TS Nham Đầu Toàn Khoát

Personal Information

Danh Tánh
TS Nham Đầu Toàn Khoát
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

THIỀN SƯ NHAM ĐẦU TOÀN KHOÁT ở NGẠC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ NĂM của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ ĐỨC SƠN TUYÊN GIÁM

Sư họ Kha, người Tuyền Châu. Lúc trẻ, lễ Nghị công ở Thanh Nguyên xuống tóc. Sau đó đến chùa Bảo Thọ ở Trường An thọ giới cụ túc, tập các bộ kinh, luật, về sau, chu du Thiền uyển cùng kết bạn với Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Khâm Sơn Văn Thúy. Từ núi Đại Từ ở Dư Hàng đi men theo các nơi đến tham yết Lâm Tế nhưng gặp lúc Lâm Tế vừa qui tịch, bèn đến yết kiến Ngưỡng Sơn. Vừa vào cửa liền đưa tọa cụ lên nói:

- Hòa thượng.

Ngưỡng Sơn cầm cây xơ quất định đưa lên, sư liền nói:

- Không hại chi hảo thủ.

Về sau nữa, sư đến tham yết Hòa thượng Đức Sơn, ôm tọa cụ bước lên pháp đường nhìn ngó. Đức Sơn nói:

- Định làm gì thế?

Sư liền nạt, Đức Sơn nói:

- Lão tăng lỗi ở chỗ nào?

Sư nói:

- Hai tầng công án.

Nói xong liền xuống tham đường, Đức Sơn nói:

- Ông sư này giống như một người hành cước.

*

Đến hôm sau, sư lên ra mắt, Đức Sơn hỏi:

- Xà-lê có phải là vị tăng mới đến ngày hôm qua đó chăng?

Sư đáp:

- Thưa phải ạ !

Đức Sơn nói:

- Học được ở đâu cái kiểu hư đầu đây?

Sư nói:

-Toàn Khoát rốt lại cũng không tự dối.

Đức Sơn nói:

- Ngày sau không được cô phụ lão tăng đấy nhé !

*

Ngày khác, sư vào phương trượng nghiêng người hỏi nào phàm, nào Thánh. Đức Sơn hét, sư lễ bái. Có người thuật lại cho Động Sơn, Động Sơn nói:

- Nếu không phải thượng tọa Toàn Khoát thì không dễ gì thừa đương.

Sư nghe được liền nói:

- Lão nhân Động Sơn không hiểu xấu tốt, lầm phát biểu danh ngôn. Mỗ lúc đó một tay nâng lên, một tay chộp lấy.

*

Tuyết Phong tại pháp tịch của Đức Sơn phụ trách nấu cơm. Một hôm cơm trễ giờ. Đức Sơn cầm bát xuống pháp đường. Tuyết Phong vừa trải phơi khăn bọc cơm thấy Đức Sơn bèn nói:

- Chuông chưa dộng, trống chưa đánh, lão Hòa thượng đi đâu đấy? Đức Sơn bèn quay về phương trượng, sư tại pháp đường nghe thế bèn vỗ tay nói:

- Đức Sơn lớn nhỏ gì đều chưa lãnh hội một bước sau cùng. Đức Sơn nghe người thuật lại bảo thị giả gọi sư đến hỏi:

- Ông không chấp nhận lão tăng chăng?

Sư ngầm tỏ ý mình.

*

Hôm sau, Đức Sơn thượng đường nói khác thường hơn mọi khi. Sư đến tăng đường vỗ tay cười lớn, nói:

- Mừng thay lão hán đường đầu (tức chỉ Hòa thương trụ trì Đức Sơn) đã lãnh hội một bước sau cùng. Ngày sau, người trong thiên hạ chẳng làm sao được. Tuy là như vậy, chỉ được ba năm thôi !

Ba năm sau, quả nhiên Hòa thượng Đức Sơn qui tịch.

*

Một hôm nọ, sư cùng Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Khâm Sơn Văn Thúy, ba người chụm lại nói chuyên. Nghĩa Tồn tự nhiên chỉ một chén nước, Văn Thúy nói:

- Nước trong trăng hiện.

Nghĩa Tồn nói:

- Nước trong trăng không hiện.

Sư đá văng chén nước bỏ đi.

Từ đó Văn Thúy thờ Động Sơn làm thầy, còn sư và Tuyết Phong hai người nối pháp Đức Sơn.

*

Toàn Khoát và Nghĩa Tồn đồng từ biệt Thiền sư Tuyên Giám, Tuyên Giám hỏi:

- Đi về đâu?

Sư đáp:

- Tạm thời cáo biệt Hòa thượng xuống núi cái đã.

Tuyên Giám hỏi:

- Ông về sau sẽ thế nào?

Sư đáp:

- Không quên.

Tuyên Giám hỏi:

- Ông bằng vào đâu mà nói thế?

Sư đáp:

- Há không nghe câu nói: ‘Trí tuệ phải hơn thầy mới có thể truyền thụ cho người. Trí tuệ bằng thầy làm mất một nửa đức của thầy’.

Tuyên Giám nói:

- Đúng như vậy, đúng như vậy ! Nên cố gắng bảo trì củng cố !

Hai vị lễ bái lui ra. Nghĩa Tồn quay về Mân Xuyên trụ ngọn Tuyết Phong núi Tượng Cốt. Sư cất am ở núi Ngọa Long Động Đình, đồ lữ kéo đến rất đông.

*

Tăng hỏi:

- Chẳng có thầy thì có thể xuất thân được chăng?

Sư nói:

- Trước tiếng lông thú xưa cháy.

Hỏi:

- Rờ rỡ đến thì thế nào?

Sư nói:

- Đâm lòi con mắt.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Tổ sư từ Tây lại?

Sư nói:

- Hãy nhổ núi Lô Sơn đem đến đây ta sẽ nói cho ông nghe !

*

Sư ngày nọ thượng đường nói với chúng rằng:

- Ta thường nghiên cứu kinh Niết Bàn bảy tám năm, thấy văn hai ba đoạn giống với lời lẽ của nạp tăng.

Lại nói:

- Nghỉ thôi !

Lúc đó, có ông tăng bước ra lễ bái thỉnh sư giảng pháp, sư nói :

- Giáo ý của ta như chữ có ba chấm. Thứ nhất hướng về Đông hạ một điểm, đó là điểm khai nhãn chư Bồ-tát. Thứ hai hướng về Tây hạ một điểm, đó là điểm mạng căn chư Bồ-tát. Thứ ba là hướng về phía trên hạ một điểm, đó là điểm trán của chư Bồ-tát. Đó là đoạn nghĩa thứ nhất.

Lại nói:

- Giáo ý của ta như Ma-ê-thủ-la kích khai diện môn, dựng đứng một con mắt (chỉ huệ nhãn). Đó là đoạn nghĩa thứ hai.

Lại nói:

- Giáo ý của ta như trống độc đồ, đánh lên một tiếng, người nghe xa gần đều kinh táng, cũng gọi là đều chết. Đó là đoạn nghĩa thứ ba.

Lúc đó, thượng tọa Tiểu Nghiêm hỏi:

- Thế nào là trống độc đồ?

Chú: Bản đời Nguyên chép ‘đồ độc’.

Sư lấy tay chống gối khom người nói:

- Hàn Tín lâm triều đây !

Nghiêm không lời đối đáp.

*

Một ông tăng trong hội của Giáp Sơn đến tham yết Thạch Sương, vừa vào cửa là nói ‘Xin chào’. Thạch Sương nói:

- Chẳng cần thế đâu xà-lê !

Tăng nói:

- Nếu thế thì tạm biệt vậy.

Tăng đó lại đến Nham Đầu, nói ‘Xin chào’ như trước. Đầu nói:

- Hừ!

Tăng nói:

- Nếu thế thì xin tạm biệt.

Vừa quay gót, Đầu nói:

- Tuy là hậu sanh, nhưng có khả năng quản đái.

*

Ông tăng đó quay về thuật lại cho Giáp Sơn, Sơn hỏi:

- Đại chúng có lãnh hội không?

Mọi người đều không đối đáp được, Giáp Sơn nói:

- Nếu chẳng ai nói thì lão tăng đây không tiếc chi ba sợi lông mày nói thôi !

Bèn nói:

- Thạch Sương tuy có dao giết người, nhưng lại không có kiếm cứu người.

*

Sư cùng La Sơn đi tìm nơi xây tháp. Nửa đường, La Sơn bỗng nói:

- Hòa thượng !

Sư quay đầu lại nhìn nói:

- Cái gì thế?

La Sơn đưa tay nói:

- Đây là miếng đất tốt đấy !

Sư nạt rằng:

- Kẻ bán dưa ở Qua Châu !

Chú: Qua nghĩa là dưa.

Lại đi thêm mấy dặm nữa, trong khi bồi hồi, La Sơn lễ bái hỏi :

- Hòa thượng há phải chăng ở nơi hội của Động Sơn 30 năm mà vẫn không khẳng nhận Động Sơn?

Sư nói:

- Phải đấy !

Lại hỏi:

- Hòa thượng há phải chăng là pháp tự của Đức Sơn mà cũng chẳng nhận Đức Sơn?

Sư nói:

- Đúng đấy !

La Sơn nói:

- Không khẳng nhận Đức Sơn chẳng nói làm chi, chỉ như Động Sơn thì có khiếm khuyết gì?

Sư nín lặng hồi lâu nói:

- Động Sơn đúng là một vị Phật, tiếc là không có hào quang

*

Tăng hỏi:

- Kiếm bén chém thiên hạ, ai là người đưa đầu cho chém?

Sư đáp:

- Tối.

Tăng nghĩ hỏi nữa, sư nạt rằng:

- Gã ngu độn này, đi ra đi !

*

Hỏi:

- Không kinh lịch xưa nay thì thế nào?

Sư nói:

- Trác việt đấy !

Hỏi:

- Chuyện xưa nay thế nào?

Sư nói:

- Mặc sức cho đốt.

*

Sư hỏi tăng:

- Từ nơi nào đến?

Đáp:

- Từ Tây Kinh đến.

Sư hỏi:

- Sau giặc Hoàng Sào, có thu được kiếm không?

Tăng đáp:

- Thu được.

Sư làm thế đưa cổ, tăng nói:

- Đầu sư rơi rồi !

Sư cả cười. (Ông tăng này về sau đến Tuyết Phong thuật lại tự sự bị bổ mấy gậy, đuổi xuống núi).

*

Hỏi:

- Hai con rồng tranh trái châu, con nào được?

Sư nói:

- Đều thua lầm cả !

*

Tăng hỏi Tuyết Phong:

- Thanh văn kiến tánh như ban đêm nhìn trăng, bậc Bồ-tát kiến tánh như ban ngày nhìn mặt trời. Xin hỏi Hòa thượng kiến tánh thế nào?

Tuyết Phong lấy gậy đánh ba chập, ông tăng này sau đó đem tự sự trước đó thuật lại rồi hỏi sư. Sư tán cho ba bạt tai.

*

Hỏi:

- Thế nào là chủ ba giới?

Sư nói:

- Ông có còn biết ăn gậy sắt không?

Thụy Nham hỏi:

- Thế nào là Tì Lô sư?

Sư hỏi:

- Nói cái gì?

Thụy Nham lập lại câu hỏi, sư hỏi:

- Ông tuổi 78 chưa vậy?

Hỏi:

- Trong trần làm sao biện chủ?

Sư nói:

- Trong đồng, cát, thau, có nhiều chất dầu.

Hỏi:

- Cung gãy, tên hết thì thế nào?

Sư nói:

- Đi.

Hỏi:

- Thế nào là đích ý trong hang núi?

Sư nói:

- Cám ơn chỉ thị !

Tăng nói:

- Thỉnh Hòa thượng đáp lời !

Sư nói:

- Tạm biệt !

*

Hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư nói:

- Giày cỏ rách đây, hãy ném xuống hồ đi!

Hỏi:

- Trong giếng sâu ngàn trượng, làm thế nào tới được đáy?

Sư nói:

- Hồng (Hùm).

Tăng hỏi lại, sư nói:

- Dưới chân đó thôi.

Hỏi:

- Buồm xưa không giương thì thế nào?

Sư nói:

- Con lừa ăn cỏ phía sau vườn.

Từ đó về sau, có người hỏi Phật, hỏi pháp, hỏi đạo, hỏi thiền… sư đều làm tiếng ‘hừ hừ’, nhưng thường nói với chúng rằng:

- Lão hán ta khi ra đi chỉ rống to một tiếng là đủ.

Sau niên hiệu Đường Quang Khải, đất Trung Nguyên giặc cướp nổi lên, chúng đều chạy trốn, chỉ có sư là ngồi an nhiên mà thôi. Ngày nọ giặc ùa đến, trách không có nạp gì cho chúng, bèn đưa gươm kề cổ. Sư thần sắc như thường, hét lớn một tiếng mà qua đời... Tiếng hét vang xa mấy mươi dặm đều nghe. Ấy là ngày mùng 8 tháng 4 năm Đinh Mùi, nhằm năm Quang Khải thứ ba. Sau đó môn nhân hỏa thiêu nhận được xá-lợi 49 viên, chúng bèn xây tháp. Sư thọ 60, vua Hy Tông sắc thụy Thanh Nghiêm Đại Sư, tháp tên Xuất Trần.

Chú: Tiểu truyện Thiền sư Toàn Khoát, bản các đời đều chép nhiều đoạn không giống nhau, nhưng đó chỉ là tiểu tiết không quan trọng cho nên không nêu rõ ra.

Phần phụ lục:

Có một hôm, Thiền sư Đức Sơn nói với sư:

- Ta nơi đây có hai ông tăng lên núi cất am mà ở đã lâu rồi ông hãy đi xem coi họ thế nào?

Sư bèn mang theo một cây búa lên núi, thấy hai ông tăng đang ngồi trong am. Sư đưa búa lên nói:

- Nói được, búa một búa. Nói không được, cũng búa một búa. Cả hai ông tăng đều hầu như không đếm xỉa đến, sư bèn hạ búa xuống nói:

- Thiền sư thứ cừ ! Thiền sư thứ cừ !

Nói đoạn sư trở về báo cáo lại Đức Sơn, Đức Sơn hỏi:

- Ông thấy bọn họ thế nào?

Sư đáp:

- Dưới cửa Động Sơn (đệ tử Động Sơn) chẳng thể nói hoàn toàn không, còn như môn hạ của Đức Sơn thì ngay cả trong mộng cũng không nhìn thấy.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7)

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.