Additional Info
Thiền Sư Quang Lư Như Như
(Tổ Quạ)
Thiền sư Như Như , húy Quang Lư, hiệu Hồng Phúc hay Thích Đường Đường, thuộc phái thiền Tào Động đời thứ 45, chưa rõ năm sinh, năm tịch và quê quán, chỉ biết Thiền sư Như Như sống vào thời nhà Nguyễn dưới thời Pháp đô hộ (1858 - 1945), lập chùa Thiên Trúc (ở Hà Nội) và trụ trì tại đây.
Thiền sư Như Như được tên gọi là Tổ Quạ, theo sự tích được kể bằng thơ lục bát như sau:
Thuở xưa có Nguyễn Thế Tôn
Trị vì thiên tử dân an thái bình,
Lòng ta có tổ chứng minh
Ở chùa Thiên Trúc dân tình vẻ vang
Nam nữ tráng thợ vinh quang
Giàu sang đức độ hiếu trung đôi đường
Những khi con bé bận vương
Đi ra ngoài đường cày cấy quanh năm
Đem con gởi tổ trông thăm
Tổ vẽ một vòng một cháu một ô
Chẳng khóc chẳng bậy chẳng xô
Tới giờ tổ gọi môn đồ cho ăn
Cơm ăn chẳng phải hồ đồ
Tổ cho các cháu, quạ xô lại nhiều
Tổ thường bố thí cho đều
Hằng ngày quạ đến càng nhiều càng đông
Tổ đặt tên quạ rất công
Con nào con ấy một lòng tuân theo
Khi ăn tổ gọi một lèo,
Xếp hàng răm rắp, tuân theo lời ngài
Tổ đem ghi chép một loài
Chia ra từng tổ, không sai tí nào
Mật thám dạo cảnh đi vào
Hiên ngang cậy chức quyền cao đó là
Hoạch tổ lại cứ làm sao
Các tên danh sách ghi vào ở đây ?
Tổ rằng thực tế nói hay
Bọn lũ quạ này có hiếu có trung
Vì vậy tôi chẳng phụ lòng
Ghi tên để dạy, theo lòng từ bi
Mật thám tức giận bỏ đi
Đem về báo cáo, vua thì nghe theo
Nghe lời xảo trá nói điêu
Bảo tổ lập điều phản trái nhà vua
Sau về bắt tổ ra tòa
Quạ lớn quạ bé biết là bao nhiêu
Kêu la ầm ĩ rất nhiều
Nhà vua thấy thế khác điều lạ thay
Hỏi tổ, tổ lại trình bày
Nhà vua thấy thế tha ngay cho về
Tổ rằng mọi việc đề huề
Ai bắt tôi về nói lại tôi hay
Khi người nói lại trình bày
Tổ về quạ hết chẳng bay con nào
Thực là công đức biết bao
Ơn sâu đức trọng kể sao cho bằng
Vì vậy tên tổ tiếng tăm
Tên là Tổ Quạ nghìn năm vẫn còn
Bút tích ghi rõ màu son
Ngày nay kỹ niệm chúng con trình bày.
Nguyện xin Tổ chứng tâm này.
Có lầm, có lỗi, Tổ hay xá cùng
Chúng con xin dốc một lòng
Tu hành tới đạo báo ân cho người.
Thiền sư Như Như tịch vào ngày 20 tháng 7 âm lịch, tháp thờ hiệu là Quỳnh Trân.
---o0o---
Chùa Hòe Nhai (Chùa Hồng Phúc)

Chùa Hồng Phúc hay chùa Hòe Nhai ở số 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội, hiện là Tổ đình của phái thiền Tào Động (Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Hòa thượng Thích Đức Nhuận, trụ trì Tổ đình này). Theo tương truyền, chùa được lập từ đời nhà Lý.
Chùa Hòe Nhai xưa kia ở phía Tây bắc kinh thành Thăng Long, phía Nam sông Hồng, gần hồ Hoàn Kiếm, vùng này có trồng nhiều cây hòe, cảnh rất đẹp, vua thường cho các vị tiến sĩ mới đậu kỳ thi đình ra du ngoạn ở đó.
Cổng chùa dựng theo kiểu từ trụ, gồm bốn cột vuông thẳng cao lên. Chùa cất theo kiểu “nội công ngoại quốc”.
Sân chùa có hai tháp của hai vị tổ và hai tấm bia đá. Cổng chùa có cặp câu đối:
- Tào Khê chính phái Nam thiên tuyên cổ nhựt tinh minh.
- Hồng Phúc danh lam Lý đại tri kim đăng Hoàng đế.
Chánh điện là một tòa nhà năm gian rộng lớn, thờ Tam thế Phật gồm nhiều tượng Phật như những chùa khác... Đặc biệt trong chùa có tượng vua Lê sám hối.
Tượng vua Lê Hy Tông đang quỳ, trên đầu và lưng của vua là tượng Đức Phật ngự trên tòa sen.
Tượng này nhắc lại sự tích sau:
Niên hiệu Vĩnh Trị (1676 - 1680), vua Lê Hy Tông tiếp nối chính sách nâng đỡ Nho giáo, triệt hạ Phật giáo của các vua nhà Hậu Lê, vua ra lệnh phế bỏ tăng lữ, đuổi các tăng sĩ về hoàn tục.
Tổ sư Chân Dung-Tông Diễn ở núi Phụng Sơn nghĩ rằng: vua chưa giác ngộ, không ai vén vầng mây đen đang làm mờ ám vầng dương Phật pháp, nên quyết chí đến triều đình để xin vào yết kiến vua, trình bày rõ Phật pháp cao thâm, huyền bí khó lường. Sau khi tiếp xúc với Tổ sư, vua giác ngộ đạo Phật, nên thành tâm sám hối, quỳmọp đội tượng Phật trên đầu.
Sự tích này được kể lại trong bia không có tựa ở chùa Hồng Phúc (bia đá số 13541). Theo sách “Tuyển tập văn bia Hà Nội” có dịch bia này như sau:
“ Kính nghĩ : chùa Hồng Phúc ở thủ đô Hà Nội, là một chùa cổ lừng danh.
Vị tổ thứ nhất là Hòa thượng Thủy Nguyệt...
Tổ thứ nhì là Chân Dung (Tổng Diễn) kế tiếp đèn pháp, kiên trì nối gót.
Gặp thời Vĩnh Trị triều Lê, có lệnh phế bỏ tăng lữ, đức Tổ thứ nhì của ta kiên định một lòng vì Phật, liền nói: “Đạo Phật không vì nhân đạo mà hưng thịnh hay sa sút, phép của vua chân chánh cùng pháp Phật gắn liền như thịt với da. Chỉ vì tâm vua chưa giác ngộ, không ai vén mây đen đang làm mờ ám vầng dương, cho nên đạo Phật khéo tỏ lường, tìm đâu kẻ quét sạch sương mù cho trời thẳm”. Tổ bèn giã từ tòa Phật, thân đến kinh thành Thăng Long viết biểu tấu vua, được vào bệ kiến tại sân rồng. Đạo hoa sen đuợc bày tỏ, pháp Phật được nhuần thấm, cởi mở, cứu phong hóa suy đồi, tăng ánh dương trí tuệ.
Được mệnh vua truyền ở thần kinh mở rộng đạo tràng thuyết pháp, lại sửa sang cữa phạn dùng làm nơi tu dưỡng theo đạo thiền, giúp nước giữ đạo, được vua sắc phong, dấy lên điều đã suy đồi, tiếp nối cái đã dứt, cửa Phật lại được đổi mới một lần nữa.
Quả nhiên kế tục quá khứ, mở rộng tương lai, chốn tùng lâm Hồng Phúc lại chấn hưng, đèn thiền lại ngời ánh lửa, dòng phái Tào Khê truyền dài mãi mãi. Phong trào Phật giáo lại dâng cao cùng núiNùng sông Nhị muôn đời tồn tại, vui thay! Phúc thay! Đẹp thật! Vậy kính cẩn khắc vào bia đá để ghi nhớ không quên.
Năm Phật lịch 2960, sau ngày đản sinh của Thích Ca Như Lai, tức năm Nhâm Thân (1932) tháng 9, ngày hạ tuần.
Trụ trì thiền lâm: Pháp Minh-Dương Tâm Viên soạn
Bài ký việc trùng tu chùa Hồng Phúc được ghi lại trong bia “Danh thùy bất hủ” (Bia danh tiếng lưu truyền không bao giờ mất) như sau:
(.....) Chùa Hồng Phúc ở thành Hà Nội, núi Nùng như vạt áo, sông Nhị như dải lưng, hồ Trúc Bạch chắn ngang, dòng Tô Lịch chảy lại, đây thật là chốn tùng lâm lâu đời của Thăng Long.
Từ khi chùa được dựng tới nay, trải bao triều đại, tiếp tục ánh đèn truyền đạo đã tám đời qua. Nhưng việc hưng phế của đạo Phật không thể tùy theo thế đạo. Mọi việc trong cõi nhân gian, một lần đổ nát, một lần dựng xây, một lần hưng thịnh, một lần suy đồi, thôi chẳng bàn chi.
Khoảng đời Tự Đức triều ta, gặp lúc ngựa đá qua sông, đê Hồng dổi kiếp, mây từ bi đổi sắc, mặt trời trí tuệ lu mờ, tòa chùa to lớn gần như thành hoang vu, người quan tâm đến đạo Phật không thể không vì phong hội của đạo mà thở vắn than dài.
May sao! Đạo (Phật) ta chưa bị sụp đổ, sức người có thể xoay lại cơ trời. Vị Sư tổ thứ chín ra đời, là một vị Bồ Tát hiện thân, tuổi trẻ tu hành, khi lớn đắc đạo, thương cảnh chùa đổ nát, ý nguyện muốn sửa sang, họp người quyên tiền, góp sức lại xây dựng chùa, cũ làm cho mới, hẹp làm cho rộng, trước sau không đầy mấy tháng mà điện Phật, phòng sư, tháp báo, nhà trai và tất cả mọi thức, nay so với trước đã rõ ràng đổi mới.
Than ôi! Sóng dữ đổ xô, ai người ké lại? Nhà to sắp sập, ai kẻ chống lo? Nếu không phải người có phước duyên lớn, nghị lực lớn, sao được kết quả như thế?
Đến Sư tổ thứ mười, muốn hoàn thành việc Sư tổ trước chưa làm xon bèn dựng thêm tòa bái đường và sửa chữa, thay đổi chỗ hư hỏng, làm chùa Hồng Phúc nghiễm nhiên trở thành một danh lam thắng cảnh ở thành Thăng Long (...).
Nói lên công trước, kính khắc vào bia. (...).
Dương Tâm Viên, hiệu Pháp Minh, trụ trì và Giám thị chùa kính ghi.
Ngày tốt, tiết trọng Hạ (tháng 5), năm Nhâm Thân. Bảo đại (1932) Đào Sĩ Nhã, hiệu Nguyên Tấn, quan tỉnh Hưng Yên kính soạn (...).
Ở chùa Hồng Phúc có câu đối đặc biệt như sau:
Hồng Phúc cổ danh lam Tiền Lý Hậu Lê dĩ lịch thiên tài.
Tào Khê Nam chính phái, Tây Thiên Đông độ đồng thứ nhất nguyên.
Qua câu đối tâm bia trên, chúng ta biết được rằng: Chùa Hồng Phúc được lập từ đời nhà Tiền Lý và tồn tại mãi đến thời Hậu Lê, là nơi tiếp nối ngoạn đèn pháp của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng. Đến thời Lê Trung hưng, Tổ sư Thông Giác-Thủy Nguyệt (1636 -?) truyền bá phái thiền Tào Động ở Đàng Ngoài, sau thời gian vân du tu học ở Trung Quốc, từ đó chùa Hồng Phúc trở thành Tổ đình của phái thiền Tào Động ở Đàng Ngoài (Bắc Hà).
Từ Tổ đình Hồng Phúc, phái thiền Tào Động phát triển ở Đàng Ngoài với các thiền sư hoằng hóa các chùa như chùa Trấn Quốc, chùa Bích Động (Ninh Bình), chùa Pháp Vân (chùa Dâu) và ảnh hưởng luôn đến cả chùa Bà Đá (chùa Linh Quang) của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài. Phái thiền Tào Động tiếp nối ngọn đèn pháp của Thiền Tông ở Đàng Ngoài và truyền mãi cho đến hiện nay ở miền Bắc.
Các thiền sư thuộc phái thiền Tào Động trụ trì Tổ đình Hồng Phúc được kế truyền như sau:
1.Thông Giác Thủy Nguyệt - Đạo Nam - Tổ đời 36 Tào Động - kỵ: Mùng 6 tháng 3
2.Tông Diễn - Chân Dung - Đại Tuệ - Tổ đời 37 Tào Động - kỵ: 16 tháng 7 (?1709)
3.Từ Sơn - Tĩnh Giác - Hành Nhất - Tổ đời 38 - kỵ: 14 - 11
4.Tánh Chúc - Thiện Thuận - Đạo Chu: Tổ đời 39 - kỵ: 25 tháng 5
5.Hải Điện - Mật Đa - Viên Thông - Tổ đời 40 - kỵ 3 tháng Giêng
6.Hải Tại - Trí Nhiếp - Tự Tại: Trụ trì đời 40 - kỵ: 07-5
7.Khoan Dực - Thanh Lãng - Đạo Nguyên - Tổ đời 41 - kỵ: 18-2
8.Khoan Giáo - Nhu Hòa - Thiện Căn - Trụ trì đời 41 - kỵ: 8-4
9.Giác Đạo Tuân-Minh Chánh-Thanh Đàm - Trụ trì đời 42 - kỵ:10-10
10.Đạo Sinh - Minh Đạt - Thanh Như - Trụ trì đời 43 - kỵ:13-11
11.Sinh Tính - Thanh Tuyền - Trụ trì đời 44
12.Quang Lư - Thích Đường Đường - Hồng Phúc - Như Như ...- Tổ đời 45 - kỵ: 20-7
13.Chánh Bình - Thích Bình Bình - Vô Tướng - Tổ đời 46 - kỵ: 8-12
14.Tâm Nghĩa-Thích Nhân Từ Trụ trì đời 47 - kỵ:11-9
15.Tâm Viên - Pháp Minh Trụ trì đời 47
---o0o---
BIA “ DANH THÙY BẤT HỦ”
(Bia “Danh tiếng lưu truyền không bao giờ mất”ở chùa Hồng Phúc)
Từng nghe : xưa nay có người phi thường tất có việc phi thường. Mà việc phi thường tất phải đợi có người phi thường mới làm nổi. Nhưng không có người làm trước mình thì dù mình tốt cũng không vẻ vang thêm, không có người làm sau mình, thì dù mình giỏi cũng chẳng được lưu truyền. Cho nên có người trước khởi xướng, lại có người sau kế thừa thì việc tốt thêm rạng rỡ, việc hay được lưu truyền là lý đương nhiên.
Số còn mãi, chùa Hồng Phúc ở Hà Thành, núi Nùng như vạt áo, sông Nhị như đai lưng, hồ Trúc Bạch chắn ngang, dòng Tô Lịch vòng lại, đây thật là chốn tùng lâm lâu đời của Thăng Long.
Từ khi chùa được xây dựng tới nay, trải bao triều đại, tiếp tục ánh đèn truyền đạo đã tám đời qua. Nhưng việc hưng phế của đạo Phật không thể không tùy theo thể đạo. Mọi việc trong cõi nhân gian, một lần đổ nát một lần dựng xây, một lần nổi lên, một lần chìm xuống, thôi chẳng bàn chi.
Khoảng đời Tự Đức triều ta, gặp lúc ngựa đá sang sông, dê hồng đổi kiếp nay từ bi đổi sắc, mặt trời trí tuệ lu mờ. Tòa chùa to lớn gần như thành hoang vu, người quan tâm đến đạo Phật không thể không vì phong hội của tôn giáo mà thở vắn than dài. May sao, đạo ta chưa bị sụp đổ, sức người có thể xoay lại cơ trời. Vị Sư tổ thứ chín ra đời, là một vị Bồ tát hiện thân, tuổi trẻ tu hành khi lớn đắc đạo. Thương cảnh chùa đổ nát, ý nguyện muốn sửa sang, hợp người quyên tiền góp sức xây dựng lại chùa. Cũ làm cho mới, hẹp làm cho rộng. Trước sau không đầy mấy tháng, mà điện Phật, phòng sư, tháp báu, nhà trai và tất cả mọi thứ nay so với trước đã rõ ràng đổi mới.
Than ôi, sóng dữ đã đổ xô, ai người kéo lại, nhà to sắp sập, ai kẻ chống cho? Nếu không phải người có phúc duyên lớn, nghị lực lớn, sao được kết quả như thế?
Đến Sư tổ thứ mười, muốn hoàn thành chí nguyện Sư tổ trước chưa làm xong, bèn dựng thêm tòa bái đường và sửa chữa, thay đổi chỗ hư hỏng, làm cho chùa Hồng Phúc nghiễm nhiên trở thành một danh lam thắng cảnh ở Long Thành. Ôi, ấy là công đức của ai, ấy là công sức của ai ? Từ nay về sau, con cháu tín đồ Phật giáo chúng ta kế thừa cáng đáng ở đây, bước lên chùa này, xem tới bia này, phải nghĩ tới các vị Sư tổ trước đây đã dày công xây dựng làm cho suy lại thịnh, đứt lại nối. Vậy con cháu càng phải bảo vệ thành quả sự nghiệp ông cha, nối chí trước, giữ nếp xưa, không để hỏng nát, càng lâu càng thêm huy hoàng. Không những làm sáng tỏ công đức các sư tổ mài về sau, mà cũng là nối dõi Thiền tông tới ngàn đời. Đó là điều thiết tha mong mỏi vậy.
Nói lên công trước, kính khắc vào bia ( ).
Dương Tâm Viên, hiệu Pháp Minh, trụ trì và giám thị chùa kính ghi. Ngày tốt, tiết trọng hạ (tháng 5) năm Nhâm Thân, Bảo Đại (1932) . Đào Sĩ Nhã, hiệu Nguyễn Tấn thần tỉnh Hưng Yên kính soạn ( )
(Trích sách “Tuyển tập văn bia Hà Nội”, quyển 1 - Nxb Khoa học xã hội - Hà Nội, 1978).
|