ĐÒI CÁI VÔ VẬT

Xưa có hai người đi một đường, thấy một người chở xe vừng (mè) đi trên quảng đường gập-ghềnh không tiến lên được. Người chở xe lên tiếng nhờ hai người đi đường đẩy giúp cho một đoạn để ra khỏi quãng đường này. Hai người kia đáp: “Chúng tôi đẩy giúp ông sẽ cho chúng tôi vật gì?” Người chở xe nói nói: “Vô-vật (không có vật gì!)” Hai người túm vào đẩy giúp xe cho người ấy đến quãng đường bằng-phẳng. Đến đây hai người kia lại hỏi người chở xe: “Sao, bây giờ ông biếu chúng tôi vật gì đem lại đây?” Người chở xe đáp: “Vô-vật!” Hai người kia nói: “Được, ông cho chúng tôi cái “vô-vật” vậy!” Trong hai người, một người mỉm cười nói: “Người ấy chẳng cho chúng ta cái “vô-vật” chúng ta cũng chẳng buồn!” Một người nói: “Không, đã nói cho ta cái “vô-vật”, quyết-định phải có cái vô-vật, mới được!” Một người nói: “Hai chữ “vô-vật” hợp lại là giả-danh; thế-tục phàm-phu chấp vào chữ “vô-vật” ấy, sinh ra ý-niệm là chỗ vô-sở-hữu!” Người thứ hai nói: “Vô-vật” tức là lẽ chân-thực không còn tướng-trạng (vô-tướng), không vương ý-nguyện (vô-nguyện) và không còn tạo-tác (vô-tác)!”[i]

[i] Đoạn trên nói: Đã là “vô-vật” – không có vật gì – thì phải không còn có lời nói của “không”, không còn có hình-tướng của “không”, không còn có ý-nguyện về “không”, không còn hành-động tạo-tác về “không”, mới là “không”. Như “giải-thoát”, phải giải-thoát cả cái “thấy”, cái “biết” của giải-thoát mới là “giải-thoát”. Nghĩa là không còn chút vọng-niệm biểu-lộ ra lời nói, hành-động!