Năm 247, Khương Tăng Hội, một nhà sư gốc Ấn Độ, qua Trung Quốc hoằng pháp. Ông sinh ra, lớn lên, xuất gia và tu học tại Giao Châu (năm 203, thái thú Sĩ Nhiếp trình xin đổi tên Giao Chỉ thành Giao Châu). Ông là nhà sư hoàn toàn được đảo tạo tại Giao Châu. Ông tới kinh đô Kiến Nghiệp của nhà Đông Ngô hoằng pháp, có đem theo một tượng Phật. Ông thông thạo tam tạng Kinh, hiểu thấu 6 kinh nền tảng của Nho giáo lại giỏi khoa ăn nói và nghệ thuật viết lách nên đã làm hưng thịnh Phật pháp tại đất Đông Ngô, một vùng trước đây chỉ có vài nhà sư dịch kinh. Ông tịch vào năm 280, đã dịch nhiều kinh tạng từ Phạn văn qua chữ Hán, soạn cuốn nghi thức Nê Hoàn Bối âm điệu réo rắt, trầm buồn và xây dựng nhiều chùa tháp. Trong 14 quyển kinh ông dịch, bản dịch Lục Độ Tập Kinh được coi là đỉnh cao sự nghiệp dịch thuật của ông. Một số nhà biên khảo Trung Quốc cho rằng bộ kinh tập Lục Độ Tâp Kinh do ông sáng tác. An Thế Cao (người dịch kinh An Ban Thủ Ý ra Hán Văn) tán dương Khương Tăng Hội là người truyền dạy Kinh Thiền. Các kinh về Thiền như An Ban Thủ Ý và Ấm Tri Nhập do An Thế Cao dịch được ông diễn giải theo tinh thần Đại Thừa. Sư ông Nhất Hạnh suy tôn Khương Tăng Hội là tổ Thiền Tông Việt Nam. Với tác phẩm Nê Hoàn Bối, ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho lễ nhạc Phật giáo Trung Quốc.
Cũng năm 258 ở Trung Quốc, Châu Tử Hàng khai đàn giảng kinh Bát Nhã ở kinh đô Lạc Dương. Việc giảng kinh cho đại chúng ở Trung Quốc bắt đầu từ đó.