Personal Information
Danh Tánh
|
TS Tuyết Phong Nghĩa Tồn
|
|
Gender | ♂️ Male |
Hành Trạng
Additional Info
THIỀN SƯ TUYẾT PHONG NGHĨA TỒN PHÁP TỰ ĐỜI THỨ NĂM của THANH NGUYÊN HÀNH TƯ PHÁP TỰ của ĐỨC SƠN TUYÊN GIÁM Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn ở Phước Châu, là người Nam An Tuyền Châu, họ Tăng. Gia đình sư nhiều đời tín phụng Phật, sư sinh ra chán ghét ăn thức ăn mặn tanh tưởi. Lúc còn nằm trong địu, chỉ cần nghe chuông trống hoặc tiếng tụng kinh của chùa miếu, hoặc giả thấy phướn hoa hay các tượng tại chùa Phật thì trên mặt lộ thần tình hiếu kỳ và chuyên chú. Năm 12 tuổi, sư theo cha đi du lãm chùa Ngọc Giản ở Bồ Điền, gặp luật sư Khánh Huyền, lập tức quì xuống đất nói: - Sư là thầy của con ! Rồi ở luôn lại làm thị giả. Năm 17 tuổi, sư xuống tóc rồi đến núi Phù Dung tham yết Đại sư Thường Chiếu. Đại sư Thường Chiếu nuôi nấng, rất thương mến và thập phần coi trọng, về sau, sư tới chùa Bảo Sát ở U Châu thọ giới cụ túc. Về sau nữa sư di chuyển đến các Thiền hội, rốt lại khế duyên với Hòa thượng Đức Sơn (và chính tại nơi đây sư được truyền tâm pháp). Trong khoảng niên hiệu Đường Hàm Thông (860 - 874), sư trở về đất Mân (Phước Châu), lên ngọn Tuyết Phong núi Tượng Cốt, dựng viện, học đồ tấp nập đến nương học. Vua Đường Ý Tông tứ hiệu Chân Giác Đại Sư, lại ban cho một nếp cà-sa tía. Có tăng nhân hỏi sư: - Tổ ý và Giáo ý, giống và khác nhau chỗ nào? Sư đáp: - Tiếng sấm chấn động đất trời, mà trong nhà lại chẳng nghe gì. Sư lại hỏi: - Ông đi hành cước để làm gì? Tăng lại hỏi: - Tâm nhãn của con vốn chánh, nhưng do Hòa thượng dạy dỗ hóa thành tà. Lúc đó biện biệt cách nào? Sư nói: - Kẻ mê gặp được Đạt Ma. Chú: Nguyên văn ‘Mê phùng Đạt Ma’ tức 'kẻ mê muội gặp được Tổ sư Đạt Ma’. Ông tăng đó nói: - Có thể tìm thấu tâm nhãn của con không? Sư nói: - Nếu được thì đã không theo thầy? Tăng lại hỏi: - Sau khi xuống tóc và đắp y nhận được phước ấm và che chở của Phật, thế tại sao không cho tìm Phật? Sư nói: - Sự việc tốt không bằng vô sự ! * Sư hỏi tọa chủ (1): - Hai chữ ‘Như vầy’ (Tôi nghe) đều là khoa văn, thế nào là bổn văn (2)? Tọa chủ không lời đối đáp. Chú (1): Tọa chủ hay còn gọi là tòa chủ chỉ trong một pháp tòa, người có đầy đủ học vấn và hạnh kiểm kham nổi việc làm thượng thủ trong tòa. (2) Khoa văn, bổn vãn: Vì phương tiện giải thích kinh luận mà đem nội dung phân chia thành các đoạn, lại đem văn tự tinh giản ách yếu mà nêu rõ ý các đoạn gọi là khoa văn cũng còn gọi là khoa chương, khoa tiết, khoa đoạn, phân khoa. Còn chưa phân chia thì gọi là bổn văn. Hỏi: - Có người hỏi trong ba thân thì thân nào không tùy theo số? Người xưa đáp: ‘Ta từ trong đó thi thiết’ ý chỉ thế nào? Sư nói: - Lão này chín lần chuyển lên Động Sơn. Tăng định hỏi nữa, sư nói: - Hãy lôi ông tăng này đi ! * Tăng hỏi: - Thế nào là chuyện giáp mặt trình nhau? Sư nói: - Ngàn dặm cũng không kể là xa. Hỏi: - Thế nào là tướng đại nhân? Sư nói: - Có phần được chiêm ngưỡng đạo phong của Tổ sư. Hỏi: - Bồ-tát Văn Thù và cư sĩ Duy Ma, hai vị này đã nói chuyện gì? Sư đáp: - Không kẹt nơi giáo nghĩa. Hỏi: - Lúc lặng lờ không nương tựa vào đầu thì thế nào? Sư đáp: - Cũng vẫn còn bệnh. Hỏi: - Qua khỏi cảnh giới ấy chăng? Sư đáp: - Thuyền xuống Dương Châu. Hỏi: - Từ xưa đến giờ có đại đức nói... Sư vừa nghe ông tăng nói tới đó, bèn ra bộ buồn ngủ. Qua một lúc sau, sư trở dậy nói: - Mới vừa rồi hỏi cái gì? Ông tăng liền lập lại một thôi, sư nói: - Ông là gã sống luống (uổng), chết bậy ! Hỏi: - Đốì với thuật bắn cung của xạ thủ, sư có khán pháp gì? Sư nói: - Phàm là tay hảo thủ, thì bắn không trúng đích. Hỏi: - Như quả đều là ‘mắt’ mà không phải ‘đích’ thì biện biệt cách nào? Sư nói: - Điều đó tùy phận mà động. Hỏi: - Người xưa nói: ‘Trên đường gặp bậc thông đạt đạo Thiền, đã không dùng lời lẽ để giao lưu, lại cũng không im lặng đối xử, không biêt còn có biện pháp nào để câu thông với ông ta ? Sư nói: - À cái đó hả, uống trà đi ! * Sư hỏi một ông tăng: - Từ đâu đến? Tăng đáp: - Từ Thần Quang đến. Sư nói: - Ban ngày có ánh sáng mặt trời, ban đêm có ánh sáng đèn lửa. Không biết cái gì là thần quang? Ông tăng không đối đáp được, sư bèn tự nói: - Ánh sáng mặt trời, ánh sáng lửa. * Điển tọa tên Thê hỏi: - Người xưa từng nói qua: ‘Biết sự tình hướng thượng của Phật mới có phần nói năng’, trong đó chỉ nói lời gì? Sư chộp lấy Điển tọa nói: - Ông nói xem, ông nói xem ! Điển tọa Thê không biết phải nói cái gì. Sư bèn dùng một chân đá ông ta té nhào. Điển tọa Thê đứng dậy mồ hôi ra ướt cả lưng. * Sư hỏi một ông tăng: - Từ đâu đến? Tăng đáp: - Vừa từ Chiết Trung đến. Sư hỏi: - Ông đi thuyền đến hay là đi đường bộ đến? Tăng đáp: - Không theo đường thủy đến, mà cũng không theo đường bộ đến. Sư hỏi: - Vậy ông làm sao đến được? Tăng đáp: - Có gì ngăn cách đâu mà đến không được. Tuyết Phong liền đánh ông ta. * Có tăng hỏi: - Người xưa từng nói: ‘Giáp mặt tương trình’ có đúng không? Sư đáp: - Đúng đấy ! Ông tăng ấy lại hỏi: - Thế nào là giáp mặt tương trình? Tuyết Phong chỉ nói: - Ôi trời ôi ! Ối trời ôi ! (Thương thiên ! Thương thiên !) * Sư hỏi một ông tăng: - Con trâu tơ này được bao nhiêu tuổi? Ông tăng không lời đối đáp, sư bèn tự nói: - Được 77 tuổi rồi ! Ông tăng cảm thấy kỳ quái hỏi: - Hòa thượng sao lại tự cho mình là con trâu tơ? Sư nói: - Điều đó có tội lỗi gì đâu ? * Sư hỏi tăng: - Định đi về đâu? Tăng đáp: - Đi lễ bái Hòa thượng Kính Sơn. Sư hỏi: - Nếu Kính Sơn hỏi ông nơi đây Phật pháp thế nào, thì ông hồi đáp ra sao? Tăng đáp: - Đợi hỏi sẽ nói. Sư bèn dùng gậy bổ. Sau đó, sư đem chuyện này thuật lại Đạo Phổ (Đại sư Cảnh Thanh Thuận Đức) hỏi: - Tăng ấy lỗi ở chỗ nào đến nỗi phải ăn gậy của ta? Đạo Phổ nói: - Hỏi Kính Sơn triệt tiêu được khốn khó. Sư nói: - Kính Sơn ở tận Chiết Trung, ông làm sao mà tới đó hỏi ông ta để tiêu trừ khôn khó? Đạo Phổ nói: - Há không nghe nói: ‘Hỏi xa, đáp gần’ đó sao? Sư liền thôi. * Ngày kia, sư nói với Tuệ Lăng: - Ta thấy Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn: ‘Chư Thánh từ trước đi về đâu?’ thì Ngưỡng Sơn đáp: ‘Hoặc ở trên trời, hoặc tại cõi người’. Ông nói xem ý Ngưỡng Sơn thế nào? Tuệ Lăng đáp: - Nếu nói về chỗ chư Thánh hiện ra và mất đi, thì nói cách nào cũng không đúng. Sư nói: - Ông hoàn toàn không đồng ý với Ngưỡng Sơn, nhưng thảng hoặc có ai đó hỏi ông thì ông đối đáp thế nào? Tuệ Lăng nói: - Chỉ nói lầm rồi ! Sư nói: - Đúng là ông không lầm ! Tuệ Lăng nói: - Nào có khác chi lầm?! * Sư hỏi tăng: - Rời nơi nào đến? Tăng đáp: - Rời Giang Tây. Sư hỏi: - Giang Tây cách đây bao xa? Tăng đáp: - Không xa mấy. Sư dựng cây xơ quất lên nói: - Cách cỡ cái này không? Tăng đáp: - Nếu cách cỡ cái đó thì là xa lắm. Sư liền đánh. * Tăng nói: - Kẻ học trò này mới vào tùng lâm, xin sư chỉ cho con đường ngộ nhập ! Sư nói: - Thà là chịu nát thân như tro bụi, chứ không dám làm mù mắt một ông tăng. * Tăng hỏi: - Chuyện sau 49 năm không hỏi, chỉ hỏi trước 49 năm là thế nào? Sư lấy cây xơ quất đánh vô miệng tăng. * Có ông tăng từ giã sư ra đi, đến tham yết Linh Vân hỏi: - Phật chưa xuất thế thì thế nào? Linh Vân dựng cây xơ quất, tăng lại hỏi: - Sau khi xuất thế thì thế nào ? Linh Vân cũng đưa cây xơ quất lên. Ông tăng ấy trở về, sư hỏi: - Xà-lê mới đi gần đây, sao mà quay về mau thế? Tăng đáp: - Con đây tới chỗ Linh Vân hỏi Phật pháp không khế hợp nên quay về. Sư hỏi: - Ông hỏi chuyện gì? Tăng thuật lại sự việc, sư nói: - Ông hãy hỏi đi ta sẽ nói cho ông nghe ! Tăng liền hỏi: - Phật chưa xuất thế thì thế nào? Sư dựng cây xơ quất, lại hỏi: - Sau khi xuất thế thì thế nào? Sư hạ cây xơ quất xuống, tăng lễ bái. Sư liền đánh. Nhân nêu câu nói của Lục Tổ ‘Không phải gió động, không phải phướn động, chính tâm nhân giả động’ để hỏi, sư nói: - Đại tiểu Tổ sư đầu rồng, đuôi rắn, đáng nện 20 gậy ! Lúc đó, thượng tọa Thái Nguyên Phu đang đứng hầu nghe nói nghiến răng. Sư lại nói: - Điều ta vừa mới nói cũng đáng ăn 20 gậy ! * Sư hỏi Tuệ Toàn: - Ông nếu được ngộ nhập thì làm gì? Tuệ Toàn nói: - Cùng Hòa thượng thương lượng. Sư nói: - Thương lượng chỗ nào? Tuệ Toàn nói: - Thương lượng xem đi nơi nào. Sư nói: - Ông được con đường ngộ nhập rồi lại như thế nào? Tuệ Toàn không biết hồi đáp như thế nào, sư liền đánh. * Toàn Thản hỏi: - Đất bằng cỏ thấp, hươu nai thành bầy. Làm thế nào bắn được con hươu chúa? Sư gọi: - Toàn Thản ! Thản lên tiếng dạ, sư nói: - Uống trà đi ! * Sư hỏi tăng: - Gần đây rời chỗ nào? Tăng đáp: - Rời Qui Sơn, con từng hỏi Hòa thượng Qui Sơn: ‘Tổ sư Đạt Ma từ Tây Thiên qua Đông Độ, truyền dương chỉ ý gì ?’. Hòa thượng Qui Sơn ngồi im không hồi đáp câu hỏi của con. Sư nói: - Ông khẳng nhận Qui Sơn không? Tăng đáp: - Mỗ giáp đây không khẳng nhận ông ta. Sư nói: - Qui Sơn là con của Phật xưa đấy, ông hãy mau trở lại đó lễ bái sám hối ! Huyền Sa Sư Bị nói: - Lão già trên núi còn sai trật hơn Qui Sơn ! * Tăng hỏi: - Kẻ học này nói không tới chỗ, thỉnh sư nói ! Sư nói: - Ta vì pháp tiếc người. * Sư dựng cây xơ quất lên khải thị một ông tăng, tăng ấy liền ra đi. Sư hỏi Tuệ Lăng: - Người xưa nói ‘Trước ba mươi ba, sau lại ba mươi ba , ý chỉ cái gì? Tuệ Lăng liền đi ra. * Sư hỏi tăng: - Từ đâu tới? Tăng đáp: - Từ Lam Điền tới. Sư nói: - Sao mà không vào cỏ? Tăng hỏi: - Đại sự làm thế nào? Sư chộp tay ông tăng nói: - Thượng tọa đem việc này hỏi ai? * Có tăng đến lễ bái, sư đập năm gậy, tăng hỏi: - Con lỗi ở chỗ nào đâu? Sư lại bổ thêm năm gậy, rồi nạt đuổi * Sư hỏi tăng: - Từ đâu tới? Tăng đáp: - Từ bên ngoài vùng Lĩnh đến. Sư hỏi: - Có gặp Tổ sư Đạt Ma không vậy? Tăng nói: - Ban ngày, ban mặt. Sư nói: - Còn tự kỷ thì thế nào? Tăng nói: - Rốt lại là thế nào? Sư liền đánh. * Sư đưa tăng ra đi, bước được năm ba bước lại gọi: - Thượng tọa ! Tăng quay đầu lại, sư nói: - Trên đường nên cẩn thận ! * Tăng hỏi: - Giơ chùy, dựng cây xơ quất, chẳng thừa đương Tông thừa. Hòa thượng thì thế nào? Sư dựng cây xơ quất lên, ông tăng cúi đầu đi ra. Sư cũng chẳng để ý đến. * Tăng hỏi: - Ba thừa, mười hai giáo là do phàm phu khai diễn hay không do phàm phu khai diễn? Sư đáp: - Chẳng tiêu một nhánh dương liễu. * Sư nói với Cảnh Thanh Đạo Phổ rằng: - Xưa kia có vị lão túc dẫn một quan nhân đi quanh các đường trong chùa nói: ‘Ở đây bất cứ chúng nào cũng là tăng nhân học Phật pháp’. Vị quan nhân nói: ‘Mạt vàng tuy quí nhưng làm sao cho vô mắt được?’. Lão túc không lời đối đáp. Cảnh Thanh nói thay: - So ra ném gạch dẫn ngọc. * Sư thượng đường dựng cây xơ quất lên nói: - Cái này vì người trung và hạ căn. Tăng hỏi: - Nếu người thượng căn đến thì thế nào? Sư đưa cây xơ quất lên, tăng nói: - Cái đó là trung hạ căn. Sư bèn đánh ông ta. * Hỏi: - Quốc sư Tuệ Trung ba lần gọi thị giả, ý chỉ là gì? Sư bèn đứng dậy vào phương trượng. * Sư hỏi tăng: - Kiết hạ năm nay, an cư tại đâu? Đáp: - Dũng Tuyền (có nghĩa là suối phun). Sư hỏi: - Phun suốt hay phun tạm thời? (Hỏi kiểu chơi chữ !) Tăng nói: - Hòa thượng hỏi không nhằm rồi! Sư hỏi: - Ta hỏi không nhằm à? Tăng đáp: - Đúng thế! Sư bèn đánh. * Nhân buổi lao động tập thể đến trang trại, dọc đường gặp khỉ nhĩ hầu, sư nói: - Bọn súc sanh này, mỗi con đều vác một tấm gương xưa, tước trộm lúa của sơn tăng ta. Tăng nói: - Bao kiếp chẳng có tên, vì sao lại nêu tên là gương xưa? Sư nói: - Vết trầy của ngọc sanh ra. Tăng nói: - Thật là cạn cợt quá lắm, thoại đầu mà cũng không biết. Sư nói: - Tội lỗi của lão tăng ! * Mân súy thí cúng tiền và giường nằm, tăng hỏi: - Hòa thượng nhận Đại vương thí cúng như thế, lấy gì báo đáp? Sư lấy tay nâng một nắm đất lên nói: - Đánh ta ít thôi ! Tăng hỏi Sơ Sơn: - Tuyết Phong nói: ‘Đánh ta ít thôi’, là ý thế nào? Sơ Sơn đáp: - Trên đầu trồng dưa, thòng đuôi tới tận gót chân. * Tăng hỏi: - Nuốt Tì Lô thì thế nào? Sư nói: - Phước Đường trở về được bình an không? * Sư nói với chúng rằng: - Nếu ta nói Đông, nói Tây thì các ông sẽ tìm lời rượt đuổi câu cú. Còn nếu ta kín nhiệm như con linh dương treo sừng thì các ông biết đâu mà mò. Tăng hỏi bảo Phước: - Như Tuyết Phong nói dạy như thế, thì sao là như linh dương treo sừng? Bảo Phước đáp: - Há chẳng phải là làm tiểu sư cho Tuyết Phong cũng chẳng được chăng? Sư trụ Mân Xuyên hơn 40 năm, học giả mùa đông hay hạ đều không dưới 1.500 người. Năm thứ hai đời Lương Khải Bình, nhằm tháng 3 năm Mậu Thìn bị bệnh. Mân súy sai thầy thuốc đến chẩn trị, sư nói: - Ta không phải bệnh đâu ! Rốt lại cũng không uống thuốc, để lại kệ và giao lại pháp. Ngày mùng 2 tháng 5, sáng đi chơi Lam Điền, chiều về tắm rửa thân thể, giữa đêm qua đời, thọ 87 tuổi, lạp thọ 59. Dị bản chép: Thiền sư Tuyết Phong phương tiện khai thị tập thuật mục đích căn bản của chư Phật và Tổ sư xuất thế cùng bước đường trải qua từ đầu đến cuối của các ngài, ai nghe qua cũng đều cảm thương. Qua ngày mùng 3 tháng giêng năm sau, sư ngồi kiết già mà qua đời. Nay tại núi Tuyết Phong, ảnh đường vẫn còn tồn tại. Sắc thụy Hoằng Giác Đại Sư, tháp tên Viên Tịch. Phần phụ lục: Ban đầu, Nghĩa Tồn cùng Nham Đầu hành cước đến trấn Ngao Sơn Lễ Châu (nay là dãy Lễ huyện Hồ Nam), gặp tuyết rơi dầy đành phải tạm thời dừng lại. Nham Đầu suốt ngày chỉ ngủ vùi, còn Nghĩa Tồn thì cứ lo ngồi Thiền. Ngày nọ, Nghĩa Tồn kêu giật dậy: - Sư huynh ! Sư huynh ! Thức dậy thôi ! Nham Đầu hỏi: - Chuyện gì vậy? Nghĩa Tồn nói: - Đời này không nắm thời cơ, cùng gã Văn Thúy đi hành cước, đến bên ngoài bị hắn làm lỡ việc. Như nay đến đây huynh lại chỉ lo ngủ vùi. Nham Đầu quát nạt bảo: - Ăn đi! Ngủ đi! Tối ngày ngồi lì trên giường, giống như ông thổ địa trong xóm nhỏ, định ngày sau mê hoặc nam nữ nhà người chăng? Nghĩa Tồn lấy tay chỉ vào ngực mình nói: - Đệ trong này vẫn không an ổn đây, không dám dối trá ! Nham Đầu nói: - Ta những tưởng sư đệ ngày sau lên đỉnh cô phong cất thảo am hoằng dương đại giáo, dè đâu lại nói những lời lẽ như thế. Nghĩa Tồn nói: - Đệ đúng là không an ổn đấy ! Nham Đầu nói: - Đệ nếu đúng là như thế, hãy đem kiến giải của mình nhất nhất nói ra ! Nếu đúng thì ta chứng minh cho, còn nếu không đúng thì ta trừ bỏ cho đệ. Nghĩa Tồn nói: - Đệ ban sơ đến chỗ Thiền sư Diêm Quan, gặp lúc sư thượng đường, giảng về đạo lý ‘Sắc tức thị không’ khiến đệ lãnh hội được con đường ngộ nhập. Nham Đầu nói: - Trong vòng 30 năm không nên thuật lại chuyện này. (Nghĩa Tồn lại nói): - Kế lại xem đến bài kệ ‘Quá thủy’ của Thiền sư Động Sơn Lương Giới: ‘Nhất thiết không cầu người bên ngoài. Người bên ngoài cùng ta xa lạ... Hắn đây chính thật là ta. Ta nay đây không phải là hắn...’. Nham Đầu nói: - Nếu quả như thế, cứu lấy chính mình còn không kịp ! Nghĩa Tồn lại nói: - Về sau lại hỏi Thiền sư Đức Sơn: ‘Chuyện trong Tông môn từ trước, kẻ học này có thể hiểu biết chăng?’. Đức Sơn bổ đệ một gậy nói: ‘Nói cái gì?’. Đệ lúc đó như chiếc thuyền lủng đáy. Nham Đầu nạt: - Đệ không từng nghe nói sao: ‘Cái gì từ ngoài cổng vào đều không phải là của báu nhà mình’. Nghĩa Tồn hỏi: - Vậy từ nay về sau phải thế nào? Nham Đầu đáp: - Từ đây về sau, nếu muôn hoằng dương đại giáo, tất nhất nhất đều phải từ trong ngực mình tuôn ra, tương lai cùng ta giáo hóa người thiên hạ. Nghĩa Tồn vừa nghe liền triệt để lãnh hội, vội đứng dậy kính lễ Nham Đầu, luôn mồm nói: - Sư huynh ôi ! Hôm nay mới chính là tại Ngao Sơn thành đạo ! (Ngao Sơn là Bắc bộ Thường Đức Hồ Nam, nơi Tuyết Phong được sư huynh Nham Đầu khải thị đại ngộ). (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7) * Sau khi sư làm trụ trì, có ông tăng hỏi: - Hòa thượng tham kiến Đức Sơn được cái gì để hoàn thành đại sự? Sư đáp: - Tay không đến, tay không về. (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7) * Ngày nọ, sư đốt lửa tại tăng đường, đóng hết cả cửa trước lẫn sau rồi la toáng lên: - Chữa lửa ! Chữa lửa ! Huyền Sa Sư Bị cầm một miếng củi ném qua song cửa sổ, sư liền mở cửa ra. (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7) * Sư hỏi tăng nhân: - Gần đây rời xa chỗ nào? Tăng nhân đáp: - Rời Phúc Thoàn (Phúc Thoàn là tên trú xứ của Thiền sư Phúc Thoàn, đồng thời theo nghĩa đen có nghĩa úp chìm thuyền). Sư hỏi: - Bể sanh tử chưa vượt qua sao lại vội lật úp thuyền? Tăng nhân không lời đối đáp, bèn trở về thuật lại với Phúc Thoàn. Thiền sư Phúc Thoàn nói: - Sao ông không nói y không có sanh tử? Tăng nhân liền trở qua nói câu đó với Nghĩa Tồn, sư nói: - Đây không phải lời nói của ông ! Tăng nhân nói: - Quả thật đó là lời nói của Thiền sư Phúc Thoàn ! Sư nói: - Ta có 20 gậy gởi đánh Phúc Thoàn, hai mươi gậy tự đánh lão tăng ta, còn ông không can chi. (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 7) * Có ni cô Huyền Cơ Tịnh Cư Ôn Châu, được độ xuất gia năm Cảnh Vân đời Đường. Ni thường tu tập Thiền định trong hang đá núi Đại Nhật. Một ngày kia, ni cô tự nghĩ rằng: ‘Pháp tánh trạm nhiên, vốn không tới lui. Ghét chốn ồn ào đi tìm nơi tịch lặng há là đạt sao?’. Bèn đến tham yết Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi: - Cô từ đâu tới? Ni cô đáp: - Từ núi Đại Nhật tới. Phong hỏi: - Mặt trời lên chưa vậy ? Ni cô đáp: - Nếu lên thì đã nung chảy đỉnh tuyết (Tuyết Phong) rồi còn gì? Tuyết Phong hỏi: - Cô tên gì? Ni cô đáp: - Huyền Cơ (nghĩa đen là chiếc máy dệt). Tuyết Phong hỏi: - Ngày dệt nhiều ít? Ni cô đáp: - Tấc tơ chẳng dính. Chú: Nguyên văn ‘Thốn ty bất quải’ hàm ý chỉ không còn vướng chút trần thức nào. Ni cô bèn lễ bái lui ra, vừa bước được năm ba bước. Tuyết Phong gọi giật lại: - Góc áo cà-sa phết đất kìa ! Ni cô quay đầu lại nhìn, Tuyết Phong hóm hỉnh nói: - Đúng là ‘Tấc tơ chẳng dính’ đây ! (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 2) |
Contact Information
Phone
|
Array |
Address | Array |