TS Định Không

Personal Information

Danh Tánh
TS Định Không - Đời thứ 8 Dòng Tỳ Ni Ða Lưu Chi Việt Nam
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Định Không
(730 - 808)
(Đời thứ 8, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)

Sư họ Nguyễn quê ở làng Cổ Pháp, con nhà danh giá, lại thâm hiểu về thế số. Những hành động của Sư đều hợp pháp tắc, người trong làng quí kính gọi là Trưởng lão.
Lúc tuổi đã lớn, Sư đến pháp hội Long Tuyền Nam Dương nghe pháp, liền lãnh hội ý chỉ. Nhân đây Sư phát tâm xuất gia theo Phật.
Đời Đường khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (785-804), Sư lập ngôi chùa Quỳnh Lâm tại quê nhà. Khi đào đất đắp nền chùa gặp được một quả hương đề và mười cái khánh. Sư sai đem xuống nước rửa, một cái khánh lăn đến tận đáy ao mới dừng. Sư giải rằng:
- Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ. Chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp. Thổ là chính chỗ chúng ta ở, tức chỉ đất này.
Nhân đây, Sư đổi tên làng là Cổ Pháp (trước tên Diên Uẩn), lại làm bài tụng:
Đất dâng pháp khí
Một món thuần đồng.
Ấy điềm Phật pháp hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp.
(Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng.
Trị Phật pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp.)
Sư lại nói:
Pháp khí hiện ra mười cái chung đồng
Họ Lý làm vua ba phẩm thành công.
(Pháp khí xuất hiện thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương tam phẩm thành công.)
Lại nói:
Thập, khẩu, thủy, thổ, khứ
Danh hiệu làng Cổ Pháp.
Gà ở sau loan nguyệt
Chính là Tam Bảo thạnh.
(Thập, khẩu, thủy, thổ, khứ
Cổ Pháp danh hương hiệu.
Kê cư loan nguyệt hậu
Chánh thị hưng Tam Bảo.)
Sau, Sư trụ trì tại chùa Thiền Chúng ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (nay là làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh).
Sắp tịch, Sư gọi đệ tử Thông Thiện đến bảo:
- Ta muốn mở rộng làng xã, nhưng giữa chừng e gặp họa nạn, ắt có người khác đến phá hoại đất đai của chúng ta (quả nhiên, sau có Cao Biền đời Đường đến trấn ở đây). Sau khi ta tịch, ngươi khéo gìn giữ pháp của ta. Khi nào gặp người họ Đinh sẽ truyền thì nguyện của ta được mãn vậy.
Nói xong, Sư cáo biệt mà tịch, thọ bảy mươi chín tuổi, nhằm đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa thứ ba (808) năm Bính Tý.
Thông Thiện xây tháp thờ Sư ở phía tây chùa Lục Tổ và ghi lời phó chúc rành rõ.

---o0o---

Chùa Quỳnh Lâm

Ngôi chùa nghìn năm tuổi – Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta |  Phật giáo Việt Nam

Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở khu rừng thông dưới chân núi Quỳnh Lâm xã Hạ Lôi, huyện Đông Triều, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Đông Triều, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 100km về hướng Đông.
Từ Hà Nội theo Quốc lộ 1 đến Bắc Ninh, từ Bắc Ninh theo Quốc lộ 18 (đi Hòn Gai-vịnh Hạ Long), qua thị trấn Phả Lại, đến thị xã Đông Triều, quẹo vào chùa Quỳnh Lâm.
Chùa Quỳnh Lâm do Thiền sư Định Không (730-808) thuộc phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế hệ thứ 8) thành lập.
Đến đời nhà Lý (1010-1225), Thiền sư Không Lộ (họ Dương) trùng tu và đúc tượng Phật A Di Đà rất lớn thờ tại chùa. Tượng Phật này là một trong tứ khí của Phật giáo đời nhà Lý.
Đến đời nhà Trần (1223-1400), ba vị Tổ phái thiền Trúc Lâm và các vua nhà Trần đã lo trùng tu và mở rộng lớn thêm chùa vì xã Hạ Lôi xưa là gần An Sinh, nơi linh tích của nhà Trần, họ Trần ở đây trước sau mới về xã Tức Mặc (Nam Định). Các Thượng Hoàng nhà Trần khi băng được an táng tại An Sinh này: Lăng Tư Phúc của Trần Thái Tông, lăng Đồng Thái của Trần Anh Tông, lăng Đồng Mục của Trần Minh Tông.
Vào đời nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm được mở rộng thành một trung tâm lớn của Phật giáo chỉ kém hơn chùa Báo Ân ở kinh thành Thăng Long mà thôi. Nhiều người trong Hoàng gia của nhà Trần đã cúng dường nhiều tiền của cho chùa Quỳnh Lâm. Riêng Vô Sơn Ông, tức Văn Huệ vương Trần Quang Triều (con Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, cháu nội Hưng Đạo vương) đã cúng cho chùa Quỳnh Lâm 900 lượng vàng để đúc tượng Phật và 300 mẫu ruộng tư vào năm 1322.
Các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông thường ngự giá đến chùa Quỳnh Lâm. Tổ Pháp Loa và Huyền Quang đều có trụ trì chùa Quỳnh Lâm.
Trong thời gian nhà Minh xâm lăng và đô hộ Đại Việt (1407-1427), quân Minh đã tịch thu các tài sản quí giá của nước ta lấy đem về nước hay phá hủy các di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt. Chùa Quỳnh Lâm cũng như nhiều chùa lớn, đền, miếu… trong nước đều bị giặc Minh vơ vét tàn phá các pháp tượng, pháp khí, kinh sách, bia đá… đều bị tịch thu hoặc phá hủy.
Vào thời Hậu Lê, các vua muốn tiêu diệt nhà Trần nên tìm cách triệt hạ phái thiền Trúc Lâm, trấn áp Phật giáo, hết lòng phổ khuyến Nho giáo. Đến đời vua Lê Tương Dực, năm 1515, có Trần Cảo là con cháu Hoàng gia nhà Trần nổi lên chống lại triều đình, lợi dụng địa thế hiểm trở và uy danh của chùa Quỳnh Lâm làm căn cứ địa chống lại nhà Lê. Trần Cảo tự xưng là Đế Thích giáng sinh, binh sĩ đông đến hàng vạn người, đầu đều cạo trọc, binh lực của Trần Cảo đã từng uy hiếp Đông Đô, chiếm vùng Lạng Sơn, Hải Dương suốt 5 năm.
Năm 1521, Trần Cảo lại bỏ đi tu, cuộc nổi loạn mới yên.
Đến thế kỷ thứ 17, thời nhà Lê trung hưng, các chúa Trịnh hộ trì phục hưng Phật giáo cho trùng tu các chùa xưa nổi tiếng. Chùa Quỳnh Lâm được trùng tu thành chùa nổi tiếng nhất thời đó.
Năm Kỷ Tỵ (1629), niên hiệu Đức Long, đời vua Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng (1623-1657) đã cho trùng tu lại chùa Quỳnh Lâm, công trình được ghi lại trong bia: “Trùng tu tái tạo Tiên Du Sơn, đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi”.
Năm Giáp Thìn (1664), chúa Trịnh Tạc (1657-1682) lại trùng tu chùa Quỳnh Lâm được ghi trong bia đá: “Tiên Du Sơn, đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi”. Bia này là cột trụ hình khối vuông, bốn mặt, mỗi mặt hình chữ nhựt, cao 1m2, rộng 0m8, đỉnh bia là một búp sen.
Năm Canh Tuất (1730), chúa Trịnh Giang (1729-1740) cho trùng tu chùa Quỳnh Lâm và chùa Sùng Nghiêm (chùa Láng). Chúa ra lệnh triệt hạ phủ Cổ Bi ở huyện Gia Lâm, ngoại thành Đông Đô, lấy vật liệu quý (gỗ, ngói, gạch) chở bằng thuyền đến tu sửa hai chùa này, chúa còn ra lệnh các quan ở ba huyện Đông Triều, Thủy Đường, Chí Linh bắt dân làm dân công cho công trình trùng tu, số dân phu được trưng dụng lên đến hàng vạn người. Năm 1736, chúa còn hạ lệnh cho các quan nộp đồng để đúc tượng Phật ở chùa Quỳnh Lâm.
Năm Canh Ngọ (1750), chúa Trịnh Doanh (1740-1767) lại trùng tu chùa Quỳnh Lâm thành danh lam đệ nhất của nước Việt, công trình được ghi trong bia đá rất lớn còn ở chùa: “An Nam cổ tích danh lam, đệ nhất Quỳnh Lâm Phật tự, thiên trụ quốc triều bi ký”, bia được viết ngày mồng 6 tháng 11 năm Canh Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng. Bia này cao đến 2m, rộng 1m5, dày 0m20, đầu bia hơi bầu có trang trí hình “lưỡng long tranh châu”.
Cảnh đẹp chùa Quỳnh Lâm được tả trong câu thơ:
Cảnh Quỳnh Lâm thông reo trúc hóa,
Cửa thiền già vượn hót véo von.
Đến thời Nguyễn, các vua chỉ lo xây dựng kinh đô và lăng tẩm ở Huế nên các chùa ở miền Bắc suy hoại dần.
Trong thời Pháp đô hộ ở Việt Nam, chùa Quỳnh Lâm bị đốt phá nhiều lần, chùa bị sụp đổ hết, chỉ còn nền chùa, một số tháp cổ, một số bia đá…
Năm1920, dân địa phương mới xây dựng lại chùa nhưng rất nhỏ, so với chùa xưa.
Qua các di tích và di vật còn lại, nền chùa, chân cột bằng đá, các bậc thềm, các tháp cổ, các tảng đá trang trí ở chùa …, chúng ta có thể biết được là chùa ngày xưa rất lộng lớn vì nền chùa rất rộng và cao, khuôn viên chùa cũng rất rộng.
Chùa xưa được xây dựng giữa khu đồi thông xanh tươi, cành u tịch của vùng rừng núi, nhưng với sự tàn phá của chiến tranh, con người, mưa bão và của thời gian… Những cây thông xanh, ngôi chùa nguy nga tráng lệ ngày xưa không còn nữa, khung cảnh chùa hiện nay chỉ còn là một chùa nhỏ giữa cánh đồng nắng chói chang trên nền chùa cũ hoang sơ, vài ngọn tháp có mỹ thuật bằng đá vẫn còn trơ gan cùng năm tháng.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.