Additional Info
Tìm Hiểu Về Thiền Sư Như Sơn
Thích Đồng Dưỡng
Tập Kế đăng lục là một tư liệu chính thống viết về truyền thừa hai dòng Tào Đông, Lâm Tế tại miền Bắc. Sách do Như Sơn soạn vào năm Giáp Dần (1734) dưới mệnh lệnh của nhà vua lúc bấy giờ nên sách đề là Ngự chế thiền uyển thống yếu kế đăng lục. Năm Tự Đức thứ 12 (1858), Phúc Điền Hòa thượng đã tục biên thêm mấy vị Thiền sư phái Lâm Tế, từ tổ Như Trừng xuống đến ngài Từ Tính rồi đem khắc in. Bản sách được trùng san thêm hai lần nữa, bởi chùa Nguyệt Quang và Hội Phật giáo Bắc kỳ(1). Do đó, tập sách lưu hành khá thông dụng, được học giới dùng làm tài liệu nghiên cứu về sử Phật giáo cũng như thiền tông tại nước ta. Thế mà, tác giả của nó vẫn chưa được xác định rõ ràng niên đại, quê quán, tông phái…Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận là người khảo sát giá trị của tập sách cũng như tác giả. Tác giả đã chứng minh Như Sơn chính là Từ Sơn Hành Nhất, tổ thứ ba của phái Tào Động. Cách lập luận của Nguyễn Lang có nhân tố hợp lý khi ông khảo về truyền thừa tại chùa Hòe Nhai nơi Như Sơn viết Kế đăng lục, làm cho ta thấy ý kiến đó khá hay. Trải qua thời gian, chưa có ai bổ sung gì mới cho ý kiến của Nguyễn Lang nên chúng tôi mạo muội khảo sát thêm một số tư liệu nhằm làm sáng tỏ ý kiến trên và đưa ra một bảng tiểu sử đầy đủ mà tư liệu hiện có thể biết được.
1. Tư liệu ghi chép về Thiền sư Như Sơn
1.1 Đầu tiên, nhắc lại tập Thiền điển thống yếu Kế đăng lục 禪典統要繼燈錄(gọi tắt là Kế đăng lục) của Như Sơn soạn tại chùa Hồng Phúc và được in vào năm Giáp Dần (1734). Trong đó, Thiền sư có nhờ học trò là Sa di Tính Chúc duyệt, Sa di Tính Phái, Tính Hiển kiểm tra. Theo tư liệu tại chùa Hòe Nhai, Thiền sư Tính Chúc là vị trụ trì thứ ba, cũng là đệ tứ tổ dòng Tào Động tại Đàng Ngoài(2).
1.2. Bia Hồng Phúc tự cổ văn bi ký 洪福寺古文碑記 (chùa Hòe Nhai) ghi lại công đức bà Cung tần Thị nội Nguyễn Thị Phán và ông Vũ Trọng Hưng có công trùng tu chùa. Một mặt khắc đạo sắc đề năm Chính Hòa thứ 24 (1703) cho Thiền sư Chân Dung. Một mặt ghi bài minh ca tụng công đức, trong đó lạc khoản cuối như sau: “Sơn Nam Kiến Xương Chân Định Hương Ngải Tưởng Hữu Kiên tự Như Sơn kính tả thử hồi”(3) nghĩa là Tưởng Hữu Kiên, tự Như Sơn, người Hương Ngải, Chân Định, Kiến Xương, Sơn Nam kính chép hồi này. Cùng văn bia, Thiền sư Chân Dung, thế danh Tưởng Đình Khoa cùng quê với Thiền sư Như Sơn, trụ trì chùa Hồng Phúc.
1.3. Thật tướng Bát Nhã ba la mật kinh(4) (Thật tướng Bát Nhã kinh) khắc in tháng 2 năm Vĩnh Hựu Đinh Tỵ (1737) có ghi: “Tăng thống tự Như Sơn, chùa Vạn Phúc xã Phật Tích, núi Tiên Du phú chúc cho đệ tử Tính Chúc, trụ trì chùa Hồng Phúc, Trung Đô đốc khán”. Tư liệu này hợp với Kế đăng lục cho Tính Chúc là đệ tử của Như Sơn. Lúc này, Thiền sư Như Sơn ở chùa Vạn Phúc (còn gọi là chùa Phật Tích) trên núi Tiên Du, còn Tính Chúc trụ trì chùa Hồng Phúc.
1.4. Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi của Phúc Điền cho Như Sơn thuộc đời thứ 4, tức ngài trụ trì chùa Phật Tích. Sách chép: “Chuyết Công Hòa thượng trụ trì Vạn Phúc tự vi thủy, hạ nhị truyền Minh Lương, hạ tam truyền Minh Huyễn, hạ tứ truyền Như Sơn, hạ ngũ truyền Như Hạo…”(5) nghĩa là Hòa thượng Chuyết Công trụ trì chùa Vạn Phúc làm đời thứ nhất, truyền xuống đời thứ hai Minh Lương, truyền xuống đời thứ ba Minh Huyễn, truyền xuống đời thứ tư Như Sơn, truyền xuống đời thứ năm Như Hạo. Theo Phúc Điền, Như Sơn trụ trì đời thứ tư chùa Vạn Phúc bắt đầu từ Chuyết Công mà chùa đó là tổ đình của phái Lâm Tế.
1.5. Pháp giới an lập đồ bản in chùa Linh Quang (Bà Đá) thực hiện năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) dựa vào bản in năm Bảo Thái Giáp Thìn (1724) do Như Sơn khắc ván tại chùa Tường Quang, Đông Sơn. Sách trích nguyên bài tựa của Như Sơn mà đoạn đầu có chép: “Hòa thượng tăng thống Chính Giác tự Chân Nguyên phái Trúc Lâm chùa Long Động núi Yên Tử đã giao phó và khéo giúp đỡ thầy Sa di chùa Tường Quang ở Đông Sơn tự Như Sơn in lại”(6). Thế thì Như Sơn phải có quan hệ mật thiết với Chân Nguyên nên Nguyên mới giao phó in tập Pháp giới an lập đồ. Chùa Tường Quang(7) còn gọi là chùa Non Đông được thành lập khá lâu. Đời Hậu Lê, chùa trở thành tổ đình của phái Tào Động. Hiện còn hai ngôi tháp bằng đá của Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác (1636-1704) và Chân Dung Tông Diễn mà hai vị đó có thời gian trụ trì bản tự.
1.6. Phật thuyết quán Di Lặc Bồ tát thượng sinh Đâu Suất Đà thiên kinh có hai bài tựa, một do Như Sơn soạn, một do Đạo Nguyên Khoan Dực viết năm Nhâm Thân. Tờ đầu sau tên kinh, hàng thứ hai đề “Sa môn Như Sơn khể thủ phần hương chí tâm cẩn tự 沙門如山稽首焚香志心謹序”(8) nghĩa là Sa môn Như Sơn cúi đầu đốt hương chí tâm kính cẩn làm bài tựa. Bài tựa không ghi lại năm soạn và không thấy một thông tin về tác giả. Khoa cúng tổ chùa Hòe Nhai cho biết Thiền sư Khoan Dực chính là tổ đời thứ 6 dòng Tào Động miền Bắc. Theo Ngũ tông yếu lược tự dẫn(9) do Khoan Dực viết có kể, sư từng tham học với tổ Bản Lai Tính Chúc chùa Hòe Nhai nên biết các vị này có quan hệ với phái Tào Động.
Tựu trung, các tư liệu không cho biết hành trạng của Như Sơn mà ghi vài Phật sự do sư kiến lập. Trong đó, xác định rõ Như Sơn là thầy của Thiền sư Bản Lai Tính Chúc và sư có mối quan hệ giữa hai tông Lâm Tế với Tào Động.
2. Các tư liệu Hán Nôm ghi chép về Thiền sư Từ Sơn
2.1. Trước hết là việc phát hiện văn bia trên ngôi tháp Viên Minh tại chùa Vạn Đức (Quảng Nghiêm thiền tự). Bài vị đá trong lòng tháp ghi: “Viên Minh tháp tăng thống Tịnh Giác đại Hòa thượng Hành Nhất Thiền sư tặng phong Phổ tế hóa sinh Bồ tát thiền tòa hạ 圓明塔僧統淨覺大和尚行一禪師贈封普濟化生菩薩禪座下”.
Và một bài văn “Chí tháp” được tạc ở tầng thứ hai bên phải ngôi tháp. Bài chí được viết vào ngày tốt tháng 3 năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) do đệ tử thủ tòa tự là Tính Chúc, dựng tháp soạn văn. Người viết chữ là Phạm Gia Lạc tự Như Lan(10), Tự thừa xã Trung Lập huyện Đường Hào. Qua bài tháp chí, xin tóm lược vài nét Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất(11). Sư họ Tưởng, sinh năm Tân Dậu (1681), quê tại Hương Ngãi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Sư đồng chân vào đạo, đến tuổi nhược quán xuất gia với Thiền sư Chân Dung và kế thừa dòng pháp từ vị này. Năm Giáp Thìn (1724), sư đứng ra xây dựng chùa Quảng Nghiêm rồi giao cho đệ tử trụ trì. Sư tịch giờ Thân ngày 24 tháng 11 năm Đinh Tỵ (1737), thọ 57 tuổi. Tháp lập tại chùa Quảng Nghiêm và Phật Tích(12). Bia tháp xác định Tính Chúc Đạo Chu là đệ tử thủ tọa của Thiền sư Từ Sơn.
2.2. Ngũ gia phân phái do Thiền sư Thanh Như Chiếu soạn có ghi về Từ Sơn như: “Đệ tứ thập bát tổ, Hồng Phúc Nhất Hành tôn giả (Hành Nhất tôn giả, tác giả chú) thị Kiến châu Hương Ngãi nhân dã. Tham Tông Diễn tổ đắc yếu thiền cơ, kiến tính như nguyệt…, đại thiên đầu cơ duy hữu Đạo Chu hoàn phó pháp, hậu du tâm tịch mịch”(13). Tạm dịch: Tôn giả Hành Nhất [chùa] Hồng Phúc tổ đời thứ 48 [dòng Tào Động] là người Hương Ngãi, Kiến Châu [Kiến Xương phủ]. Sư tham học với tổ Tông Diễn được yếu chỉ thiền cơ, thấy tính như trăng…đại thiên đầu cơ chỉ có Đạo Chu [Thiền sư] trở lại phó pháp [cho vị này], sau du tâm vắng lặng (viên tịch). Tư liệu thứ hai xác định thêm sư tham học, đắc pháp với tổ Tông Diễn. Sư thuộc đời thứ 48 dòng Tào Động và trụ trì chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) và sau truyền pháp cho Đạo Chu. Đạo Chu ở đây chính là một tên khác của Thiền sư Tính Chúc mà sư viết bài tháp chí cho Từ Sơn.
2.3. Khoa cúng tổ có ghi: “… Ngãi hương chung tú, Tưởng thị đỉnh anh, thanh niên khấu giác ư Hòe Nhai, kiến tính đắc truyền ư tâm ấn… Cung duy: Động tông đệ tam tổ, Vạn Đức sơn, quảng nghiêm tự viên minh tháp cố lê sắc tứ tăng thống Tịnh Giác Hòa thượng pháp húy Từ Sơn Hành Nhất Thiền sư, tặng phong Phổ Tế hóa sinh Bồ tát…”(14). Tạm dịch: Làng Ngãi chung đúc, họ Tưởng tinh anh, tuổi thanh niên đã đến chùa Hòe Nhai, thấy tính được truyền tâm ấn… Cung kính tổ đời thứ ba tông Tào Động tháp Viên Minh chùa Quảng Nghiêm núi Vạn Đức triều Lê sắc tứ tăng thống Tịnh Giác Hòa thượng, pháp húy Từ Sơn Hành Nhất Thiền sư, phong tặng Phổ Tế Hóa sinh Bồ tát. Cứ liệu thứ ba cũng cho ngài họ Tưởng, quê làng Ngãi tức xã Hương Ngãi trong hai tư liệu trên. Đến tuổi thanh niên xuất gia tại chùa Hòe Nhai và đắc pháp tại chùa. Bài tháp chí cho “Quán nhược xuất gia, đồng chân nhập đạo” khá đúng với lời thỉnh trong khoa cúng tổ. Trong chỗ Cung duy cho biết thế hệ sau tôn ngài làm tổ đời thứ 3, tức cho ngài Thủy Nguyệt làm sơ tổ Tào Động miền Bắc, tổ thứ hai là Chân Dung và ngài là tổ thứ ba. Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ cũng đồng quan niệm đó. Sách ghi: “Pháp phái Tào Động truyền đến nước ta, tổ thứ nhất là Tổ sư Thủy Nguyệt Đạo Nam. Truyền xuống đời thứ 2 Hòa thượng Chân Dung Tông Diễn, phong tặng Đại thừa Bồ tát, khai sơn chùa Hồng Phúc, phường Hòe, tỉnh Hà Nội; truyền xuống đời thứ 3 Hòa thượng Tịnh Giác Từ Sơn; truyền xuống đời thứ 4 Hòa thượng Bản lai Tính Chúc Đạo Chu. Truyền xuống đời thứ 5 là Tăng chính Hải Điện Mật Đa Thiền sư. Truyền xuống đời thứ 6 là Hòa thượng Đạo Nguyên Khoan Dực, khai sơn chùa Đại Quang, xã Nghi Tuyền, tỉnh Bắc Ninh…”(15).
Ba tư liệu trích dẫn khá thống nhất và bổ sung cho nhau. Việc phát hiện văn bia tháp Viên Minh đã xác định rõ niên đại, quê quán, tông tộc, quá trình tu tập cũng như hoằng pháp của Thiền sư. Sư kế thừa dòng pháp Tào Động của Chân Dung và trụ trì khá nhiều chùa như Hòe Nhai, Đông Sơn, Vạn Đức (Quảng Nghiêm thiền tự). Sư được vua Lê sắc phong chức Tăng thống, ban hiệu Tịnh Giác và phong tặng Phổ Tế hóa sinh Bồ tát. Chứng tỏ, Thiền sư Từ Sơn đảm đang nhiều công việc có liên quan đến quốc gia cũng như tông giáo.
3. Trở lại vấn đề đồng nhất Thiền sư Như Sơn chính là Từ Sơn
Sự đồng nhất Như Sơn chính là Từ Sơn Hành Nhất đã được Nguyễn Lang chứng minh trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III nhưng lúc đó, tác giả chỉ đưa ra một vài chứng cứ. Điểm lôi cuốn trong cách lập luận của ông là tính truyền thừa tại chùa Hòe Nhai từ Chân Dung truyền cho Từ Sơn, Từ Sơn truyền cho Tính Chúc. Tác giả đưa ra hai lí do, lí do thứ nhất tác giả cho rằng sách Kế đăng lục ghi tiểu sử Thiền sư Thủy Nguyệt và Chân Dung. “Thiền sư Chân Dung tịch năm 1709, ai là người thừa kế, nếu không phải là ông?”(16) Lí do thứ hai, người kế thừa là Thiền sư Tính Chúc mà Kế đăng lục ghi lại là môn nhân của Như Sơn đã giúp thầy duyệt sách. Tính Chúc lại là vị tổ đời thứ 4 của chùa. Bổn sư của Tính Chúc là Như Sơn, thì Như Sơn phải là vị tổ thứ ba, trụ trì chùa Hòe Nhai. Cách lập luận của tác giả chỉ đưa hai lí do trên. Chúng tôi kế thừa ý kiến trên bổ sung thêm một số chứng cứ như:
Thứ nhất, xác định quê quán của hai vị cùng xã Hương Ngải, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, Sơn Nam(17), cùng họ Tưởng. Bia Hồng Phúc tự cổ văn bi ký ghi tục danh là Tưởng Hữu Kiên.
Thứ hai, xác định chức danh Tăng thống, một bên ghi Tăng thống Như Sơn, một bên ghi Tăng thống Tịnh Giác.
Thứ ba, có cùng niên đại sống. Bia tháp Viên Minh ghi Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất sinh năm Tân Dậu (1681), tịch năm Đinh Tỵ (1737), thọ 57 tuổi. Các tư liệu viết về Như Sơn cũng không ra ngoài khung niên đại đó. Như Sơn từng trụ trì chùa Phật Tích. Bia tháp Viên Minh xác định lập tháp tại chùa Phật Tích mà nay vẫn còn trong khu tháp sau chùa. Đã lập tháp thì phải có mối quan hệ với chùa, cho ta biết vị này có thể trụ trì.
Thứ 4, Như Sơn đã từng sống hay trụ trì hai chùa Tường Quang và Hồng Phúc. Cả hai chùa là tổ đình chính của phái Tào Động mà Thủy Nguyệt và Chân Dung xây dựng. Từ Sơn cũng đảm đương giống Như Sơn ở hai chùa này. Năm 1734, Thiền sư Như Sơn soạn sách Kế đăng lục tại chùa Hồng Phúc thì Thiền sư Từ Sơn đi đâu? Nếu không phải là một người.
Thứ 5, mối quan hệ của hai vị đều là thầy của Thiền sư Tính Chúc. Kế đăng lục, Thật tướng Bát Nhã kinh đều cho Tính Chúc là môn nhân, là đệ tử. Bia tháp Viên Minh thì cho Tính Chúc là Pháp tử thủ tọa của Từ Sơn. Bia và tháp chùa Bằng (Bình Vọng) cũng như Ngũ gia phân phái cho Tính Chúc đắc pháp với Từ Sơn. Các tư liệu sau này đều xác định thầy của Tính Chúc là Từ Sơn và truyền thừa tông Tào Động được ghi: “Pháp phái Tào Động truyền đến nước ta, tổ thứ nhất là tổ sư Thủy Nguyệt Đạo Nam. Truyền xuống đời thứ 2 Hòa thượng Chân Dung Tông Diễn, phong tặng Đại thừa Bồ tát, khai sơn chùa Hồng Phúc, phường Hòe, tỉnh Hà Nội; truyền xuống đời thứ 3 Hòa thượng Tịnh Giác Từ Sơn; truyền xuống đời thứ 4 Hòa thượng Bản lai Tính Chúc Đạo Chu. Truyền xuống đời thứ 5 là Tăng chính Hải Điện Mật Đa Thiền sư…”(18). Đây là ý chính mà Nguyễn Lang nhấn mạnh nên biết được khá chính xác Như Sơn chính là Từ Sơn Hành Nhất. Vả lại, pháp húy của vị này chỉ khác chữ “Từ” và “Như” nên có thể dịch danh trong kệ phái.
4. Tại sao sư có hai pháp húy là Như Sơn và Từ Sơn?
Về pháp húy Từ Sơn, nằm ở chữ “Từ” trong kệ phái Tào Động. Kệ phái đó truyền thừa xuyên suốt đến bây giờ. Bài kệ gồm 28 chữ như sau:
Tịnh trí thông tông
Từ tính hải khoan
Giác đạo sinh quang
Chính tâm mật hạnh
Nhân đức di lương
Tuệ đăng phổ chiếu
Hoằng pháp vĩnh truyền
Chữ “Từ” đứng sau chữ “Tông”, đứng trước chữ “Tính”, do đó đạo hiệu Từ Sơn bắt nguồn từ kệ phái nên trong tông môn Tào Động đều đề tên Từ Sơn Hành Nhất và không bao giờ ghi tên là Như Sơn.
Còn đạo hiệu Như Sơn, chúng ta thấy xuất hiện trên các tư liệu do chính ngài soạn và đề tên như Pháp giới an lập đồ, Kế đăng lục, Thật tướng Bát Nhã kinh và Hồng Phúc cổ tự bi. Đạo hiệu Như Sơn có thể do Chân Dung Tông Diễn đặt. Sư có quan hệ tông tộc với Chân Dung. Khoa cúng tổ, phần đệ tử của Chân Dung có ghi khá nhiều đệ tử xuất gia với pháp húy bằng chữ “Từ” như của Từ Sơn, hàng ưu bà tắc có pháp danh bằng chữ “Như” mà các vị Như Chiêu, Như Nho, Như Huy, Như Cúng, Như Trường, Như Thục.... Do đó, có thể tục gia Từ Sơn trước được Chân Dung đặt pháp danh là Như Sơn, rồi sư cứ thế dùng khi còn tại thế.
Một hiện tượng khác có thể xảy ra là Như Sơn được đặt theo kệ phái tông Lâm Tế, dòng Trí Bản Đột Không với câu “Chân như tính hải…”. Ta biết các Thiền sư chưa ngộ đạo thường tham học khắp nơi, không phân biệt tông phái. Pháp giới an lập đồ xác định quan hệ của Chân Nguyên và Như Sơn khi Sơn in tập sách đã có sự giao phó của Chân Nguyên. Có thể Chân Nguyên dịch danh của sư thành Như Sơn?
Mỗi khi vị nào đến tham học với Chân Nguyên, đều được Nguyên đổi tên pháp. Tiêu biểu là Thiền sư Như Tâm, trước xuất gia với Như Liên được ban pháp danh Tính Ân, sau tham học với Chân Nguyên nên Nguyên mới đổi tên Như Tâm. Sư Như Chúc chùa Bút Tháp, lúc đầu xuất gia với Như Trí, sau lên cầu đạo với Chân Nguyên được sư ban tên pháp Như Chúc. Thiền sư Như Lãm, trước xuất gia với Chân Lộc chùa Miếu được Lộc ban pháp danh Như Nguyện, sau thụ giới với Chân Nguyên được Nguyên đổi tên là Như Lãm. Do đó, Từ Sơn có thể thụ học với Chân Nguyên nên được Nguyên đổi theo kệ phái dòng Lâm Tế là Như Sơn.
Tóm lại, nhờ kế thừa ý kiến đi trước, bổ sung thêm các tư liệu Hán Nôm, chúng tôi khảng định chắc chắn Thiền sư Như Sơn chính là Từ Sơn. Việc đồng nhất này có giá trị khoa học, giúp ta xác định rõ về con người của Như Sơn, chứ không nên phân biệt làm hai vị, gây ngộ nhận đáng tiếc. Bước đầu khảo sát kỹ về Như Sơn sẽ làm tiền đề cho quá trình tìm hiểu các tác phẩm của ngài, nhất là sách Kế đăng lục mà nhiều người quan tâm.
Chú thích:
(1). Hội Phật giáo Bắc kỳ có nhờ Trường Viễn đông Bác cổ hỗ trợ cho in bộ Việt Nam Phật điển tùng san gồm 8 tập mà tập cuối là Kế đăng lục. Sách in ra vẫn dùng ván chùa Nguyệt Quang nên hai bản in giống nhau, chỉ khác một vài nội dung nhỏ.
(2). Tham khảo Tào Động chính tông lịch đại tổ sư khoa (còn gọi là cúng tổ khoa) lưu tại chùa Hòe Nhai (Hà Nội) có viết các đường thỉnh các tổ sư Tào Động và văn bia tháp trước chùa.
(3). Thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 275/276/289/290. Câu trích trên ở thác bản kí hiệu 290.
(4). Bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AC. 632.
(5). Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi, phần Bản quốc chư tổ kế đăng, tờ 114a.
(6). Phiên âm: “Yên Tử sơn Long Động tự Trúc Lâm tăng thống Chính Giác Hòa thượng tự Chân Nguyên phó chúc thiện hộ niệm Đông Sơn Tường Quang tự Sa di tăng tự Như Sơn trùng san” (Trùng san Pháp giới an lập đồ tự, 1a).
(7). Bản lưu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tờ 1, kí hiệu AC. 436.
(8). Ngũ tông yếu lược, phần tự dẫn (AC. 458), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(9). Ông này chuyên viết chữ trong các bản in như Kế đăng lục, Ngũ chủng bồ đề yếu nghĩa, Tứ thập bát nguyện kinh.
(10). Tham khảo bản dịch cũng như bài nghiên cứu Văn bia tháp Viên Minh trong Văn hóa Phật giáo, số 142.
(11). Muốn rõ xin đọc bài “Văn bia tháp Viên Minh” trong tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 142 của chúng tôi.
(12). Ngũ Gia phân phái, tờ 34a.
(13). Tào Động chính tông lịch đại tổ sư khoa, bản chép, chùa Hòe Nhai, Hà Nội.
(14). Phúc Điền Hòa thượng, Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ, tờ 16a.
(15). Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb. Lá Bối, San Jose CA - USA, 1993, tr. 174.
(17). Ngũ gia phân phái của Thiền sư Thanh Như Chiếu cũng ghi: “Đệ tứ thập bát tổ Hồng Phúc Nhất Hành (Hành Nhất, tác giả chú) tôn giả, thị Kiến Châu Hương Ngãi nhân dã” nghĩa là tôn giả Hành Nhất chùa Hồng Phúc tổ đời thứ 48 người quê Hương Ngãi, Kiến Châu.
(18). Phúc Điền, Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ.
Tài liệu tham khảo:
1.Văn bia Chí tháp (tức văn bia tháp Viên Minh tại chùa Vạn Đức), thác bản tủ sách Pháp Đăng.
2.Văn bia Hồng Phúc tự cổ văn bi ký thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 275/276/289/290.
3.Tào Động chính tông lịch đại tổ sư khoa (còn gọi là cúng tổ khoa) lưu tại chùa Hòe Nhai (Hà Nội).
4.Ngũ tông yếu lược (AC. 458), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
5.Ngũ gia phân phái (AC 502), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
6.Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi của Hòa thượng Phúc Điền, bản in năm Thiệu Trị thứ 4 (1894).
7.Thiền uyển truyền đăng lục, quyển hạ của Phúc Điền Hòa thượng, tủ sách Pháp Đăng.
8.Kế đăng lục, bản in năm 1907, chùa Nguyệt Quang tàng bản. Tủ sách Pháp Đăng.
9.Phật thuyết quán Di Lặc Bồ tát thượng sinh Đâu Suất Đà thiên kinh (AC. 436), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
10.Thật tướng Bát Nhã ba la mật kinh (AC 632), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
11.Chuẩn Đề Nghi quỹ (AC. 452), Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
12.Pháp giới an lập đồ, bản in năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), chùa Linh Quang (Bà Đá) tàng bản.
13.Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận III, Nxb. Lá Bối, San Jose CA - USA, 1993.
14.Tuyển tập Văn bia Hà Nội, quyển 1, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1978.
(Thông báo Hán Nôm học 2012,tr.197-209)
|