Additional Info
Thiền Sư Tiêu Dao (? - ?)
Thiền sư Tiêu Dao là đệ tử của Thiền sư Đại Đăng, thuộc thế hệ thứ tư của sơn môn Yên Tử, đồng thời cũng đắc pháp với Thiền sư Ứng Thuận thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông.
Thiền sư Tiêu Dao hoằng hóa ở tịnh xá Phước Đường, nên còn được gọi là Đại sư Phước Đường.
Hiện không có tài liệu nên chưa biết rõ về quê quán, hành trạng và tư tưởng của Thiền sư Tiêu Dao, nhưng chắc chắn rằng Ngài phải là một danh tăng thạc đức thời bấy giờ, vị Thượng sĩ Tuệ Trung, một thiền giả nổi tiếng đời nhà Trần và cũng là thầy của Sơ Tổ phái thiền Trúc Lâm (Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông), đã hết sức tôn kính Ngài và tôn Ngài như “Phật sống ở trần gian” trong bài thơ “Thượng Phước Đường-Tiêu Dao Thiền sư “ (Trình Thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường) như sau:
Cửu vi phong thể, Kiều kí hoang thôn
Thân tuy thiên ngoại chi sâm thương
Y hữu kính trung chi loan phượng
Nhàn xướng vô sinhchi khúc
Dụng thù pháp nhũ chi ân
Lạm trát già đà
Thượng trình tọa hạ
***
Thân tuy phì độn ngụ hương quan,
Tứ trọng ân thâm vị cảm hàn.
Y chuyết thiều phùng thiêm ý khí,
Tâm khôi cô thủ thốn tâm đan.
Xuân hồi hư đối khai đào nhụy,
Phong khởi không văn kích trúc can.
Đương nhựt đáo gia tham vấn bãi,
Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn.
***
Tạm lai thỉnh vấn cổ chùy thiền,
Tướng mạo kỳ dị tráng thả kiên.
Huệ Khả thân tàm bì tủy ký,
Triệu châu thiên dữ hạc qui niên.
Tu tri thế hữu nhân trung Phật,
Hưu quái lô khai hỏa lý liên.
Trân trọng già đà tùy hứng lễ,
Kỉ đa mạn khước tử nhung thiền.
Tạm dịch:
Kính Trình Thiền Sư Tiêu Dao ở Tịnh Xá Phước Đường.
Từ lâu xa thành thị, ngụ tạm nơi thôn xóm hoang vắng, thân tuy cõi ngoài xa cách, như sao Hôm và sao Mai, nhưng tâm ý vẫn chung bóng như loan và phượng, thanh nhàn hát khúc “vô sinh “, để đền đáp ơn thầy thân tình chỉ dạy, mạn phép dâng lên pháp tòa vài lời thơ:
Thân tuy quê mùa ngụ chốn quê, Bổn trọng ân nào dám lãng quên. Y vụng mong cầu thêm ý mới, Tâm lạnh tro tàn giữ lòng son.
Xuân về lặng ngắm hoa đào nở, Gió động lắng nghe tiếng trúc lay. Hôm trước viếng nhà tham vấn rõ, Nay xin thỉnh khúc đàn không dây.
***
Tạm qua tham vấn Tổ sư Thiền,
Tướng người tráng kiện luôn luôn khoẻ.
Sống như Triệu Châu cùng rùa hạc,
Đạo như Huệ Khả cốt tủy thiền.
Nên hay có Phật trong trần thế,
Đừng lạ sen tươi giữa lửa hồng.
Trân trọng kính dâng bài tụng lễ,
Chỉ riêng lễ mọn chút quà này.
Tịnh xá Phước Đường, nơi Thiền sư Tiêu Dao hoằng hóa, có lẽ cũng nằm trên núi Yên Tử, Thượng sĩ Tuệ Trung tả “Cảnh vật Phước Đường” như sau:
Phước Đường cảnh trí dĩ tức đương,
Lai hữu thiền phong tập tập lương.
Li lạc tiêu sơ trừu duẫn sâm,
Môn đình u thúy tịch tùng hoang.
Vị phùng thời thái hiền nhân xuất,
Thả hỉ lâm thâm thụy thú tàng.
Tảo vãn lão thiên khai Phật nhật,
Thông môn đào lý lộng xuân quang.
Tạm dịch:
Cảnh Vật Phước Đường
Phước Đường cảnh trí chính là đây,
Lại thêm gió thiền thanh mát thay.
Sân lùm bụi rậm then cửa lỏng,
Rào giậu tre thưa búp măng gầy.
Chưa gặp thời cơ hiền nhân xuất,
Núi thẳm khá vui rùa phượng ẩn.
Sớm muộn trời già khai Phật nhật,
Lý đào mở ngõ cánh xuân đầy.
Thiền sư Tiêu Dao bị bệnh, Thượng sĩ Tuệ Trung viết thơ thăm hỏi qua bài thơ “Vấn Phước Đường Đại sư tật”:
Phong thủy đáo thời ba hốt động,
Hỏa tân giao xứ diễm tài sinh.
Phương tri tứ đại nguyên vô tế,
Nhất nhiệm diên lưu kiếm các hành.
Tạm dịch:
Thăm bệnh Đại sư Phước Đường.
Nước gặp gió nhồi liền nổi sóng,
Lửa bắt rơm khô bỗng cháy bùng.
Mới hay tứ đại vốn hư huyễn,
Núi kiếm rừng đao mặc ý tình.
Khi Thiền sư Tiêu Dao viên tịch, Thượng sĩ Tuệ Trung viết bài kệ “Điếu Tiên Sư “:
Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì,
Đảm hoành tất lật cố hương quy.
Thượng đầu đã quá hồ hà hữu,
Nhất cá nê ngưu nhiệm đảo kỳ.
Tạm dịch:
Điếu Tiên Sư
Một khúc vô sinh vừa mới dứt,
Nghiên mình nhẹ bước về quê cũ.
Đầu sào trăm trượng qua rồi hẵn,
Trâu đất thong dong cỡi ngược về.
Qua bài kệ trên, Thượng sĩ Tuệ Trung đã đưa tiễn một bậc giác ngộ trở về quê cũ bất sinhbất diệt. Thiền sư Tiêu Dao có hai đệ tử nổi danh là:
- Thiền sư Huệ Tuệ kế thế trụ trì chùa Vân Yên tiếp nối ngọn đèn pháp của sơn môn Yên Tử.
- Thượng sĩ Tuệ Trung, một cư sĩ nhưng đạt đạo quả, là đệ tử xuất sắc nhất của Thiền sư Tiêu Dao và là người được Sư tổ đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm Đầu Đà) kính trọng như bậc thầy, có thể coi Thượng sĩ Tuệ Trung như bậc Tổ sư của phái thiền Trúc Lâm sau này.
|