Thiền sư Yamaoka Tesshu là bậc thầy của hoàng đế. Ngài cũng là bậc thầy về kiếm thuật và uyên thâmvề thiền học.
Nhà ngài ở cũng là nơi trú ngụ của những kẻ sống lang thang. Ngài chỉ có duy nhất một bộ quần áo, vì những kẻ lang thang này khiến cho ngài lúc nào cũng nghèo túng.
Hoàng đế thấy quần áo của ngài đã rách bươm, liền biếu ngài một số tiền để mua những bộ quần áo mới. Nhưng rồi sau đó ông vẫn thấy ngài đến trong bộ quần áo cũ.
Hoàng đế liền hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với những bộ quần áo mới rồi, thưa thầy?”
Thiền sư Yaomaka giải thích: “À, ta đã ban phát hết cho con dân của ngài rồi.”
Viết sau khi dịch
Về lý thuyết thì có biết bao người chăm lo cho dân, mà trên hết là người đang cầm quyền cai trị. Trong thời phong kiến, người ta gọi các vị quan cai trị địa phương là “quan phụ mẫu”, vì họ được cho là phải thương dân và lo cho dân như con đẻ của mình. Đó là lý thuyết, còn thực tế thì thường là “những đứa con” phải nỗ lực tự lo cho cuộc sống của mình, còn è ạch cõng theo trên lưng vô số những khoản sưu thuế nặng nề để phục dịch những người cai trị! Con dân của hoàng đế, nhưng hoàng đế đã quên không nhớ đến; còn thiền sư chỉ xem họ như những người bạn, nhưng chẳng tiếc gì với họ! Lời nhắc nhở này nếu không làm hoàng đế thức tỉnh thì kể cũng là khác lạ!
Nguồn:thuvienhoasen.org