TS Pháp Chuyên Diệu Nghiêm

Personal Information

Danh Tánh
TS Pháp Chuyên Diệu Nghiêm - Ðời Thứ 36 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 3 Dòng Lâm Tế Chúc Thánh
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm
法 専 律 傳 妙 嚴 (1726 - 1798): Chùa Từ Quang

Bảo Tháp Tổ Diệu Nghiêm

Hòa thượng họ Trần, người làng Cổ Tháp, xã Hoa Châu, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (Nay là xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tổ tiên Ngài vốn người Thanh Hóa ứng nghĩa theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Hiếu và thân mẫu là cụ bà người tộc Nguyễn.
Tương truyền rằng vào đêm 16 tháng 7 năm Ất Tỵ (1725), thân mẫu của Ngài nằm mộng thấy một nhà sư đến lấy y trùm lên mình bà và nhân đó mà thọ thai. Từ đó, bà không ăn đồ mặn nhưng thân thể vẫn tráng kiện lạ thường. Đến giờ Mậu Thìn ngày mồng 2 tháng 4 năm Bính Ngọ (1726) thì bà chuyển dạ sanh một hài nhi khỏe mạnh.
Ngay từ nhỏ, Ngài đã không ăn được những thức ăn có huyết tanh. Người chú của Ngài xuất gia có hiệu là Lâm Hoằng đại sư nhìn Ngài và nói với cha mẹ Ngài rằng: “ Đứa bé này có cái tướng của bậc xuất trần thượng sĩ.”
Lên 9 tuổi, Ngài được phụ thân cho đi học và đã tỏ ra tinh cần khác chúng. Đến năm 15 tuổi, Ngài đã thông thuộc tất cả những kinh điển của Nho gia và cùng với người anh ra kinh đô Phú Xuân dự thi. Ngài đã đỗ trong kỳ thi năm Quý Hợi (1743), lúc bấy giờ vừa tròn 18 tuổi và ra làm quan dưới thời chúa Võ Vương -Nguyễn Phúc Khoát.
Lúc bấy giờ, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang đi vào sự suy yếu, quyền thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, vơ vét của cải của dân, trong triều ngoài nội quan lại đua nhau bòn mót tham nhũng. Trong khi đó, ngoài xã hội nhiễu nhương, dân chúng lầm than cơ cực. Chứng kiến một triều đình thối nát như vậy, Ngài rất là chán ngán. Nhân một hôm xem tuồng “Tam Trinh Cố Sự” và “Long Hổ Sự Duyên”, Ngài hốt nhiên nhận chân ra lẽ sống cuộc đời và học theo gương người xưa treo ấn từ quan, trở về làng xin cha mẹ cho được xuất gia học đạo. Ban đầu cha mẹ sư lưu luyến không nỡ, nhưng sau nhớ lại lời của Lâm Hoằng đại sư nên đồng ý cho Ngài xuất gia.
Nghe nói tại xã Thanh Hà, huyện Diên Phước có thiền sư Ân Triêm là bậc cao tăng uyên thâm Phật pháp nên Ngài tìm đến xin được xuất gia học đạo. Ngài được tổ Ân Triêm thu nhận làm môn hạ, nhập chúng tu học tại chùa Phước Lâm. Từ đó, Ngài chuyên cần tu học, không bao lâu đã thông thuộc Tỳ Ni, Thập Giới, Oai Nghi, Cảnh Sách v.v…nên tổ sư rất là hoan hỷ. Đến ngày 19 tháng 2 năm Ất Sửu (1745), nhân ngày khánh đản Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài thỉnh cầu Tổ Thiệt Dinh thế phát và Tổ cho pháp danh là Pháp Chuyên, tự Luật Truyền. Như vậy, Ngài thuộc đời thứ 36 dòng Lâm Tế và cũng là thế hệ thứ 3 của pháp phái Chúc Thánh truyền theo bài kệ của tổ Minh Hải-Pháp Bảo.
Đến tháng 3, được sự cho phép của Tổ, Ngài đến chùa Bảo Lâm thọ Cụ Túc giới với Hòa thượng Hải Điện. Sau khi giới đàn hoàn mãn, Ngài trở lại Phước Lâm an cư bố tát, hầu thầy 5 năm đúng theo tinh thần giới luật. Ngài thường tưởng niệm vô thường, sanh diệt qua mau nên quyết lòng tu tập hầu mong thành tựu đạo nghiệp. Từ đó, Ngài ngày chỉ ăn một bữa, dứt hết tất cả ngoại duyên chuyên tâm tu trì, ngày tụng đọc kinh văn, lễ Phật Hồng Danh, tối đến tham thiền niệm Phật. Trong suốt 5 năm, Ngài tinh cần tu tập không một chút khiếm khuyết nên Bổn sư rất là hài lòng.
Sau 5 năm, Ngài xin phép bổn sư vân du đây đó khắp các chốn Tòng Lâm để tham vấn các bậc kỳ túc để mở mang trí tuệ. Nghe nói thiền sư Liễu Triệt ở chùa Thập Tháp-Bình Định là một bậc cao tăng kiến văn quảng bác thuyết pháp độ người rất nhiều. Tại chùa này có bộ Đại tạng kinh do Tổng binh Mạc Cửu ở trấn Hà Tiên phụng cúng nên Ngài muốn đến tham học và để được xem kinh thư.
Nhân Hòa thượng Chí Bảo ở chùa Bảo Lâm thỉnh thiền sư Liễu Triệt đến phủ Thăng Hoa giảng kinh Hoa Nghiêm, Ngài cảm thấy trong lòng vui mừng và cũng muốn du phương phỏng đạo bèn về đảnh lễ Bổn sư và thưa rằng:
- Bậc tiên giác có câu rằng: Kẻ học đạo mà không thông lý thì kiếp sau phải trả nợ tín thí, thế nào là thông lý, xin Thầy chỉ cho con được rõ?
Tổ đáp:
- Tùy theo pháp mà tu hành, cùng sự đến lý, nóng lạnh tự biết, tuyệt đường ngôn ngữ.
Ngài lại hỏi:
- Trong luật có dạy: Người xưa tâm địa chưa thông, không quản ngàn dặm cầu thầy học đạo, việc ấy như thế nào?
Tổ đáp:
Người xưa xuất gia không vì danh lợi chỉ cầu đến chỗ rốt ráo của đạo, đốn ngộ sanh tử, tâm địa tự như, thấy được tự tánh, bổn lai thành Phật.
Bổn sư biết Ngài có căn khí đại thừa, đạo niệm siêu quần bèn ấn chứng và ban cho pháp hiệu là Diệu Nghiêm.
Sau khi thiền sư Liễu Triệt giảng Hoa Nghiêm xong, Ngài xin Bổn sư tiếp tục theo thiền sư Liễu Triệt vào Thập Tháp để tham học. Trong vòng hai năm cùng chúng tu học, vào giờ Thìn của một đêm tháng 5, Ngài cảm thấy thân tâm vắng lặng tịch tỉnh biết rằng do mình chuyên đọc kinh luật mà được như vậy. Từ đó Ngài thường theo Pháp sư đi giảng khắp nơi.
Năm Quý Mùi (1763), thiền sư Liễu Triệt được chúa Nguyễn thỉnh ra kinh đô Phú Xuân trụ trì chùa Thiên Mụ. Đến ngày 14 tháng tháng 11 năm Giáp Thân (1764) thiền sư Liễu Triệt viên tịch và cho đến tháng 2 năm Ất Dậu (1765) đồ chúng mới cung nghinh linh quan về nhập tháp tại chùa Thập Tháp. Tang lễ xong, Ngài từ biệt chúng trở về Phước Lâm đảnh lễ Bổn sư nhập hạ tại đây 2 năm và hằng ngày Ngài thường đọc tụng kinh Hoa Nghiêm. Một hôm, vào lúc giữa đêm Ngài thấy rõ một việc bèn phát đại nguyện rằng: “ Phàm hễ gặp người, không luận nam nữ già trẻ sang hèn đều giáo hoá quy kính ba ngôi Tam bảo”.
Sau đó, Ngài đến chùa Bảo Lâm theo Chí Bảo Hòa thượng an cư một năm. Tiếp đó có tăng thỉnh đến Túy La Lâm Tự giảng kinh Địa Tạng và Quy Nguyên hơn 3 tuần, khuyên người niệm Phật quy kính Tam Bảo số đông vô luợng.
Thời bấy giờ nền chính trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang bị khủng hoảng trầm trọng bởi nạn tham quan chuyên quyền. Khắp nơi giặc giã nổi lên khiến cho Phật pháp và nhân dân đều lâm vào kiếp nạn, Ngài bèn vào ở ẩn trong núi sâu và chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.
Vào tháng giêng năm Mậu Thân (1788), Ngài vào Nam đến tỉnh Phú Yên và ngụ tại chùa Trùng Quang. Tại nơi đây, Ngài cùng với thiền sư Khánh Thông khai đạo thuyết pháp khiến cho người người quy kính Tam Bảo. Đến tháng 8, thiền sư Khánh Thông viên tịch. Thể theo lời thỉnh cầu của thiền sư Chánh Tín, Ngài đến chùa Bảo Sơn thuyết giảng Long Thơ Tịnh độ kinh văn một tuần, dạy người niệm Phật. Sau đó, Ngài trùng kiến lại chùa Trùng Quang và trụ lại đây hai năm. Bấy giờ, có cư sĩ tên Bảo Cơ lập một thảo am trong núi sâu thỉnh Ngài đến ở. Được 1 năm thì có người họ Bùi đổi nhà thành chùa Pháp Quang và thỉnh Ngài giảng Sa Di Oai Nghi Tăng Chú.
Vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), thiền sư Bình An thỉnh giảng Địa Tạng và Vu Lan Bồn kinh trong 5 ngày. Sau đó, Ngài tiếp tục vào Nam và ngụ tại am Khánh Sơn. Trí Đăng đại sư và Bác Nhiên đại sư thỉnh Ngài đến Bảo Toàn Cổ Tự giảng kinh Kim Cang Bát Nhã trong thời gian 17 ngày. Đến tháng 7, Tuyệt Nhất đại sư thỉnh đến Tân Thơ thuyết kinh Phổ Môn, Vu Lan. Sau đó, sư Thiên Tường lại thỉnh đến xứ Ma Linh giảng kinh Địa Tạng. Đến tháng 8, đệ tử ở am Khánh Sơn thỉnh Ngài giảng Pháp Hoa.
Tháng 10 năm Nhâm Tý (1792), Ngài về ngụ tại chùa Thiên Hải và cho đến tháng Giêng năm Quý Sửu (1793), sư Thiên Chơn thỉnh Ngài giảng Địa Tạng kinh. Sau đó, đến xã Xuân Đài núi Bạch Ngọc thấy núi sông hòa nguyện bèn dựng gậy lập thảo am trụ lại nơi đây.
Tháng 2 năm Ất Mão (1795), Ngài giảng kinh Địa Tạng cho đại chúng và làm lễ trai đàn trong vòng 7 ngày, sau đó tiếp tục giảng Tỳ Ni Sa Di Oai Nghi Cảnh Sách v.v…
Ngày 21 tháng 7 năm Bính Thìn (1796), đệ tử ở Khánh Sơn am thỉnh Ngài khai đàn thuyết giới, truyền giới và giảng kinh Địa Tạng. Đàn giới này có sự tham dự của các thiền sư Hoa Nghiêm, Quang Huy, Đức Lâm ở Quy Nhơn và thiền sư Thiên Mãn ở Phú Yên. Đàn giới quy tụ trên 200 tăng ni tham dự và quan tổng trấn cũng như các quan viên đều phát nguyện hộ trì.
Vào tháng 10 trong năm này, thiên tai bệnh dịch khiến người chết vô số, Ngài tập hợp đại chúng lập đàn cầu nguyện trong 7 ngày khiến cho mọi việc đều bình an.
Tháng 10 năm Đinh Tỵ (1797), chúng thỉnh Ngài giảng Tứ Thập Nhị Chương kinh, Di Giáo kinh, Long Thơ Tịnh Độ Tập, Địa Tạng kinh… và cũng trong năm này Ngài xây dựng thảo am thành một Phạm Vũ trang nghiêm lấy tên là Từ Quang tự.
Tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1798), Hoàng thái hậu thỉnh Ngài về kinh chứng minh lễ đúc đại hồng chung, pháp sự viên thành Ngài được ban ca sa sắc tía. Bổn đạo thỉnh Ngài đến thôn Điểu Phi thuyết kinh Địa Tạng.
Ngày 15 tháng 5, Ngài trở về Phú Yên tổ chức lễ trai đàn bạt độ và truyền giới cho hơn 100 người.
Sau khi pháp sự viên thành, Ngài biết cơ duyên của mình đến đây đã hết nên nhóm họp đồ chúng và đọc kệ phú chúc:
Lai nhi vị tằng lai
Khứ nhi vị tằng khứ
Khứ lai bổn như như
Như như hoàn lai khứ.
Tạm dịch:
Đến mà chưa từng đến
Đi cũng chẳng từng đi
Đến đi vốn như như
Như như lại đến đi
Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1798), trụ thế 73 thế tuế, trải qua 53 năm tu học và hoằng hóa.
Ngoài ra, Ngài còn biệt phái xuống một bài kệ truyền thừa như sau:
Pháp Toàn Chương Bổn Tánh
Phật Hiện Ấn Tâm Quang
Vũ Hóa Hiệp Linh Chủng
Đồng Sanh Thượng Thanh Hương
Căn Châu Thạnh Thế Giới
Hoa Quả Mãn Thập Phương
Chiên Đàn Lâm Tú Lệ
Sư tử Trú Bảo Đàn
Nhơn Thiên Thường An Lạc
Tịnh Diệu Chiếu Huy Lương
Cửu Cơ Giai Liễu Ngộ
Nhất Đạt Tối Kiết Tường
Hồi Hướng Trung Chí Thiện
Phước Huệ Vĩnh Thọ Xương
Giai Chỉ Bồ Đề Tọa
Cao Xưng Đại Pháp Vương.
Kể từ khi xuất gia đầu Phật cho đến khi Vãng Sanh Tịnh Độ, Ngài luôn chuyên tâm tu trì và giáo hóa đồ chúng số đông vô lượng. Trong hàng đệ tử của Ngài có đến 28 vị đắc pháp và nối tiếp ngọn đèn Chánh Pháp như các ngài:
- Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên: Kế thừa trụ trì chùa Từ Quang
- Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài: Trụ trì chùa Viên Quang
- Toàn Đức Vi Cần Thiệu Long: khai sơn chùa Khánh Long
- Toàn Nghĩa Vi Hội Chơn Thường: Khai sơn chùa Thượng Tiên Quan
- Toàn Đạo Mật Hạnh: Trụ trì chùa Châu Lâm
- Liễu Năng Đức Chất: Khai sơn chùa Phước Sơn
- Liễu Diệu Chánh Quang: Khai sơn chùa Triều Tôn tại tỉnh Phú Yên.
Trong đó, tiêu biểu nhất là thiền sư Toàn Nhật Quang Đài là một trong những vị thiền tăng đa văn quảng bác của Phật giáo Việt Nam của thể kỷ XIX.
Ngài đã trước tác hơn 20 tác phẩm có giá trị để lại cho hậu thế. Những tác phẩm của Ngài được phân chia thành 5 thể loại chính là: thơ, văn, chú giải, tự điển và nghi lễ.
Thơ: có tác phẩm Diệu Nghiêm Lão Tổ Thi Tập gồm 25 bài.
Văn: bao gồm 4 tác phẩm sau:
- Tam Bảo Biện Hoặc Luận.
- Chiết Nghi Luận Tái Trị.
- Thiện Ác Quy Cảnh Lục.
- Tam Bảo Cố Sự.
c.Chú giải: bao gồm các tác phẩm sau:
- Báo Ân Kinh Chú Giải.
- Địa Tạng Kinh Yếu Giải.
- Quy Nguyên Trực Chỉ Âm Nghĩa.
-Tỳ Ni Sa Di Oai Nghi Cảnh Sách Âm Chú Yếu Lược.
- Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu Phát Ấn Âm Chú.
- Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú Phát Ấn (q. thượng).
- Sa Di Luật Nghi Yếu Lược Tăng Chú Phát Ấn (q. hạ).
- Quy Sơn Cảnh Sách Chú Thích Ký Lược Âm Phát Ấn Thiên.
- Nhân Sở Đáo Âm Thích Tùy Tạp Lục Thiên.
- A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa.
d. Tự điển: gồm 2 tập tự điển triết học xưa nhất nước ta:
- Tam Giáo Pháp Số.
- Tam Giáo Danh Nghĩa.
e. Nghi Lễ: gồm 3 tác phẩm sau:
- Chư Kinh Sám Nghi.
- Hoằng Giới Đại Học Chi Thư.
- Phật Tổ Nhất Truyền Đích Thống.
Với một số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, Ngài quả thật là một trong những tác gia lớn của Việt Nam ở thế kỷ 18. Qua những công trình của Ngài, giáo sư Lê Mạnh Thát đã khẳng định vị trí Ngài ngang tầm với nhà bác học Lê Quý Đôn trong nền văn học Việt Nam. Giáo sư khẳng định: “Thiền sư Pháp Chuyên - Diệu Nghiêm (1726-1798) là một tác gia lớn của nền văn học thế kỷ XVIII. Những gì do ông sáng tác và biên tập, cho đến nay đã phát hiện tới những 20 công trình, trong đó quan trọng và lôi cuốn nhất là Tam Bảo Biện Hoặc Luận. Đây là một tác phẩm ghi lại cuộc đấu tranh gay gắt về mặt tư tưởng giữa ý thức Tống Nho suy tàn và hệ tư tưởng Phật giáo đang lên”
Thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm là một trong những bậc danh Tăng chói sáng nhất trên nền trời Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Ngoài việc thế độ những vị đệ tử hữu danh trên, Ngài còn là bậc giáo thọ sư đã đào tạo nên một thế hệ danh Tăng của Phật giáo Đàng Trong nói chung và thiền phái Chúc Thánh nói riêng. Phần lớn, các bậc danh Tăng đương thời đều quy tụ về chùa Từ Quang để tu học với Ngài như các vị: Toàn Chiếu Bảo Ấn: Trụ trì chùa Thiên Ấn-Quảng Ngãi; Toàn Thái Phước Long: Chùa Linh Sơn-Bình Định; Toàn Ý Phổ Huệ: Khai sơn chùa Phổ Bảo - Bình Định; Toàn Tín Đức Thành: Khai sơn chùa Khánh Lâm - Bình Định v.v…Kể từ khi Ngài khai sơn, chùa Từ Quang trở thành trung tâm tu học của chư Tăng miền Trung từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đạo nghiệp của Ngài vẫn sống mãi với bao thế hệ Tăng Ni chúng ta.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.