Additional Info
Thiền Sư Bàn Sơn Bảo Tích
Pháp tự đời thứ hai của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất
(盤 山寳 積, Panshan Baoji (C), Banzan Hōshaku, 720-814): Thiền sư Bàn Sơn Bảo Tích, sống vào giữa thời nhà Đường, người kế thừa dòng pháp của Mã Tổ Đạo Nhất (馬 祖 道 一). Sư đã từng sống ở Bàn Sơn (盤 山), U Châu (幽 州, Tỉnh Hà Bắc, cạnh biên giới Bắc Triều Tiên) tuyên dương tông phong, vì thế đời gọi là Bàn Sơn Bảo Tích.
Tắc 37 trong Bích nham lục có nói đến Sư.
*
Tăng hỏi:
- Thế nào là đạo ?
Sư đáp:
- Ra.
Tăng nói:
- Kẻ học này chưa lãnh hội được.
Sư nói:
- Đi.
*
Sư thượng đường thị chúng rằng:
- Tâm mà không có chuyện gì thì vạn tượng không sanh ra. Ý dứt tuyệt huyền cơ, sáu trần làm sao mà lập dược. Đạo vốn không thể, nhân đạo mà lập nên. Đạo vốn không tên, nhân tên mà có hiệu. Nếu nói “Tâm ấy là Phật”, thời nay chưa ai nhập huyền vi. Nếu nói “không tâm, không Phật”, đó là cực tắc chỉ dấu tích. Con đường hướng thượng, ngàn Thánh không truyền. Kẻ học nhọc hình, như vượn chộp ảnh. Này, đại đạo không trong, lại há trước sau. Khoảng trống không chẳng ngằn mé, làm sao đo lường. Không đã như thế, đạo làm sao nói bàn. Này, tâm như mặt trăng cô lẽ, vậy mà ánh sáng nuốt cả vạn tượng. Ánh sáng không chiếu cảnh mà cảnh cũng không tồn tại. Ánh sáng và cảnh đều tan mất, thì còn là vật gì. Bậc Thiền đức ví như huơ kiếm chém hư không, chẳng cần bàn tới hay không tới, chỉ là vòng hư không chẳng có dấu tích. Dao kiếm không sứt mẻ, nếu như đạt được tâm tâm vô tri, thì toàn tâm tức Phật. Toàn Phật tức người. Phật và người không khác thì mới gọi là đạo. Bậc Thiền đức học đạo, như đất chở núi, không hề biết núi cao vót, như đá ngậm ngọc, không hề biết ngọc chẳng có tì vết. Có được như vậy thì mới gọi là xuất gia. Cho nên bậc tôn đức mới nói: “Pháp vốn chẳng tương ngại, tam tế cũng như thế”. Người vô vi vô sự, như chiếc khóa vàng. Cho nên linh nguyên độc diệu, đạo tuyệt vô sanh. Đại trí chẳng sáng, chân không chẳng có dấu tích. Chân như phàm Thánh, đều là lời lẽ mộng ảo. Phật cùng Niết-bàn đều là lời nói thêm thừa. Cho nên bậc Thiền đức phải nên tự xem xét, không ai thế mình được. Ba giới không có pháp thì làm sao mà cầu tâm. Bốn đại vốn không, Phật nương đâu mà trụ. Long lanh như ngọc Tuyền Ki bất động. Rỗng lặng không lời. Cận diện tương trình, chẳng có chuyện gì khác. Tạm biệt!
*
Sư sắp qua đời nói với đồ chúng rằng:
- Có ai vẽ được chân dung ta chăng ?
Mọi người đều cố vẻ chân dung trình sư, sư đều đánh cả. Có đệ tử là Phổ Hóa bước ra nói:
- Con đây vẽ được.
Sư nói:
- Sao không trình cho lão tăng coi.
Phổ Hóa bèn trồng chuối mà đi ra.
Sư nói:
- Cái gã này về sau sẽ điên điên, khùng khùng tiếp dẫn người vậy.
Khi sư qua đời, sắc thụy Ngưng Tịch Đại Sư (凝 寂大師), tháp tên Chân Tế.
---o0o---
Công Án
1) Bàn Sơn Tam Giới Vô Pháp: Thí dụ thứ 37 của Bích Nham Lục.
Một hôm sư dạy chúng: "Tam giới không pháp, chỗ nào tìm tâm?. Tứ đại vốn không, Phật nương ở đâu?
2) Bàn Sơn Tinh Để Nhục: Công án Bàn Sơn thấy bán thịt mà tỉnh ngộ
Câu chuyện thể nghiệm đại giác lần đầu tiên của Bàn Sơn đáng được xem xét trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển III. Tương truyền rằng, Sư kiến tánh ở giữa chợ, trong lúc theo dõi câu chuyện giữa ông bán thịt và một người khách. Người khách yêu cầu:
- Cắt cho tôi một miếng thịt ngon
Ông bán thịt để dao xuống, khoanh tay đáp:
- Miếng nào lại không ngon!
Sư nghe được có chút tỉnh. Nhân sau, lúc chứng cảnh xung quanh một đám ma, nghe người hát câu (T. Phước Hảo & T. Thông Phương dịch):
Vầng hồng quyết định về Tây lặn
Chưa biết hồn linh đến chỗ nào?
Dưới tấm màn hiếu tử khóc hu hu!
Tâm Sư bừng sáng. Về thuật lại Mã Tổ, Tổ liền Ấn khả.
|