TS Từ Pháp Huyền Quang

Personal Information

Danh Tánh
TS Từ Pháp Huyền Quang - Đời Thứ 8 Dòng Yên Tử - Tam Tổ Dòng Trúc Lâm
Gender ♂️ Male

Hành Trạng

Additional Info

Thiền Sư Từ Pháp Huyền Quang
(1254 - 1334)
(Tổ thứ 3, phái Trúc Lâm)

Tôn giả Huyền Quang là vị Tổ thứ ba của phái thiền Trúc Lâm của Đại Việt. Các tài liệu xưa ghi hành trạng của Huyền Quang, và trong bia ở đền Trạng Nguyên tại thôn Phúc Lộc, xã Vạn Tư, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc); “Đệ Tam Tổ Lý Trạng Nguyên hành trạng” do Phó bảng Nguyễn Phẩm, tự Tôn Phủ, hiệu Vạn Xuyên, soạn năm Tự Đức thứ 18 (1865), cho chúng ta biết về gia tộc của Huyền Quang như sau:
Tiên tổ của Lý Đạo Tái là Lý Ôn Hòa, giữ chức Hành khiển dưới triều vua Lý Thần Tông (1128-1138). Ôn Hòa sinh Lương, Lương sinh Nhượng, Nhượng sinh Minh Doãn, Minh Doãn sinh Khâm, Khâm sinh Quang Dụ, Lý Quang Dụ đậu tiến sĩ đời nhà Trần, làm quan đến chức Chuyển vận sứ. Lý Quang Dụ sinh 04 trai: trưởng là Tráng, thứ là Tướng và Thành (đều đậu tiến sĩ), út là Huệ (tự Huệ Tổ) đậu cử nhân, là giám sinh trường Quốc tử giám theo đại quân đánh Chiêm Thành, có công, lấy vợ là bà họ Lê. Huyền Quang là con của Huệ Tổ và bà họ Lê.
Lý Ôn Hòa -> Lý Lương -> Lý Nhượng -> Lý Minh Doãn -> Lý Khâm -> Lý Quang Dụ (tiến sĩ)
-> Tráng - Tướng - Thành - Huệ (Huệ Tổ) -> Lý Đạo Tái (Huyền Quang)

Tôn giả Huyền Quang là Tổ thứ ba của phái thiền Trúc Lâm ở Đại Việt, tên thật là Lý Đạo Tái hay Lý Tải Đạo, sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang (nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc).
Thân phụ là Lý Huệ, được gọi là Huệ Tổ, đậu thái học sinh (cử nhân), làm quan có công trong việc đánh Chiêm Thành, nhưng không ưa thích công danh, chỉ ưa ngao du sơn thủy, viếng danh lam thắng cảnh. Thân mẫu họ Lê, trước làm thủ từ ở chùa Ngọc Hoàng ở bản xã, là người hiền đức. Nhà ở phía Đông nam chùa này. Một hôm bà vào núi Chu Sơn hái thuốc, ngồi nghỉ ở miếu Ma Cô Tiên, chợp mắt chiêm bao thấy một con khỉ mặc áo vàng, bưng vầng mặt trời ném vào bụng bà. Về nhà bà thuật lại cho một vị tôn túc, vị này đoán là điềm có mang “quý tử”. Sau đó bà sinh đặt tên là Lý Đạo Tái.
Vào đêm sinh Lý Đạo Tái, trụ trì chùa Ngọc Hoàng là sư Huệ Nghĩa tụng kinh xong xuống phòng ngồi trên ghế trường kỷ chợt ngủ quên, nằm chiêm bao thấy trên chùa đèn đuốc sáng trưng, chư Phật tụ hội đông đủ, Kim cang, Long thần, Hộ pháp chật nứt, Đức Phật chỉ Tôn giả A Nan bảo: “Ngươi thác sinh làm pháp khí cõi Đông”. Bỗng có tiểu đồng gõ cửa, sư Huệ Nghĩa chợt tỉnh giấc, làm bài kệ viết trên vách chùa:
Nhân chi vi đạo khởi ta tầm,
Tâm tức Phật hề Phật tức tâm,
Huệ địch kiết tường vi ảnh hưởng,
Thử sinhtất kiến hảo tri âm !
Dịch nghĩa:
Người mà vì đạo chớ tìm đâu,
Tâm minh tức Phật, Phật tức tâm.
Mộng thấy điềm lành là cảm ứng,
Đời này ắt gặp bạn tri âm!
Thuở nhỏ Đạo Tái có dung mạo kỳ lạ, chí khí của bậc vĩ nhân cha mẹ rất yêu quý, dạy học văn chương, nghe một biết mười, có tài như bậc Á thánh (Nhan Hồi), nên được gọi là Tải Đạo.
Năm chín tuổi đã biết làm thơ văn, theo Nho học để thi ra làm quan.
Năm 19 tuổi bắt đầu học thêm kinh sách Phật giáo.
Năm 20 tuổi (1273), Đạo Tái đậu kỳ thi hương (cử nhân). Năm sau, niên hiệu Bảo Thù thứ hai (1274), đời vua Trần Thánh Tông, Lý Đạo Tái đậu trạng nguyên. Trước đó, cha mẹ định cưới vợ cho ông nhưng ông không chịu, bấy giờ vua định gả Công chúa Liễu Nữ, cháu của An Sinh vương Trần Liễu, ông cũng từ chối.
Lý Đạo Tái được bổ làm việc ở Hàn lâm viện. Ông giỏi văn chương, điển tích, trích dẫn kinh nghĩa chính xác và ứng đối mau lẹ, thường được cử tiếp đón sứ giả Trung Hoa, sứ giả phải nể phục. Ông cũng từng được cử đi sứ sang Trung Quốc.
Làm quan dưới ba triều vua Trần Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông suốt ba mươi năm, ông đệ đơn xin từ quan để tu hành mấy lần nhưng vua Anh Tông không chấp thuận.
Cuối năm Giáp Thìn (1304), Trúc Lâm Đầu Đà từ chùa Vân Yên trên núi Yên Tử về kinh thành để làm lễ thọ giới Bồ tát cho một số người trong Hoàng tộc và triều thần. Có lẽ trong dịp này, Huyền Quang xin từ quan và xuất gia thọ giới ở chùa Lễ Vĩnh, sau đến thọ giới với Thiền sư Bảo Phác ở chùa núi Vũ Ninh ở huyện nhà, pháp danh là Huyền Quang.
Năm Bính Ngọ (1306), Trúc Lâm Đầu Đà cử Pháp Loa làm giảng chủ chùa Báo Ân tại huyện Siêu Loại, trong buổi lễ chánh thức và long trọng, Thiền sư Bảo Phác và Sa di Huyền Quang đều được tham dự. Vì vậy, Trúc Lâm Đầu Đà chọn Huyền Quang thay thế Pháp Loa theo giúp Phật sự cho Trúc Lâm.
Huyền Quang theo Trúc Lâm vân du hoằng hóa khắp nước, viếng các danh lam thắng cảnh, khuyên dân chúng hành “Thập Thiện” (làm 10 điều thiện), bỏ các tục lệ thờ cúng tà thần và dâm thần…
Trúc Lâm Đầu Đà giao cho Huyền Quang biên soạn và hiệu chỉnh một số kinh sách cần thiết cho Giáo hội Phật giáo, tức phái thiền Trúc Lâm. Huyền Quang biên soạn các sách:
- Chư phẩm kinh: Tuyển tập những phẩm kinh trong các bộ kinh thiết yếu và thực dụng.
- Công văn tập: Tuyển tập các bài sớ, điệp… dùng trong các nghi lễ Phật giáo.
Trúc Lâm rất bằng lòng việc biên soạn sách của Huyền Quang, Trúc Lâm bút phê vào sách Thích khoa giáo, khen ngợi như sau: “Phàm các sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn (hay hiệu khảo rồi) thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”. Trúc Lâm cho khắc in các sách này. Có lẽ các sách này cũng được in vào bộ Đại Tạng kinh đời nhà Trần.
Năm 1308, Trúc Lâm Đầu Đà viên tịch, Huyền Quang phụng mệnh vua, thay thế trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Trong thời gian ở chùa này, Huyền Quang sáng tác tác phẩm rất nổi tiếng là “Vịnh Vân Yên tự phú” (Bài phú vịnh chùa Vân Yên) và An Tử sơn cư am (ở am núi Yên Tử):
Am bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng từng.
Dĩ can Long Động Nhật,
Do xích Hỗ Khê băng.
Bảo chiết vô dư sách,
Phù suy hữu sấu đằng.
Trúc Lâm đa túc điểu,
Quá bán bạn nhàn tăng.
Dịch nghĩa:
Am lạnh lẽo cao ngất,
Cửa mở tận từng mây.
Mặt trời soi Long Động,
Tuyết dầy che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược,
Gậy mây đỡ thân gầy.
Trúc Lâm nhiều chim ngủ,
Quá nửa bạn tăng nhàn.
Rằm tháng Giêng năm Quý Sửu (1313), Tôn giả Huyền Quang về kinh đô Thăng Long thăm vua Trần Anh Tông, rồi đến chùa Báo Ân ở huyện Siêu Loại giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Sau đó, Tôn giả Huyền Quang dâng biểu xin phép vua cho về thăm cha mẹ và lập chùa Đại Bi ở phía Tây nhà, nằm về phía Đông chùa Ngọc Hoàng.
Trong việc xây dựng chùa Đại Bi, từ vua, quan cho đến dân chúng đều góp công đức bằng vàng bạc, tiền của rất nhiều. Khi chùa hoàn thành, Tôn giả Huyền Quang mở pháp hội bảy ngày đêm, dân chúng khắp nơi về tham dự hàng vạn người. Sau khi pháp hội hoàn mãn, Tôn giả đem tiền của còn lại cúng dường cho Tăng Ni các đạo tràng, bố thí cho những người nghèo khổ, lại mở một tiệc nhỏ mời họ hàng thân thích trong làng và bạn bè cố cựu, rồi biếu họ vàng bạc, vải vóc. Ngay sau bữa tiệc đó, Tôn giả trở về chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, bạn bè chí thân làm thơ đưa tiễn hơn 30 bài.
Chư Tăng Ni theo học với Huyền Quang ở chùa Vân Yên đông đến hàng ngàn người. Trong thời gian Huyền Quang trụ trì chùa Vân Yên, nhiều người kính trọng đạo hạnh của Ngài, nhưng có một vài cá nhân có vẻ ganh tỵ khi thấy Huyền Quang được Thượng hoàng Nhân Tông và vua Anh Tông thán phục nên có nhiều lời dị nghị, nhân đó nho thần Mạc Đỉnh Chi tâu với vua rằng: “Vẽ cọp thì vẽ da, làm sao vẽ tới xương được, biết người thì chỉ biết bề ngoài, làm sao biết được trong tâm. Xin bệ hạ cho lập kế thử nghiệm”. Vua liền sai cung nhân Điểm Bích hiệu là Tam Nương giả bộ lên chùa tu để tìm cách chinh phục Huyền Quang, thử xem có bị động tâm hay không ? Điểm Bích là cung nữ có sắc đẹp lại thông bác kinh sử. Vua nói: “Huyền Quang là vị sư có giới hạnh cao nghiêm, chưa từng có ý sắc dục, nhà ngươi đến chùa tìm hiểu. Nếu sư còn quyến luyến tình dục thì ngươi hãy dụ mà xin cho được kim tử bằng vàng đem về đây cho ta, nếu man trá thì bị tội”. Kim tử này là vật báu mà vua đã tặng cho Huyền Quang ngày trước.
Năm Quí Sửu (1313), Điểm Bích cùng một tiểu tỳ lên chùa Vân Yên gặp một Ni sư già, Bích xin xuất gia học đạo, Ni sư chấp chận cho ở lại tập sự, sai bảo trà nước sớm trưa.
Một hôm, Tôn giả Huyền Quang thấy dung mạo Điểm Bích biết Bích không phải là người có tâm theo học đạo, tu hành nên gọi Ni sư lên quở trách. Điểm Bích thấy Tôn giả có giới hạnh nghiêm minh, khó dùng sắc đẹp để chinh phục, nên nảy sinh ra mưu kế khác. Một hôm, Điểm Bích khóc than với Ni sư nói rằng: Cô là con quan Huyện thừa, thu thuế xong thì bị ăn cướp đoạt hết số tiền thuế, nếu đến kỳ hạn không có đủ tiền đền thì sẽ bị tội và bị tịch biên gia sản. Ni sư kể lại sự việc cho chư Tăng Ni ở chùa nghe, Tôn giả Huyền Quang định về triều đình xin tội cho cha Điểm Bích nhưng có một sư nói: “Pháp luật là pháp luật, để mất của công thì phải chịu tội, không nên vì tình riêng mà can thiệp, như vậy pháp luật không còn được tôn trọng. Tốt hơn hết là chúng ta quyên tiền giúp cho cô ấy”. Đồ chúng trong chùa, ai cũng góp tiền cho, Huyền Quang lấy Kim tử mà vua đã ban đưa cho Điểm Bích.
Sau khi nhận được Kim tử, Điểm Bích trở về cung vua, tâu với vua sự việc khác đi như sau: “Thần thiếp đến chùa xin tu, Ni sư cử thiếp hầu trà nước cho sư Huyền Quang. Một tháng trôi qua, Sư chưa từng nhìn hỏi thiếp. Một đêm kia, Sư lên chánh điện tụng kinh đến khuya, Sư và đại chúng về tăng phòng nghỉ, thiếp đến cạnh tăng phòng của sư để nghe động tịnh, thì nghe Sư ngâm bài thơ Nôm như sau:
Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh,
Người hòa tươi, tốt cảnh hòa lạ,
Màu Thích Ca nào thử hữu tình.
Sư ngâm bài này ba lần, thiếp vào phòng xin tạ từ về thăm cha mẹ, nói rằng năm tới sẽ lên học đạo. Sư lưu thiếp lại một đêm, tặng thiếp Kim tử.
Vua nghe xong không vui, tự trách: Việc này nếu xảy ra đúng sự thật thì chính ta là người thả lưới bắt chim, còn nếu sự việc xảy ra không đúng thật như thế thì không thể nào tránh được sự nghi ngờ về Tôn giả Huyền Quang.
Vua liền mở đại hội Vô Già thỉnh Huyền Quang về làm chủ lễ. Trên bàn cúng bày đầy đủ lễ vật, lục phẩm, ngũ cúng, ca sa, pháp y và cả các tạp vật như vàng bạc châu báu… Huyền Quang biết mình bị hàm oan, nhưng vẫn thản nhiên khai đàn, ngửa mặt lên trời thổi một hơi, lên đàn ba lượt, xuống đàn ba lượt, vọng bái thánh hiền mười phương, tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhành dương xanh, mật niệm thần chú rưới nước khắp trên dưới pháp điện. Bỗng thấy một đám mây đen hiện lên, bụi bay đầy trời, không gian mù mịt. Một lát trời sáng lại, mọi tạp vật như vàng bạc châu báu đều bị bay mất hết, chỉ còn lại hương đăng và lục cúng. Ai ai cũng thất sắc kinh hoàng. Vua thấy đạo pháp của Tôn giả Huyền Quang thấu cả trời đất, liền rời chỗ ngồi quỳ lạy tạ lỗi… Từ đó vua càng thêm tôn kính Tôn giả.
Khoảng năm 1313, Tôn giả Huyền Quang về trụ trì chùa Ninh Phúc (hiện nay được gọi là chùa Bút Tháp hay chùa Nhạn Tháp), cho trùng tu lại chùa, xây tháp chín từng gọi là: “Tòa Cửu phẩm Liên hoa”. Tháp có tám mặt có thể xoay quanh trục, Phật tử đi kinh hành quanh tháp vừa trì chú hay niệm Phật vừa quay tháp xung quanh trục (hình thức Mật tông và Tịnh độ).
Sau đó Tôn giả Huyền Quang về trụ trì chùa Thanh Mai sáu năm. Tiếp theo đó Tôn giả Huyền Quang về trụ trì chùa Tư Phúc hay chùa Hun ở Côn Sơn (huyện Chí Linh ) được lập từ đời nhà Lý, Trúc Lâm Đầu Đà và Pháp Loa đã từng thuyết pháp, hoằng hóa ở chùa này.
Năm 1330, Tôn giả Pháp Loa thị tịch ở chùa Quỳnh Lâm, Tôn giả Huyền Quang kế thế Pháp Loa lãnh đạo phái thiền Trúc Lâm trở thành vị Tổ thứ ba, nhưng vẫn trụ trì chùa Tư Phúc cho đến ngày viên tịch.
Tôn giả Huyền Quang ở chùa Côn Sơn những năm cuối cùng của cuộc đời. Cảnh thanh tịnh và tươi đẹp của Côn Sơn đã là đề tài cho nhiều vua chúa và nhà thơ nổi tiếng, Tôn giả Huyền Quang cũng có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt trác tuyệt như sau:
Đức bạc thường tàm kế Tổ đăng,
Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng,
Tranh như trục bạn qui sơn khứ,
Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng
Dịch nghĩa:
Thẹn mình đức mỏng nối Đèn Tổ,
Luống cho Hàn, Thập sinh oán hờn,
Cùng với bạn đạo về non vắng,
Rừng núi phủ quanh vạn vạn từng.
Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), Tôn giả Huyền Quang tịch ở chùa núi Côn Sơn, thọ 81 tuổi. Vì vậy ở chùa Hun từ xưa đến nay đều mở lễ hội giỗ Tổ vào ngày 23 tháng Giêng, Phật tử khắp nơi về dự lễ rất đông.
Ngày 24 tin đó mới về đến quê nhà. Vì vậy, chùa Đại Bi ở làng Vạn Tải, nơi quê nhà, cúng giỗ Tổ Huyền Quang vào ngày 24 tháng Giêng.
Thượng hoàng Trần Minh Tông phong hiệu cho Huyền Quang là: “Trúc Lâm đệ tam đại”, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn giả.
Đồ chúng xây tháp trên núi Côn Sơn thờ cúng. Tác phẩm của Tôn giả Huyền Quang gồm có :
- Ngọc Tiên tập.
- Một số bài thơ được chép lại trong sách “Việt Âm thi tập” của Phan Phù Tiên (3 bài), “Toàn Việt thi lục” của Lê Quí Đôn (24 bài), “Hoàng Việt thi tuyển” của Bùi Huy Bích (7 bài).
- Chư phẩm kinh
- Phổ Tuệ ngữ lục ( biên soạn lại các ngữ lục của Tôn giả Pháp Loa).
- Bảo đỉnh hành trì bí chủ toàn chương (hay Bảo đỉnh hành trì) hay Thích thị Bảo Đỉnh Hành Trì Bí Chủ Toàn Chương.
- Phật môn công văn trợ thành: Tôn giả Huyền Quang biên lục theo định bản của Tôn giả Pháp Loa.
- Thích khoa giáo
- Đoạn sách lục: Trong sách này có bản niên phổ ghi chép về hành trạng của Tôn giả Pháp Loa do Huyền Quang khảo đính và thị giả Trung Minh sao chép lại.
Hành trạng của Tôn giả Huyền Quang được ghi chép trong sách “Tổ gia thực lục”. Nhưng vào thời nhà Minh đô hộ Đại Việt, Thượng thư Hoàng Phúc qua cai trị, lấy đem về Trung Quốc. Sau đó, Hoàng Phúc thường nằm mơ thấy Tôn giả Huyền Quang bảo phải gởi trả sách này lại cho bản quốc. Nhưng cho đến đời con cháu của Hoàng Phúc cũng chưa gặp cơ hội thuận tiện để gởi trả sách này. Do đó, nguyện xin lập chùa “An Nam Thiền sư Huyền Quang tự’’ tại làng mình để thờ. Chùa này rất linh ứng, cầu đảo đều được ứng nghiệm. Mãi đến khoảng niên hiệu Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1528), cháu bốn đời của Hoàng Phúc là Hoàng Thừa Tổ cũng thường nằm mộng thấy Tôn giả Huyền Quang bảo phải gởi trả sách về nước nên đã cho Tô Xuyên hầu Lê Quang Bí đem về. Tô Xuyên hầu đi sứ sang nhà Minh bị giữ lại Trung Quốc 19 năm mới được cho về. Trình Tuyền hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân đến chúc mừng đoàn sứ giả về nước, nhận được sách này. Sau đó, Trình Tuyền hầu có làm văn chú thích sách này.

---o0o---

PHỤ BẢN

1. CÚC HOA
Vong thân vong thế dĩ đô vong
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.
Dịch:
HOA CÚC
Bẵng quên thân thế chẳng hề vương
Lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường
Năm hết trong non không sẵn lịch
Nhìn xem cúc nở biết trùng dương(1).

2. SƠN VŨ
Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ thị thành thiền tâm nhất phiến
Cung thanh tức tức vị thùy đa.
Dịch:
CHÙA NÚI
Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài
Chùa núi im lìm gối cỏ may
Đã được thành thiền tâm một khối
Rè rè tiếng dế gọi kêu ai?

3. THẠCH THẤT
Bán gian thạch thất hòa vân trụ
Nhất lĩnh thuế y kinh tuế hàn
Tăng tại thiền sàng kinh tại án
Lô tàn cốt đốt nhật tam can.
Dịch:
THẤT ĐÁ
Nửa gian nhà đá lẫn trong mây
Một mảnh áo lông trải tháng ngày
Tăng ở trên giường, kinh tại án
Lò hương tàn lụn, mặt trời lên.

4. TẶNG SĨ ĐỒ TỬ ĐỆ
Phú quí phù vân trì vị đáo
Quang âm lưu thủy cấp tương thôi
Hà như tiểu ẩn lâm tuyền hạ
Nhất tháp tùng phong, trà nhất bôi.
Dịch:
TẶNG CON EM LÀM QUAN
Giàu sang mây nổi đến dần dà
Ngày tháng trôi nhanh chẳng đợi mà
Chi bằng tiểu ẩn(1) nơi rừng suối
Một giường gió mát, một chung trà.

5. AN TỬ SƠN CƯ AM
Am bức thanh tiêu lãnh
Môn khai vân thượng tầng
Dĩ can Long Động nhật
Do xích Hổ Khê băng.
Bảo chuyết vô dư sách
Phù suy hữu sấu đằng
Trúc Lâm đa túc điểu
Quá bán bạn nhàn tăng.
Dịch:
Ở AM YÊN TỬ
Cao ngất am lạnh lẽo
Cửa mở tận từng mây
Mặt trời soi Long Động
Tuyết dày che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược
Nương gậy đỡ thân gầy
Trúc Lâm nhiều chim ngủ
Quá nửa bạn với thầy.

6. NHÂN SỰ ĐỀ CỨU LAN TỰ
Đức bạc thường tàm kế Tổ đăng
Không giao Hàn Thập khởi oan tăng.
Tranh như trục bạn qui sơn khứ
Điệp chướng trùng sơn vạn vạn tằng.
Dịch:
NHÂN VIỆC ĐỀ CHÙA CỨU LAN
Đức mỏng thẹn mình nối Tổ đăng
Luống cho Hàn, Thập dấy hờn căm.
Chi bằng theo bạn về non quách
Núi chất chập chùng muôn vạn tầng.

7. XUÂN NHẬT TỨC SỰ
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
Dịch:
TỨC CẢNH NGÀY XUÂN
Thêu gấm thưa tay dáng mỹ nhân
Líu lo oanh hót, khóm hoa gần.
Đáng thương vô hạn, thương xuân ý
Chỉ tại dừng kim, chẳng mở lời.
LỜI NGƯỜI SOẠN: Bài thơ này khiến nhiều học giả hiểu lầm: Tác giả là một Thiền sư, lại là Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà còn tình cảm dồi dào ướt át như thế, thì làm sao được giải thoát? Song, nhận xét như vậy là một hiểu lầm đáng tiếc. Bởi vì tác giả tả cảnh xuân, nên mượn hình ảnh người con gái đẹp, hoa nở, chim hót để làm nổi bật ngày xuân. Nhưng đến kết thúc, tác giả nói lên lòng thương vô hạn của mình, chính là khi “dừng kim, không nói”. Đâu không phải câu “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”. Bặt đường ngôn ngữ, dứt lối tâm hành - đây là chỗ kết quả của người tu thiền. Người tu đến đây mới giải thoát đường sanh tử, mà không thương tha thiết sao được? Chỗ này chính là mùa xuân bất tận của người tu.

* *  *

Sư còn làm phú chữ nôm, như bài Vịnh Vân Yên Tử phú:
Buông niềm trần tục;
Náu tới Vân Yên.
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy.
Gió tiên đưa đôi bước thần tiên.
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới;
Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên.
Đất phúc địa nhận xem luống kể,
Kể bao nhiêu dư trăm phúc địa;
Trời Thiền thiên thập thu thửa lạ,
Lạ hơn ba mươi sáu Thiền thiên.
Thấy đây:
Đất tựa vàng liền;
Cảnh bằng ngọc đúc.
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu;
Núi ngàn tầng quanh co đường Thục.
La đá tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn;
Nước suối chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc.
Cỏ chiều gió lướt, dợm vui vui;
Non tạnh mưa dầm, màu thúc thúc.
Ngàn cây phơi cánh phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn;
Hang nước tưới hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục.
Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông;
Da điểm đồi mồi, giống hòa vườn trúc.
Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành,
Đền ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc.
Cảnh tốt và lành;
Đồ tựa vẽ tranh.
Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo
Nhèn chi vua Bụt tu hành.
Hồ sen trương tán lục;
Suối trúc bấm đàn tranh.
Ngự sử mai hai hàng chầu rập;
Trượng phu tùng mấy chạnh phò quanh.
Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng;
Tử vi bày liệt vị công khanh.
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng;
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ.
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vặc vặc, núi xanh xanh.
Huống chi,
Vân thủy bằng lòng;
Yên hà phải thú.
Vui thay cảnh khác cảnh hoàng kim;
Trọng thay đường hơn đường cẩm tú.
Phân ân ái, am Não am Long;
Dứt nhân duyên, làng Nường làng Mụ.
Mặc ca-sa nằm trướng giấy, màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương;
Quên ngọc thực bỏ hương giao, cắp nạnh cà một vò, tương một hũ.
Chặp tiết dương tiếng nhạc dõi truyền;
Voi la đá tính từ chẳng đố.
Xem phong cảnh hơn cảnh Bà Roi;
Phóng tay cầu chưng cầu Thằng Ngụ.
Bao nhiêu phong nguyệt, vào cõi vô tâm;
Chơi dấu nước non, dưỡng đời thánh thọ.
Ta nay,
Ngồi đỉnh Vân Tiêu;
Cỡi chơi Cánh Diều.
Coi Đông sơn tựa hòn kim lục;
Xem Đông hải tựa miệng con ngao.
Nức đài lan nghĩ hương đan quế;
Nghe Hằng Nga thiết khúc tiêu thiều.
Quán thất bảo vẽ bao Bụt hiện;
Áo lục thù tiếng gió tiên phiêu.
Thầy tu trước đã lên Phật quả;
Tiểu tu sau còn vị Tỳ-kheo.
. . .
Kệ rằng:
Rũ không thay thảy ánh phồn hoa,
Lấy chốn thiền lâm làm cửa nhà.
Khuya sớm sáng choang đèn Bát-nhã,
Hôm mai rửa sạch nước ma-ha.
Lòng thiền vằng vặc trăng soi giại,
Thế sự hiu hiu gió thổi qua.
Cốc được tính ta nên Bụt thực,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
(Huệ Chi)

---o0o---

Chùa Côn Sơn (Chùa Tư Phúc - Chùa Hun)

Chùa Hun hay chùa Tư Phúc còn có tên là Thiên Phúc, ở khu rừng thông thuộc vùng núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 100km về hướng Đông.
Từ Hà Nội muốn về thăm vùng núi Côn Sơn, hay viếng chùa Hun, khách hành hương có hai lối để đi:
- Từ Hà Nội theo Quốc lộ một đến Bắc Ninh. Từ Bắc Ninh quẹo tay mặt, theo Quốc lộ 18 (đi Hòn Gai-vịnh Hạ Long) đến Phả Lại, từ Phả Lại quẹo vào Côn Sơn.
- Từ Hà Nội theo Quốc lộ 5 (đi Hải Phòng), đến cây số 61 quẹo trái theo đường đất đỏ vào huyện Nam Sách, đến phà Bính. Qua phà Bính, xe chạy độ một giờ nữa là đến Côn Sơn.
Chùa Hun được dựng giữa rừng thông xinh đẹp ở vùng chân núi Côn Sơn. Núi Côn Sơn còn được gọi là núi Lân, vì hình núi giống con Lân ngồi sừng sững.
Chùa Hun do các thiền sư thành lập vào đời nhà Lý (1010-1225). Đến đời nhà Trần, chùa Hun trở nên hưng thịnh khi Tổ sư Pháp Loa và Huyền Quang của phái thiền Trúc Lâm đến hoằng hóa.
Khi Tổ Pháp Loa về trụ trì chùa Hun có bài thơ “Sơn cư” như sau:
Vương thân, vương thế dĩ độ vương,
Tọa cửu thê nhiên nhất pháp lương,
Tuế vãn sơn trung vô giáp lịch,
Cúc hoa khai sứ thị trùng dương.
Nguyễn Trọng Thuật dịch:
Sự đời quên cả chẳng lôi thôi,
Chiếc chõng quanh năm bó gối ngồi,
Ngày tháng chẳng còn sờ đến lịch,
Thấy hoa cúc nở đón thu rồi.
Kế tiếp đó, Tổ sư Huyền Quang về trụ trì chùa Hun, trùng hưng chùa thành một đại tùng lâm. Năm Giáp Tuất (1434), Tổ sư Huyền Quang viên tịch tại chùa này, thọ 80 tuổi. Đồ chúng lập tháp trên núi Côn Sơn ở phía sau chùa để thờ. Tháp được xây bằng đá xanh đơn sơ nhưng mỹ thuật.
Tại chùa Hun ở Côn Sơn (và chùa ở Yên Tử), vào ngày mồng 3 tháng 1, là ngày đản sinhcủa Tổ Huyền Quang, thiện nam tín nữ về chùa lễ bái và viếng cảnh làm thành một hội lớn ở Côn Sơn, kéo dài cả tháng.
Cuối đời Trần, Băng Hồ Trần Nguyên Đán cáo quan về sống ẩn dật tại Côn Sơn lập động Thanh Hư (hoặc động Huyền Thiên?), xây điện Lưu Quang, bắc cầu Thấu Ngọc băng qua suối Thấu Ngọc, bên trái có am, bên phải có bàn cờ, trước có hồ bán nguyệt rất rộng và đẹp. Băng Hồ lại trồng hàng cây thông thành hai hàng chạy dài trước điện Lưu Quang và có thơ rằng:
Xuân nhựt tảo di, hoa ảnh động,
Thu phong vãn tống hạc thanh lai,
Lưu Quang điện hạ từng thiên thụ,
Tận thị kình thiên nhất thủ tài.
Nguyễn Trọng Thuật dịch:
Nắng xuân sớm động bóng hoa,
Gió thu hiu hắt chiều tà hạc kêu.
Lưu Quang thềm điện xanh rêu,
Chống trời thông biếc do đều một tay.
Khi quân Minh xâm lăng Đại Việt, Nguyễn Trãi về ẩn náu tại nhà ông ngoại là Băng Hồ tướng công. Sau khi giúp vua Lê Thái Tổ bình xong giặc Ngô, Ức Trai tức Nguyễn Trãi lại từ quan về dạy học. Cảnh đẹp Côn Sơn được Nguyễn Trãi ca ngợi trong bài “Côn Sơn ca” như sau:
Côn Sơn hữu tuyền
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tấy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nhan trung hữu tùng,
Vạn Lý thúy đồng đồng.
Ngô ư thị hồ, yên tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ, ngân riêu kỳ trác.
………………………………………………….
Nhân danh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc diệc vãn lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tạc.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục.
Nhân gian nhược hữu sào do đồ,
Khuyến cừ thích ngã sơn trung khúc.
Tạm dịch :
Côn Sơn có suối Tiếng nước chảy rì rào
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa tưới rêu xanh thắm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trong núi có thông,
Ta tha hồ nghỉ nơi đây.
Trong rừng có trúc,
Ngàn mẫu in màu lục,
Ta tha hồ ngân nga dưới gốc.
…………………………………………………..…
Người đời sống trăm năm,
Rốt cuộc như cây cỏ,
Vui buồn khổ sướng đổi thay nhau,
Nay tươi mai héo vẫn tiếp nối,
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Nhân gian nếu có bạn Do, Sào
Khuyên nghe ta ca khúc nhạc trong non.
Chùa Côn Sơn bị hư hại vào thời nhà Hậu Lê, mãi đến thời Lê Trung Hưng, chùa mới được trùng tu.
Vào năm 1602, sư trụ trì chùa là Tuệ Pháp, hiệu Pháp Nhẫn, cùng với Tăng chánh Tuệ Hương, hiệu Pháp Đăng, đứng ra vận động Tăng Ni và thiện nam tín nữ đóng góp công sức và tiền của để trùng tu chùa. Năm 1606, sư Tuệ Pháp (tên thế là Mai Trí Bản) cùng với các hội chủ tiếp tục đóng góp để xây dựng sửa sang cổng tam quan, hành lang, thượng điện, cột thiêu hương và tô sửa tượng Phật.
Năm 1613, Bình An vương Trịnh Tùng sắc chỉ cho xã Cổ Ngãi, huyện Phương Nhãn, lo phụng thờ chùa. Cung tần Lê Thị Ngọc Chu, Thái úy Trịnh Đỗ, quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liễu đã cúng dường trùng tu chùa và cúng cho chùa 21 mẫu 7 sào ruộng ở xứ Hồ Quan.
Năm 1653, Thanh Đô vương Trịnh Tráng ra lệnh cho xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn, cung cấp nhân công để lo thờ cúng chùa Tư Phúc. Đô thái giám, Chưởng giám Đề đốc Ninh Quận công đứng ra trùng tu chùa, sửa đài cửu phẩm liên hoa.
Năm 1656, các bà thị nội cung tần Nguyễn Thị Ngọc Hân, Ngọc Cơ, Ngọc Duyên, cùng các cung tần và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Phương bỏ tiền của ra trùng tu chùa và mua ruộng cúng cho chùa .
Năm1752, Minh Đô vương Trịnh Doanh ra lệnh miễn và giảm thuế cho dân xã Trúc Thôn, huyện Chí Linh, để dân tu sửa chùa và lo cúng lễ cho chùa.
Vào thời Lê Trung hưng, chùa rộng lớn đến 83 gian, nhưng qua thời gian chùa bị hư hại. Sau chùa Tư Phúc được dựng lại ở chân núi Côn Sơn, theo kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Nhưng hiện nay, chùa bị thu hẹp nhỏ lại, chỉ còn lại các phần sau:
- Trước chùa là hồ bán nguyệt lớn, từ hồ vào chùa có lối đi rộng, hai bên là vườn cây vải.
Du khách nghiên cứu lịch sử bia Côn Sơn tư phúc tự bi qua bảng giới thiệu của Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
- Trước sân chùa là hai nhà bia: bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bia” cao độ 1m6, rộng 1m .
- Chùa chánh hình chữ công : Tiền đường là dãy nhà ngang 5 gian, chánh điện là dãy nhà dọc và phía sau là nhà Tổ có thờ tượng ông bà Trần Nguyên Đán và tượng của Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ.
BMKTCN - ĐHXD - Chùa Côn Sơn tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh,  Hải Dương

Chùa Hun (Chùa Côn Sơn)

 

Contact Information

Phone
Array
Address Array
This entry was posted in . Bookmark the permalink.