Additional Info
Hòa thượng Tâm Phổ Thiện Lộc (1930 - 1985)
Chùa Từ Đàm - Huế
Hòa thượng thế danh là Võ Trọng Thoan, pháp danh Tâm Phổ tự Thiện Lộc, sinh năm 1930 tại làng Thần Phù, xã Thủy Châu, huyện Hương Phú, tỉnh Thừa Thiên. Thân sinh Hòa thượng là cụ Võ Trọng Đạt, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hương. Hòa thượng có sáu anh em mà Hòa thượng là người anh đầu.
Vốn sinh trưởng trong một gia đình thuần hậu, Hòa thượng đã sớm được huân nhiễm lẽ đạo. Từ thuở ấu thơ, Hòa thượng theo thân phụ đến hương khói tại một ngôi chùa tịch mịch trong làng. Tại đây, Hòa thượng đã thấm nhuần kinh kệ. Năm lên mười bảy, Hòa thượng chính thức xin song thân xuất gia hành đạo tại Tổ đình Từ Đàm và làm đệ tử của cố Hòa thượng Giác Nguyên Tổ đình Tây Thiên (tức Đại lão Hòa thượng Tây Thiên).
Trong thời gian ở Tổ đình Từ Đàm, Hòa thượng đã theo học các lớp học nội điển tại Phật học viện Báo Quốc và đã tốt nghiệp bậc Trung học Phật giáo tại trường này vào năm 1955.
Năm 1956, Hòa thượng được Bổn sư cho phép thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Báo Quốc. Hai năm sau Hòa thượng được cử làm Tri sự rồi Giám tự Tổ đình Từ Đàm, chính thức trực tiếp điều hành mọi sinh hoạt tại đây, thay mặt Hòa thượng Trụ trì Thích Thiện Siêu, bận gánh vác các Phật sự khác.
Với bản tính hiền hòa, bao dung, khiêm cung nhỏ nhẹ, và luôn luôn hỷ xả, Hòa thượng không hề làm mất lòng một ai, dù với một em bé. Một hôm, có mấy cháu nhỏ leo cây hái trái, sợ chúng té, Hòa thượng từ trong nhà thuyền nói vọng ra “đừng leo mà té con, về nhà lấy cây đến chọc”.
Thế là các cháu nhỏ nghe tiếng, sợ chạy mà vui trước lối nói chậm rãi, khôi hài nhẹ nhàng ngộ nghĩnh của Hòa thượng.
Rồi lần khác, có kẻ đến nhổ hoa, trộm lan bị bắt quả tang, ai nấy tưởng rằng chúng sẽ bị một trận đòn đích đáng. Nào ngờ, Hòa thượng cầm tay chúng vuốt ve bảo: “Bàn tay đẹp ri mà đi nhổ hoa của Thầy há con. Thôi, cho đem về, sau đừng đến nhổ của Thầy nữa nghe con”. Thế thôi, không hề nóng giận, rầy la, không bao giờ đánh đập, ấy thế mà các cháu e ngại không dám phá phách. Nhiều đạo hữu phàn nàn về đức tính quá khoan dung của Hòa thượng, để kẻ xấu phá phách. Hòa thượng cười bảo: “Chúng là trẻ con, mình phải lấy tình thương mà dạy bảo, lấy đức độ mà giáo hóa, còn la rầy, đánh đập đâu có ích bằng. Tánh của chúng đã không đổi, cha mẹ chúng không biết, trở lại oán trách mình, hoặc xấu hổ với Thầy mà bỏ chùa không đến”.
Hòa thượng, suốt ngày nọ qua ngày kia, ngoài việc kinh kệ, lại loay hoay với bông hoa cây cảnh, tăng gia sản xuất hoa màu, làm kinh tế phụ như gia công đèn cầy, nhang trầm, ruộng rẫy. Hòa thượng cũng ít đi đâu xa, không ưa ứng phú. Nhờ vậy mà trên điện Phật, ngoài sân vườn, luôn luôn tươm tất sạch sẽ. Hòa thượng cũng thích trồng cây bóng mát. Sân chùa Từ Đàm hồi rày, Phật tử đến hành lễ, thôi không còn chịu nắng, chính là nhờ công lao của Hòa thượng.
Ai cũng biết Tổ đình Từ Đàm, không một tấc đất ruộng, lại là trụ sở của Giáo hội, hằng tháng và hằng ngày có nhiều sinh hoạt đạo giáo, có đủ tầng lớp người, mọi cá tánh tham dự. Sau mỗi cuộc hội họp hay sau buổi hành lễ, ly tách bàn ghế ngổn ngang, sân chùa giấy rác bừa bãi; nếu ai không đủ kiên nhẫn, không có đức chịu đựng, tưởng chừng không ở đây lâu được. Ấy thế mà suốt cả một đời người, từ khi xuất gia đến ngày viên tịch, Hòa thượng lặng lẽ, lủi thủi săn sóc quét dọn, không một lời than thở phiền trách ai. Khi mọi người đến Từ Đàm đông đúc thì không ai thấy Hòa thượng, nhưng khi mọi người ra về cả thì Hòa thượng lại hiện ra như một tảng đá giữa ngọn thủy triều, nước dâng đầy thì không thấy đá, khi nước xuống thấp thì đá vẫn trơ trơ. Có thể nói đây là hình ảnh của Hòa thượng. Suốt đời sống cuộc sống bình dị, thanh đạm, không ồn ào sắc tướng, cũng không trầm trệ, ủ dột hay buông lung phóng túng, nhưng lại luôn luôn thầm lặng tấn tu, trước sau đạo tâm và đạo hạnh vẫn không hề bị ngoại duyên làm lay chuyển.
Chính nhờ những đức tánh này mà gần 40 năm cuộc sống gắn liền với Tổ đình Từ Đàm, với bao thăng trầm vinh nhục của Giáo hội, Hòa thượng đã để lại một hình ảnh đẹp, một bài thuyết pháp không lời về cốt cách đạo hạnh, đủ để khắc cốt ghi tâm những gì đã thành và đã mất nhưng mãi mãi còn đồng vọng trong tâm tư tình cảm của những Phật tử đã từng đến với Từ Đàm, với Hòa thượng .
Cuộc sống hành trì tu niệm của Hòa thượng lặng lẽ trôi qua, những tưởng còn lâu dài để cùng chung niềm vui nỗi buồn với Giáo hội, với Tăng Ni, Phật tử. Nào ngờ đâu, sau một cơn bạo bệnh ngắn ngủi, Hòa thượng đã xả báo thân vào lúc 22 giờ ngày 16 tháng 12 năm Giáp Tý, tức ngày 06.01.1985 tại Tổ đình Từ Đàm, mang theo 29 tuổi hạ, 55 tuổi đời, làm cho nhiều người vô cùng bàng hồng xúc động, chưa nghe đau đã nghe mất, để lại một niềm thương tiếc đang thấm lạnh trong lòng chúng tôi và các Phật tử. Chúng tôi đã mất đi một pháp hữu, một vị thầy, một người con, người anh, người em đáng yêu đáng kính. Đạo pháp và Giáo hội mất đi một bậc chân tu đạo hạnh, một người con trung hậu, chân thành.
… Chúng ta đang vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Hòa thượng. Nhưng từ âm hưởng xa xưa, chư Phật chư Tổ đã ân cần dạy bảo trước giờ vĩnh biệt rằng, đừng khóc than vì thế gian vô thường, hễ có sanh là có diệt. Nên trước giác linh Hòa thượng, chúng ta hãy thương thay vì khóc, hãy cầu nguyện thay vì hốt hoảng, buồn chán, hãy cố gắng noi theo những gì là hay là đẹp của Hòa thượng để bổ túc vào chỗ thiếu sót của mình. Đó là mối chân tình của chúng ta tiễn đưa Hòa thượng.
Kính xin Giác linh Hòa thượng chứng tri cho những cảm nghĩ chân thành không thể nói hết bằng lời của chúng tôi.
Hòa thượng thọ 55 tuổi và 29 hạ lạp.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu phát biểu.
*
Cảm niệm
Sau ba ngày đến nay, cố Hòa thượng Thích Thiện Lộc đã mặc nhiên trước cảnh tức sắc tức không, sinh thành hoại diệt, trước niềm thương tiếc vô vàn của Tăng Ni, Phật tử. Trong chốc lát nữa đây, kim quan của cố Hòa thượng sẽ được cung nghinh nhập tháp tại khuôn viên Tổ đình Thuyền Tôn. Vì lộ trình xa xôi cách trở, sợ một số trong quí vị không có điều kiện để tiễn đưa kim quan cố Hòa thượng đến nơi an nghỉ cuối cùng, để cho Hiếu đồ và tang quyến chúng tôi được tỏ bày niềm tri ân đến khắp quí vị, nên giờ đây, thay mặt cho Tăng chúng Tổ đình Từ Đàm, Hiếu đồ và tang quyến chúng tôi xin bày tỏ lòng chân thành biết ân đến với chư vị.
Trước hết, chúng tôi xin thành kính tri ân Ban Trị sự Giáo hội, Hòa thượng Chứng minh, Hòa thượng Chấp lệnh, Thượng tọa Chủ sám cùng chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và quí đạo hữu Phật tử, đã tận tâm thăm viếng giúp đỡ, chứng minh hộ niệm cho cố Hòa thượng, từ khi đau cho đến lúc an táng với nghĩa tình thắm thiết “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến chính quyền địa phương, đã cử đại diện đến phúng điếu, chia buồn. Chúng tôi xin cảm ơn các đạo hữu khuôn hội Kim Sơn, thôn Lựu Bảo, đã không quản đường xa (cách 7, 8 cây số), đến kề vai gánh đưa kim quan đến nơi an táng, chúng tôi xin cảm ơn các đạo hữu đã tận tâm giúp đỡ trong giờ phút tẩm liệm cũng như các công việc khác, chúng tôi xin cảm ơn bà con thân thuộc nội ngoại xa gần tại quê nhà đã không quản ngại xa xôi, đến tiễn đưa hôm nay.
Nhân giờ phút đông đảo và trang nghiêm này, chúng tôi xin có mấy dòng cảm nghĩ đơn bạc, ghi lại vài nét công hạnh tu hành, được đúc kết từ sự nhận biết của chúng tôi và của quý Tăng Ni, Phật tử về cố Hòa thượng.
Thưa Giác linh cố Hòa thượng.
Vẫn biết đường chim bay không vết tích, mất và còn như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ, nhưng khổ lụy hữu tình làm sao nguôi quên được trong lòng Phật tử chúng tôi. Kính xin Giác linh cố Hòa thượng chứng tri cho những cảm nghĩ chân thành không thể nói hết bằng lời của chúng tôi.
Kính bạch Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và toàn thể quí vị.
Một lần nữa, xin thay mặt hiếu đồ và tang quyến, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quí vị. Trong việc tổ chức tang lễ, không sao tránh khỏi các điều thiếu sót. Ngưỡng mong chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và toàn thể quí vị niệm tình hỷ xả.
---o0o---
2.
Hòa thượng tên đời là Võ Trọng Thoan sinh năm 1930 tại Thần Phù.
Xuất gia năm 1948 ở chùa Từ Đàm. Đệ tử của Hòa thượng Giác Nguyên chùa Tây Thiên. Tòng học tại Phật học viện Báo Quốc. 1956 thọ Cụ túc giới. 1958 - 1985 Tri sự rồi Giám tự Từ Đàm cho đến ngày viên tịch lúc 22 giờ ngày 16 tháng 12 năm Giáp Tý (6/1/1985). Thọ 55 tuổi, 30 hạ lạp.
Hòa thượng thật là:
Xứng bậc chân tu
Khoan từ trung hậu
Hạnh nguyện cao kiên
Túc căn thâm áo
Giới đức trang nghiêm
Đạo tâm vằng vặc
Một thuở đi về
Vui miền Cực lạc
Tháp dựng nơi đây
Nhớ người đã khuất
Huế, ngày 04.02. Ất Sửu (1985)
Trụ trì Từ Đàm cùng Môn đồ đệ tử kính lập.
|