Additional Info
Hòa Thượng Nguyên Thuận Đức Tánh (1946 - 2004)
Chùa Báo Quốc - Huế
Hòa thượng Đức Tánh thế danh Hồ Văn Sanh, Pháp danh Nguyên Thuận, pháp tự Đức Tánh, sinh ngày 07.10.1946 (Bính Tuất) tại làng Phước yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, dòng pháp Lâm tế đời thứ 44.
Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp đạo đức, thân sinh là cụ ông Hồ Văn Cháu, cụ bà Lê Thị Kỷ, nhiều đời tin Phật.
Gia đình có 6 anh chị em, Hòa thượng là con trai thứ tư. Bẩm chất thông minh, hiếu học, Hòa thượng đã từng học tại khoa Văn tại Viện Đại học Huế và tốt nghiệp cử nhân.
Sớm được gần gũi với cố Trưởng lão Hòa thượng Thanh Trí trong cùng huyết hệ, được hướng dẫn dìu dắt thâm nhập chút ít Phật pháp nên đã phát tâm xuất gia.
Ngày mồng 8 tháng 2 năm Tân Sửu (1961) nhân đại lễ kỷ niệm Đức Phật Thích Ca xuất gia, được sự hướng dẫn, Hòa thượng đã đến tham lễ bái yết cầu xin học đạo với Trưởng lão Hòa thượng Trí Thủ, Giám Viện Phật học Viện Trung phần và Phật học Viện Báo Quốc tại Tổ đình Báo Quốc Huế, được Trưởng lão Hòa thượng hứa khả.
Với sự phát tâm dõng mãnh, tham cầu tu học, có chí tiến thủ nên sau mấy năm Hòa thượng được thọ Sa-di giới, bươc đầu căn bản của người xuất gia và có Pháp tự Đức Tánh.
Trải qua quá trình tu học tương đối tiến bộ với một vị Sa-di khẳng định sự nghiệp xuất gia, nguyện tiếp bước cuộc hành trình trên con đường đạo nên năm 1973 (Quí Sửu) Hòa thượng được phép Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại giới đàn Phước Huệ Nha Trang tỉnh Khánh Hòa.
Là một tu sĩ trong sứ mệnh “tục diệm tuyền đăng” nối nghiệp Chư tổ, Hòa thượng đã nỗ lực hết mình, nhất là về nội minh, một trong ngũ minh của Phật giáo. Đây là hạt nhân chủ yếu chuyển hóa cuộc đời của Hòa thượng từ một cậu bé học sinh trở thành một Tăng sĩ của Giáo hội.
Với ngũ minh Hòa thượng lấy nội minh là tác nhân chủ đạo cho thanh minh và công xảo minh.
Với nội minh trong tư cách giáo thọ sư, Hòa thượng đã phụ trách các bộ môn Duy thức học, Tứ thập nhị chương kinh v.v… cho các lớp Trung cấp Phật học.
Với thanh minh trong vai trò người giáo viên, Hòa thượng đã giảng dạy môn tốn cho các học sinh tại một số trường Bồ đề trong tỉnh trong những năm tháng trước 1975.
Với công xảo minh, trong tinh thần của một tăng sĩ trẻ năng nỗ bặt thiệp tháo vát, Hòa thượng đã vâng lệnh các Hòa thượng theo học các ngành chuyên môn: chế biến nước chấm chay - vị trai, làm xà phòng và một số ngành nghề thủ công…
Năm 1970, Hòa thượng được sung cử vào Ban Giám đốc của Hãng Vị Trai Lá Bồ Đề Huế, một cơ sở sản xuất để hỗ trợ tài chánh cũng như để tiến dần đến chỗ tự túc kinh tế cho các Phật học Viện tại Trung phần.
Trong ý hướng phục vụ, với tinh thần của một tu sĩ sức sống đang lên dù ở cương vị nào, Hòa thượng đã có những đóng góp có hiệu quả tích cực. Đặc biệt, mỗi một môi trường hoạt động với mỗi cương vị, Hòa thượng đã tạo được sự đồng thuận không nhỏ.
Năm 1975, đất nước được thống nhất, sau Đại hội Thống Nhất Phật giáo cả nước tại thủ đô Hà Nội năm 1981, Đại hội Đại biểu thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên 1982 được triển khai, Hòa thượng cũng đã góp phần tích cực cho sự nghiệp Phật sự trọng đại này, nhất là trợ lực trong tinh thần “Tăng sai” của quí Hòa thượng đang lãnh đạo Giáo hội.
Xuất phát từ tinh thần đó, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ III nhiệm kỳ 1997-2002, Hòa thượng đã được Đại hội cung cử vào Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, và cũng Đại hội Tỉnh kỳ IV nhiệm kỳ 2002 - 2007, Hòa thượng lại được Đại hội tín nhiệm cung cử lưu giữ nhiệm vụ. Đại hội kỳ này, Hòa thượng lại được phân công đảm trách chức vụ Phó Ban Giáo dục Tăng Ni của Giáo hội tỉnh Thừa Thiên, Huế.
Huế là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước và là nơi có di sản văn hóa của thế giới, về phía Giáo hội có Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế trực thuộc Trung ương Giáo hội, có ngôi trường Trung cấp Phật học của Phật giáo tỉnh nhà mà tiền thân là Phật học đường Trung Việt, được thành lập từ 1933, mà Hòa thượng là Phó hiệu trưởng được vinh danh dự phần kế tục từ 10 năm nay.
Trường Trung cấp Phật học hiện nay quy tụ Tăng Ni sinh của mọi hệ phái Phật giáo trong một tổ chức duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một biểu tượng hết sức cao quý cho sự nghiệp xây dựng ngôi nhà Phật giáo trong cộng đồng dân tộc mà cả đoạn đường dài lịch sự trước đây chưa thực hiện được.
Trước sự cống hiến tích cực, cao đẹp của Hòa thượng, căn cứ tờ trình của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà, Đại hội Phật giáo Việt Nam kỳ IV tại Hà Nội nhiệm kỳ 1997-2002 đã tấn phong lên ngôi vị Hòa thượng.
Suốt cả một quá trình tu học và phục vụ, đối với Hòa thượng hai phạm trù này luôn luôn song hành: Học giúp cho hành đi đúng hướng, hành giúp cho học thêm sáng tạo, sáng soi thêm trí tuệ. Học và hành quan hệ hết sức hữu cơ như bóng với hình, hiện bóng là có hình và có hình tức bóng hiện.
Với tinh thần đó, Hòa thượng xứng đáng là người con của Huế thân thương, là người con của Giáo hội, đã cống hiến đời mình cho đạo pháp, cho sự nghiệp xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Trước khi xả báo thân tứ đại, Hòa thượng nói như người xưa “Cúi trông không thẹn đất, ngưỡng trông không thẹn trời”.
Hòa thượng đã từ bỏ huyễn thân sau một cơn bệnh, dù được sự tận tâm hỗ trợ từ mọi phía, từ Giáo hội, Nội tự cho đến bà con và pháp quyến, các cơ quan hữu tâm, Bệnh viện Trung ương Huế và các pháp hữu, thân hữu xa gần.
Hòa thượng đã vĩnh viễn cách dương trần, nhập Bất nhị môn lúc 16g20 ngày 06 tháng 10 năm Giáp Thân, tức ngày 17 tháng 11 năm 2004, thọ thế 59 tuổi và 31 hạ lạp.
|