TS Tánh Thông Giác Ngộ

Personal Information

Danh Tánh
TS Tánh Thông Giác Ngộ (HT Sơn Nhân) - Ðời Thứ 39 Tông Lâm Tế - Ðời Thứ 5 Dòng Lâm Tế Liễu Quán
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Tánh Thông Giác Ngộ (1784 - 1842)  
Chùa Long Sơn Bát Nhã - Phú Yên

Hòa thượng Sơn Nhân tức là Thiền sư Giác Ngộ, húy Tánh Thông họ Nguyễn, người ở phủ Gia Định, sanh khoảng năm 1755, là đệ tử của Hòa thượng Đạo Dụng – Đức Quảng, thuộc chi phái thiền Liễu Quán.
Nguyên trước đi làm việc quan, đập đá xây thành, một hôm, phá trong tảng đá thấy một tượng Phật, Ngài liền xin thôi việc, mang tượng đi vào rừng núi để tu, không giao thiệp với người đời nữa và không ai biết ngài đi đâu ?
Sau đó ngài thọ giáo với Hòa thượng Đạo Dụng – Đức Quảng, được ban pháp danh là Tánh Thông – Giác Ngộ, không rõ Ngài tu học ở đâu trong thời gian bao lâu ?
Một thời gian sau, người dân ở vùng núi Long Sơn, thuộc làng Phú Mỹ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thấy một thiền sư Giác Ngộ xuất hiện ở trong chùa Hang trên núi này, vùng rừng núi đó vốn có nhiều cọp, dân ở xóm Núi lập chùa Hang ở đó từ lâu mà không dám đến lễ bái, vì sợ cọp. Lúc thấy thiền sư Giác Ngộ ở đó ai cũng ngạc nhiên và kinh sợ, hỏi ngài sao không sợ cọp ? Thiền sư Giác Ngộ đáp: cọp mặc cọp, mình mặc mình, có can chi mà sợ !
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi (năm 1802), Thiền sư Giác Ngộ xây dựng lại chùa Bát Nhã và đúc Đại hồng chung cho chùa vào năm 1804.
Người thời đó thường đồn đãi những chuyện về nhà sư này, chẳng hạn như Ngài thường ăn rau cỏ, không dùng gạo cơm. Một hôm có bịnh dịch nổi lên, ở các nơi khác có nhiều người bị bịnh chết, người dân ở địa phương xin Ngài cầu đảo, cho nên được yên. Họ đem việc ấy trình quan địa phương.
Trong lúc đó, Quan Tuần Vũ tỉnh Phú Yên có con bị bịnh đau bụng, nhiều thầy thuốc chữa cũng không hết. Quan Tuần Vũ nghe tin, sai hai viên đội cỡi ngựa lên núi Long Sơn mời thiền sư Giác Ngộ. Ngài hỏi tỉnh ở hướng nào ? Hai Viên đội chỉ về hướng Đông. Ngài bảo họ đi trước rồi ngài sẽ đến. Nhưng khi hai viên đội cưỡi ngựa về đến dinh Tuần Vũ thì đã thấy Ngài đến đó rồi. Thiền sư Giác Ngộ mặc quần áo bằng vỏ cây, lấy hai miếng gỗ làm guốc, nhưng đi rất mau.
Quan Tuần Vũ mời Ngài vào thăm bịnh cho con gái, Ngài ngồi nguyên ở đó, đọc một câu chú, thình lình nghe một tiếng “soạt”, thấy như có một người giống như tấm lụa từ trong buồng cô gái vụt lướt ra ngoài, tức thì cô gái hết bịnh. Quan Tuần Vũ trình việc đó về triều đình Huế.
Cuối năm Minh Mạng thứ 19 (1838) Vua được tâu trình về thiền sư Giác Ngộ ở chùa Bát Nhã là bực tu hành khổ hạnh tài đức cao thâm nên cho xuống Dụ Triệu mời về triều đình (Huế). Vua mời vào cung nội để hỏi han về căn nguyên đắc đạo. Thiền sư Giác Ngộ lúc đó đã trên 80 tuổi, đã tịch cốc hơn 40 năm, có nhiều thần thông đặc biệt, Vua rất kính mộ nên ban thưởng trọng hậu, nhưng thiền sư từ tạ không nhận.
Nhân dịp chùa Giác Hoàng mới hoàn thành vào tháng 2 năm Minh Mạng (1839) (chùa được xây ngay nơi dinh lúc còn là Thái tử. Vua cử thiền sư Giác Ngộ làm trụ trì chùa này. Nhưng ở chùa Giác Hoàng được một tháng, thiền sư Giác Ngộ lại xin Vua cho trở về núi Long Sơn (Phú Yên) để tu hành.
Vua cử Thiền sư Tánh Thiên – Nhứt Định ở chùa Báo Quốc về làm Tăng cang chùa Giác Hoàng.
Nhân dịp lễ Vu lan năm Minh Mạng thứ 21 (1840) Vua cho lập trai đàn an vị Phật ở chùa Giác Hoàng và chùa Linh Hựu. Nhân dịp đó, Vua cho mời chư danh tăng ở khắp nước về dự lễ, thiền sư Giác Ngộ trụ trì chùa Bát Nhã ở Long Sơn (Phú Yên) cũng được mời về dự. Sau khi tiếp xúc và sau khi trai đàn hoàn mãn, Vua Minh Mạng hết sức kính phục đạo đức của Thiền sư Giác Ngộ, nên Vua phong cho sư chức Tăng cang và ân thưởng cho 20 lượng bạc, tăng phục, áo quần ... Vua còn ra lịnh cho đưa ngựa trạm từ kinh đô Huế về chùa Bát Nhã ở Phú Yên, theo nghi vệ của một đại thần đi công cán, và Vua còn ra lịnh cho quan Tuần Vũ Phú Yên phải lo trùng tu chùa Bát Nhã, việc này, trong châu bản triều Nguyễn có văn bản viết như sau:
Sự việc ngày 18 tháng 10 (năm Minh Mạng thứ 21 - (1840), nội các thi hành theo lịnh của Vua (do Thái giám Châu Phước Năng chuyển truyền) thưởng cấp cho sư nguyễn Giác Ngộ trụ trì chùa Bát Nhã ở núi Long Sơn về công đức tu hành khổ hạnh.
Ngày 18 tháng 10 (năm Minh Mạng thứ 21), thần Phan Huy Thực, thần Phan Bá Đạt vâng theo thượng dụ của Vua rằng:
Về Kinh lần này có Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Bát Nhã là người tịnh tâm tu luyện, tịch cốc đã hơn 40 năm, tu hành khổ hạnh, đức hạnh cao phong như thế thật đáng quý trọng. Truyền cấp cho một văn bằng Tăng cang lại gia ân thưởng 20 lượng bạc, tăng phục và áo quan vải màu, mỗi thứ 5 bộ, cho ngựa trạm đưa về chùa cũ trụ trì. Trên đường về đi qua các quan quản hạt phải phái người hộ tống để đường đi được an toàn tốt đẹp.
Lại truyền cho quan tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật liệu, thuê dân phu sửa sang chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ hiện đang trụ trì cho được tráng lệ đẹp đẽ. Số dân phu thuê bao nhiêu người, truyền cấp cho mỗi người mỗi tháng 4 quan tiền và một vuông gạo để cho họ vui vẻ làm cho sớm hoàn thành công việc. Sau khi xong việc cứ thật kê khai chi tiêu.
Khâm thử.
Lại (châu điểm) phụng chỉ khoản này là căn cứ theo chuyển truyền lịnh của thái giám Châu Phước Năng. Vậy kính tâu luôn.
Thần Phạm Bạch Như phụng thảo.
Thần Phan Huy Thực, thần Phan Bá Đạt phụng duyệt.
Ngay trên văn bản đó của Nội các, Vua điểm (châu điểm) và phê “Khả” (được). (1)
Trong khi đó sách Việt Nam Phật giáo sử lược, Thượng tọa Mật Thể viết như sau: (trang 220 - 222)
“... Vua Minh Mạng sắc triệu Ngài về nội, hỏi việc đầu đuôi, Vua thưởng rất hậu, ngài đều từ tạ không lấy, Vua khen rằng:
Người xưa có nói:
Thuần nhứt bất tạp là “Hòa”
Vạn loại xứng đôi là “Thượng”
Sơn Nhân thật đúng hai chữ ấy.
Liền ban hiệu là “Sơn Nhân Hòa thượng”. Lại sắc các vị Hòa thượng các chùa phải đổi hiệu Tăng cang để tỏ rằng còn thua Hòa thượng một bực (từ đó danh hiệu Hòa thượng mới là danh hiệu đặc biệt, ít người được nhận chức đó)
Sơn Nhân mặc quần áo toàn bằng vỏ cây, lấy hai miếng gỗ làm guốc mà đi mau lắm. Vua sắc Ngài ở chùa Giác hoàng, nhưng được một tháng Ngài tâu xin về núi, sau không biết Ngài đi đâu”.
Điều trên cho biết rõ là: Sau khi về Kinh đô Huế, Vua Minh Mạng rất kính phục và ban thưởng, thiền sư Giác Ngộ trở về trụ trì chùa Bát Nhã trên núi Long Sơn.
Hòa thượng Sơn Nhân (thiền sư Giác Ngộ – Tánh thông) tịch cốc hơn 40 năm khi gặp Vua Minh Mạng tu hành rất khổ hạnh, có nhiều thần thông đặc biệt, có nhiều pháp thuật siêu việt, có thể Ngài là bực đạt đạo.
Không biết Hòa thượng Sơn Nhân có viết sách nào không, nhưng trong nhiều kinh sách đã in thời đó, Hòa thượng Sơn Nhân đã có đóng góp nhiều công đức trong việc khắc in:
- Kinh Vô Lượng nghĩa do Thiền sư Toàn Nhựt – Quang Đài in lại năm Kỷ Sửu (1829).
- Hứa sử văn truyện là tập thơ chữ Nôm được thiền sư Toàn Nhựt san bổ lại và khắc in.
Tiếp nối truyền thống hộ trì chánh pháp của Hòa Thượng Tánh Thông – Giác Ngộ, các đệ tử của Hòa thượng Tánh Thông – Giác ngộ như Bảo Thanh, Bảo Tạng, Bảo Kế ...cũng đã đứng ra lo khắc bản in lại nhiều kinh sách.
Tại chùa Linh Sơn Đồng Thiền (Đông Thiền tự) là một trong các chùa của các Công Chúa nhà Nguyễn ở Kinh đô Huế, có thờ Long vị của Hòa Thượng Sơn Nhân ghi như sau:
“Từ Lâm Tế Gia Phổ, Tam thập cửu thế, húy Tánh Thông thượng Giác hạ Ngộ thụy Đắc giới Quan Hòa thượng Giác Linh ma tọa”.
Hòa thượng Sơn Nhân viên tịch vào năm Nhâm Dần (1842), đồ chúng lập tháp thờ rất lớn ở chùa Bát Nhã (Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã tự), thọ 87 tuổi, như vậy sanh vào năm Bính Tý (1756).
CÁC ĐỆ TỬ CỦA HÒA THƯỢNG SƠN NHÂN.
Hòa thượng Giác Ngộ có nhiều đệ tử, hiện chúng ta chỉ biết được các vị sau:
- Thiền sư Hải Chánh – Bảo Thanh trụ trì chùa núi Chứa Chan (Gia Ray – Long Khánh), chùa Vân Sơn và chùa Long Bàn (Long Điền – Bà Rịa), có thể viên tịch tại chùa núi Chứa Chan hay chùa Vân Sơn (?)
- Thiền sư Hải Bình – Bảo Tạng trụ trì chùa Thạch Sơn Tự (Phú Yên), vào lập chùa ở núi Cổ Thạch, vào vùng Bà Rịa hoằng hóa ở các chùa: Châu Viên Sơn Tự, Ngọc Tuyền hay chùa Tháp (núi Kỳ Vân), Bửu Long , Bửu An ...
- Thiền sư Bảo Chơn (chưa rõ tên húy là Hải gì ?) thiền sư Bảo Chơn có thời gian trụ trì chùa Long Vân, chùa Núi Gò Mọi (Nay thuộc thị xã Vĩnh An, tỉnh Đồng Nai) và viên tịch tại “Long Cốc” (hang Rồng) trên núi Chứa Chan.
- Thiền sư Bảo Kế trụ trì chùa Phước Sơn (Phú Yên)
- Thiền sư Hải Lưu – Mật Niệm kế thế trụ trì chùa Bát Nhã (Phú Yên).
Ba thiền sư Bảo Thanh, Bảo Chơn, Bảo Tạng sau khi thọ giáo với Hòa thượng Tánh Thông – Giác Ngộ và tu hành ở chùa Bát Nhã một thời gian, vào giữa thế kỷ 19, ba huynh đệ này vào miền Nam hoằng hóa ở nhiều vùng thuộc Bà Rịa, Long Khánh, Biên hòa.

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.