Additional Info
Thiền Sư Như Chúc
(1691 - 1736)
Thiền sư Như Chúc, sinh vào giờ Tuất, ngày mùng 7 tháng 6 năm Tân Mùi, niên hiệu Chánh Hòa thứ hai (năm 1691), quê ở huyện Kim Bảng, cha là Nguyễn Quý Công, mẹ họ Đinh, pháp danh Diệu Cang.
Lúc mẹ mang thai, nằm mơ thấy một khóm trúc trơ trọi. Ông sinh ra đời ít lâu thì cha mất, nhà cửa sa sút, mẹ con phải phiêu dạt nhiều nơi.
Lớn lên, ông vào chùa Thiên Tâm trên núi Tiêu Sơn (Bắc Ninh), xin thọ giáo với Thiền sư Như Trí.
Năm Bảo Thái thứ ba (1722), Thiền sư Như Trí tịch, sư đến hoằng hóa ở chùa Đông Sơn (Bắc Ninh), trùng tu và mở mang chùa này.
Năm Đinh Mùi (1727), sư đến thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Chân Nguyên Chánh Giác ở chùa Long Động, núi Yên Tử, được ban pháp danh là Như Chúc.
Sau đó, Thiền sư Như Chúc về trụ trì chùa Bút Tháp (hay chùa Ninh Phúc) ở trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay).
Thiền sư Như Chúc cho dựng tháp bằng đá xanh, mặt ngoài mài láng, ngài vào trong khám ở từng hầm dưới đất ngồi thiền định và an nhiên thị tịch vào giờ Mùi, ngày 20 tháng 11 năm Bính Thìn (1736). Trưởng tử là Thiền sư Tánh Lương và Ni sư Diệu Viên cùng đồ chúng ở chùa Búp Tháp viết bia ghi lại sự tích, khắc lên mặt ngoài của tháp vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737), đời vua Lê Ý Tông, tháp được đặt tên là “tháp Tâm Hoa”.
Thiền sư Như Chúc là bậc long tượng trong chốn thiền lâm ở Đàng Ngoài, nối tiếp truyền thừa của Hòa thượng Chân Nguyên-Chánh Giác, thắp sáng ngọn đèn pháp của phái thiền Trúc Lâm - Yên Tử, có nhiều đệ tử nổi danh:
- Thiền sư Tánh Lương
- Thiền sư Tánh Tuyên
- Thiền sư Tánh Quảng (?)
|