Năm 2000 26 tháng 6, trên 100 tăng ni Việt Nam lần đầu tiên tương hội với đức Đạt Lai Lạt Ma. HT Hộ Giác đại diện cho các tăng ni VN, TT Giác Đẳng thông dịch. Mở đầu buổi tương hội, tăng ni VN đồng tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt, đức Đạt Lai Lạt Ma và chư tăng Tây Tạng đồng tụng Tâm Kinh bằng tiếng Tây Tạng. Trong buổi tương hội này, hai bên đồng ý việc thiết lập một văn phòng liên lạc để củng cố và phát triển thêm những quan hệ.
Kể từ thập niên 1980, Mật Tông Tây Tạng bắt đầu được Phật Tử VN chú ý. Ni sư Trí Hải đã dịch ra tiếng Việt nhiều tác phẩm Phật học của các vị Lạt Ma. Ni sư Như Thủy, một đệ tử kiệt xuất của HT Thanh Từ, theo học với HT Trạm Nhiên Tịch Chiếu chùa Tây Tạng Bình Dương. Nguyên Phong cũng dịch một số tác phẩm giới thiệu Huyền Môn Tây Tạng. Trần Ngọc Anh dịch bộ kinh quan trọng nhất của Mật Tông là Kinh Đại Nhật, TT Phụng Sơn, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Mật Nghiêm, Phương Dung và Pram Nguyễn viết nhiều bài giới thiệu về Phật Giáo Tây Tạng. Cư sĩ Như Hòa dịch 28 bản kinh Mật Tông phổ biến trên trang nhà Viêtnamese Buddhist Sutra Hall. Một số chùa VN tại California và Washington DC cũng thường mời các vị Lạt Ma làm lễ điểm đạo. Nữ cư sĩ Phương Dung (không phải ca sĩ Phương Dung) với sự cộng tác tích cực của một nhóm thân hữu, đã tổ chức hai buổi đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp xúc và thuyết giảng cho đại chúng Phật Tử VN vào năm 1997 và 2000.Nhiều ngàn Phật tử VN đã tham dự hai buổi này.