Additional Info
Hòa Thượng Nguyên Tuyết Như Ý (1908 - 1987)
Chùa Tra Am - Huế
Hòa thượng Như Ý, thế danh Phan Thanh Nhãn, Pháp danh Nguyên Tuyết, đời thứ 44 dòng Thiền Lâm Tế, Ngài là con cụ ông Phan Văn Tiêu và cụ bà Lê Thị Lài. ngài sinh năm 1908, chánh quán làng Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình hiền lương đạo học, lúc lên 15 tuổi, Hòa thượng đã tìm đến đầu sư học đạo với Hòa thượng Trí Hiển tại chùa Ba La Mật. Thấy được phẩm chất thông minh cần mẫn trong sự sinh hoạt thiền môn, Hòa thượng Trí Hiển cho Ngài thọ giới Sa-di năm Đinh Mão (1922). Đến năm tròn 20 tuổi (1927), Ngài đã xin thọ giới Cụ túc tại chùa Từ Vân - Đà Nẵng.
Sau khi đắc pháp Cụ túc và được tốt nghiệp tại Phật học đường Tây Thiên, Trúc Lâm, Huế, Ngài đã được Bổn sư gởi vào miền Trung Nam để nghiên cứu và giảng dạy nội điển.
Đến năm 1940, sau khi Sư phụ viên tịch, Ngài đã trở thành kế vị trú trì Tổ đình Tra Am, nhiếp chúng độ sanh. Cũng trong thời gian này, Ngài đã chu du hoằng hóa ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Ôn, Bà Rịa, Nha Trang, Lưỡng Xuyên v.v… Nơi đâu Ngài cũng tỏ ra tận lực phục vụ đạo pháp.
Trong bước đường hoằng hóa, Ngài được các Hòa thượng Khánh Anh, Khánh Hòa, các vị Danh tăng Nam bộ tán thán, giúp đỡ. Biết Ngài là một vị Tăng miền Trung nhưng Tăng Ni Phật tử miền Nam đã dành cho Ngài một mối cảm tình nồng hậu.
Đến năm 1960, ý thức được đất tổ quê nhà, Ngài đã trở lại Cố đô Huế để xây dựng lại Tổ đình Tra Am, trở thành một ngôi Đại hùng bảo điện nguy nga. Cũng chính do bàn tay của Ngài cùng các đệ tử xây dựng, trùng tu mà Tra Am bây giờ trở thành một thắng cảnh danh lam với lối kiến trúc đặc thù ở chốn kinh thành.
Ngoài sự nghiệp hóa đạo độ sinh, Hòa thượng vốn mang trong người dòng máu yêu thích thi văn nghệ thuật, nhất là Ngài đã cố gắng duy trì và xiển dương thi phú của Sư tổ và Sư phụ còn để lại.
Năm Mậu Thân (1968), giữa lúc cường độ chiến tranh bộc phát khốc liệt, Tra Am bị chính quyền cũ nghi là cơ sở giúp đỡ cho Việt cộng hoạt động, nên Ngài bị trục xuất rời khỏi chùa, do vậy Ngài phải rời khỏi quê hương đi ở tỉnh khác. Trước khi từ giã đất Tổ kính yêu để vào chùa Sơn Chà, Đà Nẵng, Ngài đã cảm tác một bài thơ nói lên tâm trạng của kẻ rời xa quê hương, lưu lạc nơi khác:
“Sáu tám xa rồi bạn cố tri.
Tra Am đậm nét chữ phân kỳ,
Gió trăng cáu mặt cười duyên phận,
Khe suối chau mày tủi biệt ly.
Lê gót sang ngang đường khúc khuỷu,
Cam lòng hứng chịu bước gian nguy,
Thông reo, sóng vỗ, say mùi đạo,
Đâu cũng là chùa, có ngại chi.”
Thật vậy, là người con Phật dù ở đâu cũng là chùa, cũng là nơi hoằng truyền chánh pháp, nên có ngại gì địa danh xứ sở. Cho nên dù ở chân trời góc biển nào, tâm trạng của Ngài vẫn luôn giữ lấy chánh niệm là ý thức cao độ nhất tâm, là biết hòa cùng gió trăng hoàn vũ cho nên một thuyền trăng một làn gió là cả những gì thanh thóat nhất. Niềm pháp lạc đó đã được Hòa thượng thể hiện qua những vần thơ:
“Một mình câu cá đầm xanh,
Vẩn vơ mấy ngọn chuôm mành lưa thưa,
Nước trong mồi hãy còn trơ,
Chở về trăng sáng lững lờ đầy ghe.”
Đến năm 1975, sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, cũng là lúc tuổi già sức yếu, Ngài lại trở về Tra Am để xây dựng và duy trì chốn Tổ.
Trong những ngày sức khỏe suy giảm, Ngài đã triệu tập đồ chúng lại để huấn thị tối hậu: “Thầy muốn các con quy tụ với nhau về Tra Am, lấy lục hòa và Bát chánh đạo làm nền tảng tu tập, gọt bớt tâm vị kỷ và lòng tự ái để hướng dẫn nhau trên đường tu tập, báo đáp ơn đức Phật - Tổ, lợi mình lợi người.”
Sau lời di chúc tối hậu, Ngài đã an nhiên thị tịch, vào lúc 20 giờ ngày 11-7 năm Ất Sửu, tức là ngày 26-08-1985, hưởng thọ 77 tuổi đời, 58 tuổi đạo.
|