Additional Info
Thiền Sư Chương Nhẫn - Tuyên Tâm - Từ Nhân
彰 忍 宣 心 慈 仁 (1834 - 1897): Chùa Viên Quang

Bảo tháp Tổ Từ Nhân
Hòa thượng thế danh Lê La Mau (La Văn Mau) là bào đệ của Hòa thượng Chương Khước–Giác Tánh. Ngài sinh ngày 20 tháng 4 năm Giáp Ngọ (1834) tại làng Sung Tích, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Tuổi ấu thơ, Ngài cùng anh được Hòa thượng Bảo Ấn nhận làm con nuôi nên đổi tên thành Trịnh Quang Doãn.
Lớn lên Ngài theo nghiệp văn chương, sôi kinh nấu sử mong lập danh với đời nhưng nhận thấy thời cuộc nhiễu nhương nên Ngài chọn con đường xuất gia tu học, đem giáo lý Phật–đà để xoa dịu nỗi khổ của chúng sinh.
Ngài về chùa Thiên Ấn cầu pháp tu học với tổ Bảo Ấn, được Tổ ban pháp danh Chương Nhẫn, tự Tuyên Tâm, hiệu Từ Nhân, nối pháp đời thứ 38 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 5 pháp phái Chúc Thánh.
Sau một thời gian tu học tại Thiên Ấn, học hạnh kiêm ưu nên năm Ất Sửu (1865), Ngài được tổ Bảo Ấn cử về trú trì chùa Viên Quang thế cho thiền sư Chương Cao–Viên Thiệu–Tánh Không vừa viên tịch. Qua năm sau, Bính Dần (1866), Bổn sư viên tịch nên Ngài đảm nhiệm trú trì chùa Tây Thiên. Tài năng và đức độ của Ngài được dân chúng Bình Sơn cảm mến nên thỉnh kiêm trú trì chùa Sắc tứ Diệu Giác.
Ngài là một người có tài lỗi lạc hơn người. Khi kể về Ngài, Hòa thượng Khánh Anh đã viết như sau: “Sư Ông Từ Nhân, người bấy giờ đều kính là Thạc Nhân, bởi hình thể cũng khôi ngô hơn chúng! Ngoài đạo học của Tam Giáo ra, Sư Ông còn có mấy cái biệt tài là: làm Thầy cả, Thầy chúng, cả bên thiền thích và bên phù pháp, âm nhạc lễ nghi, nham độn đều có tài quán chúng cả! Nhứt là cái nghề viết liễn đối lại thiên tài hơn. Vì kẹp bút vào ngón cẳng mà viết, chứ chẳng cần cầm nơi tay như hạng người thường! Ðến lệ làng hát đình, hương chức cậy viết ba chữ “Thái Bình Ca” trong biển hoành; Sư Ông viết “Ðại Bình Ca”.
Trùm trưởng đem bức hoành về treo lên trên chỗ vua hát bộ ngồi; các ông hương chức thấy thế, cho mời Sư Ông đến, hỏi: “Chữ Thái sao Hòa thượng viết bỏ quên cái chấm?”. Sư Ông đáp: “Phải quên đâu, vì viết đến đó, bị ngòi bút khô mực đấy chứ!”. Chỉ có hương chủ hiểu ý, liền nói: “Thế là, bởi làng mượn viết, mà không có rượu cho Hòa thượng thấm bút đó, chứ gì nữa! Thôi đem dược tửu lại đây…”. Rồi Sư Ông bảo mài mực, lấy giẻ cuộn tròn, thấm mực, kẹp vào ngón cẳng, đứng dưới đất, hất chân đá lên, cục giẻ trúng ngay vào dưới hang chữ “Ðại” thành ra chữ “Thái”. Ai trông thế cũng đều khâm phục cả”.
Tương truyền thông thường Ngài hay viết sót nét, khi treo lên rồi, Ngài mới tùy nét chấm hay nét phẩy mà cuộn bông theo hình đó thấm mực, kẹp vào ngón chân đứng ở dưới búng lên, trăm lần như một, không khi nào sai sót. Cái tài của Ngài quả thật từ trước đến nay chúng ta chưa thấy ai trác tuyệt như vậy.
Với tài năng đức độ của Ngài, chùa Viên Quang được triều đình nhà Nguyễn ban biển ngạch Sắc tứ vào năm Giáp Tuất (1874), niên hiệu Tự Ðức thứ 26. Trong đời Ngài có khai một Ðại giới đàn tại chùa Viên Quang, Bình Sơn nhưng không rõ năm nào.
Ngài viên tịch vào giờ Dần ngày mồng 6 tháng 12 năm Ðinh Dậu (1897), hưởng thọ 63 tuổi. Bảo tháp Ngài được kiến lập tại Tổ đình Viên Quang.
|