Additional Info
Thiền Sư Sở Nam
Pháp tự đời thứ tư của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vận ở núi Huỳnh Nghiệt, Hồng Châu
Sư họ Trương, người Mân Trung, từ thuở còn trẻ con đã theo Hòa thượng Đàm Ái chùa Khai Nguyên xuất gia, nhưng đến trưởng thành mới xuống tóc, đến núi Ngũ Đài thọ giới cụ túc. Kế đến Triệu Quận học tướng luật bộ, tới Thượng Đô nghe giảng kinh Tịnh Danh. Tuy đã tinh nghiên pháp nghĩa, nhưng vẫn chưa liễu ngộ huyền cơ.
Thế là sư đến tham yết Thiền sư Phù Dung. Gặp mặt xong Phù Dung nói:
- Ta không phải thầy của ông, thầy của ông là Thiền sư Hoàng Bá ở Giang Tây.
Sư lễ bái cáo từ, đến tham yết Thiền sư Hoàng Bá. Hoàng Bá hỏi:
- Ông tại lúc hình tượng tam giới còn chưa xuất hiện thì thế nào?
Sư đáp:
- Thế hiện nay có xuất hiện sao?
Hoàng Bá nói:
- Có với không hãy tạm chẳng bàn đến, nhưng hiện nay đây thì thế nào?
Sư nói:
- Không có cái gọi là nay với xưa.
Hoàng Bá nói:
- Chánh pháp nhãn của ta đã ở nơi ông rồi.
Từ đó sư trở thành đệ tử ruột của Hoàng Bá, sớm hôm phục vụ lão sư, thỉnh giáo đạo pháp.
Sau gặp lúc Đường Vũ Tông phế Phật giáo, sư bèn trốn sâu trong hang núi. Kịp đến năm đầu niên hiệu Đại Trung, tướng quốc Bùi Hưu ra vỗ về dân chúng ở Uyển Lăng, thỉnh Hòa thượng Hoàng Bá ra khỏi núi, sư ra theo. Từ đây sư đến chùa Báo Ân ở Cô Tô, tinh tu Thiền định, hơn 20 năm, chân không đạp ngưỡng cửa. Sau đó được quận thú thỉnh trụ viện Bảo Lâm. Không lâu sau đó lại thỉnh trụ núi Chi Hình, sau đó nữa lại trụ viện Từ Vân núi Thiên Khoảnh thì làm rạng rỡ Huyền môn Huỳnh Nghiệt.
*
Một hôm, sư thượng đường nói:
- Này các vị, giả như giảng giải được tam thế Phật giáo như bình xối nước, cùng đắc trăm ngàn Tam-muội, cũng không bằng một niệm tu đạo vô lậu, chẳng bị nhân quả người trời ràng buộc.
Lúc đó, có tăng hỏi:
- Đạo vô lậu tu thế nào?
Sư nói:
- Thể thủ lúc chưa có xà-lê.
Tăng hỏi:
- Lúc không có mỗ đây, vậy ai thể thủ?
Sư nói:
- Thể cũng không có.
*
Hỏi:
- Thế nào là dễ?
Sư đáp:
- Mặc áo ăn cơm. Không phải đọc kinh, xem giáo lý. Không phải hành đạo lễ bái, đốt thân, thiêu trán. Đó há chẳng phải là dễ đó sao?
Hỏi:
- Những cái đó nếu đã là dễ thì cái gì là khó?
Sư nói:
- Có chút niệm sanh, liền đầy năm ấm ba giới. Luân hồi sanh tử đều từ ông một niệm mà sanh ra. Do đó mà Phật dạy chư Bồ-tát rằng:
‘Phật sở hộ niệm’.
Sư tuy ứng cơ diễn hóa không mệt mỏi, nhưng cũng thường ngồi im nhập định, hoặc cả tháng, hoặc một tuần (mười ngày).
Năm thứ ba niên hiệu Quan Khải, Tiền vương thỉnh sư xuống núi cúng dường. Chiêu Tông nghe đạo hóa của sư ban tứ cà-sa tím.
Tháng 5 năm thứ sáu niên hiệu Văn Đức, sư từ giã đại chúng im lặng qua đời, thọ 76 tuổi, tuổi lạp 56, tháp xây ở góc Tây của viện. Năm thứ hai niên hiệu Đại Thuận, nhằm tháng 2 năm Nhâm Tý, Tôn Nho ở Tuyên Châu đánh cướp Tiền Đường. Binh sĩ phá tháp thấy toàn thân sư không tan, tóc và móng tay đều dài ra, tạ tội sám hối rút đi.
Sư bình sanh trước tác ‘Bát Nhã kinh phẩm tụng kệ’ 1 quyển, và ‘Phá Tà luận’ 1 quyển truyền trong đời.
|