Ni Trưởng Trừng Hảo Diệu Không

Personal Information

Danh Tánh
Ni Trưởng Trừng Hảo Diệu Không - Ðời Thứ 42 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 8 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♀️ Female

Hành Trạng

Additional Info

Tiểu Sử
Cố Ni Sư Thích Nữ Diệu Không


(Sư Bà Diệu Không)
(1905 - 1997)
Đồng sáng lập Hội An Nam Phật Học.
Sáng lập những Ni viện - Ni Trường đầu tiên của Ni giới Việt Nam.
Sáng lập các Cô Nhi Viện - Ký Nhi Viện của Phật Giáo Việt Nam.
Đồng sáng lập Nhà in Liên Hoa - Tạp chí Liên Hoa Nguyệt San.

oOo

Cố Ni Sư thế danh Hồ Thị Hạnh, húy Trừng Hảo, hiệu Nhất Điểm Thanh, sinh năm 1905, là con gái út của quan Đông Các Đại Học Sĩ Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Lương, người làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.
I. Thân Thế Và Thiếu Thời
Xuất thân từ một danh gia vọng tộc, gặp buổi giao thời giữa hai nền văn hóa cũ và mới nên từ tấm bé Người đã được hấp thụ một nền giáo dục dung hòa cả hai truyền thống Đông-Tây. Thân phụ muốn cho du học ở Pháp, nhưng Người không đi. Chí hướng của Người là khôi phục truyền thống Á Đông và nâng cao tinh thần phụ nữ.

Quận chúa Hồ Thị Hạnh trước khi thành Sư Cô Diệu Không.

Bản hoài cao rộng đó thật khó mà thực hiện nếu không thoát ly đời sống gia đình nhỏ hẹp, bởi vậy Người đã nhiều lần xin cha mẹ xuất gia, nhưng vào thập niên 1920, ở Huế chưa có chùa Ni, chỉ có các bà lớn tuổi mới được vào chùa Tăng làm ‘Dì vải’ nấu bếp. Người lại là con gái út của một vị đại thần đương thời, được nâng niu như cành vàng lá ngọc, cha mẹ sẽ không bao giờ cho phép. Trước trở ngại lớn lao đó, Người đành ở nhà cho trọn hiếu, chờ dịp thuận tiện.
Song thân mong Người yên bề gia thất, cứ khuyến khích tham dự các tiệc tùng, dạ hội, nhưng Người một mực nuôi chí xuất trần. Thế rồi năm 23 tuổi (1928), vì cảm từ tâm của song thân, Người phát bi nguyện độ sinh, bằng lòng kết duyên với cụ Cao Xuân Xang để nuôi đàn con dại bơ vơ vừa mất mẹ. Thời gian không lâu ông qua đời. Từ đây duyên trần nhẹ gánh, Người vừa nuôi đàn con côi, vừa làm Phật sự đắc lực.

II. Xuất gia

Năm 1932 (27) tuổi, Người được Hòa Thượng Giác Tiên trụ trì Tổ đình Trúc Lâm truyền Thập Giới làm Sa-di-ni với pháp tự Diệu Không nhưng vẫn đễ tóc để làm Phật sự. Lúc bấy giờ, Người thường xuyên giao dịch với người Pháp trong chính quyền bảo hộ với tư cách đại diện Hội An Nam Phật Học mà Người là một trong các Sáng Lập Viên.


Một tấm hình thuở thiếu thời ‘còn để tóc’ làm Phật sự.

Sau khi thọ Thập Giới 12 năm, vào mùa thu năm Giáp Thân (1944), Người được thọ Tam đàn Cụ Túc tại Đại Giới Đàn Thuyền Tôn do Hòa Thượng Giác Nhiên (về sau là Đệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) làm Đàn Đầu.

III. Công Hạnh
Sau khi thọ giới Sa-di-ni, Người bán tư trang và vay mượn thêm để xây cất Ni viện đầu tiên cho nữ giới có chỗ tu học, đó là Ni viện Diệu Đức. Sư Bà còn góp phần sáng lập và trùng tu nhiều chùa Ni và tịnh viện khác tại Thừa Thiên – Huế như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; Bảo Thắng ở Hội An; Bảo Quang ở Đà Nẵng; Tịnh Nghiêm ở Quảng Ngãi; Ni viện Diệu Quang ở Nha Trang.
Tại miền Nam, Sư Bà là người góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng; Diệu Pháp tại Hố Nai, Long Thành. Sư Bà còn góp công rất nhiều trong việc xây dựng Viện Đại Học Phật Giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại Học Vạn Hạnh, cùng với Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng Minh Châu, Hòa Thượng Nhất Hạnh và Cư sĩ Ngô Trọng Anh… là những vị khai sáng đầu tiên. Ngoài ra, cơ sở Kiều Đàm tại đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cũng do Sư Bà cổ động xây cất.
Ngoài các cơ sở văn hóa và chùa, Ni Sư còn góp công đắc lực khai sáng Cô Nhi Viện Tây Lộc, Huế và các cô, ký nhi viện trên khắp thành thị, thôn quê miền Trung từ 1964 trở đi.
Năm 1952, Ni Sư góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách Phật Giáo và Nguyệt san Liên Hoa, do Hòa Thượng Đôn Hậu làm chủ nhiệm, Hòa Thượng Đức Tâm làm chủ bút, Ni Sư làm quản lý và biên tập viên; đây là tờ báo Phật Giáo sống lâu nhất tại miền Trung.
Ngoài công tác hộ trì chánh pháp và làm từ thiện xã hội, Ni Sư còn dịch thuật, trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật Giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa… Các bộ kinh luận quan trọng do Ni Sư dịch gồm có Thành Duy Thức Luận, Du-già Sư Địa Luận, Lăng-già Tâm Ấn, Di-lặc Hạ Sinh Kinh, Đại Trí Độ Luận, Trung Quán Luận Lược Giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện Thật Luận (của Thái Hư Đại Sư) v.v… Ngoài ra, Ni Sư còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ, những câu chuyện đạo lý…

Mặc dù Phật sự đa đoan, Ni Sư luôn luôn học hỏi, tham cứu kinh sách Đại – Tiểu Thừa và thường nhập thất tham thiền tại chùa Khải Ân, núi Châu Ê. Tuy mang thân nữ, Ni Sư gần như không có thói nhi nữ thường tình mà Phật thường thống trách. Nguyện của Ni Sư là đời đời mang thân nữ để độ cho nữ giới và không cầu sinh Tịnh Độ:
“Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp
Con xin lăn lóc cõi Ta Bà”.
Có lẽ do hạnh nguyện ấy mà đến đâu Ni Sư cũng được phụ nữ đoanh vây, già trẻ lớn bé đều yêu mến. Và cũng có lẽ nhờ Ni Sư am hiểu nhân tình, tùy cơ giáo hóa, có biện tài vô ngại; nhưng trên tất cả, chính nhờ tâm hồn Ni Sư bao dung quảng đại, bình đẳng đối với người thân cũng như sơ, xa cũng như gần. Câu thơ Người làm: “lưới trời bao phủ một tình thương” đủ nói lên chính xác tâm hồn Ni Sư vậy.
Mặc dù là vị hộ trì đắc lực cho Chư Tăng tu học, mặc dù được đặc cách học chung với Chư Tăng trong các lớp giảng đầu tiên tại Huế, Ni Sư không vì vậy mà xao lãng Bát Kỉnh Pháp. Ngược lại, đối với Chư Tăng, Ni Sư luôn luôn kính nể, dù là một vị Tỳ-kheo tân thọ giới hay chỉ một chú Tiểu, Ni Sư cũng đối xử lễ độ và hết lòng nâng đỡ. Đối với Ni chúng, Ni Sư là bạn của tất cả mọi người, ai gần Người cũng kính mến như bậc Thầy, do bởi bản tánh bình dị, uy nghi khả kính.
Tính bình dị của Ni Sư quả là một tấm gương cho Ni giới: xuất thân từ nơi phú quý, mà khi vào chùa, Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn buông xả; đối với bốn vật cần dùng là ẩm thực, y phục, sàng tòa và dược phẩm Ni Sư không chú trọng, có gì tốt đẹp đều đem cúng dường bố thí. Trước khi ngọa bệnh, nơi thường trú của Ni Sư tại chùa Hồng Ân chỉ là một gian nhà thấp u tối, nhưng Người không hề quan tâm sửa chữa, vì tâm hồn Ni Sư luôn để vào những chương trình rộng lớn hộ trì Tam Bảo, phục vụ chúng sinh đương thời và mai hậu.

IV. Những Ngày Cuối Cùng
Năm 1978, sau một cơn bệnh, Ni Sư đã an nhiên thị tịch, được Chư Tăng vây quanh tiếp dẫn. Nhưng khi thời kinh hộ niệm chấm dứt, Sư Cô Bảo Châu đau đớn khóc thét lên, Ni Sư bèn giật mình tỉnh dậy vì bi nguyện độ sinh. Kể từ đó, Người thường dạy: “Khi đã thấy cảnh Tịnh Độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả”. Có lẽ nhờ thấy giả mà Người kham nhẫn được mọi sự. Gần 5 năm già yếu ngọa bệnh, Ni Sư luôn luôn hoan hỷ với mọi người, đón nhận sự săn sóc chu đáo của tất cả các đệ tử, sự chữa trị tận tình của các bác sỹ, Tây y như Thầy Hải Ấn, Bác sỹ Lê Văn Bách và quý vị bác sỹ, y tá Bệnh viện Trung Ương Huế; Đông y như Sư Tuệ Tâm và quý vị y, bác sỹ tại Tuệ Tĩnh Đường Diệu Đế.
Mặc dù già bệnh, tinh thần Ni Sư luôn minh mẫn cho đến giây phút cuối, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Ni Sư đều dạy những lời khuyên hết sức sáng suốt. Cách 2 tháng trước khi viên tịch, Ni Sư còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo Hội để sử dụng trong việc đào tạo Tăng tài.
Như một trái cây chín muồi, như đi cuộc hành trình đã đến đích, Ni Sư an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 2 giờ khuya ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu (tức ngày 23 tháng 9 năm 1997), hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 hạ lạp.

Một di ảnh của Cố Ni Sư lúc sinh tiền.

Một đời Ni Sư: Ở trong phú quý mà không vướng vinh hoa; học nhiều mà không sở tri chướng; làm thơ mà không là thi sĩ; viết lách mà không là văn nhân; nghiên cứu mà không là học giả; giúp đời mà không là chuyên gia xã hội; thuyết pháp mà không là Pháp sư; tọa thiền mà không là Thiền sư; xây dựng nhiều chùa mà không trụ trì một ngôi nào cả; giữ giới mà không câu nệ; độ người mà không vướng mắc đệ tử; ở cảnh động không mất Thiền, cảnh tịnh không bỏ rơi chúng sinh… Cuộc đời hành đạo của Ni Sư thật đa dạng mà không lưu dấu vết, vì cõi lòng Ni Sư như hư không. Sự nghiệp vật chất Ni Sư lưu lại đã nhiều, nhưng cái đáng nói hơn, cái đáng nói nhất, cái thâu tóm cả cuộc đời Ni Sư – tấm lòng vì pháp và thương tưởng hậu lai – thì lại càng khó tả. Cho nên, dù có nói bao nhiêu về Ni Sư, chúng con vẫn thấy thiếu và có lỗi với Ni Sư, bởi vì cái đáng nói nhất đã không có ngôn từ diễn đạt. Có lẽ hai chữ tôn hiệu của Ni Sư – thượng Diệu hạ Không – đã biểu trưng quá đủ cuộc đời Người, hay nếu dài lời hơn, thì chỉ một câu này: “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn sự môn trung bất xả nhất pháp”.
Trước giờ tạm biệt bùi ngùi này, Môn đồ Pháp quyến chúng con đầu thành đảnh lễ xin Ni Sư đừng quên đại nguyện, sớm hội nhập Ta-bà để hoằng dương Chánh Pháp, cứu độ chúng sinh.
Nam Mô Thuận Tịch Từ Lâm Tế Tông Tứ Thập Nhị Thế Trúc Lâm Pháp Phái Húy Thượng Trừng Hạ Hảo Hiệu Diệu Không Ân Sư Giác Linh thùy từ chứng giám.

NGUỒN GỐC TÀI LIỆU:
Quảng Mẫn chỉnh lý nội dung từ
“Kỷ Yếu Tang Lễ Thích Nữ Diệu Không”

---o0o---

Tỳ Kheo Ni Diệu Tâm Với Bản Kinh “Kim Cang” Thêu Trên Lụa

I.Tỳ Kheo Ni Diệu Tâm
Tỳ kheo ni Diệu Tâm tên tục là Nguyễn Thị Nhu, con của Đạt Vũ hầu Nguyễn Gia Ngô và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Tuân, tức là em gái của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều và là cháu ngoại của chúa Trịnh Cương.
Chúng ta chưa rõ năm sinh của bà, nhưng qua việc anh cả của bà là Nguyễn Gia Thiều sinh năm 1741, cha của bà là Nguyễn Gia Ngô chết năm 1757, như vậy bà sinh trong khoảng 1741 - 1757, ngoài ra bà là con gái thứ 12 trong số 20 con gái, vì vậy bà sinh vào khoảng 1745 - 1750.
Tỳ kheo ni Diệu Tâm sinh tại làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, đạo Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay).
Năm 20 tuổi, bà Nguyễn Thị Nhu đi tu, gia đình không biết đi đâu? Gia phổ họ Nguyễn Gia có ghi “Đến năm 20 tuổi thì đi tu, sau đó không biết đi đâu” (Nhị thập tuế đầu thiền, hậu bất tri sở vâng).
Bà đến tu ở chùa Phổ Quang, núi Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Sơn Tây), quy y với Sư bà Diệu Di, sau đó thọ Đại giới và sau cùng, Tỳ kheo ni Diệu Tâm lên trụ trì chùa Sài Sơn.
Tỳ kheo ni Diệu Tâm vốn là dòng họ quý tộc, lớn lên trong cảnh hỗn loạn nhiễu nhương của xã hội Đàng Ngoài, sự tranh giành quyền hành đẫm máu với những âm mưu thủ đoạn thâm độc giữa vua Lê, chúa Trịnh và tàn nhẫn hơn nữa là sự tranh đoạt ngôi vị chúa ở trong nội bộ phủ chúa Trịnh. Những cảnh bất công tàn ác, những nỗi khổ của dân nghèo, của các thiếu nữ đẹp bị tuyển vào cung vua Lê, phủ chúa Trịnh... Những nỗi đau khổ của cuộc đời, sự biến đổi vô thơờng của quyền tước, danh lợi, sự thâm độc tàn ác của con người, cảnh tàn sát chém giết lẫn nhau của con người... làm cho bà Nguyễn Thị Nhu vốn đã được giáo dục từ nhỏ trong gia đình quý tộc, thấy rõ và thâm hiểu giáo lý của đạo Phật; vì vậy bà đã tự quyết định xuất gia, tu hành để thoát khỏi biển khổ của cuộc đời.
Mấy chục năm ẩn dật tu hành ở chùa Phổ Quang, sau được đưa về trụ trì chùa Sài Sơn của Tỳ kheo ni Diệu Tâm, hiện chúng ta không có tài liệu nên không được biết rõ.
Năm 1786, xảy ra cuộc thay đổi chấn động ở Đàng Ngoài, chế độ thống trị của vua Lê-chúa Trịnh được xây dựng và củng cố hơn 200 năm ở Đàng Ngoài đã bị nhà Tây Sơn, thuộc giới dân quê nghèo, lật đổ nhanh chóng qua cuộc tấn công vũ bão của Bắc Bình Vương Nguyễn Văn Huệ. Hoàng gia nhà Lê, Hoàng tộc chúa Trịnh, các đại thần của triều đình vua Lê-chúa Trịnh... bị sụp đổ nhanh chóng sau trận chiến chớp nhoáng của nhà Tây Sơn.
Sau những cái chết đau đớn của Đoan Nam vương Trịnh Khải và cái chết vì bệnh già của vua Lê Hiển Tông, đúng như trong câu thơ trong Cung oán ngâm khúc của anh cả của bà:
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Kế đến là cuộc chém giết nhau để tranh giành quyền hành của vua Lê Chiêu Thống và Án Đô vương Trịnh Bồng, cuộc thanh toán đẫm máu của kẻ tham danh đoạt lợi đưa đến cái chết của Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, Tiết chế Võ Văn Nhậm... đúng như các câu thơ:
Mồi phú quí như làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh
Hay:
Giấc Nam kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy,thấy mình tay không.
Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
Sau cùng là cuộc xâm lăng của nhà Thanh và chiến thắng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung, trả giá bằng cái chết của hàng chục ngàn binh lính, bao nhiêu cung điện nhà cửa, tài sản dân chúng bị thiêu hủy...
Với những biến cố kinh thiên động địa xảy ra dồn dập ở Bắc Hà vào những năm 1786 - 1789, làm cho Ni sư Diệu Tâm quyết chí xả thân cho Phật pháp. Bà muốn lưu lại cho thế gian một pháp bảo trước khi về cõi Tây phương, nên bà gia công thêu bản “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” gồm 7.000 chữ, thêu một chữ trong bản kinh, bà niệm chú 10 biến Tâm Kinh Bát Nhã; việc làm Phật sự đó Thực hiện nhiều năm mới hoàn tất.
Bản kinh Kim Cang được thêu xong vào ngày mùng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (16/12/1800), sau đó Ni sư Diệu Tâm hỏa thiêu xác thân cúng dường chư Phật.

II.Bản Kinh “Kim Cang” Thêu Trên Lụa Của Tỳ Kheo Ni Diệu Tâm

Tỳ kheo ni Diệu Tâm thêu xong bản kinh Kim Cang tại chùa Sài Sơn (Sơn Tây) vào cuối năm 1800. Nhưng sau đó không biết bản kinh lụa đó được lưu giữ và lưu lạc như thế nào mà mãi đến năm 1935, bản kinh này được Sư bà Diệu Không (trụ trì chùa Hồng Ân ở Huế) tìm được tại Huế do một nhân duyên hết sức huyền bí.
1.Nhân duyên tìm lại được bản kinh:
Vào khoảng năm 1920 - 1935, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam được phát động và phát triển mạnh ở cả ba miền Nam - Trung - Bắc của nước Việt Nam, Hòa thượng Thập Tháp tức Quốc sư Phước Huệ ra Huế thuyết giảng đạo pháp trong Hoàng cung của các vua nhà Nguyễn (từ vua Thành Thái (1889 - 1907) đến vua Duy Tân (1907 - 1916), Khải Định (1916 - 1925) và Bảo Đại (1926 - 1945) và là Pháp sư chủ yếu của các Phật học đường Trúc Lâm, Phật học đường Tây Thiên, Phật học đường Báo Quốc và trường Sư nữ Diệu Đức ở Huế.
Lúc Hòa thượng Thập Tháp giảng kinh Kim Cang cho thái hậu, vào thời vua Thành Thái, nhân đó bà Hoàng Thái hậu đưa cho Hòa thượng xem 1 hộp trầm có chạm trổ hình đức Phật và các hoạt động Phật sự, trong đó có đựng một bản kinh thêu trên lụa. Đến năm 1935, Hòa thượng không thấy hộp kinh đó nữa.
Hòa thượng Thập Tháp kể cho đệ tử là bà Diệu Không và bảo bà vào dò hỏi trong cung Thái hậu vì bà Diệu Không thuộc trong dòng họ quý tộc ở kinh đô Huế. Bà Diệu Không vào yết kiến Thái hậu Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) và hỏi về cái hộp đựng kinh đó, nhưng bà Thái hậu nói là chưa hề thấy cái hộp nào giống như thế ở trong cung.
Sau khi dò hỏi mà không biết manh mối về hộp đựng kinh đó, Hòa thượng Thập Tháp bảo bà Diệu Không đảnh lễ và cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm. Bà Diệu Không vâng lời, mỗi ngày đảnh lễ trước điện Bồ Tát Quán Thế Âm và trì chú Đại Bi, tụng kinh Kim Cang. Sau 3 tháng chí tâm công phu và cầu nguyện, một hôm tự nhiên bà Diệu Không nảy ra ý kiến mới là: Muốn tìm di vật trong cung vua xưa thì phải tìm các bà cung nữ già, mà lúc đó các cung nữ già đều ở các lăng tẩm để lo cúng tế lễ bái. Vì vậy, sáng sớm hôm đó, bà Diệu Không đi thuyền để vào các khu lăng tẩm ở Huế để tìm hỏi các bà cung nữ già.Thật bất ngờ,ngay trên chuyến đò để đi vào khu lăng tẩm, bà Diệu Không tình cờ gặp được một cung nữ già và bà này cho biết là khi xưa hầu trong cung có thấy chiếc hộp như diễn tả, nhưng không biết trong đó đựng vật gì vì không được phép mở ra xem, chỉ biết cái hộp đó được Thờ trên bàn Phật, mỗi năm chỉ thỉnh xuống hai lần để lau chùi cho sạch nhân dịp Tết Nguyên đán và lễ Phật Đản. Nhưng bà cung nữ nói là sau thời gian ở cung đó, bà đã được đổi sang hầu ở nơi khác nên không biết hộp đó còn hay không. Bà Diệu Không hỏi tiếp: “Sau khi bà đổi đi thì ai vào thay thế nhiệm vụ bà ở đó?”. Bà cho biết là có một viên đội đến thế. Bà Diệu Không hỏi bà có biết nhà viên đội đó không. Bà nói là biết, nên bà Diệu Không đưa cho bà cung nữ già một số tiền và nhờ bà đi đến quê nhà của viên đội đó để hỏi giùm về cái hộp đó.
Sau đó, bà Diệu Không về tiếp tục đảnh lễ và cầu nguyện Bồ tát Quán Thế Âm. Một thời gian sau, vào một buổi sáng, có một người đàn bà đem cái hộp bọc trong cái khăn lông to đưa cho bà Diệu Không, hỏi có phải đúng như cái hộp bà đang tìm không? Bà Diệu Không nhìn thấy hộp đúng như lời miêu tả của Hòa thượng Thập Tháp nên rất mừng định mở hộp ra để xem nhưng không mở được vì hộp có khóa, lúc lắc thì nghe có vật đựng trong đó, mà không biết là vật gì.
Bà Diệu Không đem hộp trầm đó đến trình với Hòa thượng Thập Tháp, Hòa thượng dùng một cây kim vặn nhẹ vào lỗ khóa thì nắp hộp mở bật ra. Sở dĩ Hòa thượng mở khóa một cách nhẹ nhàng và dễ dàng như thế là nhờ khi trước, bà Thái hậu mở, Hòa thượng thấy cách mở hộp trầm đó.
Sau khi mở ra, thấy trong hộp có một tấm lụa cuốn tròn lại, một dao nhỏ mỏng bằng ngà, một cái quạt nhỏ.
2.Bản kinh “Kim Cang” thêu trên lụa:
Hộp đựng bản kinh thêu:
Hộp làm bằng gỗ trầm hương, dài 29cm, rộng 10cm, cao 7,7cm. Nắp hộp gắn với hộp bằng hai bản lề nhỏ, phía đối diện hai bản lề là ổ khóa nhỏ (nhưng không có chìa), ổ khóa và bản lề đều làm bằng đồng.
Hộp không có sơn thếp mà chỉ để nguyên màu gỗ tự nhiên, nhưng chạm trổ những hình nhỏ rất tinh xảo, chạm trổ ở khắp các mặt ngoài của hộp, trừ mặt đáy.
Mỗi mặt đều có hình ảnh nhà cửa, cây cối và người. Trên nắp hộp, xung quanh có đường viền hoa văn, ở giữa là hình một cái gác cây hai từng, giống như các gác trống hay gác cổng đình chùa ở miền Bắc. Gác này như một nhà thủy tạ trên bờ hồ, xung quanh căn gác là cây cảnh và người.
Hình người diễn tả sinh hoạt của Phật giáo, có hình của các vị sư và Phật tử đi viếng chùa, hành hương. Trong đó có hình một vị sư đang đọc sách, nơi khác là hình các vị sư đang ngồi đàm đạo. Bên cạnh đó là hình các Phật tử đang đi đến chùa có mang lễ vật nâng trên hai tay cung kính như dâng lên lễ Phật. Cây cối khắc trên hộp là cây hoa sứ và cây liễu.
Trên một chiếc hộp nhỏ mà chạm trổ dày đặc với nhiều hình người, gác cây, cây cối như thế nên rất công phu, chạm khắc rất tỉ mỉ tinh vi, nhưng không được thanh thoát nhẹ nhàng.
Bản kinh thêu:
Bản kinh thêu dài 4,47m, rộng 0,243m, bản kinh được ghép làm hai lớp:
- Lớp trên là lụa màu vàng, trên có thêu hình và chữ của toàn bản kinh, khung được thêu theo văn hình chữ T nằm ngược nhau và nối tiếp nhau.
- Lớp dưới là lớp nhiễu điều, dệt hoa lá và bướm, không có thêu gì cả, chỉ dùng để lót cho bề mặt của bản kinh mà thôi.
Các tấm lụa và nhiễu này được nối với nhau rất khéo, nhìn kỹ mới thấy mối nối.
Bề mặt bản kinh là tấm lụa vàng, trên có thêu, từ trên xuống gồm có:
1/- Ở trên hết là hình đức Phật Thích Ca ngồi thiền định trên tòa sen. Hình đức Phật được thêu trên nền một cánh hoa sen lớn màu hồng nhạt và màu bạc. Nằm lót dưới hoa sen đó là lá bồ đề màu xanh lá cây.
Trong lòng cánh hoa sen có thêu 2 dòng chữ:
Vương nghiệp cầu vô cương
Pháp luân thường chú chuyển
(Cầu cho vương nghiệp lâu dài mãi mãi,
Phật pháp được luân chuyển lưu truyền không dứt).
2/- Kế đến là bài tựa thứ nhất gồm 248 chữ, mở đầu là câu: “Thái thượng Hoàng đế ngự chế Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh (Thái thượng Hoàng đế viết về kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa). Nội dung chính của bài này là ca ngợi sự uyên thâm của giáo lý đạo Phật trong kinh Kim Cương, trong đó nhắc đến câu nổi tiếng nhất của kinh này là “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, có nghĩa là “Rèn sinh cái tâm không vướng mắc, không dựa vào đâu cả, tức tâm không, tâm như như”. Nhờ câu kinh này, nhiều vị thiền giả xưa đã giác ngộ được, từ Lục Tổ Huệ Năng đến vua Trần Thái Tông...
Cuối bài tựa này có viết: “Trẫm từ khi lên ngôi, bao giờ cũng dùng đạo để cai trị thiên hạ. Ngày nay, tuổi đã lớn, được sống nhàn hạ, muốn nuôi dưỡng chân lý của trời, mong được phước đức yên ổn, làm được việc thiện là lấy làm vui, để hết tinh thần vào các đoạn huyền diệu và tìm hiểu lý lẽ sâu kín của chân kinh, rồi bảo các nhà sư in thành sách cho đẹp để truyền bá sâu rộng trong thiên hạ hầu mong mọi người đều hiểu rõ được ý nghĩa huyền diệu thâm sâu của kinh này”.
Kính cẩn ghi vào ngày tốt, tháng 6 năm Kỷ Mùi, năm Cảnh Thịnh thứ 7 (tháng 7 năm 1799).
3/- Bài tựa thứ hai ghi là: “Ngự chế Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật kinh tựa” (Vua viết bài tựa kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật). Bài tựa này gồm 905 chữ, mở đầu như sau: Trẫm nghĩ rằng đạo Phật thâm sâu huyền diệu, cảm thông được một cách thần diệu, lấy tâm từ bi để đem lại điều lợi đến cho mọi vật, dùng trí tuệ để giác ngộ cho mọi người, vượt hẳn lên trên vạn hữu để được tự tại (vô ngại) trải qua nhiều kiếp mà không bai giờ bị hủy hoại, có trước trời đất mà không biết khởi thủy từ lúc nào, tồn tại mãi mãi về sau trời đất mà cũng chẳng biết bao giờ kết thúc. Trong giáo lý đạo Phật, kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là có giá trị cao sâu hơn hết.
Đức Như Lai đã dùng sự giác ngộ siêu việt và tâm từ bi rộng lớn thơơng xót cho sự si mê, trầm luân của người đời mà nghĩ đến sự vô minh tăm tối của chúng sinh, nên thuyết giảng kinh này để cho mọi người thấy rõ được phương cách để cởi bỏ những ràng buộc của cuộc đời, rửa sạch được bụi đời, giải thoát được cõi trần thế, ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, lên cõi Niết bàn, chuyển si mê thành trí tuệ, bỏ tăm tối thành ra sáng suốt, đó là công đức to lớn của kinh này”.
Đoạn kế tiếp khuyên mọi người nên tụng niệm tu học theo kinh này để đạt đến giác ngộ.
Đoạn cuối của Bài Tựa kể về xuất xứ về sự biên tập, phiên dịch quyển kinh và tác giả dịch kinh từ chữ Phạn ra chữ Nho, sự lưu truyền quảng bá sâu rộng của kinh và hiệu năng của việc tu luyện theo kinh.
Bài tựa kết thúc bằng câu chuyện cổ tích: Gia đình ông Thi Đà La nguyên làm nghề giết dê để bán, nhưng sau đó nhờ hiểu được Phật pháp, không giết dê nữa và làm nhiều việc Phật sự nên con cái được hưởng nhiều quả tốt lành.
Bài tựa này lấy danh nghĩa là vua Cảnh Thịnh viết, nhưng có lẽ là Thiền sư Hải Lượng tức Ngô Thời Nhiệm viết?
Sau Bài Tựa thứ hai này là bài tán dài 308 chữ và một bài kệ dài 40 chữ.
4/- Kế đến là nguyên văn kinh “Kim Cương Bá Nhã Ba La Mật” gồm 32 phần, dài gần 5.000 chữ.
5/- Hình Hộ Pháp đứng hai tay nâng thanh kiếm nằm ngang, thêu 5 màu. Hình cao 9cm, rộng 5cm, thêu ngay trên lụa.
6/- Bài bạt hậu:
Cuối bản văn thêu là bài bạt hậu mang tựa đề là “Bài bạt sau cùng nói về việc thêu chữ bản kinh Kim Cương (Kim Cương kinh trang kim tự bạt hậu)” như sau:
“Ngày xưa, đức Thế Tôn xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo năm 30 tuổi. Người dì thành tâm dệt một tấm gấm đẹp đem cúng dường đức Phật. Đức Phật xót thương tấm lòng thiết tha cúng dường mong muốn hưởng được phước đức về sau nên nhận lấy mà xem, rồi đem phân phát cho nhiều người, khiến về sau người dì hưởng được nghiệp quả tốt lành.
Kinh Kim Cương gồm 32 phần, xưa nay được biên chép để lưu hành phổ biến. Đến nay, một Phật tử xuất gia là Diệu Tâm với tâm mộ đạo thành kính, xin phát nguyện đứng ra khuyến khích những người có tâm đạo cúng tiền mua gấm quí và chỉ đẹp để thêu và xem đây là một việc làm rất quan trọng.
Trong kinh có nói rằng: “Trang nghiêm Phật độ là chẳng phải trang nghiêm, mà gọi là trang nghiêm”, nghĩa lý rất huyền diệu, công đức thật lớn lao.
Ngài Tổ sư khi ca ngợi vị minh quân trong một bài kệ có nói rằng: “Một giọt mồ hôi của nhà vua cũng làm cho đời mát mẻ”. Môn đồ của đạo Phật nhiều vô cùng, đều được soi sáng, công đức ấy thật khó mà đền đáp được và không thể nào quên được.
Tôi nay quê quán tại làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, đạo Kinh Bắc, nước An Nam, xuất gia tu hành, trụ trì chùa Sài Sơn, pháp hiệu là Diệu Tâm, cung kính nhờ Thiền sư Hải Khâm ở chùa Bửu Quang tại Hội Ninh chứng minh cho lời bạt này và còn có sự chứng giám của tôn sư tôi là Sư nữ Diệu Di đang tu hành ở chùa Phổ Quang tại Sài Sơn.
Kính dâng lên cho cha đã mất là tướng công họ Nguyễn (Nguyễn Gia Ngô) tự là Di Lạc, và cho mẹ đã chết là Công chúa Quỳnh Liên, họ Trịnh Ngọc (Trịnh Ngọc Tuân), hiệu là Trung Từ, được tặng thụy hiệu là Trinh Thục.
Những người đã có công đóng góp và trợ duyên để Thực hiện bản văn thêu này gồm có:
- Một đồng đạo trong giới xuất gia là Diệu Bình cúng kim tuyến.
- Bà Nguyễn Thị Định hiệu là Thiện Trung, con gái của bà là Nguyễn Thị Hoàn hiệu Thiện Tài và con rể là Phan Huy Thực cúng 1 thước gấm.
Xin cầu nguyện cho tổ tiên của người chủ trì làm bản văn thêu này và tổ tiên của những người có lòng tốt hộ giúp những thứ trên được siêu thăng miền Tịnh độ, thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ để kiếp kiếp thấy được Phật và đời đời được nghe kinh”.
Ghi ngày mùng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ tám (Cảnh Thịnh bát niên, thập nhất nguyệt, sơ nhất nhật, ký) (tức ngày 16 tháng 12 năm 1800).
7/- Ở trên đầu và ở hàng chót của bản kinh thêu có đóng dấu ấn vuông màu đỏ, cạnh 29cm, trên có khắc hai chữ triện “Nội tệ” (Tệ: tặng vật bằng lụa).

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.