Additional Info
Thiền Sư Hoài Huy
Pháp tự đời thứ hai của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất
懷 暉 (756-815). Thiền sư Hoài Huy, Còn gọi: Hoài Uẩn. Thiền tăng đời Đường, chùa Chương Kính, phủ Kinh Triệu, là người Đồng An Tuyền Châu (bây giờ là vùng Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến), họ Tạ, thọ được tâm ấn của Đại Tịch. Tên sư xuất hiện trong thí dụ thứ 31 của Bích Nham Lục
Ban đầu, sư trụ Bách Nham Định Châu, kế đó dừng chân ở núi Trung Điều. Năm đầu đời Đường Nguyên Hòa (806-820, Đường Hiến Tông), vua Hiến Tông ban chiếu mời Sư ở chùa Thượng (chùa Thượng Hoa Nghiêm). Học giả về huyền học đổ xô đến.
Sư thượng đường thị đồ chúng rằng:
- Chí lý quên lời, thời nhân không biết, gượng ép tập chuyện khác, cho đó là công năng mà không biết tự tánh vốn không trần cảnh, là pháp môn đại giải thoát vi diệu, sở hữu giám giác, không nhiễm không ngại, sáng rỡ như thế, chưa từng phế bỏ, từ bao đời kiếp đến nay, chẳng hề thay đổi, giống như mặt trời, gần xa gì đều chiếu sáng, tuy cùng lẫn lộn với các màu khác, nhưng chưa từng hòa hợp với màu nào, như cây đuốc linh diệu, chẳng cần phải đoàn luyện. Chỉ vì kẻ không hiểu, nắm bắt nơi vật tượng, giống như nặn mắt, vọng khởi hoa đốm trên không, tự làm mình lao nhọc, luống uổng kiếp số. Nếu hay soi lại chẳng người thứ hai, thi thố chẳng khuy tổn thật tướng.
*
Tăng hỏi:
- Tâm pháp đều quên, chỉ ý qui về đâu ?
Sư nói:
- Dĩnh nhânkhông ô nhiễm. Vác búa chi cho thêm mệt ?
Tăng nói:
- Thỉnh sư lời không phản lại.
Sư nói :
- Tức không có câu phản lại.
(Người sau nêu hỏi Động Sơn, Động Sơn nói: “Đạo thì rất dễ, hiếm gặp tác gia”).
*
- Hòa thượng Bách Trượng sai một ông tăng đến thăm chừng sư, đợi lúc vừa thượng đường bèn trải tọa cụ ra, lễ bái xong, ngước dậy giơ một chiếc giày của sư lên, dùng tay áo phủi sạch bụi, rồi lật úp lại để xuống đất. Sư nói:
- Lão tăng tội lỗi.
*
Có người hỏi:
- Tổ sư truyền pháp môn tâm địa, ấy là tâm chân như, tâm vọng tưởng, tâm không chân, không vọng, hay là tâm biệt lập ngoài tam thừa giáo ?
Sư đáp:
- Ông có thấy hư không trước mắt chăng ?
Đáp:
- Tin biết là tại trước mắt, do người tự không thấy đó thôi,
Sư nói:
- Ông chớ nhận ảnh tượng.
Hỏi:
- Còn Hòa thượng thì thế nào ?
Sư lấy tay quấu hư không ba cái.
Hỏi:
- Thế nào thì mới đúng ?
Sư nói;
- Ông sau này sẽ hiểu thôi.
*
Có ông tăng đến đi quanh sư ba vòng rồi chống gậy đứng sững. Sư nói:
- Đúng. Đúng !
(Trường Khánh thay nói: “Ở đâu là thân tâm, Phật pháp của Hòa thượng?”)
Ông tăng ấy đến Nam Tuyền cũng đi ba vòng quanh Hòa thượng rồi chống gậy đứng, Nam Tuyền nói:
- Không phải, không phải, đó là do sức gió lay chuyển, trước sau gì cũng thành hư hoại.
Tăng ấy hỏi:
- Chương Kính (sư) nói phải, sao Hòa thượng lại nói không phải ?
Nam Tuyền nói:
- Chương Kính là phải, chỉ ông là không phải.
(Trường Khánh thay nói :“Hòa thượng thì tâm hạnh nào?”. Vân Cư Tích nói :“Chương Kính chưa chắc nói phải, Nam Tuyền chưa chắc nói chẳng phải”. Lại nói :“Ông tăng đó lúc đầu chỉ cần cầm gậy đi ra là vừa vặn”).
*
Sư có ông tăng nhỏ đi hành cước trở về. Sư hỏi:
- Ông rời xa đây trong bao lâu rồi ?
Tăng đáp:
- Rời xa Hòa thượng cỡ tám năm rồi.
Sư hỏi:
- Biện được cái gì?
Tiểu tăng vẽ một vòng tròn dưới đất. Sư hỏi:
- Chỉ có thế hay có gì khác nữa ?
Tiểu tăng vẽ nét phá vòng tròn rồi sau đó lễ bái.
*
Tăng hỏi:
- Tứ đại và ngũ uẫn tổ thành thân người, cái nào là bản lai Phật tánh ?
Sư liền gọi tên tăng nhân đó. Tăng nhân ứng tiếng dạ. Sư lặng thinh giây lâu nói:
- Ngươi không có Phật tánh đấy phỏng ?
Ngày 22 tháng Chạp năm thứ mười ba, đời Đường Nguyên Hòa (818 - Đường Hiến Tông), sư thị tịch, xây tháp ở Bá Thủy, sắc thụy Đại Giác Thiền Sư, tháp tên Đại Bảo Tướng.
|