Ngày 22/2/1869, chính quyền Pháp thông qua nghị định bắt buộc việc ban hành các công văn ở Nam Kỳ phải dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán. Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam Kỳ là Lafont ký Nghị định Số 82 quy định: “Kể từ 1/1/1882, tất cả văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, lệnh, án tòa, chỉ thị,… sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thư từ bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhiệm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện và tổng”[1]. Đến năm 1910, chính phủ Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính ở Bắc Kỳ đảm nhận. Kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở miền Bắc vào năm 1915 và miền Trung là năm 1918 (năm 1919 là kỳ thi Hội cuối cùng). Ngày 28/12/1918, vua Khải Định ban hành đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử Hán học. Như vậy, sau 844 năm tồn tại với 185 khoa thi, nền khoa cử Nho học Việt Nam chính thức chấm dứt vai trò lịch sử của mình.
[1] . Lê Ngọc Trụ (1961), “Chữ Quốc ngữ từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XIX”, Việt Nam Khảo cổ Tập san, số 2, tr.114-115.