Additional Info
Thiền Sư Tánh Tuyên
(1700 - 1755)
Thiền sư Tánh Tuyên sinh năm Canh Thìn (1700), là đệ tử của Thiền sư Như Chúc (1691 - 1736) ở chùa Búp Tháp, và là pháp tôn của Hòa thượng Chân Nguyên-Tuệ Đăng (hay Tăng thống Chánh Giác).
Thiền sư Tánh Tuyên kế thế Thiền sư Như Chúc ở chùa Bút Tháp nổi tiếng trong chốn thiền lâm ở Đàng Ngoài thời đó, có nhiều đồ chúng. Ngoài chùa Búp Tháp, Thiền sư Tánh Tuyên còn hoằng hóa ở chùa Pháp Vân (hay chùa Dâu) ở Bắc Ninh, chùa Quang Ân ở Thăng Long .
Thiền sư Tánh Tuyên là bậc long tượng trong chốn thiền lâm ở Đàng Ngoài vào thế kỷ 18, nối tiếp ngọn đèn pháp của phái thiền Trúc Lâm - Yên Tử, kế tục truyền thống của Hòa thượng Chân Nguyên-Chánh Giác và các Thiền sư Như Chúc, Như Sơn...
Năm Đinh Mùi (1727), sư Tánh Tuyên trụ trì chùa Quang Ân ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Thăng Long, đã đứng ra quyên góp trùng tu lại chùa, xây cầu đá để dân đi cho thuận tiện.
Thiền sư Tánh Tuyên viên tịch vào ngày 25 tháng 10 năm Ất Hợi (1755), đồ chúng lập tháp thờ ở chùa Dâu và chùa Bút Tháp. Tháp ở chùa Dâu là tháp lớn nhất trong số các tháp cổ còn lại ở chùa này.
Tháp ở chùa Bút Tháp được dựng bằng đá thanh, mặt ngoài mài láng, cao ba từng. Tháp dựng bằng lối ghép mộng, có thể tháo ra lắp vào được. Tháp cao, kiến trúc đơn giản nhưng rất mỹ thuật.
Năm 1747, Thiền sư Tánh Tuyên khắc in lại sách “Bồ đề yếu nghĩa” theo lời phó chúc của Hòa thượng Chân Nguyên. Sách này gồm có 3 tác phẩm được in chung với nhan đề xiển dương tư tưởng tông phái Tịnh độ:
1. Bồ đề yếu nghĩa của Hòa thượng Chuyết Công (Thiền sư Viên Văn-Chuyết Chuyết).
2. Tịnh độ yếu nghĩa của Hòa thượng Tuệ Đăng (Thiền sư Chân Nguyên-Chánh Giác)
3. Kinh Vô Lượng Thọ.
(Năm 1851, Sa môn An Trụ, trụ trì chùa Giải Oan trên núi Yên Tử in lại sách Bồ đề yếu nghĩa dưới sự chứng minh của Sa môn Thanh Tiếp. Năm 1860, Tỳ kheo ni Diệu Thùy, trụ trì chùa Địa Linh ở Hồ Tây, lại in lại sách này dưới sự chứng minh của các Hòa thượng Phúc Điền (chùa Liên Phái), Chiếu Kiên (chùa Càn An), và Đạo Huân (chùa Quảng Bá ở Hà Nội).
|