Năm 1964, trong trách vụ Tổng Vụ Trưởng Hoằng Pháp của GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Trí Thủ tổ chức ba Đại Hội Hoằng Pháp tại Phật Học Viện Hải Đức (Nha Trang), chùa Xá Lợi (Sài Gòn), chùa Ấn Quang (Chợ Lớn). Trong năm này, ông làm Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học tại chùa Pháp Hội, bước cơ bản cho việc thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh sau này. Kể từ năm 1968, ông được tôn cử làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo (Ấn Quang) trong Đại Hội GHPGVNTN 5 và 6. Trong Đại Hội kỳ 7 của Giáo Hội ( tháng 1. 1977), với tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo ông kêu gọi thống nhất Phật Giáo trong cả nước trong tinh thần đạo pháp và dân tộc nhưng không đạt được kết quả mà còn bị chỉ trích vì một số cấp lãnh đạo Phật Giáo đã cảm thấy sự đè nén của chính quyền Cộng Sản.
Ông đã dịch nhiều Kinh, Luật và Luận, soạn các Nghi Thức Truyền Giới Bồ Tát Tại Gia và Thập Thiện, Nghi Thức Phật Đản, Nghi Thức Buổi Lễ Khuya, viết Mẹ Hiền Quan Âm, Pháp Môn Tịnh Độ. Cuốn Bát Nhã Tâm Kinh Chú Giải của ông có một phụ lục gồm các bản tiếng Phạn, Mãn Châu, Tây Tạng, Vu Điền, Mông Cổ, Pali, chữ Hán, chữ Nôm của thiền sư Minh Châu Hương Hải, tiếng Anh, Pháp và Nhật cho thấy sự thận trọng và công phu sưu tập của ông.
Ông chủ trương Tăng Già phải tự thấy mình là ngôi thường trú Tam Bảo, phải được huấn luyện và tự huấn luyện đầy đủ Trí và Đức. Tại các Phật Học Viện do ông thành lập, ông cho tăng sinh học song song hai chương trình văn hóa đạo và đời, nhất là các ngành văn hóa thực dụng. Đích thân ông hướng dẫn tăng ni đi thi bằng Tiểu học ngoài đời gây chấn động dư luận thời đó.
Ông cũng cho một số học tăng vào Sài Gòn học các khoa chế biến, sau đó mở các xưởng sản xuất vị trai, dấm, làm nấm, xà bông, nhang đèn, in và phát hành kinh sách.
Phật Đản năm 1935 tại Huế được tổ chức trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 âm lịch.
Chiều ngày 7 tháng 4 ÂL tại chùa Diệu Đế, Ban Đồng Ấu gồm 52 em trong đồng phục áo the xanh quần trắng, đeo giải băng màu vàng chữ nâu Nam Mô Bổn Sư Thích ca mâu Ni Phật, hát bản nhạc Mừng Phật Đản (sau này được phổ thông dưới tên Trầm Hương Đốt). Đây là bản nhạc Phật Giáo đầu tiên ghi theo ký âm pháp Tây Phương của nhạc sĩ Bửu Bác, ở giai đoạn nền tân nhạc VN còn phôi thai. Sau đó thiền sư Giác Nhiên ( sau này được gọi là Ôn Thiền Tôn, Đệ Nhị Tăng Thống GHPGVNTN năm 1973) giảng về Bát Nhã Tâm Kinh trước máy vi âm. Vua Bảo Đại đã được mời dự với tư cách Hội Trưởng Danh Dự Hội An Nam Phật Học. Đây là lần đầu tiên máy vi âm (micro) được dùng trong buổi lễ Phật Giáo. Cho tới năm 1943, khi Phạm Duy hát phụ diễn cho gánh cải lương Đức Huy ở Hải Phòng cũng chưa được dùng máy vi âm.
Sáng Phật Đản ngày 8 tháng 4 ÂL, Ni cô Diệu Hương giảng kinh A Di Đà, ni cô Diệu Viên thuyết về Phật Học Đối Với Phụ Nữ. Đây cũng là một điều hoàn toàn mới mẻ vì cho tới Đại Hội Hoằng Pháp năm 1962 tại Phật Học Viện Nha Trang, khi Sư Bà Như Thanh đề nghị lập một đoàn hoằng pháp lưu động do Ni chúng phụ trách, Thượng Tọa Trí Thủ (năm 1964 là Tổng Ủy Viên Hoằng Pháp của GHPGVNTN) đã đưa ra ý kiến bác bỏ: Ni chúng lo việc từ thiện xã hội, còn việc hoằng pháp thì để cho bên tăng đảm trách.
Sự thành công của lễ Phật Đản này đã tạo nên một số bài báo công kích đạo Phật trên các báo Tràng An và Ánh Sáng (Huế), cho rằng đạo Phật ru ngủ quần chúng nên phục hưng Phật Giáo là việc làm không hợp thời. Các cư sĩ Nguyễn Xuân Thanh và Tâm Minh Lê Đình Thám đã phản bác lại bằng những lập luận có sức thuyết phục cao. Nhờ vậy, cho tới năm 1940, Hội An Nam Phật Học đã tổ chức được tới đơn vị cấp xã (khuôn hội) tại khắp các tỉnh miền Trung.