Additional Info
Đại đức Tâm Kiên Chơn Thể (1944 - 1971)
Chùa Tường Vân - Huế
Đại đức Chơn Thể, thế danh là Nguyễn Quang Vinh, sinh năm Giáp Thân (1944), trong một gia đình ở Hưng Nhơn, sau lên “xóm nhà Hét”, Khe Mương, thôn Tân Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Khi có cuộc vận động của Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm (1963) và sau đó là các chính quyền theo Mỹ, Đại đức rời làng quê ra thị xã Quảng Trị rồi vào Huế tham gia tranh đấu.
Năm 1966, cuộc tranh đấu chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, bị dìm trong máu, Đại đức bị bắt lính và đưa ra chiến trường. Là người theo đạo Phật, bà con của Đại đức có nhiều người đi tập kết miền Bắc và tham gia Mặt trận Giải phóng, Đại đức bèn bỏ súng về nhà.
Đầu năm 1967, Đại đức lánh lên trú ẩn trong các chùa Phật ở Đà Lạt. Sáu tháng sau, Đại đức về Huế và xin xuất gia với Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết, Trú trì chùa Tường Vân. Hòa thượng Tăng thống đặt cho Pháp danh Tâm Kiên và tên tự là Thích Chơn Thể. Dù đã lớn tuổi và trình độ văn hóa có hạn, nhưng Đại đức vẫn phấn đấu để xứng đáng với hai chữ Tâm Kiên: Đại đức chăm chỉ học tập Phật pháp và làm việc thiện. Hằng ngày Đại đức đi bộ lên chùa Châu Lâm học nội điển với các Hòa thượng Châu Lâm, Thầy Đức Tâm.
Cũng trong thời gian đó, chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên ác liệt, dân chúng và lính tráng chết nhiều, các vùng quê bị bom đạn cày xới tan nát. Vốn là một người ở quê lại đã từng đã nếm đủ bom đạn cày xới, Đại đức biết rõ nỗi thống khổ đó. Có lần Đại đức ngỏ ý với các Thầy trong chùa Tường Vân là muốn tự thiêu để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, đấu tranh cho hòa bình độc lập dân tộc. Các Thầy có trách nhiệm trong chùa không đồng ý. Biết chưa thể thực hiện được ý nguyện, Đại đức ngồi giữa sân chùa tuyệt thực bất chấp trời nắng hay mưa để cầu nguyện cho đất nước hòa bình. Chùa Tường Vân phải cử người thay nhau theo dõi những hành động bất thường của Đại đức. Mỗi lần thấy Đại đức vắng mặt, nhà chùa phải cho người đi tìm đem về. Cũng như mọi năm, vào ngày Phật đản 15 tháng 4 năm Tân Hợi (9.5.1971), có cuộc rước lễ Phật tử chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm. Đại đức Thích Chơn Thể cùng với một số sinh viên học sinh tranh đấu nhập vào “cái đuôi” của đồn rước Phật. Khi đồn rước diễn qua vườn hoa trước trường Đồng Khánh (cũ) và Quốc Học (vườn hoa Quách Thị Trang), cái đuôi của đồn bị “cắt” lại rồi tràn vào vườn hoa. Đại đức Thích Chơn Thể vào nhà một người bán quán ở gần đó lấy hai can xăng mà Đại đức đã gởi từ trước, rồi đem ra ngồi giữa vườn hoa (gần bia Chiến sĩ trận vong), tưới xăng lên mình và châm lửa tự thiêu.
Việc tuẫn tiết này diễn ra vào lúc 8 giờ 40 phút. Trong thư của Đại đức Thích Chơn Thể để lại nhờ gởi cho Tổng Thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ, có đoạn viết: “...Dân tộc chúng tôi đã chết chóc quá nhiều. Máu dân Việt đã chảy thành sông, xương dân Việt đã chất thành núi. Vậy trước giờ chết của tôi, tôi kêu gọi các Ngài:
1. Rút quân ra khỏi Việt Nam.
2. Trả lại quyền tự do dân Việt tự lo liệu để sớm hòa bình thống nhất đất nước.
Vậy hôm nay tôi đốt thân này để kêu gọi hòa bình thật sự do người Việt Nam lo liệu lấy, cùng yêu cầu nhân dân và đồng bào Mỹ hãy kêu gọi chồng, con trớ về xứ sở..”.
Để tránh chính quyền lúc đó cướp xác Đại đức, Giáo hội Phật giáo bí mật đưa xác của Đại đức đã cháy đen lên chùa Bảo Quang (bên đường lên Lăng Tự Đức) khâm liệm và táng tại đó. Cùng với ngọn lửa Thích Chơn Thể, hai vạn đồng bào và sinh viên học sinh Huế xuống đường đấu tranh đòi hòa bình, lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trong đoàn người xuống đường đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ đó, mỗi lần đi ngang qua trường Đồng Khánh (cũ), Trịnh Công Sơn lại nhớ đến ngọn lửa Thích Chơn Thể. Anh đã viết một bài nhạc về sự tuẫn tiết ấy để góp phần thêm lửa cho phong trào tranh đấu đòi hòa bình độc lập. Bài Ngọn lửa Thích Chơn Thể chưa được in, nhưng có nhiều người từng tham gia phong trào đấu tranh lúc ấy nay vẫn còn thuộc và vẫn hát một cách say sưa.
NGỌN LỬA THÍCH CHƠN THỂ
Chiều nay qua công viên nơi anh ngồi
Cỏ hôm nào đã xanh tươi
Chiều nay ra công viên tôi dừng lại
Nhớ anh buổi sáng lửa ngời
Trên công viên chiều nay
Đèn thôi giăng và cờ thôi bay
Nhưng sao trong tim tôi vẫn tràn đầy
Bóng dáng người ngồi
Ô hay người về
Ô hay người đã về
Hiện về thân chim câu
Cỏ mừng bay lao xao
Về đậu trong tim đồng bào
Rồi đây trên quê hương đã vắng người
Lửa vẫn còn cháy quanh đây
Lửa thiêng nơi quê hương không biết mỏi
Đấu tranh dựng nước từng ngày.
Ngọn lửa Thích Chơn Thể nối tiếp ngọn lửa của Thích Thanh Tuệ và Thích Tiêu Diêu năm 1963 và ngọn lửa của Thích Nữ Thanh Quang năm 1966. Những ngọn lửa ấy sáng mãi trong lịch sử của Phật giáo Thuận Hóa - Phú Xuân đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước, độc lập dân tộc.
(Nguyễn Đắc Xuân,Nxb Trẻ, năm 2003)
|