法 海 (650-730). Thiền tăng đời Đường, họ Trương, tự Văn Doãn, người xứ Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông. Tuổi trẻ vốn là Nho sinh, có tài năng và học vấn, sở trường về Kinh Phật, xuất gia tại chùa Hạc Lâm. Sau đó, sư đến Tào Khê lễ Lục tổ Huệ Năng làm thầy, theo hầu hạ bên cạnh cho đến khi Tổ thị tịch. Tổ đặt tên cho sư là Pháp Hải.
Sau khi đắp tượng Tổ để thờ phượng tại chùa Bảo Lâm, sư ra hoằng pháp trụ chùa Bảo Trang Nghiêm ở Quảng Châu (nay là chùa Lục Dung). Sư là người biên tập Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh và viết bài tựa. Đây là nguyên bản Tào Khê, sau trở thành tông kinh của Thiền Tông , đời đời noi theo để khắc bản lưu truyền rất rộng rãi.
---o0o---
Công Án
Ban đầu đến tham vấn Lục Tổ, Pháp Hải hỏi Lục Tổ rằng:
- Hòa Thượng để lại giáo pháp gì khiến cho những người mê đời sau được thấy Phật tánh
Tổ bảo:
- Thành tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật.
Sau đó, Pháp Hải lại hỏi rằng: “Tức tâm tức Phật” cúi xin ngài chỉ dạy.
Tổ bảo: Niệm trước không sanh tức tâm, niệm sau không diệt tức Phật. Thành tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật. Ta nói đầy đủ cùng kiếp cũng không hết. Nghe ta nói kệ:
Tức tâm danh huệ
Tức Phật danh định
Huệ định đẳng trì
Ý trung thanh tịnh.
Ngộ thử pháp môn
Do nhữ tập tánh
Dụng bổn vô sanh
Song tu thị chánh.
Tức tâm gọi là huệ
Tức Phật gọi là định
Định huệ đều hành tri,
Giữ tâm ý thanh tịnh.
Ngộ được pháp môn này
Do tập tánh của ông
Dụng vốn vô sanh
Tu định huệ là chính.
Pháp Hải nghe kệ đại ngộ, làm kệ tán thán:
Tức tâm nguyên thị Phật
Bất ngộ nhi tự khuất
Ngã tri định huệ nhân
Song tu ly chư pháp.
Chính tâm này là Phật
Chẳng ngộ tự che khuất
Ta biết nhân định huệ
Song tu lìa vạn pháp.
*
Theo Kinh Pháp Bảo Đàn, chương mười, mỗi khi đồ chúng nghe Tổ nói kệ rồi thảy đều làm lễ biết rõ ý Tổ, mỗi người nhiếp tâm, y theo pháp tu hành, lại không dám tranh cãi, biết Tổ không còn ở đời bao lâu, Thượng Tọa Pháp Hải lại đảnh lễ hỏi rằng: “Sau khi Hòa Thượng nhập diệt, y pháp sẽ trao cho người nào
Tổ bảo:
- Tôi ở chùa Đại Phạm nói pháp cho đến ngày nay, sao chép để lưu hành, gọi là Pháp Bảo Đàn Kinh, các ông gìn giữ, truyền trao cho nhau, độ khắp quần sanh, chỉ y nơi lời nói nầy, ấy gọi là chánh pháp, nay vì các ông nói pháp chớ chẳng trao y, bởi vì các ông tín căn đã thuần thục, quyết định không còn nghi ngờ, kham nhận được đại sự, nhưng cứ theo ý bài kệ “Phó Thọ” của Sơ Tổ Đạt Ma, y không nên truyền. Kệ rằng:
Ta đến ở cõi nầy,
Truyền pháp cứu mê tình.
Một hoa nở năm cánh,
Kết quả tự nhiên thành.
---o0o---
Thiều Quan -Thiều Châu
Tương truyền Đường Tiên Thiên năm thứ hai (713) ngày mùng ba tháng tám, Lục Tổ Huệ Năng thị tịch tại Quốc Ân Tự. Thần Hội, Pháp Hải là bậc thượng thủ trong chúng, nơi đây thành lập Lục Kinh Đường, biên soạn lại những lời Lục Tổ chỉ dạy. Khi hoàn thành bộ Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh, có những người chống đối, ban đêm đến phóng hỏa đốt Lục Kinh Đường, định thiêu hủy toàn bộ sách. Thấy lửa cháy, Thần Hội chẳng quản thân, chạy qua biển lửa đem thân che kinh sách, Pháp Hải và đồ chúng cùng đến dập tắt lửa, kinh thư đã được Thần Hội dùng thân che lấy bảo toàn, trên mặt Thần Hội bị lửa làm thương tích.
Chúng đệ tử biểu đạt lòng tôn kính với hai vị cao tăng đều gọi hai ngài là Hộ Pháp La-hán, nên sau này hai bên đại hùng bảo điện có thờ hai vị La hán. Người đương thời thường gọi Thần Hội là Tổ thứ bảy.
Pháp Thí Hội không phải là shop bán các văn hóa phẩm Phật Giáo. Hội chỉ là nơi nhận Tịnh Tài của các Phật Tử gửi về, mua kinh sách (theo form đăng ký trên web của các Phật Tử ) và thay các Phật Tử đó đi cúng dường các chùa ở vùng xa , những nơi thiếu kinh sách cho các Phật tử nơi đó tu học.
Nếu quý Phật Tử muốn thỉnh kinh sách xin vui lòng không đăng ký tại đây.
Bỏ qua