Additional Info
Thiền Sư Tánh Tuyền Liễu Giác
(1709 - 1778)
Thiền sư Tánh Tuyền hiệu Liễu Giác, họ Huỳnh, quê ở Đa Nhất, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (tỉnh Nam Định sau này). Năm 12 tuổi vào chùa Liên Hoa (sau đổi là Liên Tông, rồi Liên Phái), xin thọ giáo với Thượng sĩ Như Trừng Lân Giác, siêng năng lễ phép hầu hạ thầy và chuyên cần tu học.
Khi Sa di Tánh Tuyền đến tuổi trưởng thành, Thượng sĩ nói rằng: “Hiện nay nhằm vào Thời mạt pháp, nhân tâm suy đồi, Phật pháp suy vi, giới luật không có được học; ngươi nên ra nước ngoài cầu học chánh pháp về nước góp phần dẹp trừ những tê nạn của Phật giáo trong nước thì còn gì qúy bằng!”.
Tánh Tuyền vâng lời thầy dạy, phát thệ nguyện lớn, quyết tâm qua Trung Quốc học thêm kinh luật. Năm 22 tuổi, Tánh Tuyền lên đường du học, Thượng sĩ Lân Giác tiễn đệ tử bằng bài kệ:
Thiền Lâm cổ kính cửu mai trần,
Vị pháp vong thân kỷ hứa nhân?
Ngũ thập tam tham kim cổ tài
Bát tuần hành khước dã tân cần.
Tạm dịch:
Gương xưa rừng Thiền bụi phủ đầy
Vì pháp quên mình có mấy ai?
Thiện Tài tham vấn xưa nay còn,
Tám lần hành khước gắng chuyên cần.
Sau sáu tháng trèo non vượt suối, gian nan khổ cực, Tánh Tuyền đến Quảng Châu (Trung Quốc), lên núi Đảnh Hồ, đến ngụ tạm ở cổng Tam quan chùa Khánh Vân (Khánh Vân đại thiền) suốt ba tháng.
Một hôm, thầy Duy na của chùa Khánh Vân thấy người lạ có dung mạo buồn thảm nên hỏi rằng:
- Người từ đâu đến? Chí cầu việc chi?.
Tánh Tuyền thưa:
- Bần tăng ở nước Nam, đi xa ngàn dặm sang đây để cầu học đại pháp, chưa có cơ duyên được mãn nguyện, kính nhớ Ngài thưa hộ lên Hòa thượng, thật là vạn hạnh cho bần tăng.
Thầy Duy na vào trình sự việc, Hòa thượng Kim Quang Đoan bảo: “Tốt lắm!”, và cho gọi vào phương trượng. Sư Tánh Tuyền đảnh lễ và trình bày hết chí nguyện của mình. Hòa thượng bảo: “Vào tăng đường đi”.
Sau 3 năm chuyên cần tu học, chịu đựng bao khổ cực, chí tâm tham học kinh sách không lúc nào bê trễ, Tánh Tuyền được thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát trong giới đàn ở chùa Khánh Vân do Hòa thượng Kim Quang Đoan truyền giới.
Tỳ kheo Tánh Tuyền tiếp tục tu học ở Trung Hoa ba năm nữa.
Năm 1736, thiền sư Tánh Tuyền Liễu Giác trở về nước, thỉnh được 300 bộ kinh luật luận gồm hơn một ngàn quyển. Khi từ giã về nước, Thiền sư Tánh Tuyền được Hòa thượng Kim Quang Đoan phó chúc cho bài kệ:
Hoàn nhi bất ngộ
Ngộ nhi bất mê,
Tâm vô mê ngộ
Chân tọa liên hoa
Tạm dịch:
Về mà không ngộ
Ngộ mà không mê
Tâm không mê ngộ
Thật ngồi tòa sen.
Về đến thôn Nhân Mục ở cửa Tam Huyền, Thiền sư Tánh Tuyền mới biết được Thượng sĩ Như Trừng - Lân Giác đã viên tịch ba năm rồi. Thiền sư Tánh Tuyền thỉnh kinh về tàng trữ ở chùa Càn An. Tăng Ni trong nước đua nhau đến thỉnh sư truyền giới lại. Thiền sư Tánh Tuyền chuyên hoằng dương Luật Tứ phần, từ đây, Luật tạng được trùng hưng rạng rỡ ở Đàng Ngoài.
Ngoài việc thuyết giảng về tạng Luật, có lẽ Thiền sư Tánh Tuyền còn in lại các sách về Luật tạng của Phật giáo để phổ biến trong nước. Ngoài ra, năm 1748, Thiền sư Tánh Tuyền đứng ra in lại sách, khắc in lại sách “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới” của Tăng thống Chân Nguyên Chánh Giác (biên soạn vào khoảng năm 1710).
Vào Thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), Thiền sư Tánh Tuyền được cử giữ chức Tăng chính trong Ty Tăng lục ở triều đình vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Vào năm 70 tuổi, một hôm, Hòa thượng Tánh Tuyền Liễu Giác gọi đệ tử là Thiền sư Hải Quýnh Từ Phong đến bảo: “Đạo của ta được thịnh hành là nhờ ngươi vậy”. Hãy nghe kệ ta đây:
Chí đạo vô ngôn
Nhập bất nhị môn,
Pháp môn vô lượng
Thùy thị hậu côn?
Tạm dịch:
Đạo lớn “không lời”
Vào cửa “không hai”
Pháp môn không lường
Ai người kế truyền?
Nói xong, Hòa thượng Tánh Tuyền ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Đệ tử làm lễ hỏa táng và xây tháp Thờ xá lợi ở hai chùa Hàm Long và Sùng Phước.
Hòa thượng Tánh Tuyền Liễu Giác có nhiều đệ tử, nhưng hiện nay chúng ta chỉ biết được các đệ tử sau: Tuệ Hải, Tuệ Thủy...
---o0o---
Thiền Sư Tánh Tuyền Sinh Và Tịch Vào Năm Nào?
Theo sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thanh Từ (tái bản năm 1992) trang 418 và sách Việt Nam Phật giáo Sử luận của Nguyễn Lang, tập II (tái bản ở Hà Nội năm 1992), trang 151-152, đều viết là:
Thiền sư Tánh Tuyền sinh vào năm 1674 và viên tịch vào năm 1744, nhưng chúng ta thấy rằng các năm đó không chính xác vì lý do sau:
- Các sách đó đều viết rằng: Thiền sư Tánh Tuyền qua Trung Quốc vào năm 22 tuổi, ở đó 6 năm, khi về nước thì Thượng sĩ Lân Giác đã viên tịch 3 năm, như vậy, nếu sinh năm 1674, năm trở về Việt Nam phải là 1674 + 21 + 6 tức năm 1701. Nhưng chúng ta biết rằng: Thượng sĩ Lân Giác viên tịch vào năm Long Đức thứ hai, tức năm 1733.
Qua tiều sử của Thiền sư Tánh Tuyền, chúng ta biết được rõ ràng và chắc chắn nhất là Thiền sư Tánh Tuyền qua Trung Quốc năm 22 tuổi, tu học ở đây 6 năm và trở về đến Việt Nam, sau khi Thượng sĩ Lân Giác viên tịch ba năm.
Từ đó, chúng ta có thể suy ra như sau: Thượng sĩ Lân Giác viên tịch năm 1733, như vậy, năm Thiền sư Tánh Tuyền về nước phải là 1736; do đó, năm Tánh Tuyền qua Trung Quốc là 1730, lúc đó Tánh Tuyền 22 tuổi; như thế Tánh Tuyền có thể sinh vào năm 1730-21, tức khoảng năm 1709 (ngày xưa tính theo tuổi ta, vì vậy, khi tính theo tuổi dương lịch, phải bớt đi 1 năm).
Như vậy, Thiền sư Tánh Tuyền có lẽ sinh vào khoảng 1709 và viên tịch vào năm 70 tuổi, tức năm 1709 + 69 = 1778; hay chắc chắn hơn, Thiền sư Tánh Tuyền có thể sinh khoảng năm 1707-1711 và viên tịch khoảng năm 1776-1780.
Chúng ta cần nghiên cứu các tấm bia và các tháp cổ ở chùa Hàm Long và chùa Sùng Phúc để xác minh lại năm sinh và năm tịch của Thiền sư Tánh Tuyền Liễu Giác và bổ túc thêm về hành trạng và truyền thừa của sư.
---o0o---
Thiền Sư Tánh Tuyền Liễu Giác In Kinh Sách
Năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Thiền sư Tánh Tuyền cùng các đệ tử là Tuệ Hải, Tuệ Thủy khắc in sách “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới” do Tăng thống Chân Nguyên Chánh Giác (Hòa thượng Tuệ Đăng) ở chùa Long Động thuộc phái thiền Trúc Lâm Yên Tử biên soạn.
Sách “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới” hay “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới Qui Cảnh Thể Thức” nêu lên nghi thức quy thọ giới của Phật tử, thuộc Luật tạng. Tăng thống Chân Nguyên dựa vào các kinh Phạm Võng, Đại Bát Niết Bàn, Giới đàn bộ kinh... cùng các sách trong tạng Luật như Tứ phần luật, Tỳ ni nhật dụng... để biên soạn sách này.
Khi in sách “Tôn Sư Phát Sách Đăng Đàn Thọ Giới”, Thiền sư Tánh Tuyền viết lời tựa như sau: “Hễ muôn vật thì đều trở về một gốc, chứng biết như vậy, Như Lai ở mười phương đạt đến chân lý duy nhất tròn đầy trong sáng, hiểu được cái không thể nắm bắt là sự giác ngộ rốt ráo. Bởi vì chúng sinh không giác ngộ: bản chất của mọi vật là trống vắng, mà ý thớc nghĩ sai gây thành bụi rộn, cho nên Đức Phật đã ra đời tùy bệnh mà cho thuốc. Do thế, đại thánh Thích Ca hóa thân trăm ngàn cách, đặt nên điểm tiêu tạm thời trong ba tạng (kinh) để cứu vớt chúng sinh điên loạn, bày ra muôn thứ phương tiện tạm thời để chỉ rõ một tâm chân thật, xác lập qủa Phật là sự giác ngộ không bóng vết, vốn trống vắng tròn đầy giống như hư không. Đó là dấu ấn giáo pháp chân thực của tâm tông, trí tuệ bày tỏ trong “Bốn Mắt Nhìn Nhau”. Đức Thế Tôn đưa cành hoa lên cho đại chúng, Ca Diếp hiểu được ý chỉ mỉm cười, thầy trò bốn mắt nhìn nhau trừng trừng, đèn nối hương truyền liên lý một tâm, trao pháp giao y, kế nhau làm Tổ. Kinh báu Lăng Già, Đạt Ma đem tới từ Tây Trúc, kinh Niết Bàn sách chân, Thích Ca sắp tịch để lại, cảm ứng theo thời cơ mà vẫn duỗi chân hiện lại cho Ca Diếp, Đạt Ma ngồi trơ trong nhà đá (thạch thất) mà cứ liếc trông đến Thần Quang, Hoằng Nhẫn mắt nhìn Lục Tổ, Pháp Loa chân đạp Huyền Quang.
Phật Phật, Tổ Tổ mật truyền tâm ấn, đại để là như thế. Xưa nay cùng một lẽ, kể đến cùng đường, lãnh hội được tất đều tương ứng.
Giả như Phật có còn ở đời thì cũng không khác sách luận thể dụng nói rằng: sự tướng giả vung muôn thớ, lý tính thẳng suốt ba không [1. Ba không: Không, vô tướng, vô nguyện.]
Trước có thể dựa vào quyền, sau mới chứng được thật. Bồ tát Thực hành sáu độ (lục độ), bước lên bốn đàn giới phẩm, phẩm tiết bước lên, sáu năm một tiến Kinh Phật chế ra nghi thớc, sư lý hiệp tròn, sáu năm khổ hạnh, phép lề như vậy. Nếu gặp đúng những người trời sinh sắc bén Phật Pháp giống thiêng, tức là những anh tài chân thực của đạo pháp thì có thể do tiệm “mà vào” đốn “tùy nghi sử dụng cho hợp căn cơ. Nếu chưa là thơợng căn như thế thì phải dựa theo giới phẩm.
Xưa đại sư Lục Tổ Huệ Năng nghe kinh mà giác ngộ, thẳng đến Huỳnh Mai, tham lễ Ngũ Tổ, vâng lời đối đáp. Nhân gặp cơ hội mở trường chọn Phật, kệ của Huệ Năng trúng đầu, bèn được truyền y bát, thiệu long ngôi tổ, gặp nhiều hoạn nạn, chưa kịp lên đàn, nên ngày sau đã mời khắp các bực sư danh đức trong rừng thiền biển Thích cùng đến làm chứng mà cắt tóc, lên đàn thọ giới Cụ túc, bèn mới chứng ngộ hoàn toàn sự giác ngộ, huống nữa là những người hậu học quả nhỏ, sao dám trái vượt?
Kinh dạy: Bên ngoài có tiếng, cắt tóc tu hành nhưng bên trong không có cái Thực trì giới phẩm tiết thì dựa vào đâu mà thành tựu được đạo nghiệp? Ô hô, thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Người tại gia còn mong được xuất gia thì kẻ tách đời há để nhiễm đời. Hãy xấu hổ sám hối, cải bỏ cái xấu đã qua. Sửa sang những gì sắp tới, gấp nhận ra những sai trái trước của mình để sớm bước lên đất giác ngộ. Lầu cao bốn từng, ta tuần tự đi lên thì tới, bốn đàn giới phẩm có thể đưa lên ngôi Phật. Cho nên áo mũ cân đai nhà Nho là nghi phục để chầu vua thì cà sa tọa cụ giòng Thích là pháp phục để chầu Phật. Áo vuông đầu tròn làm con cháu Phật Tổ lại, để xiển dương chánh pháp xuất hiện ở đời, làm cho tôn giáo dài lâu, lợi ích chúng sinh vậy. Cẩn tự.
Soạn để mà khắc vào ngày lành tiết mùa đông, năm Mậu Thìn, Cảnh Hưng thứ 9 triều Lê (1748).
Tác giả Bài Tựa này không đề tên, nhưng có lẽ là của Thiền sư Tánh Tuyền, vì ở tờ đầu của sách có cho biết: Chân nhân Tánh Tuyền là vị Tăng chính của Ty Tăng lục, hiệu là Liễu Giác, ở dưới gốc cây bồ đề và bảo tháp núi Thiên Thai dãy Cứu Lãnh(1) khắc in sách này.
Tờ cuối cùng của bản in sách này có ghi như sau: “Phật pháp dĩ hiểu hậu lai bản nguyện, thân Thừa phật sự dĩ từ tu thân”.
Kệ viết:
Nhất trú không nhan bất ký đông.
Lại tùy vân thủy lại đi cung
Già phu phiến thạch liêu vi chí
(2)
Hảo hữu đoàn vi cứu lãnh phong
Thiên tử vạn niên - Khâm Thừa.
(1) Dãy cứu lãnh: dãy núi Đông Cứu. Trên núi Đông Cứu có chùa Thiên Thai.
(2) Bài kệ này chưa biết tác giả là ai? Có thể là của thiền sư Tánh Tuyền.
Sư kệ:
Nhất tánh viên minh cá cá đồng
Bao la thiên địa tổng hư không
Ngã kim trực chỉ tây lai ý
(1)
Tâm tịch linh tri thị chánh tông
Cảnh Hưng cửu niên tuế thớ, Mậu Thìn, trọng đông tiết cátnhật.Hồng Liêu xã, sứ Thiệu san khắc. Bản lưu tại Đông ngạn huyện,
(2)
Đình Bảng xã, Dận tự.
Có nghĩa là:
“Phật pháp giúp cho đời sau hiểu được lời thệ nguyện hành theo hạnh Bồ tát: thân làm theo việc phật, lấy tâm từ bi để tu thân”.
Kệ rằng:
Hang vắng mãi nương chẳng nhớ đông
Lười tùy mây nước, gậy biếng dùng
Ngồi thiền tảng đá, bạn bè đến
Núi Cứu sum vầy những ước mong.
Thiên tử muôn năm, kính dâng bài kệ của thầy.
Một tánh sáng tròn mỗi mỗi đồng
Bao la trời đất thảy hư không.
Ta nay nhắm thẳng “Ý Tây đến”
Tâm vắng linh tri, ấy chánh tông.
Ngày tốt, tháng 11 năm Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thớ 9 (1748), sứ Thiều xã Hồng Liêu khắc bản lưu tại chùa Dận(*), xã Bình Đẳng, huyện Đông Ngạn (bản dịch của Lê Mạnh Thát trong sách Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, quyển 1, Trang 46-78).
(1) Bài kệ này là của Hòa Thượng chân Nguyên.
(2) Sách in là “Dận tự “ = Chùa Dận, ở làng Đình Bảng, Tỉnh Bắc Ninh.
|