Additional Info
Thiền Sư Như Trừng Lân Giác
(1696 - 1733)
Thiền sư Như Trừng Lân Giác, húy Như Như hay Thượng sĩ Cứu Sinh, hiệu Cao Thiền, tên là Trịnh Thập (hay Trịnh Hợp), là con của Phổ Quang vương Trịnh Bính và bà Nguyễn thị Diệu, và là em của An Đô vương Trịnh Cương; sinh vào giơ Dậu, ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chánh Hòa thứ 17 (1696), đời vua Lê Hy Tông, quê ở vùng núi Vĩnh Sóc, trấn Thanh Hóa.
Khi sinh, trên trán Trịnh Thập có dấu hình chữ “Nhật”. Lớn lên, Trịnh Thập được vua Lê Hy Tông gả công chúa thứ tư; tuy sống trong cảnh vương giả Hoàng tộc, lầu son gác tía, nhưng không ham thích việc trần thế, tâm luôn hướng về đạo Phật, nghiên cứu kinh sách.
Trịnh Thập có tư dinh ở phường Bạch Mai tại kinh đô Thăng Long, với khu vườn ao rộng 6 mẫu. Sau tư dinh có một đồi cao khoảng bảy, tám thơớc, ông bảo người nhà đào một hồ để nuôi cá vàng. Ở trên đồi đó, người nhà đào gặp một cọng sen lớn, đem trình, ông cho đó là điềm báo ông phải tu hành nên ông dâng sớ vua cho phép xuất gia, bắt đầu ăn chay và quyết chí tu tập thiền định, biến nhà riêng thành chùa, nhân điềm gặp cọng sen nên đặt tên chùa là Liên Hoa.
Sau khi được chấp thuận, Trịnh Thập đến tận chùa Long Động (hay Lân Động) ở núi Yên Tử xin quy y thọ giáo với Tăng thống Chân Nguyên Chánh Giác vào năm Bính Ngọ (1726), lúc đó Tăng thống đã 80 tuổi.
Khi Trịnh Thập đến lễ, Tăng thống Chánh Giác bảo: “Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?”.
Trịnh Thập thưa: “Thầy trò hội hiệp, cơ duyên đến thì gặp”.
Tăng thống bảo: “Trùng hưng Phật, Tổ sau này là trông cậy ở ngươi”.
Tăng thống ban pháp danh cho Trịnh Thập là Như Trừng, hiệu Lân Giác. Từ đó ngày đêm, Sa đi Lân Giác chí tâm nghiên cứu kinh điển, tu tập thiền định. Một Thời gian ngắn sau, Tăng thống Chánh Giác có thể đã biết được ngày về quê xưa nên làm lễ thọ giới Cụ túc cho Lân Giác và truyền tâm pháp.
Ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ (1726), Tăng thống Chân Nguyên Chánh Giác viên tịch ở chùa Lân Động, đồ chúng lập tháp Thờ ở khuông viên chùa Lân Động và ở chùa Quỳnh Lâm.
Thiền sư Lân Giác trở về chùa Liên Hoa hoằng hóa, đồ chúng đến tham học rất đông, vì vậy, thiền sư Lân Giác lập thành phái Liên Hoa.
Thiền sư Lân Giác thành lập thêm hai chùa:
- Chùa Hộ Quốc ở phường An Xá, huyện Thọ Xương tại kinh đô Thăng Long (HàNội).
- Chùa Hàm Long ở núi Giác Sơn, xã Quế Lâm, huyện Quế Võ, Trấn Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh).
Vào ngày rằm tháng Hai năm Quý Sửu (1733) , niên hiệu Long Đức thớ 2, Thiền sư Như Trừng Lân Giác cho nhóm đại chúng phó chúc rằng giờ quy tịch sắp đến, ta được pháp nơi Hòa thượng Tăng thống (Chân Nguyên Chánh Giác) nay trao lại cho các ngươi, hãy nghe kệ đây:
Bổn tùng vô bổn
Tùng vô vi lai
Hoàn tùng vô lai khứ
Ngã bổn vô lai khứ
Tử sinh hà tằng lụy
(Vốn từ không gốc,
Từ không mà đến
Lại từ không mà đi
Ta vốn không đến đi
Tử sinh làm gì lụy)
(Hòa Thượng Thanh Từ dịch)
Sư lại bảo: “Thân tứ đại khổ này đâu thể giữ lâu”. Nói xong, sư ngồi an nhiên thị tịch, hưởng dương 37 tuổi. Đồ chúng lập tháp Cứu Sinh để Thờ Thiền sư Lân Giác ở ba chùa: Liên Hoa, Hộ Quốc (Hà Nội) và Hàm Long (Bắc Ninh).
Thiền sư Như Trừng Lân Giác có các tác phẩm để lại như sau:
- Ngũ giới quốc âm
- Thập giới quốc âm
- Phật tâm luận
- Kiến đàn giải uế nghị
- Mãn tán tạ quá nghi
- Khảo chứng và viết bài tựa sách “Ty - ni Nhật Dụng Lục” (Chùa Sùng Phúc in lại năm Đinh Tị 1797 ?)
- Dịch và đề tựa sách “Xuất gia Sa di Quốc âm Thập giới “ vào năm Bảo Thái 7 (1726). Chùa Sùng Phúc in lại năm 1797
Đến đời vua Minh Mạng, vương phi tên là Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị), nên chùa Liên Hoa phải đổi thành chùa Liên Tông.
Đến đời Thiệu Trị (1841 - 1847), vua tên là Miên Tông, nên chùa Liên Tông được đổi lại là chùa Liên Phái cho đến ngày nay. Chùa Liên Phái ngày nay tọa lạc tại hẻm Liên Phái, phố Bạch Mai, huyện Hai Bà Trưng, thủ đô Hà Nội.
Thiền sư Như Trừng Lân Giác có các đệ tử nổi danh như Tánh Tuyền (trụ trì chùa Liên Tông), Tánh Ngạn (trụ trì chùa Hàm Long), Tánh Dược (?)...
Phái Liên Hoa (Liên Tông) do Thiền sư Như Trừng Lân Giác hay Thượng sĩ Cứu Sinh sáng lập sau này phát triển rộng khắp Đàng Ngoài với các chùa Liên Tông, Hộ Xá, Hàm Long, Càn An, Sùng Phước, Nghiêm Xá, Thiên Quang, Phước An, Vân Trai...
Tháp Cứu Sinh Thờ Thiền sư Như Trừng Lân Giác ở chùa Liên Tông làm bằng đá xanh mài láng, hình khối 4 mặt, ba từng cao khoảng 5m, đế tháp hình vuông, cạnh 2 m10, đỉnh là bầu hồ lô có trang trí hoa văn hình cánh sen.
---o0o---
Chùa Liên Phái

Chùa Liên Phái hay chùa Liên Tông, hay chùa Liên Hoa, ở hẻm Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thủ đô Hà Nội.
Năm 1726, Thiền sư Như Trừng Lân Giác biến nhà riêng thành chùa Liên Hoa. Sau đó, nối tiếp ngọn đèn pháp của Hòa thượng Chân Nguyên-Chánh Giác, Thiền sư Lân Giác đã phối hợp tông chỉ phái thiền Trúc Lâm (Yên Tử) và phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài (Bắc Hà) để lập ra phái thiền Liên Hoa. Đến đời vua Minh Mạng, kỵ húy tên Hoa nên đổi Liên Hoa thành Liên Tông. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy (tên vua là Miên Tông) nên chùa Liên Tông lại phải đổi thành chùa Liên Phái cho đến ngày nay.
Năm 1733, Thiền sư Lân Giác viên tịch, đệ tử là Thiền sư Tánh Tuyền (1674 - 1744) đang xuất dương tham học thêm với Hòa thượng Kim Quang Đoan ở chùa Khánh Vân thuộc Quảng Châu (Trung Quốc).
Năm 1736, Thiền sư Tánh Tuyền mới trở về nước, thỉnh về hơn 300 bộ kinh với hơn 1.000 quyển, sư tiếp nối trụ trì ở chùa Liên Tông, và trông coi chùa Hàm Long, Sùng Phước.

Tháp Liên Hoa
Thiền sư Tánh Tuyền cùng đệ tử đã khắc bản và in lại nhiều Bộ kinh mới thỉnh về. Đồng Thời Sư hoằng dương bộ luật Tứ phần, nhờ đó, tạng Luật được phổ biến rộng ở Bắc Hà (Đàng Ngoài).
Ngày 15 tháng 5 năm Giáp Tý (1744), Hòa thượng Tánh Tuyền bảo đánh chuông họp đồ chúng, phó chúc rồi ngồi kiết già thị tịch.
Kế tiếp trụ trì chùa Liên Tông là Thiền sư Hải Quýnh Từ Phong (1728-1811). Sư tu hành khổ hạnh, không bao giờ đến chỗ quyền quý, đệ tử đến hơn 300 người. Ngày 14 tháng 4 năm Tân Mùi, niên hiệu Gia Long thứ 10 (năm 1811), Thiền sư Từ Phong bảo gọi trưởng tử là Tịch Truyền Kim Liên đến phó chúc, rồi ngồi yên thị tịch. Đồ chúng lập tháp Thờ xá lợi ở ba chùa: Liên Tông, Hàm Long và Nghiêm Xá.
Tiếp nối trụ trì chùa Liên Tông sau đó là Thiền sư Chân Như, rồi đến Từ Hòa, Phúc Điền.
Năm Giáp Dần (1854), nhân ngày kỵ tổ của Tổ Như Trường Lân Giác, Hòa thượng Phúc Điền bảo Thiền sư Thanh Minh (hiệu Lạc Sơn) lo trùng tu chùa Liên Tông để Thực hiện theo di chúc của Tổ Lân Giác đã dạy trước đây: “Các con nên ghi nhớ lời di chúc của thầy, khắc lên bia hoặc chép vào phả lục truyền lại cho đời sau. Nếu sau này, có vua thánh chúa hiền ở triều đại khác bình định bốn biển thì xin mở lòng nhân đức, rộng lượng từ bi lưu cho khu đất và ao rộng hai mẫu sáu sào để sùng hưng Phật pháp và đặt tháp am chôn cất di hài, để có thể nối truyền chánh phái, sáng tỏ đèn thiền, hương hỏa dài lâu, lưu truyền mãi mãi”.
Năm Ất Mão (1855), Thiền sư Thanh Minh bắt đầu mua gỗ mướn thợ lo trùng tu chùa. Việc tu sửa đến năm Kỷ Mùi mới hoàn thành (1859). Năm Kỷ Tỵ (1869) lại xây thêm gác chuông, xây tường bốn phía, chùa trở nên trang nghiêm rực rỡ hơn. Nhưng từ đó đến nay, một thế kỷ trôi qua với nhiều biến chuyển, chùa Liên Phái hiện đang bị hư hoại dần; tuy nhiên, chùa vẫn còn nhiều di tích cổ như các tháp cổ, các nhà bia (bi đình)... trong chùa còn một số pháp tượng, pháp khí quý và xưa, đặc biệt là còn rất nhiều bản gỗ để in kinh, trong đó còn có các bệ kinh như: Pháp Bảo Đàn kinh, Tứ phần luật... mà Hòa thơợng Đỗ Đa đã thỉnh từ Trung Quốc về và đã khắc in phổ biến.
Chùa Liên Tông thiếu người bảo quản nên bị hư hoại thêm, nhất là dân chúng ở quanh chùa đã lấn chiếm đất chùa, xây cất nhà cửa ngay trên các tháp cổ hoặc các nhà bia... Trước chùa hiện còn tháp Liên Hoa cao chín tầng rất đẹp nhưng tháp này cũng đang bị dân chúng lấn chiếm dần !
|