùng tu, danh Báo Cù viện, hậu cải viết Sùng Phúc, kim dĩ Báo Cù Sùng Phúc tịnh xưng. Nguyên Chí Chính cửu niên trùng kiến. Quốc triều Vĩnh Lạc gian tu hậu cải viện vi tự. Gia Tĩnh nhị thập tứ niên hỏa, tự tăng Viên Tính mộ hóa trùng kiến. Gia Khánh nguyên niên, tự tăng Hành Khâm mộ duyên trùng tu - 南山報劬崇福寺,在城外南厢,初名延福禪寺。宋乾德六年,刺史陳文颢重修,名‘報劬院’,後改曰‘崇福’,今以報劬崇福并稱。元至正九年重建。國朝永樂間修後改院為寺。嘉靖二十四年火,寺僧圓性募緣重建。隆慶元年,寺僧行欽募緣重修 - Nam Sơn Báo Cù Sùng Phúc tự, ban đầu tên là Diên Phúc Thiền tự. Năm Càn Đức thứ 6 thời Tống (968), Thứ sử Trần Văn Hiệu trùng tu, đặt tên là Báo Cù viện, sau đổi thành Sùng Phúc, nay là cách gọi gộp thành Báo Cù Sùng Phúc. Năm Chí Chính thứ 9 (1350) thời Nguyên dựng lại chùa. Trong những năm Quốc triều Vĩnh Lạc trùng tu xong thì đổi viện thành chùa. Năm Gia Tĩnh thứ 24 (1545) chùa cháy, tăng trong chùa là Viên Tính mới mộ hóa dựng lại. năm Long Khánh nguyên niên (1567) tăng chùa là Hành Khâm mộ hóa trùng tu. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa có kiến trúc cuối Thanh triều và lần trùng tu gần nhất là năm 1987.

Kiến trúc chùa hiện nay dựa vào núi, nhìn ra hướng bờ sông Cửu Long giang phía Bắc. Chùa với tổng thể diện tích 40.000 m2, bao gồm một tuyến trục dọc từ tam quan thẳng vào bắt đầu với Sơn môn, Thiên vương điện, Đại hùng bảo điện, Pháp đường, hai bên tả hữu có Hát vân tổ đường và Trần thái phó từ, Thạch phật các, Đức tinh đường, Địa tạng vương đường, Phúc nhật trai. Phía đông chùa có miếu Thành hoàng; sau cuối chùa có hệ thống tháp các thời ở chùa.

Truyền thừa của Nam Sơn đến nay đối giới nghiên cứu Phật học trung Quốc cũng chưa sáng tỏ. Đặc biệt, trong một số ít tư liệu còn lại, không thấy nhắc đến tăng Đức Quán Đà Đà hòa thượng, người mà trong các thư tịch liên quan đến Chuyết Chuyết đều ghi chép.

Tạm kết

Bài viết của chúng tôi bước đầu nghiên cứu so sánh các thư tịch Hán Nôm để nhìn nhận về con người Chuyết Chuyết trên phương diện những liên quan đến con người thiền sư thuở nhỏ. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh đến những vấn đề quê hương, gia đình và nơi tu tập cũng như quá trình tu tập tại quê nhà. Đồng thời giới thiệu sơ lược về ngôi chùa ông từng tu hành. Bài viết mong muốn hoàn thiện khi đưa ra những thông tin về thiền sư đã dìu dắt ông như Tiệm Sơn trưởng lão, hoặc thụ kí truyền pháp cho ông là Đức Quán Đà Đà hòa thượng. Đến nay, các thông tin chúng tôi có được vẫn còn hạn chế.(*)

Chú thích:

(1) Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, bản lưu tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

(2) Hiến thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh, dựng năm 1647, sau 3 năm Chuyết Chuyết viên tịch, hiện tại chùa Bút Tháp. Về Âu Dương Thể Chân, không rõ lai lịch, có thể là người Trung Quốc sang Việt Nam cùng thời với Chuyết Chuyết.

(3) Vạn Phúc Đại thiền tự bi, bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686) tại chùa Phật Tích, hiện đã bị vỡ đôi, thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu N02146-2147.

(4) Chuyết Chuyết Cúng tổ khoa, bản lưu tại chùa Thiên Tâm, Từ Sơn, Bắc Ninh.

(5) Thiền uyển truyền đăng lục, tờ 11b, kí hiệu VHv.9, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(6) Nguyên văn: “sinh thời bảo hương phức úc, sổ nhật nãi chỉ 生時寶香馥郁數日乃止”.

(7) Bài kệ này được in cuối sách Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên thiền sư, tờ 103b, kí hiệu A.2570, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(*) Có tham khảo bản dịch của Phạm Phú Viết./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.951-958)

---o0o---

Chùa Phật Tích (Chùa Vạn Phúc)

Chùa Vạn Phúc hay chùa Phật Tích dựng trên núi Phật Tích, hay núi Lạn Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), cách Hà Nội khoảng 30km về hướng Đông bắc. Chùa Phật Tích nằm ở bờ phía bắc sông Đuống, đối diện với chùa Bút Tháp ở bờ phía Nam.
Chùa Phật Tích được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Đinh Mậu (1057). Cuối năm đó, vua sai Lang tướng Quách Mãn xây thêm tháp ở chùa, cao 10 trượng (42m) và tạc tượng bằng đá mạ vàng cao 6 thước (2m5) thờ trong tháp. Tháp được dựng ở lưng chừng núi lại cao (42m), nên ở kinh đô Thăng Long vẫn nhìn thấy rõ. Chùa Vạn Phúc khi mới xây dựng có tới 300 tòa nhà.
Năm 1701, vua ngự đến chùa Phật Tích, viết chữ “Phật “ ( ) dài một trượng sáu thước và sai khắc để dựng ở chùa.
Đến đời nhà Trần, phái thiền Trúc Lâm được phát triển với các chùa lớn ở vùng núi Yên Tử, phủ Thiên Trường và kinh thành Thăng Long, các chùa lớn được xây dựng từ đời Lý không còn giữ vai trò quan trọng nữa.
Đến cuối đời Trần, thời Thượng hoàng Trần Nghệ Tông (13701394), kinh đô Thăng Long nhiều lần bị vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga đem quân sang đánh chiếm, Thượng hoàng Nghệ Tông nhiều lần phải bỏ kinh thành lẩn trốn, nên Thượng hoàng cho dựng điện Bảo Hòa và lập thư viện ở gần chùa Phật Tích, đặt tên là thư viện Lạn Kha.
Các khoa thi Thái học sinh trong khoảng thời gian 1377-1388 được tổ chức tại chùa Phật Tích.
Khi nhà Minh đô hộ Đại Việt (1407-1427), quân Minh đã phá hủy chùa Phật Tích và nhiều chùa lớn khác. Đến thời Lê Trung hưng (1593-1786), vua Lê chúa Trịnh ngoài việc phải lo đối phó với nhà Mạc ở Cao Bằng-Lạng Sơn và chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vẫn chăm lo trùng tu chùa chiền.
Năm 1633, Hòa thượng Chuyết Công và đệ tử là Thiền sư Minh Hành Tại Tại đến Thăng Long Hoằng dương Phật Pháp tại chùa Khán Sơn, sau một thời gian, Hòa thượng Chuyết Công và Thiền sư Tại Tại về hoằng hóa ở chùa Phật Tích. Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng cùng nhiều vương hầu, vương phi, công chúa… rất kính mộ Hòa thượng Chuyết Công và Thiền sư Tại Tại, một số đông xin quy y thọ giáo.
Chúa Trịnh Tráng nhờ Hòa thượng Chuyết Công cho người về Trung Hoa thỉnh Đại Tạng kinh, pháp tượng và pháp khí, Thiền sư Minh Hành-Tại Tại được thầy cử về Trung Quốc thỉnh kinh sách qua Đại Việt, tàng trữ ở chùa Phật Tích. Thiền sư Tại Tại còn đứng ra lo khắc bản gỗ để in lại một số kinh sách quan trọng. Việc khắc bản in kinh được thực hiện tại chùa Phật Tích.
Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (chánh cung của Thượng hoàng Lê Thần Tông ) là con của Trịnh Tráng, quy y thọ giáo với Hòa thượng Chuyết Công và Thiền sư Minh Hành tại chùa Phật Tích, được ban pháp danh là Pháp Tánh, có biệt hiệu là “Bà chúa Kim Cương”; Và con là Công nữ Lê Thị Ngọc Duyên, pháp danh Diệu Tuệ, đứng ra lo trùng tu lại chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp) và chùa Vạn Phúc (Phật Tích).
Chùa Phật Tích rất to lớn, rộng và cao. Trước khi vào chùa, phải qua ba sân chùa rất cao. Sau khi bước lên ba bậc cấp mới tới cổng tam quan, qua khỏi cổng là một sân rộng 60m, dài 100m, ở giữa có một con đường lót đá rộng 5m, với 80 bậc cấp mới lên sân thứ hai của chùa. Ở giữa sân thứ nhất có gác chuông rộng 11m, dài 13m.
Sân thứ hai cao hơn sân trước 0m70, sân này ngày xưa chính là vườn hoa trồng mẫu đơn là nơi mở hội xem hoa mùa Xuân, hay “Hội hoa Mẫu đơn”, nơi đây xảy ra “Sự tích Từ Thức-Giáng Tiên”.
Qua sân thứ hai, lên đến sân thứ ba, cũng rộng 60m, hai bên có tường xây bằng đá tảng cao tới 5m. Bậc lên chùa ở hai bên có hai dãy thú bằng đá, mỗi bên 5 con, gồm có: ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử, mỗi con cao gần 2m.
Chùa được cất trên một nền cao 3m50-4m. Chùa được xây cất theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Gồm 61 gian.
- Tiền đường rộng 11 gian.
- Nhà thiêu hương rộng 3 gian.
- Thượng điện rộng 5 gian lớn. Trong thượng điện thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát, La hán…
- Hậu đường rộng 9 gian: thờ các vua nhà Lý, Quan thánh Đế quân và các tượng của chư Tổ.
Hai bên các tòa nhà trên có hai dãy hành lang dài, mỗi dãy có 7 gian.
Trước chùa Phật Tích có miếu “Tiên Chúa” thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh. Bà là vương phi của chúa Trịnh Tráng, sau khi chúa chết, bà rời phủ chúa về xuất gia tu hành ở chùa Phật Tích và trùng tu chùa vào năm Bính Dần (1686), bà được ban pháp danh là Pháp Giới.
Miếu Tiên Chúa đã sụp đổ, chỉ còn để lại dấu vết của nền móng cho biết mẫu kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh” (J): dãy trước là tòa nhà ngang gồm 4 gian, dãy sau là tòa nhà dọc gồm 4 gian. Trước miếu có tháp Linh Quang được xây dựng vào năm 1699.
Bên trái có dấu vết của nhà phương trượng rộng 5 gian. Phía trước là nhà Tổ đệ nhất gồm hai dãy nhà, dãy phía trước rộng 5 gian, dãy phía sau rộng 3 gian; trong đó có tấm bia “Vạn Phúc Đại Thiền tự bi” được viết vào năm Chánh Hòa thứ bảy (1686) cho biết chùa Phật Tích được đại trùng tu vào năm đó. Bia này tả cảnh chùa như sau: Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá sáng như ngọc lưu ly. Điện đã rộng lại to, sáng sủa lại lớn. Trên thềm trước chùa có bảy mươi con thú, phía sau có ao rộng. Các lầu cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng với rồng bay tới trời cao cung Quảng.
Nền của thượng điện xưa còn tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen bằng đá xanh xưa được thếp vàng. Rải rác quanh thượng điện còn sót lại một số di vật vào thời Lý. Chân cột bằng đá rộng tới 0m50 chứng tỏ cột của chùa ngày xưa rất to lớn, như thế chùa cũng được xây dựng rất cao và rất rộng.
Chính giữa sân thứ ba này có đến 32 ngọn tháp, một số xây bằng đá, một số xây bằng gạch, phần lớn được xây vào hậu bán thế kỷ 17 gồm có các tháp sau:
- Tháp Phổ Quang dựng năm Cảnh Trị thứ hai (1664) cao 4 từng, ở trong rỗng, trên trần khắc hình bát quái, vách chạm tượng Phật ngồi trên tòa sen.
- Tháp Viên Dung dựng năm Kỷ Mùi (1679), cũng cao 4 từng.
- Tháp Hiển Quang dựng năm Vĩnh Trị thứ năm (1680).
- Tháp Viên Quang dựng năm Chánh Hòa thứ năm (1684), cao hai từng.
- Tháp Báo Nghiêm dựng năm 1644-1645 và trùng tu năm Chánh Hòa thứ 13 (1692), là tháp cao nhất, cũng gồm 4 từng. Mặt tháp chạm tượng Phật ngồi trên tòa sen và thiền sư ngồi thiền định. Đây là tháp của Hòa thượng Chuyết Công (tức Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết ). Hòa thượng Chuyết Công còn có một tháp nữa ở chùa Bút Tháp. Dân địa phương tìm thấy kim thân Hòa thượng Chuyết Công trong tháp ở chùa Phật Tích (?).
Chùa Phật Tích bị các cuộc chiến tranh tàn phá: chiến tranh thời nhà Tây Sơn đánh chiếm Bắc Hà và chiến tranh thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Chùa Phật Tích hiện chỉ còn một số cổ vật, trong đó quý nhất làtượng Phật A Di Đà, tượng chim Ca La Tần Già (hay Nghi thần Kimari ), tượng Hộ pháp…

TƯỢNG PHẬT A DI ĐÀ Ở CHÙA PHẬT TÍCH

Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích – Đỉnh cao nghệ thuật thời Lý | Tâm Linh Đại Việt

Tượng Phật bằng đá, được chế tạo vào năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057), đời vua Lý Thánh Tông.
Theo bia chùa Phật Tích kể: Năm Long Thụy Thái Bình thứ tư, vua cho xây dựng ngôi Bảo Tháp ở chùa Phật Tích cao 10 trượng (42m) và tạc tượng Phật mạ vàng cao sáu thước (2m40).
Tượng Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen cao 1m87, kể luôn cả bệ cao gần 3m.
Tượng Phật bằng đá xanh mài láng (ngày xưa có thếp vàng ở ngoài). Tượng Phật ngồi thiền định theo lối kiết già, hai bàn tay để ngửa, lòng bàn tay đặt lên nhau. Hình dáng tượng trông như một người ngồi thiền định tự nhiên. Gương mặt bầu bĩnh, đôn hậu, cặp mắt lim dim như đang thiền quán, đôi mi thanh tú, mũi dọc dừa, miệng thoáng hiện nét mỉm cười an lạc, hai trái tai dài, cổ nhỏ có ba ngấn. Y phục được chạm thật mỹ thuật, dù là chạm bằng đá, nhưng khi nhìn tượng, người xem có cảm tưởng như y phục mềm mại nhẹ nhàng, tha thướt như vải. Y phục bó sát vào thân với những nếp gấp thật mềm mại tự nhiên.
Tượng Phật ngồi trên tòa sen với ba lớp cánh hoa. Cánh hoa được chạm nổi hình rồng ở phía ngoài.
Tượng Phật và tòa sen được đặt trên bệ bằng đá hình khối bát giác (8 cạnh), cao ba từng, trang trí các hoa văn thường dùng vào đời nhà Lý, với các hình rồng, dây hoa uốn cong mềm mại, hay các lớp sóng nước cách điệu nhấp nhô sinh động, mỹ thuật.

Tượng chim Ca La Tần Già hay nghi thần Kanari, thiên nữ đầu và chân người với hai tay đang vỗ trống cơm, cánh và chân chim.
Tượng bằng đá, đầu người đội mão có chạm hoa văn và lá mỹ thuật, gương mặt tròn đầy xinh đẹp với đôi mắt thanh tú, mũi dọc dừa, miệng mỉm cười duyên dáng với đôi môi trái tim. Cổ đầy đặn với ba ngấn, thân hình mập, da căng phồng. Hai tay đang vỗ hai mặt của chiếc trống cơm xinh xắn. Cánh chim trạm trổ sinh động và mỹ thuật.
Tượng chim Ca La Tần Già liên quan đến nhân vật thần thoại và mỹ thuật của nền văn hóa Chiêm Thành.
Nguyễn Sưỡng, hiệu Tích Liêu trong “Thi xã Bích Động”, sống vào cuối đời Trần, khoảng thế kỷ 14, có bài thơ tả cảnh chùa Phật Tích như sau:
Phiên âm:
Tiên Du Vạn Phúc Tự
Phật độ trang nghiêm xỉ vạn câm (kim),
Tùng phong xuy khứ hải trào âm.
Vân tàng cổ tự sơn Nam Bắc,
Tháp ỷ tằng tiên thế cổ câm (kim).
Cấp giản quí tăng hành mộc điểu,
Thính chung miên khách ỷ hoa âm.
Lạn kha vấn khước tiên gia sự,
Thạch thượng đài hoa tích tiêm thâm.
Dịch nghĩa:
Chùa Vạn Phúc Ở Tiên Du
Đất Phật trang nghiêm tốn vạn vàng,
Rì rào sóng bể gió thông ngàn.
Trời cao tháp dựa, đời kim cổ,
Chùa cũ mây che núi Bắc nam.
Múc nước ngọn cây sư nhẹ lướt,
Nghe chuông, bóng rợp khách mơ màng.
Lạn Kha lần đầu tiên ngày ấy,
Đá núi từng từng rêu biếc lan.
(Phạm Tú Châu dịch)

Nguyễn Trãi (1380-1442) có bài thơ vịnh cảnh “Chùa Tiên Du” như sau:
Đoản trạo hệ tà dương,
Thông thông yết thượng phương.
Vân qui thiền sáp lãnh,
Hoa lạc vãn lưu hương.
Nhựt mộ viên thanh cấp,
Sơn không trúc ảnh trường.
Cá trung chân hữu ý,
Dục ngữ hốt hoàn vương.
Tạm dịch:
Buộc thuyền dưới chiều tà,
Nhanh nhanh lên viếng Phật.
Mây về giường sư lạnh
Hoa rụng vẫn lưu hương.
Chiều tối vượn rộn kêu,
Núi ánh bóng trúc dài.
Trong tâm dường có ý
Muốn nói bỗng quên rồi.

---o0o---
Sự Tích “Từ Thức - Giáng Hương” Ở Chùa Phật Tích

Từ Thức quê ở Hóa Châu (Thanh Hóa), vào niên hiệu Quang Thái (1388-1398), đời vua Trần Thuận Tông, Từ Thức nhờ chân ấm sinh (con của đại thần) nên được làm tri huyện huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay).
Trong huyện có chùa Phật Tích (hay chùa Vạn Phúc) trên núi Tiên Du. Chùa Phật Tích có hội chùa vào ngày mồng bốn tháng Giêng âm lịch, được người thời đó gọi là “Hội xem hoa” hay “Hội hoa mẫu đơn” vì chùa có vườn hoa rất đẹp, nổi tiếng nhất là cây hoa mẫu đơn. “Hội hoa mẫu đơn” ở chùa Phật Tích kéo dài cả mùa Xuân.
Vào tháng hai năm Đinh Sửu (1397), có một cô gái trẻ đẹp, mới độ 15,16 tuổi đến chùa Phật Tích xem hoa, lỡ tay làm gãy cành hoa của cây hoa mẫu đơn quý nhất của chùa, người trong chùa bắt giữ lại đòi bồi thường. Từ Thức cũng viếng chùa, nhân đi qua đó thấy sự việc, cởi áo khoác quý đền cho chùa để cô gái được đi.
Từ Thức tánh tình phóng khoáng, thích uống rượu, ngâm thơ du ngoạn, không thích việc quan nên thường để công việc thường bị ứ đọng, có khi bị cấp trên trách quở. Cuối cùng chán cảnh danh lợi quan lại triều đình nên xin từ quan về quê hưởng nhàn.
Từ Thức thường đi du ngoạn, đến viếng những cảnh rừng núi hang động xinh đẹp khắp xứ Thanh Hóa.
Một hôm, khi viếng cửa biển Thần Phù, nhìn ra ngoài biển, thấy một hòn đảo cách xa vài mươi dặm, các vầng mây ngũ sắc kết lại như hình hoa sen hết sức xinh đẹp. Từ Thức sai người chèo thuyền đưa ra đảo ấy. Lên bờ thấy cảnh núi, cây cỏ hoa lá xanh tươi. Núi xanh biếc, cao ước ngàn trượng.
Lên núi, gặp một hang núi, cửa tròn, rộng độ một trượng. Từ Thức bước vào trong hang, bỗng cửa hang đóng sập lại, trong hang tối mù mịt. Từ Thức cứ liều bước đi, tay quờ quạng mò vách núi, chân lần bước, dần dần thấy ánh sáng, cảnh núi xanh tươi như động tiên. Trên đỉnh núi còn có lầu đài cung điện, cây cảnh hoa lá tươi tốt. Từ Thức ngắm cảnh và cảm thấy lạ lùng, bỗng thấy hai cô gái trẻ đẹp mặc áo xanh, họ bảo nhau: Chú rể mới nhà ta đến kia kìa! Nói nhau xong, họ vào trong lâu đài rồi trở ra bảo với Từ Thức rằng: Phu nhân cho chúng tôi ra mời người vào.
Sau khi qua một dãy tường gấm, vào cửa sơn son, thấy cung điện, trên có đề: “Điện Quỳnh Hư, Gác Giao Quang”.
Khi lên lầu, Từ Thức thấy một bà tiên mặc áo trắng, ngồi trên giường thất bảo, cạnh giường có ghế đàn hương. Bà tiên mời Từ Thức ngồi trên ghế và bảo rằng:
- Ngươi thường hay viếng cảnh lạ, có biết đây là chốn nào không?
Từ Thức thưa:
- Tôi tuy đi du ngoạn nhiều cảnh đẹp, nhưng chưa từng được gặp cảnh tiên này, xin bà cho tôi được biết rõ.
Bà Tiên cười nói rằng: Ngươi làm sao biết được cảnh này!
Đây là động thứ sáu trong 36 động của núi Phi Lai. Núi này di chuyển khắp mặt biển, không đụng mặt đất, chỉ theo mây gió mà hợp tan thôi. Ta là tiên núi Nam Nhạc, gọi là phu nhân họ Ngụy. Vì thấy ngươi có chí nghĩa cao, nên cho ngươi đến viếng.
Bà Tiên cho người hầu gọi một cô gái ra, Từ Thức thấy đó chính là cô gái làm gãy cành mẫu đơn ở chùa Phật Tích ngày trước.
Bà Tiên nói với Từ Thức: Đây là Giáng Hương, khi trước xem hoa, mang phải nạn, nhờ ngươi cứu cho, nay ta muốn cho nó kết duyên với ngươi để báo ân ấy.
Hôm sau, hôn lễ được tổ chức linh đình, ở gác Giao Quang chư Tiên cỡi li vàng (rồng vàng không có sừng), hoặc câu đỏ (loại rồng đỏ) đến dự. Điện gác trang hoàng rèm ngọc, trướng điệu, đệm hoa ghế bạc. Tiệc đãi các món sơn hào hải vị, nem công chả phụng… , đàn sáo hòa nhạc êm đềm …
Từ Thức sống chốn non tiên được một năm, một hôm có ý nhớ quê nhà, bảo với Giáng Hương rằng: Tôi đi xa đã lâu, có ý nhớ quê cũ, muốn về thăm nhà.
Giáng Hương có ý lưỡng lự, không nỡ ly biệt. Từ Thức lại nói: Cho tôi về vài ngày cho anh em biết, rồi sẽ trở lên đây.
Giáng Hương khóc mà nói rằng: Thiếp không dám vì tình vợ chồng mà ngăn cản người quân tử, nhưng cõi trần bé nhỏ, ngày tháng vắn, nếu chàng có về đi nữa, chỉ sợ cửa nhà cây cảnh không còn như ngày trước.
Từ Thức vẫn có ý muốn về thăm quê nhà, Giáng Hương trình với phu nhân. Phu nhân than rằng: Không ngờ gã ấy còn vương víu trong chốn hồng trần, con đừng ngậm ngùi chi nữa.
Phu nhân cho một cỗ xe cẩm vân đưa về. Giáng Hương trao Từ Thức một phong thơ và dặn rằng: Khi nào về đến nhà rồi mới được mở thơ ra xem.
Từ Thức cáo biệt, lên xe. Xe bay nhanh, chớp mắt về đến quê cũ, nhưng khung cảnh đã hoàn toàn khác hẳn ngày trước. Từ Thức gặp các cụ già trong làng hỏi các cụ có biết tên mình không? Có một ông lão nói rằng: Lúc còn nhỏ, có nghe cụ tổ ba đời nhà tôi có tên Từ Thức, đi vào núi lạc mất, cách nay đã hơn 80 năm rồi.
Từ Thức buồn rầu, muốn lên xe để trở lại non tiên với Giáng Hương, nhưng cỗ xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Từ Thức mở thư Giáng Hương ra xem, trong đó có viết rằng: Trong mây kết bạn lan hoàng, duyên xưa đã hết, muốn tìm lại tiên nữ trên biển như xưa thì khó mà gặp được cơ hội “ngàn năm một thuở” đó!
Từ Thức mặc áo lông cừu, đội nón nhỏ, vào núi Hoàng Sơn ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) rồi mất tích, không biết lên cõi tiên hay đi đâu mất…

---o0o---

Sự Tích Núi Lạn Kha (Núi Cán Rìu Mục)

Núi Phật Tích còn gọi là núi Lạn Kha: Lạn có nghĩa là mục, Kha có nghĩa là cái rìu, Lạn Kha là cái rìu mục.
Sự tích núi Lạn Kha như sau: Ngày xưa, vào đời Tấn (265-420), một tiều phu tên Vương Chất, lên núi Phật Tích. Trên đỉnh núi Phật Tích có một tảng đá phẳng rộng, tương truyền đó là bàn cờ tiên. Vương Chất đến đỉnh núi, thấy có hai vị tiên đánh cờ, Vương Chất đứng tựa vào cán rìu để xem hai vị tiên đánh cờ. Đến khi xong ván cờ, Vương Chất nhìn lại thì cán rìu đã mục nát, vì vậy, núi Phật Tích còn được gọi là núi Lạn Kha.

---o0o---

Chùa Bút Tháp (Chùa Ninh Phúc)

Chùa Bút Tháp hay chùa Ninh Phúc, hay chùa Nhạn Tháp ở xã Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Bút Tháp cách chùa Dâu khoảng 3-4km (theo quốc lộ 5, đến ngã ba Dương Xá, quẹo trái vào Nông trường quốc doanh Toàn Thắng).
Chùa Bút Tháp do Thiền sư Huyền Quang, Tổ thứ ba của phái thiền Trúc Lâm thành lập vào đời vua Trần Nhân Tông (1258-1278).
Chùa Bút Tháp là một danh lam rất rộng lớn, nguy nga tráng lệ. Trước chùa có xây đài “Cửu phẩm Liên hoa” bằng đá, cao chín từng, trang trí hình hoa sen.
Trải qua nhiều thế kỷ, chùa Ninh Phúc là nơi trụ trì của nhiều cao tăng danh tiếng, nhưng chùa cũng trải qua nhiều thời hưng thịnh, hoang phế.
Chùa Ninh Phúc hưng thịnh vào thời nhà Trần với các thiền sư của phái thiền Trúc Lâm. Sau khi nhà Trần mất ngôi, chùa cũng suy tàn vào thời Hậu Lê. Đến thời Lê Trung hưng, vua Lê - chúa Trịnh hộ trì Phật pháp, chùa Ninh Phúc được phục hưng, nhất là từ sau khi Hòa thượng Chuyết Chuyết Viên Văn và Thiền sư Minh Hành Tại Tại về hoằng dương chánh pháp ở chùa Phật Tích (chùa Vạn Phúc) và chùa Ninh Phúc. Từ đó chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích trở thành Tổ đình của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) cho đến thời Tổ sư Chân Nguyên-Chánh Giác và Thiền sư Như Trừng-Lân Giác kết hợp phái thiền Trúc Lâm và phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài thành phái thiền Liên Tông hay Liên Phái (hay Liên Hoa).
Năm 1630, khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, chiếm Trung Quốc, Hòa thượng Viên Văn Chuyết Chuyết được tôn là Hòa thượng Chuyết Công (1590-1644) cùng một số đệ tử dùng thuyền bỏ xứ di cư về phương Nam (trong đó có đệ tử xuất sắc nhất là Thiền sư Minh Hành-Tại Tại).
Hòa thượng Chuyết Công và đệ tử ghé thuyền vào Chân Lạp, có lẽ là ghé vào vùng Đồng Nai, thuộc Thủy Chân Lạp. Sau đó Hòa thượng lại rời Chân Lạp, dùng thuyền đi dần theo bờ biển ra phía Bắc: đến Chiêm Thành, qua Đàng Trong (hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa một thời gian), sau đó ra Đàng Ngoài: Hòa thượng ghé ở chùa Thiên Tượng (Nghệ An), rồi chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa) hoằng hóa một thời gian, sau đó mới ra Đông Kinh (kinh đô Thăng Long), mang theo nhiều kinh sách.
Năm Quý Dậu (1633), Hòa thượng Chuyết Công và các đệ tử đến Đông Đô, hoằng hóa ở chùa Khán Sơn, Phật tử người Việt và người Hoa đến tham học rất đông.
Sau một thời gian, Hòa thượng Chuyết Công và các đệ tử lại dời về chùa Vạn Phúc trên núi Phật Tích (hay núi Tiên Du) thuộc Bắc Ninh, cách Đông Đô 30km.
Trong thời gian Hòa thượng Chuyết Công hoằng hóa ở chùa Vạn Phúc hay chùa Phật Tích, vua Lê Thần Tông và Thanh Đô vương Trịnh Tráng rất kính mộ. Vua Lê, chúa Trịnh, cung phi, triều thần thời đó đều quy y với Hòa thượng Chuyết Công hoặc thọ giáo với đệ tử của Ngài là Thiền sư Minh Hành Tại Tại. Chúa Trịnh muốn nhờ Hòa thượng về Trung Quốc thỉnh kinh sách để lưu hành ở Đàng Ngoài, Hòa thượng cử Thiền sư Minh Hành Tại Tại về Trung Hoa, thỉnh kinh Phật về tàng trữ ở chùa Vạn Phúc.
Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (chánh cung của Thượng hoàng Lê Thần Tông, là con của chúa Trịnh Tráng) đã quy y thọ giáo với Thiền sư Minh Hành Tại Tại, được ban pháp danh là Pháp Tánh. Con của bà là Lê Thị Ngọc Duyên cũng quy y với Thiền sư Minh Hành Tại Tại, được ban pháp danh là Diệu Tuệ.
Năm 1643, Ni sư Pháp Tánh xin với cha là chúa Trịnh Tráng (1623-1657 ) trùng tu lại chùa Ninh Phúc. Sau khi chùa Ninh Phúc sửa chữa xong, Hòa thượng Chuyết Công được thỉnh sang trụ trì chùa Ninh Phúc, Thiền sư Minh Hành-Tại Tại trụ trì chùa Vạn Phúc.
Rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644 ), Hòa thượng Chuyết Công cho gọi đồ chúng lại truyền bài kệ:
Tre gầy thông vót nước thơm rơi,
Gió thoảng trăng non mát thoảng thoảng,
Không biết ai trụ chùa Nguyên Tây ?
Mỗi chiều chuông nổi tiễn hoàng hôn.
Nói xong, Hòa thượng bảo đại chúng: “Nếu ai động tâm khóc lóc là không phải đệ tử của ta”. Hòa thượng ngồi yên viên tịch, mùi hương lạ đầy chùa Ninh Phúc cả tháng mới tan. Đồ chúng xây tháp để nhục thân của Hòa thượng ở chùa Phật Tích trên núi Phật Tích (Bắc Ninh).
Sau đó Thiền sư Minh Hành Tại Tại qua trụ trì chùa Ninh Phúc, sư cho xây tháp Báo Nghiêm để thờ Hòa thượng Chuyết Công; đến năm 1647, tháp mới xây xong, sư cho dựng bia để nêu cao công đức của Hòa thượng Chuyết Công.
Bia “Hiển thoại Báo Nghiêm tháp bi minh” do cư sĩ Thanh Nguyên biên soạn theo yêu cầu của Thiền sư Minh Hành-Tại Tại được dựng vào năm Phúc Thái thứ năm (1647 ); kể về tiểu sử của Hòa thượng Chuyết Công.
Tháp Báo Nghiêm hình bát giác, cao 5 từng, đầu nhọn, ở xa nhìn giống cây bút nên dân địa phương gọi là Bút Tháp (tháp giống cây bút), cũng vì vậy chùa Ninh Phúc cũng được gọi là chùa Bút Tháp.
Ngoài ra sau khi tháp Báo Nghiêm xây xong, có một đàn chim nhạn, không biết từ đâu bay tới đã đậu đầy trên tháp và các sợi dây đồng cột từ đỉnh tháp xuống đất, nên dân chúng cũng gọi chùa Ninh Phúc là chùa Nhạn Tháp (tháp có chim nhạn đậu).
Năm 1656, Ni cô Diệu Tuệ (cháu ngoại chúa Trịnh Tráng) lại trùng tu chùa Bút Tháp.
Năm Kỷ Hợi (1659), Thiền sư Minh Hành-Tại Tại viên tịch tại chùa Bút Tháp, thọ 64 tuổi (1596-1659 ). Đệ tử xây dựng tháp Tôn Đức ở ở chùa Bút Tháp để thờ tượng Thiền sư Minh Hành-Tại Tại bằng đồng. Ngoài ra đệ tử của Ngài là Ni sư Pháp Tánh cũng dựng tháp Tôn Đức ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử.
Tháp Tôn Đức là tháp hình vuông, cao 5 từng, làm bằng đá xanh mài láng mặt, các tảng đá được làm mộng, lắp ghép nhau thành tháp cao 10m. Trong lòng tháp có tượng thiền sư Minh Hành Tại Tại.
Mặt ngoài tháp có bia ký: “Sắc kiến Tôn Đức khoán thạch” dựng năm Vĩnh Thọ thứ ba (1660) kể lại hành trạng Thiền sư Minh Hành và việc dựng tháp.
Mặt ngoài từng thứ hai và thứ ba của tháp Tôn Đức có nhiều bài ký kể về nhiều sự kiện:
- Bản khắc về tiểu sử Ni cô Diệu Tuệ (Lê Thị Ngọc Duyên, cháu ngoại Trịnh Tráng).
- Bản khắc năm Chính Hòa thứ năm (1684 ) kể về việc Ni cô Diệu Tuệ mua ruộng làm hương hỏa cho Thiền sư Lê Ngọc Nghinh và cha mẹ Ngài.
- Bản khắc ở mặt sau, năm Vĩnh Hựu thứ năm (1739) kể việc Phật tử mua ruộng để cúng tế hai Tổ sư Chuyết Chuyết và Tại Tại, cùng tên những người có công sửa chùa..
- Bản khắc năm 1737 kể về Ni sư Diệu Viên mua ruộng lấy hoa lợi lo cúng tế.

 

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.