Additional Info
Thiền Sư Duy Khoan
Pháp tự đời thứ hai của Nam Nhạc Hoài Nhượng
Pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất
惟 寬 (755-817). Thiền sư Duy Khoan đời Đường, ở chùa Hưng Thiện Kinh Triệu, họ Chúc, là người Tín An, Cù Châu (nay thuộc tỉnh Chiết Giang) Trung Quốc. Năm 13 tuổi, thấy sát sanh là không nỡ ăn thịt, bèn cầu xuất gia. Ban đầu sư tập Tỳ-ni (luật, oai nghi), tu chỉ quán, sau đó tham yết Đại Tịch được tâm yếu. Năm thứ sáu đời Đường Trinh Nguyên (790) mới hành hóa ở miền Ngô Việt. Tám năm sau, đến vùng hồ Bà Dương, sơn thần cầu truyền thụ bát giới. Mười ba năm, dừng chân chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn.
Tăng hỏi:
- Thế nào là đạo ?
Sư nói:
- Núi đẹp quá.
Tăng nói:
- Kẻ học này hỏi đạo, sao sư lại nói núi đẹp ?
Sư nói:
- Ông chỉ biết núi đẹp thôi chứ có từng đạt đạo bao giờ.
*
Tăng hỏi:
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư đáp:
- Có đấy.
Tăng hỏi:
- Còn Hòa thượng có không ?
Sư đáp:
- Ta thì không.
Tăng nói:
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, sao riêng Hòa thượng lại không ?
Sư đáp:
- Ta không phải là tất cả chúng sanh.
Tăng hỏi:
- Nếu đã không phải chúng sanh thì là Phật chăng ?
Sư đáp:
- Không phải Phật.
Tăng hỏi:
- Vậy rốt lại là vật gì ?
Sư nói:
- Lại cũng không phải là vật.
Tăng hỏi:
- Có thể thấy, có thể nghĩ suy không ?
Sư đáp:
- Suy nghĩ không tới, bàn luận không được, cho nên mới nói không thể nghĩ bàn.
*
Năm Nguyên Hòa thứ tư (809), vua Hiển Tông xuống chiếu, triệu vào triều đình. Bạch Cư Dị từng đến gặp sư hỏi:
- Đã gọi là Thiền sư thì lấy gì thuyết pháp ?
Sư nói:
- Vô thượng Bồ-đề bị thân mà thành Luật. Nói nơi miệng là Pháp, hành ở tâm là Thiền, ứng dụng có ba mà nhất trí chỉ một, ví như sông hồ, sông Hoài, sông Hán, tại chỗ mà lập danh. Danh tuy không một nhưng tánh nước chẳng hai. Luật tức là pháp, pháp không rời Thiền, tại sao trong đó khởi vọng mà phân biệt.
Bạch lại hỏi:
- Nếu đã không phân biệt thì làm thế nào tu tâm ?
Sư đáp:
- Tâm vốn chẳng tổn thương thì tại sao lại cần phải tu sửa ?. Bất kể dơ hay sạch, nhất thiết không khởi niệm vậy.
Bạch lại hỏi:
- Dơ thì không nên nghĩ tới, sạch không nghĩ tới nên chăng ?
Sư nói:
- Như trong con ngươi của mắt, một vật cũng không thể trụ được. Mạt vàng tuy quí, nhưng lọt vô mắt là bệnh.
Bạch lại hỏi:
- Nếu chẳng tu, chẳng niệm thì có khác gì phàm phu đâu ?
Sư nói:
- Phàm phu vô minh, chấp trước nhị thừa. Rời hai bệnh ấy, gọi là chân tu. Chân tu chẳng cần mẫn mà cũng chẳng quên lười, cần mẫn thì gần chấp trước, còn quên lười thì rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu vậy.
*
Có tăng hỏi:
- Đạo ở tại đâu ?
Sư đáp:
- Chỉ có tại trước mắt.
Hỏi:
- Sao con không thấy ?
Sư đáp:
- Nhân vì ông có cái “Ngã”, cho nên không thấy.
Hỏi:
- Con vì có cái “Ngã” mà không thấy, còn Hòa thượng thì thấy không ?
Sư đáp:
- Có người, có ta, xoay chuyển không thấy.
Hỏi:
- Không ta, không người có thấy không ?
Sư đáp:
- Đã không ta, không người thì ai còn cần thấy làm chi ?
Ngày cuối tháng 2 năm Nguyên Hòa thứ mười hai (817), sư thăng đường thuyết pháp xong là tịch luôn, thọ 63 tuổi, thọ lạp 39, đem về táng ở Bá Lăng Tây Nguyên, sắc thụy Đại Triệt Thiền Sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chân.
|