Additional Info
Ni Trưởng Hoàng Lầu Diệu Tấn (1910 - 1947)
Chùa Từ Hóa - Gia Định
Ni trưởng thế danh là Phạm Thị Xá, sinh năm 1910, húy Hoàng Lầu, Pháp hiệu Diệu Tấn. Nguyên quán tỉnh Sa Đéc, gia đình thuộc hàng trung lưu. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Quyền, và thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Hòa, Pháp danh Diệu Hậu. Ông bà sinh được hai người con gái, ai cũng dung mạo đoan trang, tư phong cao nhã. Vì ít con, nên ông bà rất cưng quý.
Ni trưởng là trưởng nữ, tánh tình thuần hậu, rộng rãi nhưng thẳng thắn và rất cương quyết như nam nhi. Nhờ căn lành với Tam Bảo nhiều đời, nên lớn lên Ni trưởng không thích xa hoa, không ham danh lợi, tâm tư lúc nào cũng muốn giúp đời, hướng về công việc từ thiện xã hội và lại mang hồi bảo xả tục xuất gia.
Năm 1927, khi trưởng thành, cha mẹ muốn gầy dựng gia thất nhưng bao nhiêu lần gợi ý đều nhận được sự từ khước của Ni trưởng; việc không thành, ông bà buộc phải dùng đến quyền lực. Biết không từ nan được nữa, đành phải “dục hoãn cầu mưu”.
Bình nhật thường nghe danh đức của Tổ Phi Lai Hòa thượng Chí Thiền - Như Hiển là bậc cao Tăng thạc đức thuở bấy giờ, nên chờ lúc thuận duyên Ni trưởng “nhẹ bước” tiến thẳng lên miền Châu Đốc, vào núi Tượng tầm sư học đạo.
Dặm đường xa, xứ lạ quê người nhưng Ni trưởng vẫn quyết chí tầm sư, đến Cổ tự Phi Lai xin Tổ xuất gia tu học.
Vừa nhìn qua phong độ, Tổ biết là người có căn lành Đại thừa sau này sẽ hoằng dương Đạo pháp, hướng dẫn hậu lai. Tổ liền nhận làm đệ tử, đặt cho Pháp tự Hoàng Lầu, Pháp hiệu Diệu Tấn. Tu học tại đây chưa được bao lâu, người nhà tìm gặp, quyết đưa về nhà. Lúc này, Ni trưởng “ngộ biến tùng quyền”, đều giả bệnh thần kinh hét la đánh đuổi, nhờ có chút võ công nên tất cả người nhà không dám đến gần. Nhiều phen như thế, gia đình chán nản đành ra về . Từ đó Ni trưởng mới được an tâm nương với Bổn sư tu học.
Hạt giống Bồ-đề sẵn có nên Ni trưởng tu học tinh cần, Kinh sách qua mắt không quên. Ngoài sự học tu, Ni trưởng còn phải vào núi đốn củi, chặt tre, giã gạo, gánh nước, trồng rau... nhất nhất siêng năng, không sợ lao nhọc. Nhưng khi hết giờ công tác, vẫn không quên việc lo học giáo lý, trưởng dưởng sở tu sở học, chuyên tâm niệm Phật.
Trong thời gian theo Tổ tu học, Ni trưởng được Tổ cho phép lên Trảng Bàng (Tây Ninh) y chỉ và theo học với Hòa thượng An Hòa, nương thầy học đạo vừa được bảy năm, thì Tổ Chí Thiền viên tịch (1933).
Trở về chốn Tổ cư tang lo tròn hiếu đạo, Ni trưởng trở lại Trảng Bàng nương theo Hòa thượng An Hòa tiếp tục giồi mài Kinh luật, nghiên tầm giáo điển gần hai năm.
Trong thời gian này Ni trưởng có đi Gia Định, hợp tác với quý Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tánh, Diệu Thuận thành lập chùa Ni Từ Hóa (Tân Sơn Nhì - Gia Định). Sang năm 1935, Ni trưởng ra Huế, ban đầu dự thính lớp học ở chùa Từ Đàm, Báo Quốc.
Năm 1936, tham học tại Ni trường Diệu Đức - Huế với Tổ Tây Thiên, Tổ Phước Huệ. Mãn khóa học trên đường vào Sài Gòn, Ni trưởng ghé chùa Thập Tháp tiếp tục học với Tổ Thập Tháp.
Năm 1939, tại Sài Gòn Ni trưởng nhận chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến cúng. Lúc mới nhận chùa, nơi đây chỉ là một thảo am đơn sơ vách lá. Nhưng khi về, việc trước tiên là lo tu sửa ngôi Tam Bảo cho trang nghiêm, mở trường dạy Ni chúng cho đến năm 1945.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa Kim Sơn trở thành nơi nuôi giúp con em các gia đình hoạt động Cách mạng, người già bệnh, neo đơn, trẻ mồ côi.
Tháng 8 năm 1945, thành phố Sài Gòn - Gia Định tổng khởi nghĩa, lực lượng kháng chiến, anh em du kích chạy tản vào chùa đều được Ni trưởng che giấu, đùm bọc.
Trong thời Pháp thuộc, Phật pháp chưa được xương minh, tín đồ ít người thâm hiểu Phật pháp, nên sự hướng dẫn và hoằng truyền Chánh pháp gặp nhiều khó khăn, phần thì xứ lạ quê người, chùa chiền nhỏ hẹp, vật chất thiếu thốn mọi bề. Thế mà, Ni trưởng cương quyết khai giảng Ni trường Phật học đầu tiên (tại miền Nam), dắt dìu Ni chúng, lần lần Ni chúng câu hội khá đông. Ngài khuyến khích được ba vị thí chủ ủng hộ hàng tháng.
Đương thời, tại miền Nam chỉ có một Phật học Ni trường Kim Sơn, nên trường này rất có uy tín, các giới Phật tử quy ngưỡng rất đông, nhiều Đại đức Tăng Ni hoan hỷ và tán thán, giới trí thức, công chức, nhà báo, nhà văn thường đến lễ Phật viếng cảnh, đề thơ ngâm vịnh. Sư trưởng là bậc Ni tài, nên luôn được sự thán phục của các nhà thơ và giới trí thức. Nhờ đó, Ni trường Kim Sơn ngày một phát triển không ngừng.
Năm 1945 vì biến cố lịch sử nước nhà, Nhật đảo chánh Pháp. Ni trưởng là bậc tu hành theo hạnh nguyện lợi tha của Bồ-tát nên động lòng từ bi, không thể bỏ qua đau thương và bất hạnh của đồng bào, do đó đã nỗ lực giúp bà con đang chịu cảnh thống khổ vì thời cuộc và giúp các cụ già không nơi nương tựa bằng nhiều hình thức như tận tâm giúp đỡ hoặc đem về chùa chăm sóc dưỡng nuôi (vì trong thời ấy rất ít Cô nhi - Ký nhi và Viện dưỡng lão), cố gắng ra sức đùm bọc cứu giúp qua ngày. Phần thì tài chánh hạn hẹp, công việc từ thiện đa đoan, một mình lèo lái con thuyền đạo pháp, cưu mang giúp đời, Ni trưởng bỏ ngủ quên ăn, sức khoẻ lần suy giảm.
Đến ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Hợi (1947) vào lúc 9 giờ sáng, Ni trưởng bảo đệ tử mau lo sửa soạn hương đèn trên bàn Phật, nấu nước tắm gội sạch sẽ. Đến giờ Ngọ, Ni trưởng an nhiên viên tịch. Trụ thế 63 tuổi đời, 20 tuổi đạo.
|