Additional Info
Giới Thiệu Con Người Và Sự Nghiệp Thiền Sư Tánh Quảng
TK Thích Đồng Dưỡng
Thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều (1694 - 1768) là một tác gia lớn của văn học Phật giáo thời Lê Trịnh. Thiền sư biên soạn một số tác phẩm có giá trị học thuật, giúp ích cho công việc nghiên cứu văn học, lịch sử, tư tưởng giai đoạn Phật Giáo thời Hậu Lê. Nhiều tác phẩm như Phật Quốc Ký truyện, Nam Tuần quốc ngữ khúc, Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi, Ni bát kính pháp phương ngôn đã được khắc in. Còn Sa di ni quốc ngữ được đưa vào sách Hành trì tập yếu chư nghi. Chưa nói đến một số bài tựa, bài ký khắc vào văn bia lưu truyền ở các chùa mà thiền sư được mời biên soạn.
Có một số nhà nghiên cứu chỉ mới biết tên một số tác phẩm, chưa rõ hành trạng của ngài. Tiêu biểu là công trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập 2 của Liên tổ văn học Việt Nam, Trường Đại Học Sư Phạm chỉ nhắc đến tác phẩm Phật Quốc ký truyện và một lời nhận xét nhỏ. Ông Hoàng Xuân Hãn có sử dụng chữ nôm trong Phật Quốc ký truyện để so sánh với một số tác phẩm đương thời. Cho đến công trình Di Văn Chùa Dâu có đụng chạm đến ván khắc cùng bản in Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi của thiền sư Tính Quảng. Những nhược điểm trên đây đã thúc đẩy chúng tôi công bố bài viết nhỏ nhằm giới thiệu con người và sự nghiệp thiền sư Tính Quảng. Công việc của chúng tôi là bước đầu thu thập tư liệu, giới thiệu hành trạng cùng các tác phẩm của thiền sư.
1. Tiểu Sử Thiền sư Tính Quảng (1694 - 1768)
Các tư liệu chữ Hán có liên quan đến hành trạng thiền sư Tính Quảng rất nhiều. Chúng tôi sử dụng hai văn bia do chính học trò của thiền sư lập ở hai ngôi tháp. Một bài văn bia Thời Vũ Tháp Thiên Ân Tự Khai Sáng Tổ Sư Thực Lục (sau đây gọi tắt là Thực Lục) do sư Hải Trí soạn được tạc trên tháp Thời Vũ[1] và Thiền Phong Tháp Ký do thiền sư Hải Khâm Thân Thân soạn được tạc trên tấm đá gắn trên thân tháp Thiền Phong tại chùa Bụt Mọc - Bắc Ninh. Hai tư liệu này có độ chính xác khá cao, có thể bổ sung cho nhau. Ngoài ra, Thiền Uyển Truyền Đăng Lục ghi lại thế hệ truyền thừa tông phái Cầm Sơn.
Thiền sư Tính Quảng sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho học, bố họ Nguyễn, mẹ họ Lê. Ngài quê ở xã Phúc lai[2], huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc, nay thuộc thôn Phúc Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đạo hiệu của ngài là Thích Điều Điều, tôn xưng là Thượng Đức Tổ Sư, tự xưng là Vô Vật Sa-môn, Hối Tích Tăng, Hối Tích Lão Phu, Tử Trầm Lão Nhân.
Trước lúc mang thai, mẹ ngài nằm mộng thấy ấn lớn[3]. Thực Lục chép: “khi ngài sinh có điềm lạ, ban đêm ánh sáng đầy nhà”. Ngài sinh giờ Tuất, ngày 14 tháng 4 năm Giáp Tuất (1694)[4]. Ngài còn nhỏ không khóc, ba tuổi thường đi chơi cảnh chùa[5].
Năm 6 tuổi[6], cha mẹ cho đi học, ngài thông minh dĩnh ngộ, học biết hơn người.
Năm Nhâm Thìn (1712)[7], gặp lúc dịch bệnh, thiền sư vào ngụ tại chùa Phúc Khánh[8], thường nghe thiền sư Tịnh Niệm ngâm bài kệ Chỉ giá sắc thân mà ngộ đạo. Lúc 19 tuổi, Ngài xin xuất gia với hòa thượng Tính Giác Như Nghiễm [9] thụ học đạo nghiệp, theo thầy hầu hạ được 3, 4 năm.
Năm Đinh Dậu (1717), ngài xin thầy du phương tham học, tìm thầy hỏi bạn, xa nghe thiền sư Như Văn (1655-1724) đang hành đạo ở chùa Quang Khánh[10], huyện Kim Thành bèn đến qui tông tham cầu tâm yếu. Sau khi đắc chỉ, ngài phát nguyện thụ giới cụ túc với thiền sư Vô Trụ[11].
Năm Nhâm Dần (1722), thầy trò cùng lên kinh ứng thí, tổ sư Như Văn được ban chức Tăng Phó, còn thiền sư thì được cấp độ điệp hành đạo[12]. Năm sau, thiền sư chính thức nhận điệp trụ trì chùa Diên Phúc thôn Phí Gia [13]. Thiền sư ở đây hành hóa rất được lòng dân, tiếp nhận học trò. Trụ trì được một năm (1724) thì bản sư Như Văn viên tịch, Tính Quảng về lo tang lễ cho thầy.
Năm Bảo Thái 7 (1726), tưởng nhớ đến công ơn thầy tổ đã giáo dưỡng mình, thiền sư Tính Quảng đứng in Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, trong đó cung tiến cho thiền sư Như Văn, lúc này thiền sư chưa thụ giới cụ túc, chỉ còn sa di[14].
Năm Canh Thân (1740) giặc nổi lên khắp nơi, nhận thấy nơi đây chưa được yên bình hành đạo, thiền sư dẫn học trò lên Kinh ngụ tại chùa Nga Mi cùng đạo hữu Tính Hài. Năm Tân Dậu (1741), quốc mẫu cho về trụ chùa Phổ Quang[15].
Năm Nhâm Tuất (1742), ngài muốn về Sơn Tây làm bài kệ tạ ơn đạo hữu, sau đến trụ chùa Hoa vân, An Sơn.
Năm Quí Hợi (1743) ngài ở chùa Phàn Long. Năm Giáp Tý (1744), ngài kết hạ an cư trên núi Tử Trầm. Năm Ất Sửu (1745), lên chùa Khánh Vân, Phú Ổ. Năm Mậu Thìn (1748), ngài trở lại núi Tử Trầm kết am lập Viện Thiền Phong. Từ đó, sư tu hành khắc khổ, giới hạnh tinh nghiêm, không mong cầu danh lợi, đạo đức hoàn bị, tăng ni vân tập học đạo rất đông, sau này trở thành những bậc long tượng trong thiền môn cũng một bề giáo hóa của sư.
Năm Ất Hợi (1755), thôn miếu thỉnh sư trụ trì chùa, động Long Tiên.
Năm Bính Tý (1756), đạo tràng Hải Dương thỉnh ngài về chùa Kim Âu, Việt Khê. Năm Đinh Sửu (1757), quận phu nhân họ Đặng thỉnh sư trở về Tử Trầm. Trong thời gian tại núi Tử Trầm thiền sư đã cho khắc in các tác phẩm như Hộ Pháp Luận[16], Thủy Sám Bị Giản, Kim Cương Quyết Nghi, Bát Nhã Trực Thuyết, Pháp Hoa Phẩm Tiết[17]. Đến năm Kỷ Mão (1759) thiền sư cho phân phát lưu thông.
Đến năm Giáp Thân (1764) thiền sư được 71 tuổi, lúc này đạo phong ngài lan tỏa khắp nơi, dân làng Phúc Lai bèn đến viện Thiền Phong cung thỉnh ngài hồi hương sáng lập tự viện để nhân dân có chỗ tu học. Sư nghĩ rằng Phúc Lai chính là nơi mình sinh ra và trưởng thành, nếu lập chùa chính là nền tảng muôn đời. Do thế, thiền sư không từ thân mệt mỏi mà nhận lời thỉnh cầu.
Năm Ất Dậu (1765) thiền sư dẫn đồ chúng về quê, còn một số đệ tử ở lại trông coi viện Thiền phong. Lúc đầu, thiền sư bỏ tiền ra lo mua những gỗ tốt, cưu công tạo lập tiền đường, thiêu hương, thỉnh tôn tượng về an vị, cho trồng cây xung quanh tạo nên một già lam trang nghiêm, đặt tên là Thiên Ân tự[18], lập viện Thời Vũ, đào tạo đồ chúng.
Công thành hạnh mãn, thiền sư thị tịch giờ Dậu, ngày 13 tháng 5 năm Mậu Tý (1768), thọ 75 tuổi. Theo lời dặn dò của sư, đệ tử để trong ba ngày, sau đó trà tỳ thu xá lị dựng tháp Thời Vũ phía nam chùa, hương hỏa phụng thờ. Theo Thiền Phong tháp ký cho biết, sau khi làm lễ trà tỳ chia xá lị, những học trò của thiền sư như Hải Thuần, Hải Khâm, Hải Uyển, xin thỉnh một phần đem về chùa Bảo Quang (Bụt Mọc) – Bắc Ninh lập tháp, an lập tên là Thiền phong tháp. Tháp Thiền Phong xây xong vào năm Canh Dần (1770). Tại chùa Trầm hiện nay có một ngọn tháp lưng chừng núi mang tên “Hối Tích Tháp”, chúng tôi cho rằng tháp này được các học trò lập ra để tưởng nhớ công ơn của ngài.
2. Sự Nghiệp văn học của thiền sư Tính Quảng
Hiện nay, tác phẩm của thiền sư Tính Quảng đã được Lê Mạnh Thát trong Tổng Tập Văn Học Phật Giáo, tập 1 cho đưa lên phần dự kiến công bố. Các tác phẩm như sau:
- Tam tổ thực lục
- Phật quốc ký
- Sa di ni học pháp oai nghi quốc âm
- Hiến cổ châu Phật tổ nghi
- Văn bia và một số bài tựa[19]
Nhìn vào danh sách do Lê Mạnh Thát dẫn ra vẫn còn thiếu mấy tác phẩm. Trong quá trình tìm đọc, sưu tầm các tư liệu hán nôm, chúng tôi được tiếp xúc một số tác phẩm của các thiền sư Việt Nam, trong đó xuất hiện nhiều tác phẩm của thiền sư Tính Quảng.
Trong một chuyến điền dã tại chùa Khê Hồi, chúng tôi phát hiện trong chùa còn lưu trữ một tủ ván khắc. Được sự cho phép của nhà chùa, chúng tôi bắt đầu phân loại bản gỗ và nhận thấy có một số bộ ván có giá trị. Phát hiện được một tấm có đề Thiện Tài Nam Tuần Ngũ Thập Tam Tham Khúc Dụng Quốc Ngữ trên gáy ván đề Nam tuần quốc ngữ khúc. Các bản ván này nằm trong bộ ván Văn Thù chỉ nam đồ tán. Khi cho in dập, mới nhận ra bản Nam tuần quốc ngữ khúc chính là bản dịch lại sách Văn thù chỉ nam đồ tán. Qua khảo sát bài tựa, chúng tôi mới biết đây là bản dịch theo thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Tính Quảng. Tác phẩm chiếm 7 tờ và 1 tờ bài tựa. Bài tựa cho biết thiền sư Tính Quảng ủy thác cho Thanh Lương sa môn Hải Tràng Thích Ẩn Ẩn viện Pháp Đăng, chùa Bảo Khánh, xã Quảng Bố, huyện Lương Tài đứng in. Văn bản không ghi lại năm in sách. Theo văn bia Trùng tu công đức bi ký cho biết năm Giáp Thân (1824) thiền sư Từ Hòa Chiếu Thường (1765-1840) cho san khắc các kinh sách như Truy Môn Cảnh Huấn, Minh Ty Tướng Công, Văn Thù Chỉ Nam, Tây Phương Công Cứ. Bộ ván này được chùa Khê Hồi khắc lại vào năm 1824, nhưng hiện chưa tìm được sách in từ bộ ván.
Phật Quốc Ký Truyện in năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) do đệ tử Hải Soạn Thích Thời Thời trùng san, Hải Khâm Thích Thân Thân viết tựa, thiền sư Hải Luật Vô Biệt đính chính nhuận văn, thiền sư Hải Hựu chùa Pháp Ấn viết chữ khắc in, ván giữ tại chùa Thiên Ân, Phúc Lai. Theo tờ 1a cho biết tác phẩm được thiền sư Tính Quảng phiên quốc âm ngày 23 tháng 3 năm Canh Ngọ (1750). Bản của chúng tôi thiếu mất mấy tờ bài tựa, chỉ còn lại tờ cuối, phần nội dung chiếm 53 tờ, trong đó có một trang cuối là phụ bạt do chính sư viết. Phần cuối gồm 8 tờ ghi lại danh sách thập phương tín cúng. Văn bản này in theo hai loại chữ, chữ nôm được khắc in lớn, chữ hán chú thích được khắc in cở nhỏ. Sau đây, chúng tôi trích một vài câu đầu nói lên duyên khởi như sau:
“Cảnh hưng thuở thập nhất niên
Quí xuân tiết ấy dịch phiên truyện này
Tử Cầm hiệu núi đó nay
Thiền Phong là viện bút rày chép biên
Thấy trong Phật Quốc Ký truyện
Có thầy Pháp Hiển ở miền Trường An
Xuân đài Hoằng Thủy nhị niên
Vừa năm Kỷ Hợi dân an thái hòa
Đâu đâu hưng vượng thiền gia
Thiên trường địa cửu âu ca vui vầy”
Sa Di Ni Học Pháp oai Nghi Quốc Âm được in trong Hành Trì Tập Yếu Chư Nghi, chùa Yên Ninh tàng bản. Văn bản chiếm từ tờ 110 đến tờ 115a, bao gồm 200 câu thơ lục bát và một bài kệ nôm theo thể tứ tuyệt. Đây là một thể loại diễn nôm dựa theo tư liệu chữ Hán là Uy nghi hữu thất thập sự (uy nghi có 70 điều) trong Sa Di ni uy nghi.
Viện Nghiên Cứu Hán Nôm còn lưu trữ một tập văn bản bao gồm một số tác phẩm như Phật Thuyết Nhân Quả Bản Hạnh, Tây Phương Tịnh Độ Ca, Ni Bát Kính Pháp Phương Ngôn, Đạt Na Thái Tử Hạnh, Lí Sự Dung Thông, Giới Thần Bản Hạnh (kí hiệu AB. 177). Hầu hết tác phẩm của các tác giả người Việt. Trong đó, Ni bát kính pháp phương ngôn của thiền sư Tính Quảng được khắc in năm Gia Long thứ 3 (1804). Cuối bài tựa, sau lạc khoản niên đại có ghi rõ: “Long Châu am Hối Tích sa môn Tính Quảng Điều Điều soạn”. Bản in gồm 5 tờ, một tờ bài tựa, 3 tờ mang nội dung chính và một tờ in phụ thêm bài Cổ đức khuyến niệm phật kệ phương ngôn của thiền sư Tính Quảng. Trong khi dập các ván khắc tại chùa Bổ, chúng tôi tìm được bộ ván Nhật Tụng nơi đây và có in kèm bản Ni bát kính pháp phương ngôn. Bản này in giống như bản AB. 177 nhưng niên đại thì cổ hơn tức năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744). Đây có thể là bản in đợt đầu tiên khi tác giả còn sinh tiền và ván in Nhật tụng của Bổ đã in nguyên lại bản in đợt đầu này.
Hai tác phẩm nôm Sa Di Ni Học Pháp Oai Nghi Quốc Âm và Ni Bát Kính Pháp Phương Ngôn là hai tư liệu học tập dùng cho ni giới mới đầu Phật xuất gia. Trong bài Lược dẫn bát kính pháp tự cho biết: “Nay ta thấy đất này phần nhiều người nữ xuất gia nên lấy pháp đó thuật làm phương ngôn (chữ nôm)”. Như thế, có thể thiền sư Tính Quảng có khá nhiều những học ni đến tham học nhân đó, sư mới dịch các tư liệu này ra chữ nôm cho dễ học tập.
Tam Tổ Thực Lục hiện nay được lưu trữ tại Viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu A. 786 đã bị rách phần cuối các trang ở bài tựa. Chúng tôi còn tìm thấy một bản nữa tại chùa Hói - Hải Dương còn nguyên được đóng với Thiền Uyển Tập Anh, cũng in vào thời Lê trung hưng. Sách được sa di Hải Sung (海充)[20] trụ trì Bổ Đà mộ duyên trùng san khắc in năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 (1765), bản lưu tại chùa Lân Động, núi Yên Tử. Theo bài tựa sách Tam tổ thực lục chép: “May còn bản cũ Thánh đăng lục trích ra cùng lược sao bia cổ chùa Hương Hải, phía sau in phụ Thiền đạo yếu học để tiện quan lãm, cho đến Trúc Lâm Tự Tổ Bản Hạnh biên tập thành một sách, đầu cuối ngôn ngữ chu toàn vậy”[21]. Qua bài tựa và sự kiểm chứng của các nhà nghiên cứu cho thấy sư Tính Quảng lấy truyện vua Trần Nhân Tông trong sách Thánh Đăng lục làm truyện đầu, sau đó lược sao bia chùa Hương Hải tức chép truyện thiền sư Pháp Loa rồi in thêm Thiền đạo yếu học, phần truyện tổ Huyền Quang thì lấy tư liệu Trúc Lâm tự tổ bản hạnh. Góp ba phần truyện đó trở thành một tập sách biệt lập là Tam Tổ thực lục. Thực ra, đây là công việc vừa biên tập vừa bảo tồn thư tịch cổ thời Lý Trần của thiền sư Tính Quảng.
Bản Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi, in năm Quang Trung 5 (1792), ván khắc được bảo tồn tại chùa Dâu, đã được công bố trong Di Văn Chùa Dâu[22].
Thiền sư soạn lại Cúng Đông Đô thủy tổ khoa tức khoa cúng cho thiền sư Chuyết Công. Văn bản được đóng thành một tập, bao gồm một số khoa cúng tổ, thứ tự như sau: “Tiêu sơn Thiên Tâm cúng tổ khoa, Cúng Đông Đô thủy tổ khoa, Cúng tổ khoa (Đại Tráng thủy tổ), Cúng Linh sơn Đại Tráng tổ khoa, Phương tiện cúng tổ sư khoa, Cúng gia tiên khoa”. Như thế, có tất cả 6 khoa cúng, bao gồm khoa cúng tổ chùa Tiêu, khoa cúng tổ chùa Phật Tích, 2 khoa cúng tổ chùa Linh Sơn-Đại Tráng tức cúng thiền sư Tịch Mẫn, Đạo Thuận, còn hai khoa cúng tiếp chỉ thông dụng trong các chùa. Cúng Đông Đô Thủy tổ khoa được soạn năm Cảnh Hưng Giáp Thân (1764) do lời mời của hòa thượng chùa Kim Liên, huyện Thọ Xương nên sư chấp bút soạn khoa. Không biết vì lí do gì mà khoa cúng này lại xuất hiện tại chùa Tiêu?
Như thế, thiền sư Tính Quảng để lại 7 tác phẩm được viết bằng hai ngôn ngữ Hán và Nôm như sau:
1. Phật Quốc Ký Truyện
2. Nam Tuần Quốc Ngữ Khúc
3. Sa Di Ni Học Pháp Oai Nghi Quốc Ngữ
4. Ni Bát Kính Pháp Phương Ngôn
5. Tam Tổ Thực Lục
6. Hiến Cổ Châu Phật Tổ Nghi
7. Cúng Đông Đô Thủy Tổ Khoa
Trong khi đó, tại một số tủ sách các chùa còn tìm thấy một số bài tựa, dẫn được in trong các kinh sách Phật Giáo. Chúng tôi thống kê như sau:
1. Trùng Tuyên Lăng Nghiêm Chính Mạch tự viết năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738). Chùa Bổ Đà tàng ván, khắc in lại năm
2. Trùng Tuyên Thánh Đăng Ngữ Lục tự viết năm Cảnh Hưng 21 (1750). Bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A. 2569.
3. Trùng Tuyên Hộ pháp luận Tự Dẫn viết năm Cảnh Hưng 15 (1754). Chùa Đọi tàng ván, bản in lại năm Tự Đức thứ 11.
4. Chư Kinh Nhật Dụng Tự viết năm Cảnh Hưng 26 (1765) tại viện Thời Vũ, chùa Phúc Lai. Bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 313.
5. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Phẩm Tiết viết năm Cảnh Hưng 29 (1768) tại viện Thời Vũ, chùa Phúc Lai. Bản in lại vào năm Bảo Đại thứ 2, chùa Đa Bảo tàng bản.
Tại một số chùa thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng còn bảo lưu nhiều văn bia do thiền sư soạn. Một số văn bia hiện mất, may nhờ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp dập trước năm 1945 nên chúng tôi sử dụng thác bản này. Các bài văn bia được chúng tôi thống kê dưới đây:
1. Qui Tông Tháp viết năm Vĩnh Khánh thứ 1 (1730) tại chùa Diên Phúc. Thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm.
2. Dương Nham Động Tân tạo Đại Quán Âm Bồ Tát Tứ Thập Nhị Tý Khắc Thạch Ký Tịnh Tự viết năm Long Đức thứ 2 (1733) tại chùa Diên Phúc, xã Phí Gia. Thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 4097.
3. Trung Đạo Tháp Ký viết năm Vĩnh Hựu thứ 1 (1735) tại chùa Diên Phúc. Văn bia được tạc trên tháp Trung Đạo chùa Đống Cao, Hải Dương.
4. Tâm Hoa Tháp viết năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) tại chùa Diên Phúc. Văn bia được tạc trên tháp Tâm Hoa chùa Bút Tháp.
5. Thừa Bình Tháp Ký Tịnh Minh viết năm Cảnh Hưng 17 (1756) tại viện Thiền Phong. Văn bia được đặt trên tháp Thừa Bình, chùa Dâu, Bắc Ninh.
6. Tịnh Hạnh Tháp Ký Thật Lục Tịnh Minh viết năm Cảnh Hưng 18 (1757). Văn bia được tạc trên tháp Tịnh Hạnh chùa Muống, Hải Dương.
7. Liên Phương Tháp Ký viết năm Cảnh Hưng 18 (1757). Văn bia được tạc trên tháp Liên Phương chùa Muống, Hải Dương.
8. Quang Thông Tháp Ký Tịnh Minh viết năm Cảnh Hưng 19 (1758) tại viện Thiền Phong. Văn bia được đặt trên tháp Quang Thông, chùa Bảo Khánh, Bắc Ninh.
9. Thắng Quả Tháp Ký Tịnh Minh viết năm Cảnh Hưng 21 (1760) tại viện Thiền Phong. Thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 7936.
10. Lãm Sơn Bảo Quang Tự Báo Ân Tháp Ký Tịnh Minh viết năm Cảnh Hưng 34 (1773) tại viện Thiền Phong. Văn bia tại chùa Bụt Mọc, Bắc Ninh.
11. Hậu Phật Tự Ký viết năm Cảnh Hưng 38 (1777) tại chùa Thiên Ân. Thác bản Viện nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 4437.
12. Hậu Phật Bi Ký / Lưu Truyền Vạn Đại được tạc vào đá năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793), tại chùa Bảo Khánh, xã Quảng thọ, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Thác bản viện nghiên cứu hán nôm, kí hiệu 6356, 6357
13. Linh Quang Tháp Minh lập năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753). Văn bia tạc trên thân tháp Linh Quang, chùa Miểu, Hải Phòng
14. Diên Quang Tháp Ký Tịnh Minh lập năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763). Văn bia đặt trên thân tháp Diên Quang, chùa Miểu, Hải Phòng.
Như thế, chúng ta chỉ mới sưu tầm được 5 bài tựa, lời dẫn trong các kinh sách và 14 văn bia. Đây là một tư liệu quí có nhiều giá trị văn học, sử học. Thông qua các bài tựa, chúng ta có thể biết được công việc khắc in các kinh sách. Điểm nổi bật là thiền sư ghi lại xuất xứ các văn bản, tìm ra một bản tốt để sử dụng trong công việc khắc ván.
Thiền sư viết nhiều bài ký, minh được khắc trên bia đá, nhiều văn bia được tạc trên các ngôi tháp đá ghi lại hành trạng các vị thiền sư đương thời. Nếu đem so sánh với công trình Kế Đăng Lục của thiền sư Như Sơn, phương pháp ghi chép hành trạng của ngài có phần tiến bộ, nhất là ghi rõ hành trạng từng vị. Sau phần nội dung, Tính Quảng còn viết một bài minh ca ngợi công đức của các bậc đại sư. Bài minh này tóm tắt lại tiểu sử mà ông đã đề cập trước đó. Một phần không thể thiếu đối với hành trạng là ghi lại mục Truyền Đăng Lục, tức ghi chép nguồn gốc tông môn, cùng danh sách đồ đệ và người người kế đăng. Điều đó, giúp cho các nhà nghiên cứu thiền tông Việt Nam có điều kiện viết lại phổ hệ truyền thừa cùng sự hiểu biết chi phái trong thiền tông.
Ngoài sự nghiệp văn học, thiền sư Tính Quảng còn đứng in một số kinh sách như Hộ Pháp Luận, Thủy Sám Bị Giản, Kim Cương Quyết Nghi, Bát Nhã Trực Thuyết, Pháp Hoa Phẩm Tiết, Chư kinh nhật tụng. Hiện nay, tại thư viện Hán Nôm còn có các bản in như Pháp Hoa phẩm tiết, Hộ Pháp Luận[23], Lăng Nghiêm Chính Mạch, Chư kinh nhật tụng. Khi thiền sư Như Văn viên tịch, ngài cùng đồng đạo đứng in Duy ma Cật sở thuyết kinh để truy tiến cho bản sư.
3. Thiền sư Tính Quảng và truyền thừa tông Lâm Tế
Theo Thực Lục ghi chép tông phái thiền sư kế đăng như sau: “Thủy tổ Viên Văn Chuyết Công Hòa Thượng truyền Minh Lương Mãn Giác Hòa Thượng; truyền Chân Hiền Liễu Nhất Hòa Thượng truyền Như Văn tăng phó sa môn; truyền Tính Quảng Hối Tích sa môn truyền đến các pháp tự”[24]. Đây là một chi của thiền phái Lâm Tế miền Bắc. Theo thiền sử cho biết thiền sư Chuyết Công Viên Văn (1590 - 1644) người Trung Quốc sang hành đạo tại Đại Việt. Lúc đầu, sư dừng chân tại Đàng Trong, sau theo sự thỉnh mời, thiền sư tiếp bước vân du ra Đàng Ngoài, trú lại thành Thăng Long, rồi phục hưng chùa Phật Tích, xây dựng chùa Bút Tháp. Lấy hai đạo tràng Phật Tích và Bút Tháp làm trung tâm điểm, thiền phái Chuyết Công bắt đầu truyền xuống Tứ trấn.
Chuyết Công có vị đệ tử là thiền sư Minh Lương, trụ trì chùa Vĩnh Phúc trên núi Phù Lãng. Nhánh phái của thiền sư Minh Lương phát triển mạnh. Từ Phù Lãng, hai thiền sư Chân Nguyên, Chân Hiền kế nghiệp trụ trì Long Động, Hoa Yên thuộc núi Yên tử. Hai vị sư này hòa nhập phái mình với thiền phái Trúc Lâm, tạo nên một phái mà phần cuối sách Tam tổ thực lục ghi là phái Trúc Lâm Lâm Tế[25]. Tại Hoa Yên, thiền sư Như Văn (1655 - 1724), đệ tử của thiền sư Chân Hiền đã nhận trụ trì chùa Muống, Hải Dương. Tại đây, sư ra sức xây dựng đạo tràng, vân tập đồ chúng. Chính thiền sư Tính Quảng từ Bắc Ninh xuống đây thụ học. Theo Phúc Điền trong Thiền Môn Tu Trì Kinh Chú Luật Nghi Phần Chư Tổ Kế Đăng cho biết sư Tính Quảng sau khi về Tử Trầm, định cư tu tập đã mở đạo tràng thu nhận đồ chúng giảng dạy Phật Pháp. Nhiều thiền sư đã đến tham học, sau đi các nơi hành đạo, tạo nên một một chi phái mới, gọi là phái Cầm Sơn.
Theo Thực Lục, mục Tự Pháp Đệ Tử ghi lại đệ tử xuất gia như sau tỳ kheo Hải Soạn, Hải Phạn, Hải Thắng, Hải Dật, Hải Trí, Hải Hồng, Hải Từ, Hải Trình, Hải Tràng, Hải Luật, Hải Thiếp, Hải Thiện, Hải Bật, Hải Thân…Tiêu biểu có thiền sư Hải Soạn kế đăng trụ trì chùa Phúc Lai, thiền sư Hải Luật Thích Cục Cục trụ trì chùa Khánh Quang. Thiền sư Hải Khâm Thích Thân Thân ở am Thụ Thụ chùa Bảo Quang, sau đó lập viện Hội Ninh, chùa Linh Quang thôn Phú Mẫn, huyện Yên Phong, tạo nên một sơn môn. Thiền sư Hải Bật (1716 - 1796) trụ trì chùa Càn An - Nam Đồng, Hà Nội. Thiền sư Hải Dật trụ trì chùa Long Động. Thiền sư Hải Uyển Thích Sâm Sâm kế đăng viện Thiền Phong, sau về trụ trì chùa Sùng Ân. Thiền sư Thanh Lương Hải Tràng Thích Ẩn Ẩn ở viện Pháp Đăng, chùa Bảo Khánh, xã Hạo Bá, huyện Lương Tài, Kinh Bắc.
Theo Phúc Điền, phái Cầm sơn có bốn chi. Một chi ở chùa Muống, chùa Khánh Quang phát triển thành sơn môn Muống. Một chi ở chùa Càn An, Hà Nội, truyền thừa được mấy đời từ Thiền sư Hải Bật, Tịch Nghiêm, Chiếu Kiên, Phổ Triện. Chi thứ ba phát triển ở chùa Linh Quang, lập viện Hội Ninh nối kết với phái chùa Bụt Mọc, Bắc Ninh. Chi thứ tư phát triển ở chùa Vân Giá, Sơn Tây do thiền sư Hải Uyển khai sáng. Trong bốn chi đó, pháp phái chùa Muống phát triển mạnh cho đến bây giờ.
Qua hành trạng cũng như sự nghiệp thiền sư Tính Quảng, chúng ta được biết thêm một tác gia văn học Phật Giáo Việt Nam thời hậu Lê. Thiền sư Tính Quảng để lại nhiều tác phẩm có giá trị văn học bằng chữ nôm như Phật Quốc Ký truyện, Nam tuần quốc ngữ khúc. Có công bảo tồn tư liệu Phật Giáo thời Trần như Tam tổ thực lục, Thánh đăng ngữ lục. Các văn bia do ngài soạn một giá trị sử học nhất định. Thông qua các bài tựa, dẫn, chúng ta có thể đánh giá cách làm trong công việc in ấn thuở xưa. Không chỉ thế, thiền sư còn thu nhận đồ chúng, đào tạo nhân tài góp phần vào sự phát triển của Phật Giáo thời cuối Lê.
(Đã đăng trong tạp chí Khuông Việt, số 9 năm 2010, tr. 102-108, có sửa chữa và bổ sung khá nhiều)
[1] Hiện ngôi tháp này đã sụp, chưa tìm ra dấu vết, chúng tôi sử dụng thác bản mang kí hiệu 4433 của Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[2] Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi thiền sư quê ở Phúc Mễ. Chúng tôi suy đoán chữ Lai 来in thiếu nét, nên đọc là Mễ 米. Từ đó, trong các công trình tiếng việt đều ghi quê thiền sư là Phúc Mễ. Theo văn bia tháp và một số sách địa dư ghi là Phúc Lai mới chính xác.
[3] Theo Thiền Phong Tháp ký do đệ tử Hải Khâm Thân Thân soạn vào năm Cảnh Hưng 31 (1770).
[4] Theo Thiền Phong Tháp Ký và Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ, còn các tư liệu chữ Hán khác không ghi năm sinh. Hà Nội Danh lam Cổ Tự ghi năm sinh là ngày 14/4/Giáp Dần, có lẽ tác giả này nhầm.
[5] Theo Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ, phần truyền đăng chùa Càn An-Nam Đồng.
[6] Văn bia tháp Thời Vũ và Thiền Phong ghi 6 tuổi, còn Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi là 7 tuổi. Có thể chênh lệch do cách tính năm.
[7] Theo Thực Lục ghi lại năm ngài 19 tuổi văn chương tinh mật, được các học giả tôn trọng. Ngài thường đi chơi các tự viện nhân đó lễ Phật yết kiến các cao tăng.
[8] Chùa Phúc Khánh theo Thực lục thuộc xã Xuân lai.
[9] Năm xuất gia, hai tư liệu văn bia ghi lại chênh lệnh 1 năm. Theo Thực Lục năm Nhâm Thìn ngài 19 tuổi xuất gia, còn Thiền Phong Tháp Ký ghi năm Quí Tỵ cũng cho ngài 19 tuổi xuất gia với thiền sư Như Nghiễm. Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi năm 19 tuổi ngài xuất gia với thiền sư Tịnh Niệm. Như thế lúc 19 tuổi ngài xuất gia, chúng tôi đồng nhất thiền sư Tính Giác Như Nghiễm chính là thiền sư Tịnh Niệm mà văn bia Thiền Phong Tháp Ký và Thiền Uyển Truyền Đăng Lục ghi.
[10] Dân gian gọi là chùa Muống ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Chùa được sáng lập khoảng năm Khai Thái nhà Trần, gắn liền với sự tích Thánh tổ Non Đông.
[11] Thiền sư Vô trụ chính là thiền sư Như Tùy (1696 - 1733). Có thể Tính Quảng thụ giới năm 1731, 1732 vì năm 1730 thiền sư vẫn xưng là Sa di. Do nhân duyên đó mà trong Viên Không Tháp Ký có ghi tên thiền sư.
[12] Theo các văn bia tháp Tịnh Hạnh, Qui Tông, Liên Phương.
[13] Theo Thiền Phong Tháp Ký ghi năm Quí Mão (1723) thiền sư nhận độ điệp trụ trì chùa Diên Phúc. Chùa Diên Phúc còn gọi là Chùa Bùi, hiện thuộc thôn Phí Gia, xã Đồng Gia, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Trong dân gian có câu: “Lên chùa Muống, xuống chùa Bùi, lùi chùa Gạo” chỉ ba ngôi chùa lớn của huyện Kim Thành.
[14] Theo Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, bản in năm Bảo Thái 7 (1726) do Tính Quảng đứng in, chùa Lậu Trạch tàng bản, Thư viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 423.
[15] Các năm trên đều dựa theo Thiền phong Tháp Ký, còn Thực Lục chỉ ghi lại ngài lên núi Tử Trầm lập viện Thiền Phong. Chùa Phổ Quang, thời Lê thuộc thôn Đình Luân, huyện Gia Lâm. Đời Nguyễn đổi lại là thôn Đình Loan, nay thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
[16] Tác phẩm in năm Cảnh Hưng 15 (1754).
[17] In năm Cảnh Hưng thứ 29 (1768) tại chùa Phúc Lai.
[18] Dân gian gọi là chùa Phúc Lai thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Chùa này thời Pháp bị triệt hạ, các tháp tổ bị đổ không còn dấu vết. Sau những thập niên 90 của thế kỷ XX mới được trùng hưng lại nhưng kết cấu còn nhỏ. Chúng tôi về thăm chùa nhưng chùa không còn bảo tồn tư liệu. Các văn bia nhờ viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp cho dập trước năm 1945. Hiện lưu trữ tại viện Nghiên Cứu Hán Nôm.
[19] Lê Mạnh Thát (2001), Tổng tập văn học Phật Giáo, tập 1, Nxb Tp HCM, tr. 18.
[20] Theo bài tựa cho biết sa di tự Hải Sung người thôn An Lữ, Phù Lưu, Đồng Ngạn. sư xuất gia từ thuở nhỏ, qui tông trưởng lão chùa Hoa Yên, trụ trì Bổ Đà. Sư có ý muốn “phụ dực thánh giáo” mới lên Tử Trầm cầu sư Tính Quảng biên soạn và viết bài tựa. Về vị sư này trong Thơ văn lý Trần phiên là Hải Lượng, còn sư Tính Quảng phiên là Quảng Đức gây ra nhầm lẫn, để rồi có người cho sư Hải Lượng chính là Ngô Thời Nhậm, rồi bảo Ngô Thời Nhậm chính là đệ tử của thiền sư Tính Quảng, cùng sư soạn sách Tam tổ thực lục, tam tổ hành trạng. Có thể đây là một ngộ nhận, cần được đính chính.
[21] Nguyên văn:“幸存舊本聖燈錄出併抄略香海寺古碑後附禪道要學以便觀覧是也至於竹林嗣祖本行集成一書始终言語周全矣” (Hạnh tồn cổ bản Thánh Đăng Lục xuất, tịnh sao lược Hương Hải tự cổ bi, hậu phụ Thiền đạo yếu học, dĩ tiện quan lãm. Thị dã chí ư Trúc Lâm Tự Tổ Bản Hạnh tập thành nhất thư, thủy chung ngôn ngữ chu toàn hĩ.)
[22] Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Di Văn Chùa Dâu, Nxb KHXH, H. 1997, tr. 18, 19.
[23] Riêng Hộ Pháp Luận được khắc ván in lại nhiều lần thời Nguyễn, cũng được hòa thượng Phúc Điền dịch nôm. Đây là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đến Phật giáo nước ta.
[24] Theo Thực Lục, mục Truyền Đăng lục.
[25] Tam tổ thực lục, bản in năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), tờ 21b, bản lưu tại Thư viện chùa Hói - Hải Dương.
---o0o---
Các Truyền Bản Tam Tổ Thực Lục

Tam Tổ Thực Lục là tập sách chép tiểu sử ba vị tổ sư thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Đó là truyện về đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Sách do thiền sư Tính Quảng và sa di Hải Lượng dựa vào các tư liệu có từ đời Trần đến giai đoạn sau soạn thành và được khắc bản vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765), ván in lưu tại chùa Lân núi Yên Tử. Hơn 100 năm sau sách được chùa Pháp Vũ ở tỉnh Hải Dương trùng san. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về các ấn bản của sách Tam tổ thực lục.
1.Bản Lân Động
Bản in đầu tiên được thực hiện vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) do sa di Hải Lượng trụ trì Bổ Đà mộ duyên khắc in. Ván in được trân tàng tại chùa Lân Động, núi Yên Tử (còn gọi là Bản chùa Lân). Đợt in này hiện tìm được hai bản, một bản lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A 786 và bản thứ hai nằm trong tủ sách của Đại Đức Thích Giác Thành, chùa Linh Ứng (chùa Hói), Gia Lộc, Hải Dương. Cả hai bản đều ở tình trạng xấu, bị hư hại nặng do mối xông, bong một số chỗ, nhất là phía dưới trang và mép gần gáy sách. Bản chùa Hói bị hư một số tờ đầu, làm mất một số chữ ở gần gáy sách, từ tờ thứ 6 trở đi tình trạng sách còn khá tốt. Bản này được đóng sau tập Thiền uyển tập anh, bản in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).

Sách không có tờ bìa, 2 tờ đầu là bài tựa, mỗi tờ hai trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chữ khải thư rõ đẹp. Phía sau bài tựa cho biết soạn giả là Hối Tích sa môn Tính Quảng Điều Điều ở viện Thời Vũ. Sư Tính Quảng soạn tựa năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) và lấy năm này làm niên đại cho văn bản[1]. Nội dung chia làm ba phần:
Phần nhất, tiêu đề: Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm đại sĩ thực lục, trên gáy đề “Đệ nhất tổ thực lục” tức truyện vua Trần Nhân Tông chiếm 13 tờ. Mỗi trang kẻ 8 khung dọc, giữa mỗi khung là dòng chữ Hán, mỗi dòng có 16 chữ, khắc thể khải thư, đẹp. Phần này do tì kheo Hải Luật Thích Cục Cục viết chữ.
Phần hai: Trúc Lâm đệ nhị đại tổ sư đặc phong Phổ Tuệ Minh Giác Tịnh Trí đại tôn giả niên phả y đoạn sách lục, gáy đề Nhị tổ niên phả thực lục tức truyện thiền sư Pháp Loa Phổ Tuệ, tổ thứ hai thiền phái Trúc Lâm. Phần này do “Thị giả Trung Minh tập nhập, Truyền pháp chân tử Huyền Quang khảo đính”. Mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 17 chữ, khắc chữ khải thư, chữ viết không đẹp, chiếm 16 tờ. Phần này có in phụ Thiền đạo yếu lược gồm 15 tờ, do tì kheo Hải Diễn Thích Dương Dương chùa Linh Sơn chép.
Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn: tờ 1 đến 3a1. Thăng đường: Tờ 3a2 đến tờ 6b6. Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết tờ 6b7 đến tờ 10a7. Đại thừa yếu thuyết tờ 10b8 đến tờ 11a5. Yếu minh học thuật tờ 11a6 đến tờ 15, tức hết phần phụ Thiền học yếu đạo.
Phần ba là Tổ gia thực lục, gáy đề Bản hạnh ngữ lục. Tờ đầu phía dưới gáy đề số tờ đã đến vị trí số 7, tức tờ 7, không rõ khắc nhầm số tờ chăng? Mỗi trang 7 dòng, mỗi dòng 14 chữ. Mấy tờ đầu viết chữ khá đẹp, tờ 12 cho đến cuối thì chép xấu.
Tờ 21b4 tức chép hết truyện tổ Huyền Quang có ghi: “Trúc Lâm Lâm Tế tông phái nguyên lưu: Như Chúc, Như Liên, Như Hạo, Như Nguyện, Như Tọa, Như Hạ, Như Tu, Như Triển, Như Đẳng, Như Xiển, Như Nhuận, cập Tính Trừng, Tính Thước đẳng. Hộ lục công đức: Hạ Hồng phủ Gia Phúc huyện Lam Cầu xã tại gia thiện nam Trần Đức Vọng tự Như Tuất, thê Đỗ Thị Dặn hiệu Diệu Trung, thân mẫu Phạm Thị Liễn hiệu Diệu Đức. Nguyện trượng thử phúc duyên đồng sinh cực lạc quốc. Hồng Lục xã Tuấn tài san bản”. Tức ghi lại danh sách một số thiền tăng đệ tử của thiền sư Chân Nguyên, chùa Long Động núi Yên Tử. Trong đó, có ghi gia đình của Trần Đức Vọng người Hải Dương có công trong việc ủng hộ khắc ván in sách.
2.Bản Pháp Vũ
Bản sách được in từ bộ ván khắc của chùa Pháp Vũ thôn Quảng Nội, xã Đồng Lại, tổng Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (tạm gọi là bản Pháp Vũ) nay thuộc xã Quyết Thắng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ván khắc thực hiện cuối thu năm Đinh Dậu Thành Thái 9 (1897) do tỳ kheo Diệu Trạm hưng công và viết bài dẫn trước sách. Sách do hai sa môn Thanh Cừ, Thanh Vân giúp việc khắc bản. Trong thực tế, chúng tôi tìm được ba bản sách có cùng ván in chùa Pháp Vũ.

Bản in đợt đầu chỉ có Tam tổ thực lục, y như hình thức ván khắc thế nào thì in ra thế đó, đóng thành tập. Sách có tất cả 68 tờ, tờ bìa, 5 tờ bài duyên khởi, 60 tờ nội dung. Bản in đợt này có phụ thêm 2 tờ “Huyền Quang hành giải” được trích từ tập Ngô gia văn phái. Mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng 15 chữ, khắc chữ khải thư, rõ đẹp[2]. Tờ đầu tiên đề bốn chữ Hán lớn “Tam tổ thực lục”, mặt sau khắc tranh ba vị tổ Trúc Lâm, dưới dạng hình một Phật, nhị thanh văn. Hai bên có câu đối:
Thiệu long Phật Tổ chi tâm tông
Hoằng phát thánh hiền chi pháp chỉ.
Tạm dịch:
Phát huy tâm tông của Phật Tổ
Mở rộng pháp chỉ của thánh hiền.
Trên mỗi chân dung tổ Trúc Lâm có đề chữ Hán “Trúc Lâm đệ nhất tổ Điều Ngự Giác Hoàng”, dòng bên trái ghi “Trúc Lâm đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả” và “Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả”. Ngài Điều Ngự Giác Hoàng vẽ mượn hình thức tượng ngồi trên tòa sen, tay cầm hoa sen đưa lên, tay kia để xuống dọc theo đầu gối, mượn kiểu tượng đức Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu. Ngài Pháp Loa, Huyền Quang vẽ theo kiểu người đứng hầu, chắp tay, mặc y phục như hai vị A Nan, Ca Diếp.
Sau đó là bài Trùng san hiệu chính Tam tổ ngữ lục duyên khởi do tì kheo Diệu Trạm chùa Pháp Vũ viết cuối thu năm Đinh Dậu Thành Thái thứ 9 (1897). Phía sau bài dẫn có hơn một tờ chú giải một số thuật ngữ được dùng trong bài dẫn đó. Phần nội dung được đánh số tờ riêng. Giống như bản chùa Lân, sách chia làm ba phần:
Đệ nhất tổ thực lục từ tờ 1 đến tờ 15.
Đệ nhị tổ niên phổ thực lục từ tờ 16 đến tờ 33. Phần phụ Thiền đạo yếu học được tách riêng ra chiếm từ tờ 34 đến tờ 48. Phía tờ 48b có ghi: “Thanh Lục xã viên Phạm Văn Vũ phụng san” tức xã viên xã Thanh Lục là Phạm Văn Vũ vâng khắc.
Bản hạnh ngữ lục chiếm từ tờ 49 đến tờ 60. Có thêm mục “Huyền Quang hành trạng” lấy từ Ngô Gia văn phái chiếm từ tờ 61 đến tờ 62.
Bản in chùa Pháp Vũ không khắc bài tựa của thiền sư Tính Quảng. Bài trùng san hiệu chính Tam tổ ngữ lục duyên khởi do Diệu Trạm viết có nói về lai lịch như sau: “Nhân qua chùa Vĩnh Nghiêm, yết kiến thầy viện chủ Thanh Tuyên, tôi bèn bộc bạch nỗi lòng của mình. Ngài bảo: “tôi có quyển sách hay, xin đưa ông xem thử.”. Tôi đón lấy sách, hồi hộp xem qua một lượt, thực không cầm nỗi hân hoan phấn khởi, liền bái thỉnh đem về xam kỹ”[3]. Bản mà Diệu Trạm sử dụng để khắc ván lấy từ tập sách Tam tổ thực lục của ngài Thanh Tuyên chùa Vĩnh Nghiêm. Bản này chắc là bản Lân Động in thời hậu Lê và có thể đã bị mất bài tựa ở đầu sách nên Diệu Trạm không rõ về niên đại của tập sách. Ngài viết: “Sách này trải qua nhiều đời, từ triều Trần cho tới Hậu Lê, mà nay còn sót lại, dạng chữ phần nhiều sai lầm, tôi không ngại vụng về kém cỏi, miễn cưỡng chấm câu, để tiện khi đọc”[4]. Bản trùng san đã được Diệu Trạm hiệu kiểm và cú đậu, tăng bổ nhiều cước chú, bổ ích cho người đọc.
Bản thứ hai chúng tôi muốn giới thiệu là tập sách lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang (Sài Gòn). Tập này gồm hai văn bản: Thượng sĩ ngữ lục và Tam tổ thực lục đóng gọp vào nhau[5]. Theo bài tiểu dẫn Thượng sĩ ngữ lục, Tỳ kheo Thanh Hanh cho biết: “Cuối thu năm Đinh Dậu (1897) trước đây, thầy Diệu Trạm, cố trụ trì chùa Pháp Vũ, có khắc in lại bộ Trúc Lâm tam tổ lục để lưu hành.
Năm Quí Mão này (1903), người kế thừa trụ trì chùa Pháp Vũ là tỳ kheo Thanh Cừ, duyên may nhận được từ trưởng lão Thanh Lân bản cũ bộ Thượng sĩ ngữ lục, coi như của báu, bèn nguyện cho khắc in tiếp, ghép ở đầu bộ Trúc Lâm tam tổ lục, gom thành một bộ để khi xem đến sẽ thấy rõ được mối truyền nối trong thiền phổ, theo thứ lớp từng đời”[6].
Năm 1903, tỳ kheo Thanh Cừ kế nghiệp trụ trì chùa Pháp Vũ và tìm được bản cũ sách Thượng sĩ ngữ lục và tiến hành khắc ván trùng san. Sau khi bộ ván hoàn thành, Ngài muốn đưa Thượng sĩ ngữ lục đặt trước sách Tam tổ thực lục cho người đọc dễ nghiên cứu. Qua đó, ván khắc Tam tổ thực lục vẫn là ván năm Đinh Dậu, chỉ khi in ra đóng hai sách thành một tập. Bản in lần này có thêm 2 tờ cuối sách, bài ký do Thanh Cừ soạn đề tháng 8 năm Ất Tỵ Thành Thái 17 (1905) và phương danh cúng dường. Điều đó cho thấy năm 1905 mới chính là năm in giấy hai bộ Thượng sĩ ngữ lục/ Tam tổ thực lục. Trước đó hai năm, chùa Pháp Vũ thuê thợ khắc ván bộ Thượng sĩ ngữ lục.
Năm 1943, tổng Hội Phật Giáo Bắc Kỳ nhờ trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội cho phát hành bộ Việt Nam Phật điển tùng san. Hội đã chọn bộ Thượng sĩ ngữ lục/Tam tổ thực lục ván khắc chùa Pháp Vũ đưa vào làm tập thứ 6 của bộ tùng san. Bản in này có thêm mấy tờ đầu và cuối khác với bản in năm 1903. Tờ đầu, mặt trước khắc dòng chữ lớn “Việt Nam Phật điển tùng san”, hàng bên trái đề “Hà Nội Viễn Đông bác cổ học viện hộ san” hàng bên phải ghi “Hà Nội Bắc Kì Phật Giáo tổng hội phát hành”. Mặt sau ghi danh sách các vị chứng minh đạo sư khi cho in ấn bộ tùng san. Tờ thứ hai, mặt trước có hai hàng chữ Hán. Hàng giữa chữ lớn đề “Trần triều dật tồn Phật điển lục”, hàng chữ nhỏ ở bên phải ghi “Việt Nam Phật Điển Tùng San chi lục” tức tập thứ 6 của bộ Việt Nam Phật Điển tùng san. Mặt sau ghi mục lục gồm có: “Thượng sĩ ngữ lục, Tam tổ thực lục, thiền đạo yếu học, Bản hạnh ngữ lục”, ba mục sau chính là nội dung sách Tam tổ thực lục mà ta đã mô tả trong bản in chùa Pháp Vũ. Tờ thứ ba khắc bốn chữ Hán “Thượng sĩ ngữ lục” đó chính là nội dung của quyển Thượng sĩ ngữ lục. Dựa theo mục lục thì đến trước phần nội dung của các mục đều có tờ đầu khắc tên sách như bản mục lục kê ra. Tờ cuối ghi toàn bằng Pháp văn, nội dung dịch từ tờ đầu tiên của bộ Tùng san bằng Hán văn[7].
Do vậy, bộ ván Tam tổ thực lục trong vòng hơn 40 năm đã in ra được ba lần nên số lượng sách xuất bản khá nhiều và hiện nay có nhiều chùa trong nước còn lưu trữ được tập sách.
3.Tài liệu dùng để biên soạn tập sách:
Đầu tiên, chúng ta xác định tác giả biên soạn bộ sách. Đó là hai vị: Thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều và sa di Hải Lượng trụ trì Bổ Đà[8]. Theo bài tựa, Sa di Hải Lượng vốn môn nhân của chùa Hoa Yên núi Yên Tử nên có dịp tham đọc các tư liệu có liên quan đến sự tích ba tổ thuộc thiền phái Trúc Lâm đời Trần. Sư đến núi Tử Trầm, Sơn Tây thỉnh thiền sư Tính Quảng chứng minh, nhờ Quảng đính chính lại và soạn cho bài tựa trong dịp khắc ván bộ sách.
Trong tay chúng ta có mấy bản in Tam tổ thực lục nên biết được nguồn gốc hay cơ sở để biên giả dùng sử liệu gì để soạn nên tập sách. Trong bài tựa in trước sách, thiền sư Tính Quảng cho biết: “Trước có ba tổ đời Trần thứ lớp truyền đăng, ngữ lục thành sách, liệt vào “đồ tịch” để làm gương cho trời người noi theo, khắc in lưu truyền đã lâu vậy. Than ôi! Vận có lúc hưng lúc giảm, pháp thường thịnh suy. Lúc ấy, chính bản bị hỏng nát, lâu thành thất truyền. May còn bản cũ Thánh đăng lục trích ra cùng lược sao bia cổ chùa Hương Hải, phía sau in phụ Thiền đạo yếu học để tiện quan lãm, cho đến Trúc Lâm Tự Tổ Bản Hạnh biên tập thành một sách, đầu cuối ngôn ngữ chu toàn”[9]. Soạn giả cho biết rõ tư liệu mà ngài đã sử dụng để soạn sách, tức hiểu rằng xưa đời Trần có sách ghi chép về truyện Tam tổ nhưng bị thất lạc. Đến đời Hậu Lê, soạn giả Tính Quảng đã dựa vào các tư liệu còn sót lại ra công biên tập. Bộ Tam Tổ thực lục được ra đời vào năm Cảnh Hưng thứ 26, năm mà soạn giả viết bài tựa. Để biết nguồn gốc tư liệu, chúng tôi xin tạm phân tích từng truyện một trong tập sách.
Truyện thứ nhất tức truyện viết về Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Câu đầu truyện chép “Án Thánh đăng thực lục”, tức dựa vào sách Thánh đăng thực lục. Ở đây phải được hiểu là sách Thánh đăng lục như bài tựa soạn giả Tính Quảng đề cập[10]. Thiền sư Tính Quảng sử dụng bản Thánh đăng lục do thiền sư Chân Nghiêm đời Mạc trùng san để đưa vào phần đầu của tập Tam tổ thực lục. Điều đó nhận ra qua bài thơ của vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đi qua chùa làng Cổ Châu mà bản in đời Mạc có câu “Thế số nhất tố mạc”. Bản Thánh đăng ngữ lục do Tuệ Đăng trùng san đã bỏ hai từ “Tố mạc” thay bằng hai từ “tức mặc”[11].
Truyện thứ hai viết về thiền sư Pháp Loa. Tư liệu mà sách sử dụng là tấm bia chùa Hương Hải. Ngôi chùa nằm về quê của thiền sư Pháp Loa ở Nam Sách (Hải Dương). Theo tư liệu điều tra về chùa Hương Hải thì hiện nay chùa không còn, nhưng bia đá và tháp được di dời qua chùa Phúc Thắng (thôn Văn Xá, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách). Tấm bia “Đệ nhị đại tổ bi” được khắc lại tháng 7 năm Bính Thìn Tự Đức thứ 9 (1856), dựa vào tấm bia cũ khắc năm Chính Hòa 5 (1685)[12]. Thiền sư Tính Quảng sao chép bia Chính Hòa tại chùa Hương Hải để đưa vào Tam tổ thực lục. Đối chiếu hai tư liệu nhận thấy có vài sai dị, nội dung giống nhau. Tấm bia khắc dưới thời Tự Đức tuân thủ phạm húy triều Nguyễn như chữ “Thời” đổi thành chữ “Thần”, chữ “Tông” đổi thành chữ “Tôn”…
May mắn cho chúng ta tại chùa Thanh Mai huyện Chí Linh (Hải Dương) có tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” cùng nội dung như bia chùa Hương Hải[13]. Tiếc rằng bia bị bào mòn mặt trước, mặt sau còn khá rõ. Bia Thanh Mai được khắc tháng 11 năm Nhâm Dần Đại Trị 5 (1362) do những đệ tử của thiền sư Pháp Loa thực hiện. Tính nguyên vẹn cao hơn bia chùa Hương Hải. Nói thế để biết rằng, truyện Thiền sư Pháp Loa trong Tam tổ thực lục cũng chưa chính xác hoàn toàn. Nhờ bia Thanh Mai mà chúng ta đối chiếu và phát hiện khá nhiều chữ khắc sai hoặc thiếu. Nhân đây, chúng tôi đưa ra mấy lỗi có ảnh hưởng đến nội dung trong Tam Tổ thực lục.
Lỗi thứ nhất, sách nhầm chữ “Thập” thành chữ “Thiên” làm cho con số tăng lên gấp nhiều lần. Sự nhầm lẫn này xuất hiện hai lần. Bia Thanh Mai đề “đắc pháp đệ tử tam thập dư nhân” tức đệ tử đắc pháp có hơn 30 người. Tam Tổ thực lục ghi “đắc pháp đệ tử tam thiên dư nhân”[14] tức đệ tử đắc pháp hơn ba nghìn người, tức số lượng đệ tử đắc pháp quá đông. Trên bia ghi đệ tử đắc pháp trong hai sơ đồ nhưng sách thì ghi gọp theo thứ tự.
Bia Thanh Mai chép đủ đoạn đối thoại giữa thiền sư Pháp Loa với ngài Huyền Quang nói về việc ngủ và tỉnh. Trong đó, Đệ nhị đại tổ bi và Tam tổ thực lục lại bị thiếu mất. Chúng tôi trưng dẫn dưới đây:

Cuối truyện thiền sư Pháp Loa có thêm Thiền đạo yếu học. Soạn giả chỉ nói thêm vào mà không ghi rõ tác giả các bài ấy do ai sáng tác. Hầu như các nhà nghiên cứu đều thống nhất phần này do thiền sư Pháp Loa soạn[15].
Truyện thứ ba viết về thiền sư Huyền Quang. Soạn giả sử dụng Tổ gia thực lục nhưng không ghi rõ xuất xứ của tư liệu. Hiện vẫn chưa biết ai là tác giả cũng như sách xuất hiện vào thời nào. Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Nguyễn Huệ Chi tin vào lời cuối sách để biết quá trình lưu truyền của văn bản. Đó là giai đoạn cuối nhà Hồ, Hoàng Phúc mang sách về Trung Quốc, mãi khi Tô Xuyên hầu Nguyễn Quang Bí đi sứ mới mang sách về lại nước ta. Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân đọc đã viết bài “Giải trào” mà ta chưa tìm thấy. Cuối phần khảo sát, ông đưa ra nhận định “Không có lí do gì để nói đây không phải là một tác phẩm đời Trần”[16].
Nguyễn Lang trong chương viết về thiền sư Huyền Quang có bàn luận về tập Tổ gia thực lục. Lời dẫn ra dựa theo đoạn cuối truyện để nói về quá trình lưu truyền văn bản. Ông dựa vào truyền thừa phái Trúc Lâm Yên Tử để cho rằng “có thể An Tâm đã chép truyện Huyền Quang chăng?”[17]. Hai nhà nghiên cứu trên đều cho Tổ gia thực lục xuất hiện cuối đời Trần. Ta biết thiền sư Huyền Quang viên tịch năm 1334, sau thiền sư Pháp Loa 4 năm. Theo Thánh đăng ngữ lục, truyện vua Trần Minh Tông thì sau khi Pháp Loa viên tịch, nhà vua sai Trung sứ đến bảo ngài Huyền Quang soạn Phổ Tuệ ngữ lục và hành trạng. Vua Minh Tông có quan hệ thân thiết với đức Tam tổ, ngài là đệ tử đắc pháp của Tam tổ, người phát tâm hộ trì Tam Bảo, xây dựng mở rộng chùa Côn Sơn. Thế nhưng đoạn sau không đá động gì đến sự viên tịch cũng như cho người soạn Ngữ Lục, hành trạng của ngài Huyền Quang. Chúng ta chưa rõ sau khi ngài Huyền Quang viên tịch, ai soạn hành trạng cho ngài.
Tổ gia thực lục chép rõ gia thế và chú trọng câu truyện giữa thiền sư Huyền Quang và nàng Điểm Bích. Hình thức như một tập tiểu thuyết, nên sách có giá trị văn học hơn là sử học. Thâu tóm hết những đoạn có ghi niên đại, đem đối chiếu với các tư liệu đương thời thấy Tổ gia thực lục chép nhầm và sai một số việc. Nói thế để biết người viết Tổ gia thực lục phải sống cách xa ngài Huyền Quang nên trong tay không có sử liệu về cuộc đời hành đạo của Tam tổ Huyền Quang.
Giả thuyết của chúng tôi cho rằng, lời sau truyện là do thế hệ sau muốn làm cho câu truyện mang tính chất thực nên đã ghi quá trình Tổ gia thực lục được mang qua Trung Quốc, rồi lưu truyền trở lại nước ta. Theo thiểu ý, truyện có thể xuất hiện khoảng thời Lê sơ, hoặc vương triều nhà Mạc. Giai đoạn Phật Giáo không còn ảnh hưởng đến Triều đình mà đã đi vào dân gian, phát triển mạnh theo chiều hướng tín ngưỡng.
Một số nhà sưu tầm thơ văn thời Lý Trần như Phan Phu Tiên với công trình Việt Âm thi tập, Hoàng Đức Lương với Trích diễm thi tập, Lê Quí Đôn với Kiến văn tiểu lục… đều cho rằng “thiền sư Huyền Quang 9 tuổi đã biết làm thơ văn, học tập về nghề nghiệp thi cử, 19 tuổi vào chùa học đạo, tức là đệ tam tổ trong môn phái Trúc Lâm”[18]. Lê Quí Đôn còn bác chuyện thiền sư đỗ Trạng nguyên, sau từ quan về làm thầy chùa là không đúng. Đây là thuyết thứ hai có liên quan đến hành trạng thiền tổ Huyền Quang. Chúng tôi sẽ có dịp bàn rộng trong chuyên đề khác.
Tóm lại, Tam tổ thực lục được biên soạn năm 1765 do hai đại sư Tính Quảng và Hải Lương. Hai vị đã sưu tầm các thư tịch và bi ký đời Trần còn sót lại để tiến hành biên soạn. Trong sách thiếu sự nhất quán, tức nội dung ba truyện viết theo ba kiểu khác nhau. Truyện tổ Điều Ngự Giác Hoàng mang tính ngữ lục, truyện thiền sư Pháp Loa dựa vào niên biểu nên có tính chất sử học cao. Truyện thiền sư Huyền Quang có giá trị văn học, nhưng kém phần sử liệu. Thực tế cho thấy các soạn giả có dụng ý tốt đẹp nhưng do tính cóp nhặt nên không thể sách trở nên hoàn mỹ. Có lẽ lúc này tình hình đất nước đầy biến loạn, tư liệu thất tán, thời gian có hạn nên họ không thể tự viết lên được truyện ba tổ Trúc Lâm mà phải mượn lại các tư liệu có trước để làm nên bộ sách Tam Tổ thực lục.
Hoài Cổ lâu, cuối thu năm Mậu Tuất 2018,
Thích Đồng Dưỡng
[1] Trong bài tựa cho biết, sa di Hải Lượng đến cầu thiền sư Tính Quảng đọc, đính chính tài liệu tại núi Tử Trầm, Sơn Tây. Cuối bài tựa thấy đề viện Thời Vũ tức thiền sư đã không còn ở Tử Trầm nữa mà về quê Phúc Lai (nay thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) khai sáng chùa Thiên Ân và mở viện Thời Vũ để nuôi dạy học trò (Theo Thiền Phong tháp ký).
[2] Chúng tôi dựa vào Tam tổ thực lục, bản sách của Thư viện Huệ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh).
[3] Tam tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch và chú, Viện nghiên cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1995, tr. 13. Dịch giả sử dụng quyển 6 Trần triều dật tồn phật điển trong bộ Việt Nam phật điển tùng san.
[4] Sđd, tr. 15.
[5] Bản in 1905 tờ đầu có cho biết “Sách này sa môn Thanh Cừ in và phát hành. Viện Phúc Lâm Hải Phòng chuyển cúng. Tăng già mười phương chứng minh”. Phía cuối sách có khắc ba chữ chân lớn “Phạm Duy Hinh” xuất hiện hai lần.
[6] Lý Việt Dũng, Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục dịch giải, Nxb Cà Mau, 2003, tr. 30. Chúng tôi sử dụng lời dịch của ông Lý Việt Dũng.
[7] Việt Nam Phật điển tùng san, tập 6 là bản sách do chúng tôi sưu tầm được và lưu trữ tại chùa Ba Phong (Quảng Nam).
[8] Theo bài tựa trong sách, sa di Hải Lượng người thôn An Lữ, Phù Lưu, Đông Ngàn. Ngài xuất gia thuở nhỏ, chí khí cao vút, qui tông với trưởng lão chùa Hoa Yên, trụ trì Bổ Đà. Chúng ta chưa rõ Bồ Đà ở đâu? Không thể là chùa Bổ Đà thuộc tỉnh Bắc Giang được. Bởi, Bổ Đà lúc đó do thiền sư Tính Ánh trụ trì. Có thể Bổ Đà nằm về khu vực Yên Tử. Phía cuối bài tựa còn có sa di Hải Lượng tự Tuệ Dung chùa Vân Tiêu núi Yên Tử cùng mẹ là Nguyễn Thị Lĩnh hiệu Diệu Thọ gởi cầu siêu cho chồng là Nguyễn công tự Tính Trực. Có thể hai vị này trùng tên húy, ở hai chùa khác nhau.
[9] Nguyễn Huệ Chi trong phần Khảo luận văn bản ở tập Thơ văn lý trần, tập 1 đã dùng bản A. 786 nhưng do sách bị mối xông mất một số chữ, Ông đã cố đoán để tìm ra nội dung và ông đưa ra kết luận khá chính xác: “Thế nghĩa là bộ sách Tam tổ thực lục hiện nay chỉ là một bộ sách mới, được chính thức khai sinh từ năm 1765 với công sức của các nhà sư Quảng Điền (Tính Quảng, tác giả chú), Hải Lượng và một số người khác, để thay thế cho một bộ Tam tổ thực lục đời Trần đã thất truyền”. (tr. 119)
[10] Bản Thánh đăng lục do thiền sư Chân Nghiêm in đời Mạc tại chùa Sùng Quang (Hải Dương) mà thiền sư Tính Quảng có nhắc tới nay đã thất truyền. Chúng tôi tìm được bản do chùa Thuần Mỹ in năm Tự Đức thứ 1 (1848), dựa vào bản in thời Mạc để trùng san. Bản thứ hai, Thánh Đăng ngữ lục (A. 2569) do thiền sư Tính Lãng trùng san, thiền sư Tính Quảng đề tựa năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750). Theo bài tựa, trước đó bốn mươi sáu năm, Sư ông Tuệ Đăng chùa Long Động cho khắc ván nhưng bị thất tán. Pháp tôn Tính Lãng mới đứng ra khắc lại bộ ván mới dựa vào bản do thiền sư Tuệ Đăng trùng san trước đó. Trong bản này có lời bạt của thiền sư Tuệ Đăng nhưng sách không đề soạn giả. Như thế, chúng ta có hai bản trùng san từ bản của thiền sư Chân Nghiêm đời Mạc và bản của thiền sư Tuệ Đăng Chân Nguyên thời Vĩnh Thịnh triều hậu Lê. Chùa Pháp Vũ có trùng san Thánh Đăng lục dựa vào bản in chùa Thuần Mỹ năm 1848. Bản này được lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang.
[11] Dựa vào bài tựa Thánh đăng ngữ lục (A.2569) bản in năm 1750 do thiền sư Tính Lãng trùng san.
[12] Thác bản kí hiệu 13507/13508/13509/13510 nằm trong Tổng tập văn khắc Hán Nôm, tập 14, H.2008, tr.526-529. Theo địa chỉ trong bia thì Chùa Hương Hải thuộc thôn Tiền Trung, tổng An Điền, phủ Nam Sách, Hải Dương (nay thuộc thôn Tiền Hải, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách)
[13] Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi được lập tháng 11 năm Nhâm Dần Đại Trị thứ 5 (1362). Bia do đệ tử đắc pháp là Trí Nhu trụ trì chùa Thủy Sơn xuất tiền mua bia. Đệ tử Thiệu Tuệ trụ trì chùa Đương Sơn chép chữ. Trúc Lâm đệ tam đại tự pháp trụ trì Tông Huyền Kim Sơn tấu khắc. Bản rập bia do chúng tôi thực hiện vào năm 2015. Chúng tôi tham khảo lời chú bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi của GS Cung Cảnh Linh trong Văn Khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2 quyển hạ. Sách do sự hợp tác giữa Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (Hà Nội) và Viện Văn Học Đại Học Trung Chính (Đài Loan). Nội dung nằm từ trang 427 đến trang 465 của tập sách.
[14] Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Nxb KHXH, H.1988. tr. 262, 263, phần chú thích dưới trang sách. Chương này do GS Hà Văn Tấn viết.
[15] Đơn cử Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo sử luận, tập 1, Hà Văn Tấn trong Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, Nguyễn Huệ Chi trong Thơ văn Lý Trần, tập 1.
[16] Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb KHXH, H. 1977, tr. 121.
[17] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo sử luận, tập 1, Nxb Lá Bối, S.1974, tr. 355-357.
[18] Theo Lê Quí Đôn toàn tập, tập 2, phần dịch tác phẩm Kiến Văn tiểu lục, Nxb KHXH, H. 1977, tr. 393.
|