HT Tâm Lương Diệu Hoằng

Personal Information

Danh Tánh
HT Tâm Lương Diệu Hoằng - Ðời Thứ 43 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 9 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Hòa thượng Tâm Lương Diệu Hoằng (1914 - 1983)
Chùa Kim Quang - Huế

Hòa thượng Diệu Hoằng thế danh Nguyễn Lộc, sinh giờ Dậu ngày 07 tháng 06 năm Giáp Dần (1914) tại làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nay là huyện Triệu Hải, tỉnh Quảng Trị.
Sinh trưởng trong một gia đình thấm nhuần Phật Pháp, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Thùy, Pháp danh Chơn Chánh tự Thành Du, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Miêu, Pháp danh Chơn Diệu.
Hằng ngày Hòa thượng được nghe tiếng vọng ngân từ Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, cảnh nên thơ của dòng sông Thạch Hãn, cùng với huyết hệ của Tộc họ đã có nhiều vị xuất gia chân chánh nên đã đưa Hòa thượng sớm ngưỡng mộ cảnh Thiền môn, biệt nghiêm đường quy y cửa Phật.
Ngày 08 tháng 02 Tân Mùi 1931, sau khi được phép của song thân, Hòa thượng đã vào Huế đến chùa Hồng Khê bái yết cố Đại lão Hòa thượng Giác Viên xin xuất gia làm đệ tử, thấy Hòa thượng khả ái, có thể kham năng đạo nghiệp, đại lão Hòa thượng Giác Viên mỉm cười hoan hỷ.
Bẩm tính thông minh, hiếu học lại được sớm hướng dẫn Phật Pháp ngay từ những tháng ngày còn ấu thơ ở gia đình, nên chỉ hơn một năm sau (năm Nhâm Thân 1932), Hòa thượng được thọ Sa di giới, Pháp danh Tâm Lượng, Pháp tự Diệu Hoằng.
Với chí nguyện tu trì, trau dồi Đạo nghiệp, Hòa thượng chuyên tâm học tập Kinh Luật, làm tròn bổn phận của một người Sa di, của một vị đệ tử đối với Bổn sư.
Nhờ sự tinh tiến, nỗ lực, tính tình hoan hỷ mà Hòa thượng được Bổn sư thương mến, bằng hữu ái mộ. Mùa hè rằm tháng 06 Ất Hợi 1935, Hòa thượng được thọ cụ túc giới tại giới đàn Sắc tứ Tịnh Quang, tại Quảng Trị do cố Đại lão Hòa thượng Ngộ Tánh hiệu Phước Huệ làm Đàn đầu.
Thọ giới xong trở lại chùa xưa hôm sớm cùng Thầy chăm lo Phật sự, bồi dưỡng Đạo niệm. Có lẽ trong hàng đệ tử, Hòa thượng được Bổn sư khá thương mến. Giờ viên tịch của Hòa thượng Bổn sư mình, Hòa thượng đã không nén được những cảm xúc:
“Cửa các Hoa nghiêm khép cánh mây
Trông lên vòi vọi nhớ lời Thầy.
Bao nhiêu cảnh giới nào qua lại,
Nghìn dặm bên trời bóng nhạn bay.”
Bổn sư mình đã khuất bóng, nhưng vẫn vòi vọi nhớ lời Thầy, nhớ những giờ phút sư tư cơ cảm. Chính sự gắn bó thiêng liêng đó đã chấp cánh cho Hòa thượng vươn lên mãi trong bước đường tìm cầu Đạo Giác Ngộ và giải thoát.
Sự nghiệp Hoằng Pháp lợi sanh: Phụng hành Di huấn của Phật Tổ, thể hiện hạnh nguyện của người xuất gia:
“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vị sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu.”
Từ năm 1940-1947 Trú trì chùa Linh Sơn Đà Lạt, Hòa thượng đã cùng sơn môn góp phần của mình vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, củng cố lại Tăng già. Năm 1948, Hòa thượng về lại Huế ở chùa Báo Quốc đã nhận làm thư ký cho Phật học đường Báo Quốc, một cơ quan đào tạo Tăng tài cho Giáo hội có nhiều uy tín tại Cố đô Huế.
Năm Mậu Tý, ngày 18/8/1948 vâng lệnh Giáo hội do Đức Đại lão Hòa thượng Tòng lâm Pháp chủ Thích Tịnh Khiết, Hòa thượng đã về giữ chức vụ trú trì chùa Diệu Đế, một trong 3 ngôi Quốc tự, thắng tích của đất thần kinh. Theo các tài liệu còn lưu lại, Hòa thượng cũng đã nhiều lần cùng với Viện Bảo tồn Cổ tích cũng như sự ủng hộ của các Phật tử đứng ra trùng tu lại ngôi Bảo điện này ngày càng trang nghiêm.
Thời gian trú xứ ở đây, Hòa thượng đã tổ chức, hướng dẫn tín đồ trên bước đường hành thiện, lập Hội Di Đà được nhiều giới Phật tử ngưỡng mộ. Điều cũng cần gợi lại ở đây là trong (thời gian) những tháng ngày Giáo hội tỉnh nhà còn có nhiều khó khăn, cần phát triển về mặt sinh hoạt xã hội, Hòa thượng đã cho Giáo hội sử dụng ngôi Thiền thất để đặt cơ sở in tạp chí Liên Hoa nguyệt san, tiếng nói của Giáo hội, sau đó mới thiết trí lại chùa Từ Quang.
Tuy bận rộn với công việc trụ trì ngôi Quốc tự này, Hòa thượng vẫn nhận lấy trọng trách cùng Giáo hội giữ chức vụ Phó Trị sự Giáo hội Tăng già Thừa Thiên Huế. Cũng như khoảng năm Canh Tý 1961 Hòa thượng đã đứng ra đại trùng tu ngôi Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang Tự tại Quảng Trị hiện nay; đặc biệt hơn nữa, năm 1965, Hòa thượng được thỉnh làm Tôn chứng cho Giới đàn Vạn Hạnh.
Dù sống nơi Huế đô, Hòa thượng vẫn không quên nơi cội nguồn, nên cũng hơn đôi lần đã cùng với chư Tôn đức Giáo hội dẫn đường công việc trùng tu lại ngôi Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang lần thứ 2 vì bom đạn chiến tranh làm đổ nát tại tỉnh Quảng Trị.
Tuổi đời càng cao, sức khỏe ngày càng kém dần, nên năm 1973 Hòa thượng đã thỉnh cầu Giáo hội cử cho một thầy khác về lãnh trách nhiệm trú trì Diệu Đế Quốc tự để Hòa thượng vào Sài Gòn dưỡng bệnh, lời thỉnh cầu được Giáo hội chuẩn y.
Thời gian trôi qua hơn 8 năm. Đến năm Tân Dậu 1981, Hòa thượng lại theo lời thỉnh cầu của môn phái Hải Đức tự và sự yêu cầu của Giáo hội Thừa Thiên lại trở về Huế nhận trách nhiệm trú trì Tổ đình Kim Quang, cũng chính nhờ thế, ngôi Tổ đình này đã được Hòa thượng ra sức chỉnh đốn, tu bổ sửa chữa mà ngày nay chúng ta có được ngôi Đại hùng Bảo điện nguy nga tráng lệ này.
Cũng trong thời gian đó, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập vào mùa hè năm 1982, Hòa thượng được mời vào hàng Giáo phẩm Chứng minh của Giáo hội tỉnh nhà.
Hiện nay hàng đệ tử xuất gia của Đại sư có một số đang góp phần mình cống hiến cho Giáo hội như: Thượng tọa Thích Toàn Đức, Thích Toàn Châu v.v… còn hàng đệ tử tại gia cũng nhiều tại tỉnh nhà và một vài tỉnh khác.
Nghĩ đến vô thường và dường như cũng “Dự tri thời chí”, trong những ngày thượng tuần tháng tám năm Quý Hợi, Hòa thượng đã cho sửa soạn nơi gởi tấm thân tứ đại của mình vào cuối đời, đồng thời Ngài luôn luôn nhắc nhở các vị đệ tử là “gắng tu học, ổn định công việc của chùa… kẻo tội với Tam Bảo” và đến ngày 14 tháng 8, ngày Bố tát của mười phương chúng Tăng, Hòa thượng cũng đã có mặt tại chùa Linh Quang câu hội với Đạo tràng, lần gặp gỡ đông đảo chư Tăng của Giáo hội, lần này không ngờ cũng là lần cuối cùng, để rồi vào lúc 1 giờ 05 phút ngày 20 tháng 08 năm Quý Hợi (26.09.1983), Hòa thượng đã trở về cõi tịnh.
Hòa thượng thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông Tứ thập Tam thế, Pháp danh Tâm Lương, Pháp tự Diệu Hoằng, hưởng thọ 70 tuổi đời và 48 Hạ lạp.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.