Additional Info
法 達 (668-740). Theo Kinh Pháp Bảo Đàn, chương bảy, Tăng tên là Pháp Đạt, họ Lý, người đời Đường, ở Phong Thành, Hồng Châu (Giang Tây), Trung Quốc. Năm 7 tuổi xuất gia, tụng kinh Pháp Hoa. Sau khi thụ giới cụ túc yết kiến Huệ Năng cầu pháp.
Lúc đến lễ Lục Tổ mà đầu không sát đất. Tổ mới quở rằng:
- Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ, trong tâm ông ắt có một vật, vậy ông chứa chất sự nghiệp gì?
Pháp Đạt thưa:
- Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.
Tổ bảo:
- Nếu ông tụng đến muôn bộ, được cái ý kinh mà chẳng cho là hơn, ắt cùng với ta sánh vai, nay ông mang sự nghiệp này, trọn không biết lỗi, nghe ta nói kệ:
Lễ bổn chiết mạn tràng,
Đầu hề bất chí địa?
Hữu ngã tội tức sanh,
Vong công phước vô tỉ.
Dịch:
Lễ cốt chặt cờ mạn,
Sao đầu không sát đất,
Có ngã tội liền sanh,
Quên công phước vô tỷ.
Tổ lại hỏi rằng:
- Ông tên gì?
Pháp Đạt thưa:
- Tên Pháp Đạt.
Tổ bảo:
- Ông tên Pháp Đạt mà đâu từng đạt pháp. Lại nói bài kệ:
Nhữ kim danh Pháp Đạt
Cần tụng vị hưu hiết
Không tụng đãn tuần thanh
Minh tâm hiệu Bồ tát
Nhữ kim hữu duyên cố
Ngô kim vị nhữ thuyết
Đãn tín Phật vô ngôn
Liên hoa tòng khẩu phát
Dịch:
Nay ông tên Pháp Đạt
Chuyên tụng chưa từng thôi
Tụng rỗng chỉ theo tiếng
Sáng tâm hiệu Bồ Tát
Nay ông vì có duyên
Nay tôi vì ông nói
Chỉ tin Phật không lời
Hoa sen từ miệng Phật.
Tăng Pháp Đạt nghe qua bài kệ liền hối hận, tạ lỗi thưa rằng:
- Từ nay về sau con sẽ khiêm cung đối với tất cả. Đệ tử tụng kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu được nghĩa kinh, tâm thường có nghi, Hòa Thượng là bậc trí tuệ rộng lớn, cúi mong lược nói nghĩa lý trong kinh.
Tổ bảo:
- Pháp Đạt, pháp tức rất thâm đạt mà tâm ông chẳng đạt, kinh vốn không nghi mà tâm ông khởi nghi. Ông tụng kinh nầy, lấy cái gì làm tông?.
Pháp Đạt thưa:
- Học nhơn căn tánh ám độn, từ trước đến nay chỉ y văn mà tụng niệm, đâu có biết tông thú.
Tổ bảo:
- Tôi không biết chữ, ông thử lấy kinh tụng một biến, tôi sẽ vì ông giải nói.
Pháp Đạt liền to tiếng tụng kinh, đến phẩm Thí Dụ, Tổ bảo:
- Dừng! Kinh nầy nguyên lai lấy nhơn duyên ra đời làm tông, dù nói nhiều thứ thí dụ cũng không vượt qua chỗ này. Sao là nhơn duyên? Kinh nói chư Phật Thế Tôn chỉ có một đại sự nhơn duyên mà xuất hiện ở đời, một đại sự đó là Tri Kiến Phật. Người đời do mê bên ngoài nên chấp tướng, mê bên trong nên chấp không.
Lục Tổ lại bảo:
- Nếu hay nơi tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không thì trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ được pháp nầy, một niệm tâm khai, ấy là khai Tri Kiến Phật. Phật tức là giác, phân làm bốn môn: Khai giác tri kiến, thị giác tri kiến, ngộ giác tri kiến, nhập giác tri kiến. Nếu nghe khai thị liền hay ngộ nhập tức là giác tri kiến, chơn chánh xưa nay mà được xuất hiện. Ông dè dặt chớ hiểu lầm ý kinh, nghe trong kinh nói khai thị ngộ nhập rồi tự cho là Tri Kiến của Phật, chúng ta thì vô phần. Nếu khởi cái hiểu nầy tức là chê bai kinh, hủy báng Phật vậy. Phật kia đã là Phật rồi, đã đầy đủ tri kiến, cần gì phải khai nữa. Nay ông phải tin Phật tri kiến đó chỉ là tự tâm của ông, lại không có Phật nào khác; vì tất cả chúng sanh tự che phủ cái quang minh, tham ái trần cảnh, ngoài thì duyên với ngoại cảnh, trong tâm thì lăng xăng, cam chịu lôi cuốn, liền nhọc Đức Thế Tôn kia từ trong tam muội mà dậy, dùng bao nhiêu phương tiện nói đến đắng miệng, khuyên bảo khiến các ông buông dứt chớ hướng ra ngoài tìm cầu thì cùng Phật không hai, nên nói khai Phật tri kiến. Tôi cũng khuyên tất cả các người nên thường khai tri kiến Phật ở trong tâm của mình. Người đời do tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng thì lành tâm thì ác, tham sân tật đố, siểm nịnh, ngã mạn, xâm phạm người hại vật, tự khai tri kiến chúng sanh. Nếu ngay chánh tâm, thường sanh trí huệ, quán chiếu tâm mình, dừng ác làm lành, ấy là tự khai tri kiến Phật. Ông phải mỗi niệm khai tri kiến Phật, chớ khai tri kiến chúng sanh. Khai tri kiến Phật tức là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu ông chỉ nhọc nhằn chấp việc tụng niệm làm công khóa thì nào khác con trâu ly mến cái đuôi của nó !.
Pháp Đạt thưa:
- Nếu vậy thì chỉ được hiểu nghĩa, chẳng cần tụng kinh chăng?
Tổ bảo:
- Kinh có lỗi gì? Đâu có chướng ngại ông tụng, chỉ vì mê ngộ là tại người, tổn giảm hay lợi ích là do mình, miệng tụng tâm hành tức là chuyển được kinh, còn miệng tụng mà tâm không hành tức là bị kinh chuyển”. Hãy nghe ta nói kệ đây:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
Tụng cửu bất minh kỷ
Dữ nghĩa tác thù gia.
Vô niệm niệm tức chánh
Hữu niệm niệm thành tà
Hữu vô câu bất kế
Trường ngự bạch ngưu xa.
Dịch:
Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
Tụng lâu không rõ nghĩa
Cùng nghĩa trở thành thù
Không niệm niệm là chánh
Có niệm niệm là tà
Có không đều chẳng chấp
Hằng ngồi xe Bạch Ngưu
Pháp Đạt nghe kệ rồi bất giác rơi lệ dầm dề, ngay lời nói liền đại ngộ và thưa với Tổ rằng:
- Pháp Đạt từ xưa đến nay thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, mà bị Pháp Hoa chuyển
Lại thưa rằng:
- Kinh nói ‘các vị Đại Thanh Văn cho đến Bồ Tát đều đem hết khả năng suy nghĩ cùng chung nghĩ lường cũng không thể nào đo được trí của Phật, ngày nay khiến kẻ phàm phu chỉ ngộ được tự tâm liền gọi là tri kiến Phật, tự chẳng phải là hàng thượng căn nên chưa khỏi nghi báng.’ Lại kinh nói ba xe ‘xe dê, xe nai, xe trâu cùng với xe trâu trắng khác nhau như thế nào? Cúi xin Hòa Thượng rũ lòng từ bi khai thị cho?
Tổ bảo:
- Ý kinh rõ ràng, ông tự mê trái. Các hạng người tam thừa không thể đo lường được trí tuệ Phật, đó là lỗi tại chỗ đo lường. Dù ông đem tất cả sự suy nghĩ mà suy xét lại càng thêm xa vời. Phật vốn vì phàm phu mà nói, chẳng phải vì Phật mà nói, lý nầy nếu chẳng tin chắc thì sẽ như những vị Thanh Văn trong hội Pháp Hoa thối tịch vậy, đâu chẳng biết đã ngồi trên bạch ngưu lại tìm ba xe ngoài cửa; huống là kinh văn rõ ràng nhằm ông mà nói, chỉ một Phật thừa, không có thừa nào khác; hoặc là hai, hoặc là ba cho đến vô số phương tiện, bao nhiêu nhơn duyên thí dụ, ngôn từ nói về pháp ấy đều vì một Phật thừa. Ông sao chẳng tỉnh, ba xe là giả, là việc thuở xưa, một xe là thật, là việc hiện nay, chỉ dạy ông dẹp giả trở về thật, sau khi trở về thật, thật cũng không tên; nên biết có những của báu trọn thuộc về ông, do ông thọ dụng, lại không khởi tưởng của cha, cũng không khởi tưởng của con, cũng không khởi tưởng dùng, ấy gọi là trì kinh Pháp Hoa, từ kiếp này đến kiếp khác, tay không rời quyển kinh, từ sáng đến tối không lúc nào chẳng tụng kinh.
Pháp Đạt nhờ chỉ dạy, vui mừng nhảy nhót, liền nói kệ tán thán:
Kinh tụng tam thiên bộ
Tào khê nhất cú vong
Vị minh xuất thế chỉ
Ninh hiết lụy sanh cuồng.
Dương lộc ngưu quyền thiết
Sơ trung hậu thiện dương
Tùy tri hỏa trạch nội
Nguyên thị pháp trung vương.
Kinh tụng ba ngàn bộ
Tào Khê một câu quên
Chưa rõ ý xuất thế
Đâu hết cuồng nhiều đời.
Dê, nai, trâu quyền lập
Trước, giữa, sau khéo bày
Ai biết trong nhà lửa
Nguyên là vị vua Pháp.
Tổ bảo rằng:
- Từ nay về sau ông mới đáng gọi là Tăng tụng kinh.
Pháp Đạt từ đây lãnh hội huyền chỉ, cũng không ngừng tụng kinh.
---o0o---

Tâm mê Pháp Hoa chuyển
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa
|