TS Tánh Hoạt Huệ Cảnh

Personal Information

Danh Tánh
TS Tánh Hoạt Huệ Cảnh - Ðời Thứ 39 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 5 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Tánh Hoạt Huệ Cảnh (1798 - 1869)
Chùa Tường Vân - Huế

Hòa thượng người họ Lê, nguyên quán La Chử, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ngài sinh năm Mậu Ngọ (1798). Đồng chơn nhập đạo, thế độ tại chùa Hàm Long Thiên Thọ với Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh. Hòa thượng được Pháp húy là Tánh Hoạt. Nguyên đọc là Tánh Khóat, nhưng kỵ húy tên của Đại Việt Quốc vương Nguyễn Phúc Khóat, nên viết thêm bộ chấm thủy bên chữ Khoát và đọc là Hoạt1Nguyễn Lê Châu, Mối giao tình giữa Thiền sư Huệ Cảnh (1798-1866) với Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870). Tập Văn Phật Đản, PL 2538. , tự là Đức Giai. Năm Gia Long thứ 15 (1816), Hòa thượng Phổ Tịnh viên tịch. Lúc đó Ngài mới 18 tuổi, phải theo chúng tu học ở chùa Báo Quốc. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Ngài đến cầu Pháp với Hòa thượng Tế Chánh Bổn Giác, Tăng Cang chùa Thiên Mụ. Ngài được Hòa thượng ban Kệ phú Pháp:
是 法 本 來 如 是 法
無 名 展 轉 強 安 名
汝 今 了 性 無 言 說
始 覺 如 玆 慧 鏡 明。
Phiên âm:
Thị pháp bổn lai như thị pháp,
Vô danh triển chuyển cưỡng an danh.
Nhữ kim liễu tánh vô ngôn thuyết?
Thí giác như tư huệ cảnh minh.
(Nguyễn Lê Châu dịch)
Pháp ấy xưa nay như pháp ấy,
Không tên triển chuyển gượng nêu tên.
Nay ông rõ tánh không ăn nói,
Gương tuệ như vầy mới biết nên.
Tánh tình Ngài “điềm đạm cao nhã, khéo tự hộ trì. Nhiều người cầu đạo cần khổ đến thưa hỏi, Ngài liền chỉ dạy cho họ, bằng cách ''tức thì tạ khách mời ra'' mà thôi. Ngài thường ngồi như cây khô, tro lạnh; lặng lẽ không nói, để cho những ai tới tham thỉnh có thể có cơ duyên thông suốt được lẽ huyền vi, bằng cách Ngài chỉ dạy gián tiếp như vậy”.
Khi lãnh Kệ phú Pháp, Ngài lại được Pháp danh là Liễu Tánh, tự Huệ Cảnh; thuộc dòng Kệ của Tổ Vạn Ủy Thời Phong, thế thứ 37 của dòng Kệ “Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chơn Không” này .
Ngài có một người bạn rất tâm đắc là Tùng Thiện Quận Vương, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng. Năm Quý Sửu (1853) Vương bị bịnh, Ngài cho thị giả đến thăm, Vương viết một bài thơ gởi lên dâng Thiền sư. Ngài liền phúc đáp rằng: “Ngài bị bịnh. Lão Tăng cũng bị tật. Tật bịnh không hai. Bốn tướng làm một”.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), Ngài được Tống thị cầu thỉnh về làm tọa chủ chùa Trường Phước. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), Ngài được vua Thiệu Trị cử làm Trú trì quốc tự Thánh Duyên. Đến năm Tự Đức thứ ba (1850), Ngài được 52 tuổi đời, nhưng đã có vẻ già, nên vua cho về nghỉ. Đại sư về lập am cỏ Tường Vân ở phía trái núi Dẫn Khiêm. Đạo phong của Ngài cao vòi vọi, nên cả Tùng Thiện Quận Vương lẫn Tuy Lý Quận Vương là hai đại thi hào đời Tự Đức đều mến mộ .
Đệ tử xuất gia được Ngài thế độ có đến 14 vị thế thứ đứng hàng chữ "Hải" bởi vì Ngài vẫn theo dòng Kệ Liễu Quán mà Bổn sư là Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh đã ban cho, chứ không theo Pháp húy của y chỉ sư là Tế Chánh Bổn Giác đã trao Kệ phú Pháp. Đệ tử được Đại sư truyền y bát và phó Kệ là Đại sư Hải Toàn Linh Cơ. Kệ của Ngài trao cho đệ tử như sau:
靈 機 妙 覺 在 心 王
水 海 全 清 見 月 彰
一 切 眾 生 皆 佛 性
因 由 不 悟 洛 邊 方
Phiên âm:
Linh cơ diệu giác tại tâm vương,
Thủy hải toàn thanh kiến nguyệt chương.
Nhất thiết chúng sanh giai Phật tánh,
Nhân do bất ngộ lạc biên phương.
(Nguyễn Lê Châu dịch)
Thiêng liêng then chốt tại Vua Tâm,
Biển lớn mà trong rõ nguyệt rằm.
Hết thảy chúng sinh đều tánh Phật,
Chỉ vì chẳng ngộ, lệch phương tầm.
Ngày 13 tháng 4 năm Tự Đức thứ 19 (1869), buổi sáng Ngài vẫn thượng đường dạy bảo môn đồ và chỉ định đệ tử xuất sắc Hải Toàn Linh Cơ kế thế làm tọa chủ Tường Vân thảo am. Nhưng, đến giờ Ngọ hôm đó, Ngài viên tịch. Tháp Ngài được môn đồ xây phía trái của am. Về sau, Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ đã đem thảo am của Bổn sư về hợp với am cỏ của Hòa thượng Tánh Huệ Nhất Chơn, Pháp lữ của Bổn sư để dựng nên chùa Tường Vân hôm nay. Tên chùa là tên thảo am của Ngài Tánh Hoạt Huệ Cảnh, đất là đất thảo am của Ngài Tánh Huệ Nhất Chơn. Chỗ thảo am Tường Vân cũ được Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ nhường lại cho Tùng Thiện Quận Vương làm chỗ dưỡng già. Bốn năm sau (1870) Tùng Thiện Vương cũng từ trần. Cho nên hiện nay, tháp mộ Ngài Huệ Cảnh lại ở gần lăng mộ của Tùng Thiện Vương.
Ngoài 14 vị đệ tử đắc Pháp, thì còn khoảng 40 vị được Ngài thế độ, cho Pháp danh, Pháp tự. Trong 14 vị đệ tử đắc Pháp, chúng tôi chỉ nói đến 3 vị, mà vị thượng thủ là Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ về sau có được 12 đệ tử, mà Hòa thượng Thanh Thái Phước Chỉ là thượng túc.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.