HT Nguyên Phước Quang Thể

Personal Information

Danh Tánh
HT Nguyên Phước Quang Thể - Ðời Thứ 44 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 10 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Hòa Thượng Nguyên Phước Quang Thể (1922 - 2005)
Chùa Thọ Quang - Đà Nẵng

Hòa thượng thế danh Đặng Hữu Tường, pháp húy Nguyên Phước, tự Quang Thể, hiệu Đạt Minh nối pháp đời 44 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Liễu Quán. Hòa thượng lâm thế vào ngày 19 tháng 9 năm Nhâm Tuất (1922) tại làng An Hải, quận 3, thành phố Đà Nẵng, chánh quán tại làng Quảng Lăng, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Ngài là cụ ông Đặng Văn Vịnh (tức Nuôi) và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ớt.
Năm lên 9 tuổi, thân phụ qua đời, từ đó mẫu thân một mình tảo tần nuôi con. Trong thời gian này, Ngài được thầy Như Tín - trụ trì chùa An Hải lúc bấy giờ nhận nhập chúng tu học.
Năm Nhâm Thân (1932), nhân duyên hội ngộ, Ngài chính thức xuất gia với Hòa thượng thượng Thiện hạ Trí - giám tự chùa Linh Quang tại cố đô Huế và được Bổn sư cho pháp danh Nguyên Phước. Lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 11 tuổi. Từ đó, dưới sự dẫn dắt của Bổn sư, đạo phong của Ngài ngày càng tăng trưởng, được chư tôn đức thương mến, bạn đồng học nể vì.
Năm Đinh Sửu (1937), Hòa thượng được Bổn sư cho theo học lớp Phật học tại Phật học đường Báo Quốc. Đồng khóa với Ngài gồm có các vị tôn túc như: Hòa thượng Thiên Ân; Hòa thượng Đức Tâm; Hòa thượng Thiện Châu v.v..
Năm Kỷ Mão (1939), Hòa thượng bổn sư ra khai sơn chùa Hiếu Quang, vì thế Ngài theo thầy vừa gánh vác việc kiến tạo ngôi Tam Bảo, vừa tiếp tục theo học ở Phật học đường.
Năm Giáp Thân (1944), chiến tranh Pháp - Việt lan tỏa, Hòa thượng tản cư vào lại Quảng Nam. Tại đây, Hòa thượng vận động thành lập Chi hội Phật học Nồi Rang tại xã Xuyên Thọ, huyện Duy Xuyên.
Năm Kỷ Sửu (1949), Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại đại giới đàn Hộ Quốc được tổ chức ở chùa Báo Quốc - Huế do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu truyền giới. Cùng thọ giới với Ngài còn có các vị tôn túc như: Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Trí Giác v.v…
Sau khi thọ đại giới, Hòa thượng được Bổn sư trạch cử làm trưởng pháp tử ban pháp hiệu Đạt Minh với bài kệ phú pháp như sau:
Nguyên Phước tương thừa liễu đạo tông
Thiện lai Quang Thể khế tâm dung
Đạt Minh diệu chỉ siêu chơn tế
Tục diệm truyền đăng phổ chiếu đồng
Nghĩa là:
Nguyên Phước nối dòng rõ tâm hồn
Lành thay Quang thể hợp tông môn
Đạt Minh diệu chỉ, siêu chân vọng
Truyền đăng diệu pháp chiếu càn khôn
Năm Tân Mão (1951), Ngài được Giáo hội Trung Phần cử làm trụ trì chùa Pháp Lâm - Đà Nẵng, đến năm Quý Tỵ (1953) Ngài trở ra lại Huế nhập chúng an cư tại chùa Báo Quốc.
Năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng vào Quảng Nam trụ tại chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn cùng với chư tôn đức tổ chức an cư kiết hạ. Đồng thời, Ngài tổ chức các khóa học giáo lý tại gia và tiến hành thành lập các khuôn hội phụ cận. Đồng thời trong năm này, Ngài được mời làm thành viên của Ban hoằng pháp của Hội Phật học Trung Phần. Từ đó, dấu chân Ngài đi khắp các tỉnh miền Trung, pháp âm của Ngài lan tỏa đến khắp mọi nơi trên quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, khuyến người bỏ ác làm lành, quay về với chánh đạo.
Năm Mậu Tuất (1958), Ngài cùng với chư tôn đức thành lập Phật học viện Phổ Đà. Đây là cơ sở đào tạo Tăng tài cũng là trú xứ an cư bố tát của chư Tăng thành phố Đà Nẵng từ trước đến nay.
Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài chính thức khai sơn chùa Thọ Quang tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Đà Nẵng).
Sau 3 năm thi công thì chùa hoàn tất và lễ khánh thành được tổ chức vào năm Nhâm Dần (1962). Sau khi lễ khánh thành xong, Ngài được Giáo hội Trung Phần cử làm trụ trì chùa tỉnh hội Phan Thiết tỉnh Bình Thuận.
Năm Quý Mão (1963), Phật giáo Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị đàn áp. Khắp nơi, Phật giáo đồ hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo xuống đường đấu tranh đòi tự do tôn giáo, bình đẳng dân tộc trong tinh thần bất bạo động. Tại Phan Thiết, Hòa thượng là vị lãnh đạo tinh thần tối cao, dấn thân cùng với chư Tăng Ni Phật tử đấu tranh cho đến khi Pháp nạn kết thúc vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.
Từ năm 1966 đến năm 1975, Hòa thượng được thỉnh cử làm Chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thị xã Đà Nẵng.
Năm Đinh Mùi (1967), Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn Sa Di chùa Long Tuyề n- Hội An.
Năm Mậu Thân (1968), chiến tranh Việt - Mỹ leo thang cao độ, dân chúng khắp nơi từ các tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Nam đều đổ về Đà Nẵng tỵ nạn. Hòa thượng cùng với chư tôn đức đã bằng mọi phương tiện an ủi vỗ về quần chúng để họ được ổn định cuộc sống.
Năm Canh Tuất (1970), GHPGVNTN miền Vạn Hạnh tổ chức Đại giới đàn Vĩnh Gia tại chùa Phổ Đà-Đà Nẵng, Hòa thượng được cung thỉnh làm Phó Chủ Đàn.
Năm Ất Mão (1975), sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Hòa thượng tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội, hướng dẫn tín đồ tu học. Đồng thời, Ngài được mời Tham gia Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam với cương vị Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việ Nam tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.
Năm Bính Thìn (1976), thể theo sự hợp nhất địa lý hành chính, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thị xã Đà Nẵng sáp nhập lại lấy tên là tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Vì thế Giáo Hội 3 tỉnh hợp lại với tên gọi: GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và Hòa thượng được Tăng Ni Phật tử tín nhiệm thỉnh làm Chánh Đại Diện.
Năm Canh Thân (1980), Hòa thượng được cung thỉnh làm Đệ thất tôn chứng tại Đại giới đàn Thiện Hòa tổ chức ở chùa Ấn Quang-Sài Gòn.
Năm Tân Dậu (1981), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập tại Hà Nội, mãi đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1982) đại hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng mới tiến hành được và cung thỉnh Hòa thượng giữ chức vụ trưởng Ban Trị Sự tỉnh. Ngài giữ chức vụ này liên tiếp qua 3 nhiệm kỳ: 1982-1987, 1987-1992 và 1992-1997. Đồng thời, Hòa thượng được suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự TW GHPGVN.
Năm Giáp Tuất (1994), Hòa thượng được Ban Trị Sự tỉnh Thừa Thiên cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn chùa Báo Quốc-Huế.
Năm Bính Tý (1996), Ban trị sự tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng mở đại giới đàn Phước Huệ tại chùa Phổ Đà để trao truyền giới pháp cho Tăng Ni sinh tu học, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu truyền giới. Kể từ sau giới đàn Vĩnh Gia năm 1970 thì đây là giới đàn đầu tiên tại Quảng Nam Đà Nẵng mang tính quy mô và đông đảo nhất. Trong giới đàn này, giới tử xuất gia có 300 vị, giới tử tại gia thọ Thập Thiện và Bồ tát giới 1640 vị.
Năm Đinh Sửu (1997), tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được tách rời ra hai đơn vị hành chính: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Ngày 20 tháng 4 năm 1997, trong đại hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Hòa thượng được suy cử làm Trưởng Ban Trị Sự nhiệm kỳ I và II, từ 1997 đến 2007.
Từ năm Nhâm Ngọ (2002), sức khỏe của Hòa thượng yếu dần nhưng Hòa thượng vẫn cố gắng chăm lo mọi việc Phật sự. Ưu tư lớn nhất của Ngài là ngôi chùa Tỉnh Hội đang xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có điều kiện để trùng tu.
Thế rồi, thời gian dần trôi, theo năm tháng thân tứ đại của Ngài thuận luật vô thường, Hòa thượng đã xả ly trần thế vào lúc 8 giờ ngày mồng 3 tháng 6 năm Ất Dậu (08/7/2005), hưởng thọ 84 tuổi và 57 hạ lạp.
Hòa thượng là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng trong thời hiện tại. Suốt 50 năm trong cương vị lãnh đạo Giáo hội, Ngài đã tận tụy với việc hoằng dương Phật pháp và đào tạo Tăng tài. Trong tất cả các Phật sự, Ngài không hề từ nan bất cứ việc nào dù là trong những giai đoạn cam go khó khăn chung của đất nước. Hòa thượng đã dày công xây dựng Phật giáo Đà Nẵng ngày càng phát triển. Tuy công việc đa đoan nhưng việc tiếp dẫn hậu côn vẫn được Hòa thượng ưu tiên hàng đầu. Vì thế, ngày hôm nay hàng đệ tử của Ngài có trên 30 vị Tăng ni tiếp tục chí nguyện của Ngài hành đạo trên khắp các tỉnh thành. Cuộc đời tu học và hành đạo của Ngài sẽ sáng mãi trong trang Phật giáo sử tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

---o0o---
1.
TƯỞNG NIỆM
(của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc trong lễ Truy niệm Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng trước khi thỉnh kim quan nhập bảo tháp)

Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Hòa thượng nhập bảo tháp, nơi an nghỉ nghìn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni Phật tử Việt Nam có đôi lời tưởng niệm.
… Từ vùng đất địa linh nhân kiệt, lịch sử hào hùng, nước sông Hàn thao thao dòng diệu sử, đất Quảng Đà gió quyện mây từ, chan hòa Phước Trí, Hòa thượng đã hiện thân đại sĩ, giữa phàm trần không nhiễm hồng trần, tuổi ấu niên đã xuất gia tầm đạo, chùa An Hải xả tục cầu chân, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm. Năm 27 tuổi đăng đàn thọ giới, ngôi Tam bảo tam tôn kế vị, giới thân huệ mạng trang nghiêm, thuận lý chân thường, xuôi dòng bản thể.
Cố Hòa thượng đã thắp sáng đèn thiền Liễu Quán, tục Phật huệ đăng, nối dõi dòng thánh, chùa Báo Quốc nghiên tầm nghĩa lý, đêm ngày nấu sử sôi kinh, thấu lẽ huyền vi, đạo tâm trác thế; trí tuệ khai thông, tâm hoa khai phát, suối nghĩa rạt rào. Quả thật “Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương, Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường, Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy, Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.
Từ cương vị Giảng sư Hội Phật giáo Trung phần, Phó Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Đà Nẵng rồi đến Chánh Đại diện Tỉnh Giáo hội Quảng Nam Đà Nẵng, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng cho đến Ủy viên Hội đồng Trị sự, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là trong phong trào Phật giáo cứu quốc, Hòa thượng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần, Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ bi, Hộ quốc An dân, Đẹp đời Tốt đạo; gióng trống lôi âm, vang rền tiếng Pháp, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà. Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử.
Bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, kế vãng khai lai, báo Phật ân đức, gần 60 năm đóng vai long tượng trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã nỗ lực hoằng dương Chánh pháp, mở trường Phật học, đào tạo Tăng tài, kế thừa đạo mạch, làm cho tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạn, xứng danh con nhà họ Thích ngàn đời.
Với đức tính vị tha vô ngã, nhiếp hóa mọi người, Hòa thượng đã làm cho những Tăng Ni, Phật tử hữu duyên phát khởi tín tâm, tu hành tinh tấn, vững bền đạo nghiệp, tiến bước trên đường giải thoát. Quả thật: Công Ngài đổ xuống đất này, Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”.
Với tinh thần giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, Hòa thượng đã hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp, đã khai thông Giới Thân Huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Qua đó, từng lớp, từng đàn giới tử, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa truyền trì mạng mạch Phật pháp, Trưởng tử  của Như Lai, tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt đời đẹp đạo.
Bằng tinh thần hòa hợp đoàn kết, thống nhất Phật giáo cao độ, Hòa thượng đã thể hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã tiếp nối dòng sinh mệnh 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng qua đó Hòa thượng đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, Tỉnh Thành hội Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển vững mạnh trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc, để rồi hoa đạo pháp nở rộ trong vườn hoa xã hội và đạo đời mãi mãi dung thông.
Thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, là thừa hưởng gia tài quý báu của Hòa thượng đã đóng góp một phần công đức rất lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam mà Hòa thượng đã thể hiện bằng sự sống, bằng hành động và ý chí của mình gần một thế kỷ qua.
Bằng hạnh nguyện khứ lai vô ngại, tự tại tùy duyên, làm Phật sự như không hoa, độ chúng sanh như huyễn hóa, vô tâm hành sự. Hạnh nguyện Hòa thượng thật tuyệt vời mà vô tướng vô tâm, quả thật: “Sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn độ người như huyễn. Tử sanh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê”. Do đó, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt lúc 08 giờ 00 ngày mồng 3 tháng 6 năm Ất Dậu (nhằm ngày 08.07.2005) tại chùa Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng, trụ thế 84 năm, hạ lạp 57 năm.
Hôm nay, trong giờ phút nghìn thu vĩnh biệt này, cố Hòa thượng hóa duyên đã mãn; trong pháp giới vô biên, Hòa thượng đã ngao du tự tại, vận thần thông đoạn ngự cửu liên đài, xả báo thân chứng nhập pháp thân, siêu tịnh độ không rời uế độ.
Giờ đây trước Giác linh Hòa thượng, chúng tôi trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Thành hội Phật giáo Thành phố Đà Nẵng, là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp Đại thừa trong Chánh pháp, xin nguyện lòng hợp lực cùng nhau, chung lưng đấu cật, quyết thực hiện hoàn tất đoạn đường Phật sự mà Hòa thượng còn bỏ dở, đồng thời tiếp tục xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng ngày càng hưng thịnh, trang nghiêm vững mạnh trong lòng dân tộc.
Giờ đây, nơi thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, Giác linh Hòa thượng hãy ngao du tự tại, nơi bảo tháp trú xứ Thọ Quang, Nhục thân Hòa thượng hãy an nghỉ để nghìn thu in bóng mảnh hình hài lồng lộng tự hư không, sẽ sống mãi trong lòng pháp lữ, trong tư duy cùng pháp giới vô biên.
Xin bái biệt Hòa thượng !

---o0o---

2.
ĐIẾU VĂN
(của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng)

Kính bạch Giác linh Hòa thượng Thành viên Hội đồng Chứng minh, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Trú trì chùa Thọ Quang.
Trong giờ phút trang nghiêm trọng thể, trước linh đài tỏa ngát khói hương, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng vô cùng xúc động, từ hôm Hòa thượng ngã bệnh, Tăng Ni Phật tử, môn đồ Pháp lữ đều nóng lòng lo lắng, mong tin từng phút, từng giây về bệnh tình và sức khỏe của Hòa thượng. Trong tâm ai nấy đều chí thành cầu nguyện cho Hòa thượng sớm bình phục; nhưng mọi hy vọng đều trở thành vô vọng, Hòa thượng đã an nhiên viên tịch làm Ban Trị sự, Tăng Ni Phật tử Đà Nẵng mặc dù biết sanh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời người vẫn không làm sao nén được cái cảm giác kính nhớ đau thương. Phong cách, giọng nói của Hòa thượng tất cả đều vang vọng quanh đây, các văn bản, lời kêu gọi Tăng Ni Phật tử trong nước và đang sinh sống ở nước ngoài nỗ lực tham gia đóng góp công sức cho việc đại trùng tu chùa Pháp Lâm nhanh chóng sớm hoàn thành, thế mà Hòa thượng đã đến nước Như Lai, vào nhà Từ phụ an nghỉ ngàn thu để lại trong lòng Giáo hội, trong lòng Tăng Ni Phật tử Đà Nẵng một khoảng trống vắng lớn lao.
… Sự vắng bóng của Hòa thượng là một tổn thất lớn cho Giáo hội, vì lòng yêu nước, yêu đạo, yêu hòa bình, suốt đời tích cực hoạt động xây dựng, củng cố. Với 84 năm thọ trần, 73 năm tu học hành đạo, gần như cả đời Hòa thượng cống hiến cho quần sanh, vì đạo pháp hiển vinh, tổ quốc hòa bình, dân sinh an lạc. Hạnh của Hòa thượng như vậy nên Ngài quyết đi theo con đường của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni để cứu nhân độ thế.
Cuộc đời Hòa thượng sống trải qua ba thời kỳ, ba chế độ, nhưng đối với Ngài chỉ có một mục đích, một hoài bão mà thôi. Mục đích ấy là cứu độ chúng sanh, quên mình vì nghĩa cả. Hoài bão ấy là Phật giáo trường sinh phát triển, Tổ quốc hòa bình, Dân tộc độc lập, tự do, hạnh phúc. Thực tế Hòa thượng sớm kết duyên lành với ngôi Tam bảo cũng chỉ bởi:
Bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham ái,
Để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm
Cuộc đời sắc sắc không không
Chỉ còn lưu lại tấm lòng từ bi.
Trên bước đường chân lý, khi nhân duyên hội đủ luật Phật định kỳ, Hòa thượng đã được Bổn sư cho thọ Tam đàn Cụ túc tại Giới đàn Hộ Quốc ở Tổ đình Báo Quốc, Huế năm 1949 do Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đường đầu, lúc đó Hòa thượng được 27 tuổi đời.
Kể từ đó, bằng hạnh duyên cao cả, hiền hòa hỷ xả, nhiếp hóa mọi người, đạo hạnh trang nghiêm, giới đức thanh tịnh, như ngọc lưu ly trong sáng, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo viên dung tự thân tác tắc, xuôi dòng bản thể, thuận lý chân như, làm lẽ sống muôn đời cho đạo pháp, cho Tăng Ni tứ chúng, đối với những ai được Ngài tiếp hóa, đều phát khởi tín tâm tịnh tiến tu hành mong cầu giải thoát.
Với tinh thần tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, năm 1958 Hòa thượng đã cùng với chư Tôn đức trong Tỉnh hội Tăng già thành lập Phật học viện Phổ đà, tiền thân của Trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng ngày nay để khai hạ đạo tràng, mở thông trí tuệ, đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni Phật tử trở thành pháp khí đại thừa, làm lợi ích cho Đạo pháp và Dân tộc. Công đức thật cao như núi, rộng như biển không thể nào kể xiết. Thật là:
Đem thân phụng sự cõi trần
Trần duyên mãi một Pháp thân sáng ngời.
Qua ý nguyện vì dân vì nước, vì tổ quốc hòa bình độc lập, tự do, Hòa thượng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hòa bình hạnh phúc, đạo đời hòa quyện dung thông theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc”.
Với uy tín thanh trong và lòng trung thành nghĩa cả, Hòa thượng đã vận động các hệ phái Phật giáo ở địa phương sáp nhập vào ngôi nhà chung Gia đình Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam suốt hai ngàn năm lịch sử truyền thừa, để từ đó ngày càng phát triển trang nghiêm trong lòng dân tộc. Hòa thượng đã tạo nên sự vững bền gắn bó trong khối đại đoàn kết tồn dân để chung sức chung lòng xây dựng quê hương.
Nhưng hỡi ơi ! Những tưởng trên con đường thực hành Phật sự, Hòa thượng sẽ còn thác tích lâu hơn để làm lợi lạc hữu tình, làm bóng cây đại thụ che mát cho Tăng Ni Phật tử thành phố quê nhà, tiếp tục chèo lái con thuyền Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đến bờ bến hiển vinh.
Hòa thượng đã cống hiện trọn đời cho Đạo cho Đời, cuộc sống của Hòa thượng phải chăng là một sự đền ơn đáp nghĩa, một tấm gương sáng, một bài học vô cùng quý giá để cho hậu thế noi theo. Giờ này Hòa thượng được an nghỉ, công việc Phật sự còn lại, Ban Trị sự, Tăng Ni Phật tử Đà Nẵng xin nguyện quyết tâm ra sức thực hiện hồn thành như ý nguyện của Hòa thượng.
Nguyện cầu Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.