HT Tâm Tuệ Thanh Trí

Personal Information

Danh Tánh
HT Tâm Tuệ Thanh Trí - Ðời Thứ 43 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 9 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Hòa thượng Tâm Tuệ Thanh Trí (1919 - 1984)
Chùa Báo Quốc - Huế

Hòa thượng Thanh Trí thế danh Hồ Văn Liêu, húy Tâm Tuệ, pháp hiệu Thanh Trí, sinh ngày 01 tháng 10 năm Kỷ Mùi tức ngày 21 tháng 11 năm 1919 tại làng Phước Yên xã Quảng Thọ huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là Thừa Thiên Huế.
Thân phụ là cụ Hồ Văn Sừng, thân mẫu là cụ bà Tô Thị Thục, gia đình có 5 anh chị em, Hòa thượng là con trai độc nhất.
Xuất thân trong một gia đình nề nếp, thấm nhuần đạo lý Phật Đà, hằng ngày được gần gũi cảnh thiền tịnh nơi cổ tự Sắc Tứ Quảng Phước Tự trong làng nên từ đó Hòa thượng đã sớm chớm ý nguyện xuất gia học đạo. Cụ ông và cụ Bà thường lo lắng việc thừa kế dòng dõi nên không muốn ý nguyện đó được thể hiện.
Tuy thế, thiện duyên đến năm lên 12 tuổi (1930), Hòa thượng đã xin phép song thân tạm biệt gia đình vào Huế, đến chùa Từ Hóa gặp Đại lão Hòa thượng Trừng Diên, xin xuất gia và đã được Đại lão Hòa thượng hứa khả. Từ đó chăm lo học tập Kinh Luận, sau sáu năm, đến năm 1938, Hòa thượng được thọ Sa Di giới tại giới đàn chùa Đại Bi tỉnh Thanh Hóa do Đại lão Hòa thượng Huệ Minh, trú trì Tổ đình Từ Hiếu, làm Đàn đầu Hòa thượng.
Tuy là Sa Di nhưng với tư chất thông minh, đạo hạnh tốt đẹp nên năm 1940, Hòa thượng đã được phủ Tôn nhơn trình Giáo hội mời làm trú trì chùa Diệu Hỷ thành phố Huế.
Hai năm sau đó (1942) Hòa thượng được Giáo hội và Tổ đình Báo Quốc mời làm Tri sự của Tổ đình.
Với ý chí tinh cần và tinh thần cầu học, cầu tiến, 6 năm sau (1949) Hòa thượng được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Báo Quốc Huế do Đại lão Hòa thượng Tịnh Khiết làm đàn đầu.
Sau khi thọ giới, nhờ giới đức nghiêm thân, Hòa thượng được Giáo hội tín kính giao cho trọng nhiệm.
Năm 1953, Hòa thượng là ủy viên tài chánh của Giáo hội Trung phần Việt Nam. Cũng trong năm này, Hòa thượng đã cùng Giáo hội Tăng Già sáng lập Trường Hàm Long với mục đích mở mang về thế học cho chúng điệu hầu có thể góp phần xứng đáng cho sự nghiệp của Giáo hội.
Do tâm niệm hoằng hóa lợi sanh cho nên không bao lâu (1957) ngôi trường từ bậc Tiểu học đã tiến lên bậc Trung học.
Năm 1957, Tổ đình Báo Quốc vì đã trải qua nhiều năm tháng bị dột nát, Hòa thượng được Giáo hội và môn phái ủy thác đảm đương công tác đại trùng tu.
Từ ngôi chùa xưa cũ, gãy đổ, nhờ sự chỉ đạo của Giáo hội, sự hưởng ứng tích cực của Tăng Ni Phật tử và sự nỗ lực chính của bản thân Hòa thượng, ngôi chùa đã được xây dựng bằng bê tông cốt sắt nhưng đặc biệt vẫn giữ nguyên những nét cổ kính của lối kiến trúc Á Đông.
Năm 1963, gặp lúc pháp nhược ma cường, Hòa thượng đã cùng chư Tôn Giáo phẩm, chư Tăng Ni Phật tử đứng lên đòi quyền tự do tín ngưỡng, quyền dân sinh, dân chủ. Hòa thượng đã bị bắt trong đêm pháp nạn kinh hồng 20.08.1963. Tháng 11 năm 1963, ngụy quyền Diệm bị sụp đổ, Hòa thượng đã được trở lại chùa xưa.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Hòa thượng được mời làm Đặc ủy Tài chánh kiến thiết Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế. Hai năm sau đó, Hòa thượng làm Phó Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế, kiêm Giám sự Phật học viện Báo Quốc Huế.
Tết Mậu Thân năm 1968, Tổ đình Báo Quốc không may bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở của Phật học viện Báo Quốc và Tổ đình hầu như sắp tan thành mây khói theo chiến tranh, nhưng trên nhờ Phật Tổ dưới nhờ sự tận lực của chư Tôn Hòa thượng, của Tăng Ni Phật tử, Hòa thượng lại một lần nữa đảm đương trọng trách đại trùng tu. Chính nhờ thế mà chúng ta có ngôi phạm vũ nguy nga tráng lệ ngày hôm nay, xứng đáng với hai câu đối của Tổ khai sơn để lại:
香江其北御嶺其南千萬歳慈風傳自古
景興以前永盛以後數百年梵宇壮于今
Phiên âm :
Hương Giang kỳ bắc Ngự lãnh kỳ nam. Thiên Vạn thế từ phong truyền tự cổ,
Cảnh Hưng dĩ tiền, Vĩnh Thạnh dĩ hậu, sổ bách thiên phạm vũ tráng vu kim.
Nguyên Hồng dịch:
Sông Hương phía Bắc núi Ngự phía Nam ngàn vạn kiếp giữ lành từ thuở ấy,
Cảnh Hưng về trước Vĩnh Thịnh về sau mấy trăm năm chùa cổ vẫn còn đây.
Đầu xuân 1969, sau buổi họp của Tổ đình và thư đề nghị của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng đã được mời đảm nhiệm chức vụ Trú trì Tổ đình Báo Quốc nhưng Hòa thượng vẫn khẩn khoản xin Hòa thượng Trí Thủ cứ tạm để yên một vài năm. Từ đó Hòa thượng giữ chức vụ Giám tự Tổ đình, thay mặt Trưởng lão Hòa thượng trú trì đảm đương Phật sự của Tổ đình và cùng với Ban quản trị Phật học viện Báo Quốc chăm lo việc giáo dưỡng Tăng sinh.
Tháng 8 năm 1972, Hòa thượng Thích Mật Nguyện viên tịch, Hòa thượng được Giáo hội mời đảm nhiệm trọng trách Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế.
Sống với hạnh nguyện của người xuất gia, với bản tính bình tĩnh, hòa nhã, với tình yêu quê hương làng mạc nên năm 1974, Hòa thượng đã cùng dân làng Phước Yên, quê hương của Hòa thượng tái thiết ngôi chùa cổ Sắc Tứ Quảng Phước.
Năm 1977, Hòa thượng được mời làm Tôn chứng của Đại Giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Ấn Quang thành phố Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, Hòa thượng chính thức là Ủy viên của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, và cũng chính trong năm này, Hòa thượng là Đàn chủ Giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Báo Quốc Huế.
Ngày 25.5.1979, Hòa thượng cùng với Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Bình Trị Thiên đến thăm Tỉnh Xavanakhet, tỉnh kết nghĩa anh em của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Đầu xuân Canh Thân 1980, trước sự kiện tất yếu của lịch sử, trước nguyện vọng của Tăng Tín đồ Phật giáo Việt Nam là phải thống nhất Giáo hội, Hòa thượng được mời làm ủy viên vận động của Ban vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Qua đầu xuân năm 1981, Hòa thượng lại lần nữa làm Chánh chủ đàn của Giới đàn Báo Quốc.
Mùa hè tháng 4 năm Nhâm Tuất (1982), khi Đại hội thành lập GHPGVN tỉnh Bình Trị Thiên, Hòa thượng làm Trưởng Ban Trị sự và kiêm nhiệm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Thành phố Huế.
Năm 1983, Đại hội Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam được khai diễn, Hòa thượng là Ủy viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Tỉnh Bình Trị Thiên. Điều nổi rõ nhất, gần suốt cuộc đời Hòa thượng đã dành tâm lực và trí tuệ của mình cộng sự chặt chẽ với Hòa thượng Thích Trí Thủ trong việc đào tạo Tăng tài không biết mệt mỏi.
Hòa thượng không những chỉ chuyên lo tu trì mà còn có năng khiếu chỉ đạo về tổ chức kinh tế cho Tăng Ni, như thành lập các tổ hợp chế biến vị trai lá Bồ Đề, các tổ hợp Nông Nghiệp, các tổ hợp đan thêu, tiểu thủ công nghiệp… Nhờ đó mà Tăng Ni ngoài việc tu học, còn làm ra của cải vật chất góp phần vào sự ổn định đời sống với nhân dân.
Như linh cảm được sự ra đi không hẹn ngày về nên trong buổi họp thường lệ của Ban Trị sự vào sáng ngày 14 tháng 2 năm Giáp Tý (1984), Hòa thượng đã đề nghị họp luôn về việc tổ chức Đại lễ Phật Đản 2528 tại Tỉnh nhà. Sau nhiều góp ý chung của buổi họp, Hòa thượng được mời làm Trưởng Ban tổ chức đại lễ và hai Thượng tọa Đức Tâm, Chánh Trực làm phó. Có điều Hòa thượng cứ khẩn khoản, xin hai vị phó cố gắng chủ động công việc tổ chức vì sợ e Hòa thượng vắng mặt trong mùa Phật Đản năm nay.
Sáng ngày 3 tháng 3 năm Giáp Tý, Hòa thượng lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh thọ tang Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung Ương GHPGVN.
Hòa thượng được Ban Tổ chức cung thỉnh làm chấp lệnh cho tang lễ. Dù biết sức khỏe yếu nhưng Hòa thượng rất sung sướng nhận vinh dự làm Chấp lệnh cho tang lễ trang nghiêm, tỏ tấm lòng hiếu đạo đối với vị tôn sư quí kính.
Từ Huế vào thành phố Hồ Chí Minh lo tang lễ Hòa thượng Thích Trí Thủ xong, chỉ trong vòng 10 ngày thì Hòa thượng cũng viên tịch theo chân Hòa thượng Chủ tịch tại Quảng Hương Già Lam lúc 13g30 phút ngày 13 tháng 3 năm Giáp Tý (13.4.1984). Lễ nhập quan được cử hành tại Quảng Hương Già Lam và sau đó Kim quan Hòa thượng được cung nghinh về nhập tháp tại khuôn viên chùa Báo Quốc. Kim quan nhập tháp ngày 17 tháng 4 năm 1984 trong niềm xúc động thương tiếc của Tăng Ni Phật tử. Hòa thượng hưởng thọ 66 tuổi đời và được 36 hạ lạp.

---o0o---
ĐIẾU VĂN
(của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên đọc trong lễ truy niệm Cố Hòa thượng Thích Thanh Trí, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, ngày 20 tháng 3 năm Giáp Tý (20/04/1984))

Hôm nay trong giờ phút trang nghiêm tiễn đưa Giác linh Hòa thượng về cõi an nhiên tự tại, chúng tôi, chư Tôn Giáo phẩm, Chư Tăng Ni Phật tử Bình Trị Thiên và thành phố Huế, vô cùng xúc động trước cảnh kẻ ở người đi, âm dương dị lộ, mới đây mấy hôm, tạm biệt chúng tôi, Hòa thượng lên đường về thành phố Hồ Chí Minh thọ tang Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viên tịch ngày 2 tháng 3 năm Giáp Tý (2/4/1984), nào ngờ chuyến ra đi lần này là lần cuối.
… Vốn biết vô thường thị thường, sinh diệt, diệt sinh là luật biến dịch của pháp hữu vi. Niết bàn tịch tịnh chính là nơi an trú vĩnh cửu, song chúng tôi không nén được những cảm xúc bàng hồng đau thương ngơ ngác trước tin Hòa thượng vĩnh biệt.
Ôi ! Giờ đây còn đâu nữa hình ảnh ung dung, phong cách điềm đạm và còn đâu giọng nói trầm trầm thân mật, luôn luôn nụ cười tươi nở trên môi.
Điện mời họp của Trung Ương còn đó, đang mong đợi sự góp ý của Hòa thượng cho Hội nghị để xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Nhưng Hội nghị diễn ra giữa muôn vàn tiếc thương trước sự vắng bóng của Hòa thượng. Đại lễ Phật Đản 2528 tại tỉnh nhà, những mong ước được sự chỉ đạo của Hòa thượng trong việc tổ chức, như nguyện vọng phiên họp ngày 14 tháng 2 Giáp Tý tại chùa Linh Quang của Ban Trị sự, mà Hòa thượng được mời làm Trưởng ban Tổ chức. Thế mà Hòa thượng đành lòng vội vã bước đi không nói một lời, để lại trong lòng Giáo hội, trong lòng Hiếu đồ và Tang quyến, trong lòng chúng tôi, trong lòng hàng nghìn Phật tử Huế và Bình Trị Thiên một khoảng trống lớn lao.
… Sự vắng bóng của Hòa thượng quả là một mất mát vô cùng to lớn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mất đi một người con cao quí nhu hòa, nhẫn nhục, tinh nghiêm đạo hạnh. Phật giáo Cố đô, Phật giáo Bình Trị Thiên mất đi một vị lãnh đạo khả kính, suốt đời tận tụy với Phật sự, kính trên nhường dưới, hiểu mình hiểu người, biết thầy biết bạn…
Được sinh trưởng trong một gia đình Nho học nề nếp, được xuất gia từ tấm bé, được sống trong những ngày tháng chấn hưng hưng Phật giáo, phong trào nổi dậy của nhân dân chống thực dân xâm lược, đã un đúc cho Hòa thượng tình cảm yêu đạo sâu sắc, yêu nước nồng nàn.
Đối với đạo pháp, trước nhất là nghĩ đến tương lai Phật giáo, Hòa thượng đã tận tình phục vụ, cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ trong việc đào tạo Tăng tài từ Phật học đường Báo Quốc Huế đến Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, nhất là trong chức năng tự túc kinh tế cho Tăng Ni. Nói chung là nhiều Thượng tọa danh tiếng xuất thân tại các Phật học viện Trung phần và Báo Quốc một phần không nhỏ đều nhờ công đức của Hòa thượng.
Sự nghiệp rõ nét, nhất là khi đất nước thống nhất nguyện vọng của Tăng tín đồ trong việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng là Ủy viên Trung ương của Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, đã cùng quý Tôn túc Hòa thượng tích cực hoạt động cho sự nghiệp trọng đại này. Nhờ thế, sau Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam không bao lâu tại thủ đô Hà Nội, Đại hội thành lập Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên được khai diễn, kết quả tốt đẹp này lẽ cố nhiên là nhờ sự đóng góp rất lớn của chư Tôn giáo phẩm, Chư Tăng Ni Phật tử trong tồn tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Đảng, của chính quyền và Mặt trận tỉnh nhà, nhưng Hòa thượng có thể nói là điểm hội tụ vì thế trong Đại hội, Hòa thượng được bầu làm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên và qua Đại hội kỳ III của Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, Hòa thượng đã được mời làm Ủy viên Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên.
Cảm thâm ân đức trọng, nhiều vị xuất gia đã xin thọ giáo làm đệ tử, Hòa thượng chỉ bảo: “Các vị là đệ tử của Phật, quí vị Tôn túc trong Giáo hội đều là Bổn sư, riêng tại nơi đây, Phật Học viện Báo Quốc Huế, quý vị nên đảnh lễ Hòa thượng Già Lam xin thọ pháp, đệ tử của Hòa thượng cũng là đệ tử của tôi.”
Với hàng tín đồ, Hòa thượng thường khuyên nhủ nhất là trong những buổi truyền pháp Tam quy Ngũ giới: “Đệ tử là đệ tử của Tam bảo, tôi chỉ là người đứng ra đại diện Tam bảo, tôi cũng như bao nhiêu Thầy khác trong Giáo hội, các vị đừng cố chấp phân biệt thầy mình và thầy không phải của mình mà tất cả các thầy có tu hành đều như nhau, nếu vô tình không khéo các vị sẽ mắc tội với Tam bảo.”
Đối với Tổ quốc, từ những tháng ngày cách mạng tháng 8 thành công đến những phong trào của nhân dân đấu tranh đô thị miền Nam cho đến khi thống nhất Tổ quốc. Đạo nghiệp của Hòa thượng luôn luôn gắn với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Trong suốt thời gian phục vụ Giáo hội, Hòa thượng đã không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào mà Giáo hội giao phó… Hòa thượng đã đồng lao cộng khổ với Tăng Ni Phật tử trong những bước thăng trầm của Giáo hội, vui cái vui chung của mọi người, khổ cái khổ chung của non sông và đạo pháp.
Nhưng hỡi ôi! Bây giờ thì bóng Hòa thượng đã xa xăm, như cánh nhạn giữa hư không, đến và đi không vết tích, Hòa thượng đã ra đi giữa lúc tùng lâm đang cần bậc mô phạm, Tăng Ni và Phật tử đang cần người hướng dẫn, Đạo pháp đang cần đấng tài năng đức độ làm tấm gương sáng để nâng cao lý tưởng giác ngộ giữa thế gian này, Hòa thượng đã thác hóa tây quy lúc 13 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 Giáp Tý tức 13 tháng 4 năm 1984, hơn 40 hạ lạp và 60 tuổi đời.
… Chúng ta đang vô vàn thương tiếc trước sự ra đi mà không trở lại của Hòa thượng. Từ âm hưởng xa xưa, chư Tổ đã ân cần dạy trước giờ vĩnh biệt rằng: “Đừng khóc than vì như thế đã chẳng để người ra đi lên cao, mà còn khiến cho kẻ ở lại thêm xuống thấp.”
Thế giới của hữu vi pháp nào mà không hủy diệt, nỗi đau buồn lâm biệt tử sinh nào không tràn đầy nước mắt. Vân tập nơi đây, chúng ta không thể để những châu lệ bi ai thông tục, làm giảm thiểu lý tưởng giác ngộ giải thoát của đạo Vô thượng Bồ đề. Đường còn dài, nhiệm vụ càng nặng, chúng ta hãy nén đi những dòng lệ, biến đau thương thành sự nghiệp tu trì.
… Giờ đây nhìn lại suốt cả cuộc đời, trong cương vị lãnh đạo, với chức năng và đạo phong của Hòa thượng, đã tạo được uy tín trong Tăng Ni Phật tử. Hòa thượng đã vượt qua những gian lao vất vả, đã xứng đáng góp phần vào sự nghiệp chung của Giáo hội, của Tổ quốc Việt Nam. Xin Hòa thượng yên tâm thác hóa nơi miền tịnh cảnh. Sự nghiệp của Hòa thượng đang bỏ dở, chúng tôi xin hứa sẽ ra sức hồn thành như ý nguyện của Hòa thượng.
Xin bái vĩnh biệt Hòa thượng.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.