Additional Info
Hòa thượng Như Thượng - Thường Chiếu
如 尚 常 照 (1914 - 1998): Chùa Lâm Huê
Hòa thượng thế danh Lê Thượng, sinh năm Giáp Dần (1914), quê quán tại làng Ưu Ðiềm, tỉnh Thừa Thiên–Huế.
Vốn có nhân duyên với cửa Phật, vào năm Tân Tỵ (1941), Ngài cùng với các ngài Tịch Chiếu, Viên Chiếu nghe danh Hòa thượng Chơn Phổ–Nhẫn Tế–Minh Tịnh đắc pháp từ Tây Tạng về Bình Dương hoằng pháp nên lặn lội từ miền Trung vào chùa Tây Tạng, Bình Dương xin được xuất gia. Ðiều này cũng ứng với sự thọ ký của các vị Lạt–ma nên Hòa thượng Chơn Phổ hoan hỷ nhận làm đệ tử.

Hòa thượng Thường Chiếu
Hòa thượng được Bổn sư ban cho pháp danh Như Thượng, đạo hiệu Thường Chiếu, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Lúc bấy giờ Hòa thượng vừa tròn 28 tuổi. Trong 3 vị xuất gia cùng một lúc, Ngài xếp hàng thứ 3 sau Hòa thượng Tịch Chiếu và Hòa thượng Viên Chiếu.
Năm Nhâm Ngọ (1942), Hòa thượng được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới. Sau đó, Ngài cùng với sư huynh Tịch Chiếu được Bổn sư giao cho trông coi ngôi chùa Lâm Huê tại Gia Ðịnh (nay thuộc quận Bình Thạnh) vào năm Quý Mùi (1943). Ðược một năm thì ngài Tịch Chiếu về lại chùa Tây Tạng, chỉ còn Hòa thượng một mình duy trì ngôi Tam bảo cho đến hết đời.
Chùa Lâm Huê vốn được tín nữ Hứa Phước Mỹ, một trong những người khá giả nhất vùng Gia Ðịnh phát tâm xây dựng vào những năm 1936–1938. Sau đó, vị thí chủ này nghe tin ngài Chơn Phổ–Minh Tịnh là một vị Cao tăng tu học từ Tây Tạng trở về nên phát tâm cúng dường để xiển dương chánh pháp. Vì thế, ngài Minh Tịnh nhận và cử các đệ tử về trông coi Phật sự tại đây.
Năm Ất Dậu (1945), cách mạng tháng 8 thành công, nhưng hòa bình không được bao lâu thì giặc Pháp trở lại xâm lược. Cả nước theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ Tịch tham gia kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, Hòa thượng Minh Tịnh đã kêu gọi hàng đệ tử mình tích cực tham gia vào phong trào Cứu quốc. Lúc bấy giờ, Ngài có hỏi Hòa thượng Minh Tịnh rằng:
– Bạch Thầy! Vào trong cảnh chiến tranh khói lửa, trông thấy cảnh chém giết lẫn nhau thì làm sao con tu được?
Hòa thượng Minh tịnh trả lời:
– Chúng ta sinh ra trong thời tao loạn thì phải có trách nhiệm với quốc gia. Vì thế, chúng ta cần tu tập với tinh thần “Ðộng vi binh, tịnh vi Tăng”, đâu đâu cũng là đạo tràng cả.
Do vậy, Ngài nhiệt tâm tham gia công tác. Tuy nhiên, đến năm Mậu Tý (1948), Ngài trở về lại chùa Lâm Huê bởi lý do sức khỏe kém.
Năm Mậu Thân (1968), trong đợt tổng tấn công tết Mậu Thân, chùa Lâm Huê bị thiêu rụi hoàn toàn. Hòa thượng kết lại một thảo am nhỏ bằng tranh để tu tập, mãi đến năm 1983 mới sửa sang tạm bợ lại bằng tường vôi.
Cuộc đời của Ngài sống rất giản dị từ khi xuất gia cho đến ngày viên tịch, áo quần hai bộ đủ thay, cơm ngày một bữa, bỏ ngoài tai mọi danh lợi huyễn hoặc. Ngài chủ yếu lấy bài kinh Bát–nhã và kinh Kim Cang dùng để hành trì và giáo hóa đồ chúng. Sự thực hành thiền định của Ngài rất thâm sâu nên chư Tăng các nơi thường đến tham vấn.
Thường thường Ngài đeo tấm biển “Tôi bị câm” trước ngực để khỏi tiếp xúc với những người không có tâm đạo chỉ đến nói chuyện thế sự. Ngài thực sự nói chuyện khi có ai đến tham vấn đạo. Trong những câu chuyện đạo, quan điểm của Ngài không khen, không chê, không có bác bỏ một pháp môn nào cả, vì Ngài cho rằng tất cả đều là Phật pháp.
Một lần, có một vị Tăng đến hỏi:
– Bạch Hòa thượng! Con đang tham cứu theo pháp thiền “Tri vọng”, Hòa thượng thấy như thế nào?
Ngài mặc nhiên không trả lời. Vị ấy hỏi lại nhiều lần thì Ngài chỉ mỉm cười nói nhẹ:
– Ðã biết nó vọng thì còn tri làm chi!
Theo thời gian, chiếc thân tứ đại cũng đến ngày trả về cho tứ đại. Sau tết năm Mậu Dần (1998), Hòa thượng thấy trong người không được khỏe. Ngài đã nhẹ nhàng quy Tây vào ngày 28 tháng Giêng năm Mậu Dần (1998), thế thọ 85 tuổi, với 55 hạ lạp.
Cuộc đời của một bậc ẩn sĩ tu hành quả thật khác lạ. Ngài thân tuy ở nơi chốn phồn hoa đô hội náo nhiệt ồn ào nhưng tâm không hề lay động bởi bả lợi danh phù phiếm. Ngài đến và đi trong sự im lặng nhẹ nhàng, nhưng đã để lại tấm gương tu đạo sáng ngời cho hàng hậu học chúng ta noi theo.
|