Additional Info
(南 陽 慧 忠,nányáng huìzhōng; J: nanyo echū; 675 (?)-775 (772): người vùng Chư Kỵ (諸曁, thuộc Huyện Chư Ký, Phủ Thiệu Hưng, Tỉnh Triết Giang), Việt Châu (越州), họ là Nhiễm (冉). Còn được gọi là Huệ Trung Quốc sư, Trung Quốc sư; Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ xuất sắc nhất, đạt yếu chỉ của Lục tổ Huệ Năng. Sư là vị Thiền sư đầu tiên được ban danh hiệu Quốc sư.
Từ nhỏ, Sư đã có phong cách xuất trần, dáng vẻ đoan trang, da trắng như tuyết. Tương truyền Sư từ nhỏ đến năm 16 tuổi không hề bước qua chiếc cầu ở trước nhà. Một hôm, thấy một vị Thiền sư đi ngang qua, Sư bỗng chạy ra xin xuất gia học đạo. Vị này nhận ra tài năng của Sư liền chỉ đến Lục Tổ. Sư theo Lục Tổ Huệ Năng (慧能) học đạo, và sau kế thừa dòng pháp của vị nầy. Lục Tổ có lời tiên đoán rằng, Sư sẽ là “Một vị Phật đứng hiên ngang một mình giữa trời”.
Sau khi Huệ Năng qua đời, sư đi tham bái các tòng lâm, từng đi qua Ngũ Lãnh (五嶺), La Phù (羅浮, thuộc Tỉnh Quảng Đông), Tứ Minh (四明, Tỉnh Triết Giang), Thiên Mục (千目, Tỉnh Triết Giang), cuối cùng đi vào cốc Ðảng Tử trên núi Bạch Nhai, Nam Dương (南陽, Tỉnh Hà Nam), và lưu lại đó suốt trong vòng 40 năm trường không hề hạ sơn.
Đến năm thứ 2 (761) niên hiệu Thượng Nguyên (上元) nhà Đường, vua Đường Túc Tông (肅宗) nghe được thanh danh của sư, cho vị sắc sứ Trung Triều Tấn (中朝進) mang sắc chỉ đến triệu sư lên kinh đô. Huệ Trung đã hai lần thoái thoát, nhưng đến lần triệu thỉnh thứ ba thì Sư nhận lời. Nhà vua rất vui khi nghe tin Sư nhận lời đi đến kinh đô, nên khi xe rước Sư về đến hoàng thành thì đích thân nhà vua đã ra nắm trục mà kéo xe khoảng đường cuối, và lấy lễ tôn sư làm thầy (lúc này Sư khoảng 85 tuổi).
Ban đầu sư trú tại Tây Thiền Viện ở Thiên Phước Tự (千福寺), nhưng sau vua Đại Tông (代宗) ban chiếu chỉ cho sư chuyển đến Quang Trạch Tự (光宅寺). Cả hai vị vua đều rất trọng đãi sư, nhưng Huệ Trung lại quen sống cuộc đời đạm bạc, tự nhiên, thường giao du với Nam Nhạc Huệ Tư (南岳慧思). Theo lời thỉnh cầu, sư kiến tạo Thái Nhất Kiến Xương Tự (太一建昌寺) ở Võ Đương Sơn (武當山) thuộc Quân Châu (均州), rồi sáng lập ra Hương Nghiêm Kiến Thọ Tự (香嚴建壽寺) nơi hang động mà sư từng ẩn tu, mỗi nơi sư đều thỉnh về một bộ kinh tạng để tôn thờ. Cùng với Hành Tư (行思), Hoài Nhượng (懷讓), Thần Hội (神會), Huyền Giác (玄覺), và sư là 5 bậc tông tượng lớn của môn hạ Huệ Năng. Mặc dầu Thiền phong của sư có nét đặc trưng khác với bốn vị kia, nhưng sư đã tạo nên sắc thái mới cho giới tôn giáo đương thời. Cùng với Thần Hội mà cử dương Thiền phong của mình ở phương Bắc, sư đả kích nhóm Đạo Nhất (道一) xiển bá Thiền phong ở phương Nam. Thiền phong của sư lấy Thân Tâm Nhất Như (身心一如), Tức Tâm Tức Phật (卽心卽佛) làm yếu chỉ, và bắt đầu tuyên xướng tư tưởng Vô Tình Thuyết Pháp (無情說法). Thêm vào đó, sư còn phê phán việc các Thiền giả phương nam xem nhẹ kinh điển mà tùy ý thuyết pháp; trái lại sư nghiên cứu kinh luật luận một cách rộng rãi, chú trọng đến giáo học.
Trong thời gian khoảng 16 năm, Sư tùy cơ thuyết pháp, ứng biến cao siêu. Những lời Vấn đáp sau đây nêu rõ phong cách hoằng hóa uy nghiêm của Sư và những quan niệm trung tâm của Thiền tông nói chung.
Một vị tăng đến hỏi Sư:
- Thế nào là giải thoát?
Sư đáp:
- Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát.
Tăng hỏi tiếp:
- Thế nào đoạn được?
Sư bảo:
- Ðã nói với ngươi các pháp không đến nhau, có cái gì để đoạn!
*
Một vị khác hỏi:
- Làm thế nào thành Phật?
Sư đáp:
- Phật và chúng sinh đồng thời dẹp đi, ngay đó thành Phật!
Hỏi :
- Làm thế nào được tương ưng?
Sư:
- Không nghĩ thiện ác tự thấy Phật tính.
Hỏi:
- Làm sao chứng được Pháp thân?
Sư:
- Vượt qua cảnh giới Tì-lô. (tức cảnh giới Ðại Nhật Phật, tượng trưng cho Pháp thân, Ba thân).
Hỏi:
- Pháp thân thanh tịnh làm thế nào đạt được?
Sư:
- Không chấp Phật để cầu.
Hỏi:
- Thế nào là Phật?
Sư:
- Tâm tức là Phật.
Hỏi:
- Tâm có phiền não chăng?
Sư:
- Tính phiền não tự lìa.
Hỏi:
- Không cần phải đoạn trừ sao?
Sư:
- Ðoạn phiền não tức gọi Nhị thừa. Phiền não không sinh gọi Ðại Niết-bàn.
Hỏi:
- Ngồi thiền quán tịnh là làm gì?
Sư:
- Chẳng Cấu chẳng tịnh đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh.
-Hỏi:
- Thiền sư thấy mười phương hư không là Pháp thân chăng?
Sư:
- Thấy tâm tưởng nhận, đó là cách thấy điên đảo.
Hỏi:
- Tâm tức là Phật, có phải tu vạn hạnh chăng?
Sư:
- Chư thánh đều đủ trang nghiêm (phước huệ), đâu có bác không nhân quả.
Sư ngừng lại đây, bảo:
- Nay tôi trả lời các câu hỏi của sư cùng kiếp cũng không hết, nói nhiều cách đạo càng xa. Cho nên nói: Thuyết pháp có sở đắc, đó là dã can kêu, thuyết pháp không sở đắc, đó là sư tử hống.
*
Một hôm, sư gọi thị giả, vị thị giả ứng dạ. Quốc sư tiếp tục gọi thị giả ba lần, và thị giả đều trả lời trong cả ba lần. Quốc sư nói:
- Như vậy là ta cô phụ ngươi, hay ngươi cô phụ ta?
Quốc sư lại nói thêm:
- Tưởng đâu ta phụ ngươi, hóa ra ngươi phụ ta.
(Tăng hỏi Huyền Sa:
- Quốc sư gọi thị giả, ý đó thế nào?
Huyền Sa đáp:
- Chính là thị giả hội.
Ngài Vân Cư Tích nói:
- Hãy nói xem thị giả hội hay chẳng hội? Nếu nói hội thì sao Quốc sư nói: “Ngươi cô phụ ta”, nếu nói không hội thì sao Huyền Sa nói: “Chính thị giả hội”. Vả làm sao thương lượng?
Huyền Giác đem hỏi vị tăng:
- Đâu là chỗ thị giả hội?
Tăng đáp:
- Nếu không hội đâu biết dạ như thế.
Huyền Giác nói:
- Ông hội chút đấy!
Giác lại nói:
- Nếu trong đây thương lượng được thì thấy Huyền Sa.
Tăng hỏi Pháp Nhãn:
- Quốc sư gọi thị giả, ý thế nào?
Pháp Nhãn bảo:
- Hãy đi, khi khác đến.
Vân Cư Tích hỏi:
- Pháp Nhãn nói như thế, làm rõ ý Quốc sư hay không làm rõ ý Quốc sư?
Tăng hỏi Triệu Châu:
- Quốc sư gọi thị giả, ý thế nào?
Triệu Châu đáp:
- Như người viết chữ ở trong chỗ tối, tuy chữ không thành mà văn thái đã rõ ràng.)
*
Một hôm, có một vị Tăng giảng sư đến hỏi Nam Dương quốc sư:
- Tông của ngài truyền những gì?
Nam Dương hỏi vặn lại:
- Tông của ông truyền những gì?
Vị Tăng giảng sư nói:
- Truyền ba bộ kinh và năm bộ luận.
Nam Dương nói:
- Quả nhiên! Ông là sư tử con.
Vị Tăng giảng sư cung kính làm lễ, vừa sắp sửa bước ra thì Nam Dương gọi giật lại bảo: "Giảng sư!".
Vị Tăng giảng sư nói:
- Dạ, bẩm Hòa Thượng.
Nam Dương hỏi:
- Cái gì đó?
Vị Tăng giảng sư không có lời giải đáp
*
Một vị sư khác hỏi:
- Ngồi thiền quán tịnh làm gì?
Quốc Sư đáp:
- Chẳng cấu chẳng tịnh đâu cần khởi tâm quán tưởng tịnh.
*
Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện đến tham vấn Quốc Sư. Quốc Sư hỏi:
- Ông ở đâu đến?
Nam Tuyền thưa:
- Ở Giang Tây đến.
Quốc Sư hỏi:
- Ông có đem chân pháp của Mã Sư đến đây không vậy?
Nam Tuyền đáp:
- Dạ có đây.
Quốc Sư bèn nói:
- Nó ở sau lưng ông phải không?
Qua lời nói nầy Nam Tuyền chợt ngộ và lễ bái rồi lui ra.
(Trường Khánh Huệ Lăng nói: “Giống hệt như không biết nhau”. Bảo Phước triển khai: “Trong đó, (Nam Tuyền) hầu như không đến Hòa thượng”. Vân Cư Tích nói: “Hai vị tôn giả này hết sức đỡ đằng sau lưng, cũng như Nam Tuyền thôi vì phải đỡ trước mặt và đỡ sau lưng)
*
Ma Cốc Bảo Triệt đến tham vấn, đi nhiễu quanh sàng thiền ba vòng, rồi chống tích trượng đứng trước mặt Quốc Sư. Quốc Sư bảo:
- Đã như vậy thì cần gì tới bần đạo?
Ma Cốc lại nện tích trượng xuống đất. Quốc Sư nói:
- Hồ tinh! Đi ra ngay!
*
Thượng đường: Cây thân leo sống nương nhờ, leo thẳng lên ngọn cây tùng lạnh; mây trắng bàng bạc, ẩn hiện giữa hư không. Muôn pháp vốn nhàn mà người tự ồn.
Sư hỏi tăng:
- Gần đây rời chỗ nào?
Tăng đáp:
- Phương Nam.
Sư hỏi:
- Thiện tri thức ở phương Nam lấy pháp gì dạy người?
Thưa:
- Thiện tri thức ở phương Nam, chỉ nói sau khi gió lửa tan hoại như rắn lột da, như rồng đổi xương. Chân tánh đó của chúng ta, rõ ràng không hoại.
Sư bảo:
- Khổ thay! Khổ thay! Tri thức phương Nam nói pháp, nửa sanh nửa diệt.
Tăng thưa:
- Tri thức phương Nam thì như thế, chưa biết trong đây Hòa thượng nói pháp gì?
Sư bảo:
- Trong đây ta thân tâm nhất như, ngoài thân không khác.
Tăng thưa:
- Hòa thượng sao lại đem thân hư huyễn đồng với pháp thể?
Sư bảo:
- Vì sao ông đi vào con đường tà?
Tăng thưa:
- Chỗ nào là chỗ con đi vào con đường tà?
Sư bảo:
- Không nghe trong kinh nói, nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người này hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.
*
Tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư đáp:
- Hàng vạn Bồ tát ở trong điện Văn Thù.
Tăng nói:
- Học nhân chẳng hội.
Sư nói:
- Đại bi ngàn tay mắt.
*
Đam Nguyên hỏi:
- Trăm năm sau có người hỏi việc cực tắc, phải làm sao?
Sư đáp:
- Mong mạng sống mình đáng yêu, cần cái lá bùa hộ thân để làm gì?
*
Sư thấy vị tăng đến, dùng tay vẽ một tướng tròn, viết chữ “nhật” trong tướng đó.
Tăng không đáp được.
*
Sư hỏi thiền sư Bổn Tịnh:
- Ông về sau hiện ra lời nói kỳ đặc biết bao!
Tịnh đáp:
- Không có một niệm tâm ái.
Sư nói:
- Đó là việc trong nhà ông.
*
Quốc Sư thường dạy chúng: “Người học thiền tông nên theo lời Phật, lấy nhất thừa liễu nghĩa khế hợp với nguồn tâm của mình, kinh không liễu nghĩa chẳng nên phối hợp. Như bọn trùng trong thân sư tử, khi vì người làm thầy, nếu dính mắc danh lợi bèn bày điều dị đoan, thế là mình và người có lợi ích gì?. Như người thợ mộc giỏi, búa rìu không đứt tay họ. Sức con voi lớn chở, con lừa không thể kham được”.
Huệ Trung Nam Dương được nhắc tới trong thí dụ thứ 17 của Vô Môn Quan, cũng như trong các thí dụ 18, 69 và 99 của Bích Nham Lục.
Sư biết duyên sắp đoạn, từ giã vua trở về núi. Ngày mùng chín tháng chạp (775) niên hiệu Đại Lịch (大曆) thứ 10, Sư nằm nghiêng bên phải nhập Niết-bàn, theo chiếu chỉ nhà vua, sư được an táng tại Hương Nghiêm Tự (香嚴寺), xây tháp cạnh cốc Đảng Tử thờ sư. Do vì sư đã từng sống tại Nam Dương (南陽), nên người đời thường gọi sư là Nam Dương Huệ Trung (南陽慧忠). Vua Đại Tông ban cho sư thụy hiệu là Đại Chứng Quốc Sư (大証國師). Môn đệ của Sư có Thiền sư Ðam Nguyên Ứng Chân và các vị vua Ðường.
---o0o---
Công Án
1) Nam Dương: Đại Chứng Chỉ Thạch Sư Tử: Công án về Huệ Trung chỉ con sư tử đá
Theo Truyền Đăng Lục, quyển V, một hôm, vua Đường Túc Tông và Huệ Trung đang đi dạo trước cung điện, Huệ Trung chỉ con sư tử đá và thỉnh nhà vua cho một chuyển ngữ. Túc Tông bảo:
- Trẫm không nói được, vậy thỉnh Quốc Sư nói
Huệ Trung nói:
- Sơn Tăng đắc tội vậy
Về sau này Đam Nguyên Ứng Chân hỏi Huệ Trung:
- Vậy Hoàng đế Túc Tông có hiểu vấn đề hay không?
Huệ Trung nói:
- Việc ấy hãy gác lại, còn ông hiểu thế nào?.
2) Nam Dương: Đại Nhĩ Tâm
Thiền sư Huệ Trung là Quốc sư của vua Túc Tông nhà Đường, được hoàng đế cũng như các Thiền gia ở Trung Hoa thời đó rất kính trọng. Đạo hạnh của sư được dân chúng đồn đãi đến tai nhà vua. Năm Thượng Nguyên thứ hai đời Đường, vua Túc Tông sai sứ giả đến triệu thỉnh sư về kinh, và tại đây sư đã dạy Phật pháp cho ba triều vua Đường, nên được danh hiệu là Quốc Sư. Vào thời đó có một vị sư Ấn Độ đến từ Thiên Trúc tên là “Đại Nhĩ Tam Tạng,” tự nói có huệ nhãn và tha tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời sư đến ra mắt Quốc Sư. Đại Nhĩ Tam Tạng vừa thấy Quốc Sư liền lễ bái và đứng hầu bên phải. Sư hỏi:
- Ông được tha tâm thông chăng?
Đại Nhĩ Tam Tạng đáp:
- Chẳng dám.
Quốc Sư hỏi:
- Ông nói xem, hiện giờ lão Tăng đang ở chỗ nào?
Đại Nhĩ Tam Tạng nói:
- Hòa Thượng là thầy cả nước sao lại đến Giang Tây xem đua đò?
Một lúc sau, Quốc Sư lại hỏi:
- Ông nói xem, hiện giờ lão Tăng đang ở chỗ nào?
Đại Nhĩ Tam Tạng nói:
- Hòa Thượng là thầy cả nước sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?
Một lúc sau nữa, Quốc Sư lại hỏi:
- Ông nói xem, hiện giờ lão Tăng đang ở chỗ nào?
Đại Nhĩ Tam Tạng lặng thinh không biết đoán chỗ nào. Quốc Sư liền nạt:
- Hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào?
Đại Nhĩ Tam Tạng lặng câm không thể trả lời Quốc Sư.
(Tăng hỏi Ngưỡng Sơn:
- Lần thứ ba tại sao Đại Nhĩ Tam Tạng không thấy Quốc sư?
Ngưỡng Sơn đáp:
- Hai lần đầu tâm (Quốc sư) có quan hệ với cảnh, lần cuối (tâm Quốc sư) nhập tam muội tự thọ dụng cho nên (Tam Tạng) không thấy.
Lại có tăng nêu tiền ngữ hỏi Huyền Sa. Huyền Sa đáp:
- Ông nói xem, hai lần đầu (Tam Tạng) có thấy (Quốc sư) không?
Huyền Giác hỏi:
- Hai lần đầu (Tam Tạng) thấy như thế, sau đó tại sao không thấy?. Hãy nói xem, lợi hại ở chỗ nào?
Tăng hỏi Triệu Châu:
- Lần thứ ba Đại Nhĩ Tam Tạng không thấy Quốc sư, chưa biết Quốc sư ở đâu?
Triệu Châu đáp:
- Ở trên cái lỗ mũi của Tam Tạng.
Tăng hỏi Huyền Sa:
- Đã ở trên cái lỗ mũi, tại sao (Tam Tạng) không thấy?
Huyền Sa đáp:
- Chỉ vì quá gần.
Bạch Vân Thủ Đoan nói: Nếu Quốc sư ở trên lỗ mũi của Tam Tạng, thấy có khó gì. Đâu chẳng biết, Quốc sư ở trên tròng con mắt của Tam Tạng.
3) Nam Dương Nhược Vị
Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển V, và Huệ Trung Quốc Sư Ngữ Lục, tập 3, một hôm, có một vị Tăng hỏi:
- Vì sao Phật tánh của Hòa Thượng hoàn toàn không sanh diệt?. Vì sao Phật tánh ở phương Nam thì nửa sinh nửa diệt, nửa không sinh diệt?
Huệ Trung nói:
- Xanh xanh trúc biếc thảy đều là Chân như,
Rỡ rỡ hoa vàng đâu chẳng là Bát nhã.
Có người chẳng chấp nhận, cho là tà thuyết, có người lại tin, nói là chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng biết thế nào (nhược vị)?.
4) Nam Dương Tịnh Bình
Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển V, một hôm, có vị Tăng đến hỏi Thiền sư Nam Dương Huệ Trung:
- Thế nào là bổn thân Phật Tỳ Lô Giá Na?
Thiền sư Nam Dương bảo:
- Đem cái bình đồng kia đến cho ta.
Vị Tăng liền lấy tịnh bình đem lại. Thiền sư Nam Dương bảo:
- Đem để lại chỗ cũ
Vị Tăng đem bình để lại chỗ cũ xong, bèn hỏi lại câu trước. Thiền sư Nam Dương bảo: Phật xưa đã quá khứ lâu rồi.
Sư thường dạy chúng:
- Người học Thiền tông nên theo lời Phật, lấy Nhất thừa liễu nghĩa khế hợp với nguồn tâm của mình, kinh không liễu nghĩa chẳng nên phối hợp. Như bọn trùng trong thân sư tử, khi vì người làm thầy, nếu dính mắc danh lợi bèn bày điều dị đoan, thế là mình và người có lợi ích gì?. Như người thợ mộc giỏi, búa rìu không đứt tay họ. Sức con voi lớn chở, con lừa không thể kham.
*
Có người cư sĩ ở Nam Dương tên Trương Phần đến hỏi:
- Được nghe Hòa thượng nói “vô tình thuyết pháp”, con chưa hiểu được ý này, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ông nếu hỏi vô tình thuyết pháp, hiểu vô tình kia mới được nghe tôi thuyết pháp. Ông chỉ nghe lấy vô tình thuyết pháp đi!
- Chỉ nhằm hiện nay trong phương tiện của hữu tình, thế nào là nhân duyên của vô tình?
- Hiện nay trong tất cả động dụng, nhưng hai dòng phàm thánh trọn không có ít phần khởi diệt, là ra khỏi thức, không thuộc có không, rõ ràng thấy giác, chỉ nghe không có tình thức buộc chấp kia. Sở dĩ, Lục Tổ nói: “Sáu căn đối cảnh phân biệt mà không phải thức.”
*
Có vị Tăng đến tham lễ, Sư hỏi:
- Ông chứa đựng sự nghiệp gì?
Tăng thưa:
- Giảng kinh Kim Cang.
- Hai chữ rốt đầu kinh là gì?
- Như thị.
- Là gì?
Tăng không đáp được.
*
Vua Túc Tông hỏi:
- Thầy được pháp gì?
Sư đáp:
- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?
- Thấy.
- Nó do đóng đinh mắc, hay cột dây mắc?
- Thế nào là mười thân của Phật?
Sư đứng dậy hỏi:
- Hội chăng?
- Chẳng hội.
- Đem tịnh bình qua cho Lão tăng.
- Thế nào là Vô tránh tam-muội?
- Đàn việt đi đạp trên đảnh Tỳ-lô.
- Ý này thế nào?
- Chớ nhận thân này, là Pháp thân thanh tịnh.
Vua lại hỏi Sư. Sư đều không nhìn Vua. Vua bảo:
- Trẫm là thiên tử nước Đại Đường, tại sao Thầy không nhìn đến?
Sư đáp:
- Bệ hạ thấy hư không chăng?
- Thấy.
- Hư không có nhìn bệ hạ không?
*
Ngư Quân Dung hỏi:
- Thầy ở núi Bạch Nhai trong mười hai giờ tu thế nào?
Sư gọi một đứa trẻ đến, vò đầu nó, bảo:
- Tỉnh tỉnh hẳn vậy tỉnh tỉnh. Rõ ràng hẳn vậy rõ ràng. Về sau chớ bị người gạt.
*
Sư cùng với cung phụng Tử Lân luận nghĩa. Sư thăng tòa rồi, cung phụng nói:
- Mời thầy lập nghĩa, con phá.
Sư bảo:
- Lập nghĩa rồi.
Cung phụng hỏi:
- Đó là nghĩa gì?
Sư nói:
- Đúng là không thấy, chẳng phải cảnh giới ông.
Liền hạ tòa.
Một hôm, Sư hỏi Tử Lân Cung Phụng:
- Phật là nghĩa gì?
Phụng thưa:
- Là nghĩa giác.
- Phật từng mê chăng?
- Chẳng từng mê.
- Dùng giác làm gì?
Cung Phụng không thể đáp được, hỏi lại Sư:
- Thế nào là thật tướng?
- Đem hư không lại!
- Hư không đâu thể đem được!
- Hư không còn không thể đem được, hỏi thật tướng làm gì?
*
Vì duyên giáo hóa sắp mãn, giờ niết bàn sắp đến. Sư bèn từ giã vua Đại Tông trở về núi. Đại Tông hỏi:
- Sau khi thầy diệt độ, đệ tử sẽ làm gì để ghi nhớ?
Sư đáp:
- Bảo đàn việt tạo nên một ngôi tháp vô phùng.
Vua thưa:
- Xin chọn lấy kiểu tháp theo ý thầy.
Sư yên lặng hồi lâu, hỏi:
- Hội chăng?
Đáp:
- Không hội.
Sư nói:
- Bần đạo đi rồi, có thị giả Ứng Chơn lại biết việc này.
Năm Đại Lịch thứ mười 775, ngày mùng chín tháng chạp, Sư nằm nghiêng bên hữu thị tịch. Đệ tử kính đưa linh nghi đến cốc Đảng Tử xây tháp thờ.
Vua ban thụy hiệu là Đại Chứng Thiền Sư.
Về sau, vua Đại Tông ban chiếu mời Ứng Chơn nhập nội, nêu hỏi tiền ngữ. Ứng Chơn yên lặng hồi lâu, hỏi:
- Thánh thượng hội chăng?
Đáp:
- Không hội.
Chơn làm bài kệ:
Tương chi nam đàm chi bắc
Trung hữu hồng kim sung nhất quốc
Vô ảnh thọ hạ hợp đồng thuyền
Lưu ly điện thượng vô tri thức
Dịch:
Phía nam sông Tương phía bắc đầm
Trong có vàng ròng đầy cả nước
Dưới cây vô ảnh thuyền hợp đồng
Trên điện lưu ly không tri thức.
Về sau Ứng Chơn trụ ở núi Đam Nguyên.
---o0o---

Hương Nghiêm Tự – Nam Dương
Hương Nghiêm Tự ở núi Bạch Nhai phía tây bắc huyện Đặng Hà Nam. Sáng lập khoảng thời Đường Đại Tông (683-728). Về sau Hòa thượng Huệ Trung chấn tích nơi đây, thời đó được gọi là Hương Nghiêm Trường Thọ Tự. Khi Quốc sư Huệ Trung thị tích an táng nơi núi này. Về sau đệ tử của Quy Sơn Linh Hựu là Trí Nhàn cũng trụ nơi đây.
|